‘Tự đánh bại’: Cuộc ‘cách mạng văn hóa’ mới của giới tinh hoa Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà quan sát cho rằng, chính việc Mỹ lo sợ và tự bị đánh bại mình, chứ không phải vì Trung Quốc thật sự có năng lực, mới là nguyên nhân chính khiến Trung Quốc có thể đạt được vị thế mà họ mong muốn.

Tháng 12/2009, tổ chức thống kê ngôn ngữ Global Language Monitor (Mỹ) đã tuyên bố rằng "Sự trỗi dậy của Trung Quốc" là câu chuyện thời sự lớn nhất trong thập kỷ qua. Vào thời điểm đó, GDP của Trung Quốc chỉ đạt hơn 5 nghìn tỷ USD và vẫn chưa vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Hơn một thập kỷ trôi qua, GDP danh nghĩa của Trung Quốc đã đạt gần 17 nghìn tỷ USD. Quốc gia này đã tự khẳng định mình là nền tảng của hầu hết mọi chuỗi cung ứng toàn cầu lớn và đang bắt đầu tích lũy vốn quân sự với tốc độ chóng mặt.

Sự thách thức của Trung Quốc đối với Washington đã ngày một lớn, thậm chí là gay gắt trong những năm gần đây. Chính quyền Biden đang lặp lại nhận định của cựu Tổng thống Donald Trump rằng Trung Quốc là một đối thủ đầy tham vọng đang muốn “qua mặt” Hoa Kỳ để trở thành bá chủ thế giới.

Và điều giới chính khách Hoa Kỳ lo lắng, theo một nghĩa nào đó, đã đến. Việc Ngoại trưởng Antony Blinken bị bẽ mặt trong cuộc hội đàm Mỹ - Trung ở Alaska là bằng chứng cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã trở nên tự tin, thậm chí là huênh hoang khi tự coi mình ngang hàng với Mỹ. Phản ứng rụt rè của ông Blinken trước những lời lẽ đầy xúc phạm của ĐCSTQ tại cuộc họp khiến người ta nghĩ rằng việc Trung Quốc soán ngôi Mỹ là điều sẽ sớm xảy ra.

Một cuộc thăm dò vào tháng 10/2020 của Pew Research cho thấy, ngay cả khi hình ảnh về Trung Quốc trở nên xấu xí đi khi đại dịch bùng phát, thì đa số người dân ở các nước phát triển hiện vẫn coi Trung Quốc là cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy thập niên 2020 chắc chắn sẽ là một giai đoạn vô cùng thách thức đối với quốc gia đông dân nhất thế giới này. Ngay cả khi GDP vẫn tăng trưởng trên danh nghĩa, thì chỉ tính riêng những yếu tố nội sinh cũng đủ để ngăn đà trỗi dậy của quốc gia này.

Tuy nhiên, chính quyền Biden lại vô cùng lúng túng trong việc xây dựng một chiến lược hiệu quả về vấn đề Trung Quốc. Việc Ngoại trưởng Blinken nhìn nhận Bắc Kinh như một “đối thủ cạnh tranh, cộng tác viên và kẻ thù” gộp hết làm một đã tạo ra những chính sách đầy nhu nhược và mang tính ru ngủ.

Các nhà quan sát cho rằng, chính việc Mỹ lo sợ và tự bị đánh bại mình, chứ không phải vì Trung Quốc thật sự có năng lực, mới là nguyên nhân chính khiến Trung Quốc có thể đạt được vị thế mà họ mong muốn.

Đánh giá quá cao về Trung Quốc

Đánh giá quá cao về Trung Quốc đang là quan điểm chủ yếu trong diễn ngôn của người Mỹ, và họ những lý do chính đáng: Tăng trưởng GDP, tăng trưởng vốn quân sự và đầu tư cơ sở hạ tầng là những chỉ số quan trọng mà Trung Quốc đã hoặc đang trên đà vượt qua Mỹ.

Công nhân đang gỡ một phông diễn đàn Vành đai và Con đường bên ngoài địa điểm của diễn đàn ở Bắc Kinh ngày 27/4/2019. (Greg Baker / AFP qua Getty Images)
Các dự án như Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường và Made in China 2025 của Bắc Kinh đã khiến nhiều nhà quan sát nước ngoài thán phục, mặc dù trên thực tế chúng giống như các bài tập xây dựng thương hiệu hơn là các chiến lược lớn chặt chẽ và bài bản. (Greg Baker / AFP qua Getty Images)

Các dự án như Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường và Made in China 2025 của Bắc Kinh đã khiến nhiều nhà quan sát nước ngoài thán phục, mặc dù trên thực tế chúng giống như các bài tập xây dựng thương hiệu hơn là các chiến lược lớn chặt chẽ và bài bản. Đất nước này cũng đang đạt được những bước tiến trong đổi mới và nghiên cứu, một lĩnh vực từ trước đến nay được coi là gót chân Achilles của Trung Quốc. Tổ chức Nature Index cho biết, vào năm 2020, Trung Quốc đạt được số lượng nghiên cứu rất lớn, tương đương với khoảng 70% số lượng của Hoa Kỳ, vượt xa so với vị trí thứ ba là Đức. Tuy nhiên, Nature Index cũng cho biết, phần lớn trong số này là những báo cáo khoa học gian lận hoặc vô giá trị.

Với những dữ liệu này, cộng với quan điểm lạc quan phổ biến về Trung Quốc, khiến cho những tiếng nói đối lập rất khó cất lên. Tuy nhiên, chúng vẫn tồn tại, “những người hoài nghi Trung Quốc” tin rằng sức mạnh của Trung Quốc đang bị thổi phồng quá mức và không bền vững, thậm chí hoàn toàn là ảo tưởng.

Người hoài nghi Trung Quốc nổi tiếng nhất, chắc chắn là luật sư và tác giả Gordon Chang. Ông được biết đến nhiều nhất với cuốn sách Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc. Người nổi tiếng khác trong số này có lẽ là Peter Zeihan. Từng là phó chủ tịch của nhóm nghiên cứu địa chính trị hàng đầu Stratfor, ông Zeihan đã viết 3 cuốn sách có chung lập luận rằng các quốc gia trên thế giới (và đặc biệt là Trung Quốc) đang hoàn toàn tuân theo chính sách đối ngoại của Mỹ.

Trong tác phẩm đầu tiên và nổi tiếng nhất của mình, Siêu cường tình cờ (2014), Zeihan chỉ ra rằng khủng hoảng nhân khẩu học của Trung Quốc, địa lý đầy thách thức và sự phụ thuộc vào nhập khẩu thực phẩm, năng lượng là những điểm yếu không thể vượt qua của đất nước này. Nếu Mỹ quyết định ngừng bảo vệ các tuyến đường biển của thế giới, nạn cướp biển giữa các quốc gia sẽ quay trở lại ngay lập tức. Cùng với đó sẽ là sự sụp đổ của hệ thống toàn cầu, sự cạn kiệt hàng nhập khẩu mà Trung Quốc cần để tồn tại, và do đó, Trung Quốc sẽ sụp đổ một cách nhanh chóng với tư cách là một chính thể thống nhất.

Trung Quốc gần như không có khả năng đe dọa vị thế siêu cường của Mỹ

Thực tế, với tài sản bình quân đầu người ở mức trung bình, cùng với một loạt những vấn đề về thể chế không thể giải quyết, Trung Quốc gần như không có khả năng gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với vị thế siêu cường của Mỹ trong những thập kỷ tới.

Tác giả Michael Beckley, trong cuốn sách Không đối thủ (2018) lập luận rằng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc phần lớn là ảo tưởng và là hệ quả của việc quá tập trung vào các chỉ số sai lầm.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào ngày 9 tháng 1 năm 2018. (Ảnh của LUDOVIC MARIN / AFP qua Getty Images)
Nếu mô hình của Beckley thậm chí chỉ là gần đúng, thì Trung Quốc có lẽ sẽ không bao giờ được coi là một cường quốc. (Ảnh: LUDOVIC MARIN / AFP qua Getty Images)

Ông Beckley lập luận rằng ảnh hưởng thực sự không đến từ tổng sản lượng mà là sản lượng ròng. Một quốc gia có gấp đôi số lao động, mỗi người sản xuất bằng một nửa so với đối thủ của mình thì không thể mạnh bằng nhau được. Bởi vì, gánh nặng cho việc ăn uống, trả lương, giáo dục, giám sát và kiểm tra tất cả những người thừa ra này làm suy giảm sản lượng ròng và khiến cho việc duy trì sản xuất cũng như tập trung tài sản trở nên khó khăn hơn nhiều so với quốc gia đối thủ.

Do đó, yếu tố chính của hầu hết các bài bình luận về tăng trưởng của Trung Quốc - GDP của đất nước này - là sai lệch. Ông Beckley đề xuất một công thức mới thay thế GDP làm thước đo sức mạnh quốc gia: GDP nhân với GDP bình quân đầu người, được điều chỉnh theo sức mua. Tính đến năm 2021, số liệu này cho thấy ảnh hưởng kinh tế ròng của Trung Quốc còn lâu mới ngang bằng với Mỹ, chỉ bằng khoảng 1/3 quy mô của Hoa Kỳ.

Tất nhiên, công thức này còn gây tranh cãi. Tuy nhiên, có một thực tế xuyên suốt trong lịch sử, rằng các quốc gia lớn và nghèo thường thua các quốc gia nhỏ và giàu.

Một ví dụ thích hợp cho hiện tượng này là Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất, kết thúc bằng việc triều Nhà Thanh phải nhượng cả Hàn Quốc và Đài Loan cho Nhật Bản. Nếu tính riêng GDP, nhà Thanh lẽ ra phải mạnh gấp đôi Nhật Bản. Nhưng công thức của Beckley cho thấy rằng Nhật Bản tham chiến với lợi thế sức mạnh kinh tế ròng 3 chọi 1 so với nhà Thanh - gần giống với lợi thế mà Mỹ đang có ngày nay.

Dựa trên những dự báo về GDP và dân số trong tương lai của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Liên hợp quốc, Trung Quốc có thể đạt đỉnh bằng một nửa sức mạnh kinh tế ròng của Mỹ vào giữa thế kỷ này, sau đó dân số giảm sẽ khiến khoảng cách này càng được nới rộng. Nếu mô hình của Beckley thậm chí chỉ là gần đúng, thì Trung Quốc có lẽ sẽ không bao giờ được coi là một cường quốc.

‘Sự suy thoái nội bộ’ đang làm xói mòn quyền lực của Mỹ

Câu hỏi trọng tâm của thế kỷ XXI sẽ không phải là liệu nước Mỹ có bị tước đoạt vị thế bá chủ hay không, mà là liệu Mỹ có tự mình vứt bỏ địa vị của họ hay không.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2019 thảo luận về cuốn sách của mình, ông Beckley nói rằng "sự suy thoái nội bộ" có thể làm xói mòn quyền lực của Mỹ. Những nhân tố xúc tác suy thoái bao gồm “chia rẽ đảng phái”, “sở thích đặc biệt”, “căng thẳng văn hóa” gia tăng và sự suy giảm tính lưu động của xã hội.

Với việc chính quyền Biden nắm quyền và các hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa được củng cố vững chắc trong mọi tập đoàn và tổ chức lớn của Mỹ, thì sự suy tàn là điều có thể báo trước.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trao tặng Phó Tổng thống Joe Biden Huân chương Tự do của Tổng thống trong một buổi lễ tưởng nhớ Biden tại Nhà Trắng ở Washington, DC, vào ngày 12 tháng 1 năm 2017. (Ảnh của NICHOLAS KAMM / AFP qua Getty Images)
"Tự đánh bại" là một mô tả phù hợp cho chương trình nghị sự chính sách của chính quyền Biden, phần lớn trong số đó dường như hướng tới việc cạnh tranh với Trung Quốc. (Ảnh: NICHOLAS KAMM / AFP qua Getty Images)

Thật vậy, nền chính trị tồi tệ là một ví dụ điển hình nhất về sự suy thoái thể chế của Mỹ trong 5 năm qua. Một số hậu quả của nó là việc nới lỏng yêu cầu đầu vào các trường cao đẳng, hạn chế tiếp cận các lớp học nâng cao đạo đức xã hội, đề xuất không trợ cấp cảnh sát và kiểm duyệt chính trị tại các tạp chí khoa học hàng đầu,v.v.... Rất khó để đánh giá mức độ thiệt hại mà chúng đang gây ra cho nước Mỹ.

Mấu chốt là, các ví dụ nêu trên thể hiện tư duy tự hủy hoại bản thân của giới tinh hoa tự do: họ không còn muốn chiến thắng. Họ tập trung vào nơi khác, vào các cuộc khủng hoảng nội bộ - thường do họ tự nghĩ ra. Các lực lượng vũ trang, cảnh sát, trường học, tập đoàn, khoa học và đơn vị gia đình đều là những người hy sinh cho mục tiêu “công bằng” không xác định và vô độ.

Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc biết rằng sự nhiệt thành về ý thức hệ hiện nay của Mỹ đang tự đánh bại họ. Đó là lý do tại sao lãnh đạo Trung Quốc tài trợ cho điều đó: các nhóm liên kết với ĐCSTQ ở Mỹ, chẳng hạn như Hiệp hội Cấp tiến Trung Quốc, giúp gây quỹ cho Black Lives Matter.

"Tự đánh bại" cũng là một mô tả phù hợp cho chương trình nghị sự chính sách của chính quyền Biden, phần lớn trong số đó dường như hướng tới việc cạnh tranh với Trung Quốc.

Như đã thảo luận ở trên, một trong những tài sản lớn nhất của Hoa Kỳ trong thế kỷ XXI là trữ lượng nhiên liệu hóa thạch “khủng” của họ. Ngược lại, một trong những gót chân Achilles của Trung Quốc sẽ là sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng. Biết được động lực này, bất kỳ một chiến lược gia có năng lực nào cũng sẽ muốn phát huy sức mạnh của Mỹ, duy trì nền kinh tế nhiên liệu hóa thạch tự cung tự cấp trong khi chặt đứt các con đường cung cấp mà Trung Quốc đang dựa vào.

Thay vào đó, chính quyền Biden đã cam kết hỗ trợ chiến lược “năng lượng sạch” của Trung Quốc bằng cách yêu cầu bỏ đi nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang xe điện, các nguồn năng lượng gió và mặt trời. Điều này góp phần tạo nên sức mạnh của Trung Quốc: nước này thống trị chuỗi cung ứng năng lượng sạch và sẽ thu lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ việc Mỹ mua hàng. Đầu tư của Mỹ vào việc phát triển công nghệ năng lượng xanh cũng sẽ thúc đẩy nhanh kế hoạch của Bắc Kinh khi chấm dứt sự phụ thuộc của mình vào sản lượng dầu thông qua việc chuyển hướng sang than và năng lượng tái tạo.

Vì vậy, không phải vì Bắc Kinh có năng lực, mà chính Mỹ đang trên con đường tự tay vứt bỏ địa vị của mình trên trường quốc tế và trao nó vào tay Trung Quốc.

Thủy Tiên - Mộc Trà

Theo Spectator



BÀI CHỌN LỌC

‘Tự đánh bại’: Cuộc ‘cách mạng văn hóa’ mới của giới tinh hoa Mỹ