TTCK: Nhà đầu tư nội ngoại ồ ạt chốt lãi. Gió đã đổi chiều?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phiên giao dịch ngày hôm qua (8/6/2021) đánh dấu phiên giao dịch “gió đổi chiều” của Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. VNINDEX giảm 2,86% đóng cửa ở mức 1.319,88 điểm do nhà đầu tư (NĐT) ồ ạt chốt lãi. Độ rộng thị trường thu hẹp so với phiên trước với tỷ lệ cổ phiếu tăng-giảm là 94-321, trong đó có 26 cổ phiếu giảm sàn.

Giá trị giao dịch trên HSX đạt 29.758 tỷ đồng trong khi giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 37.635 tỷ đồng, tăng 2,7% so với phiên liền trước.

NĐT cá nhân trong nước và nước ngoài đồng loạt bán ròng

Diễn biến đáng chú ý nhất là việc cả các NĐT cá nhân trong nước và nước ngoài đều đồng loạt bán ròng. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, ghi nhận sự hấp thụ rất lớn của khối nội (chủ yếu là các nhà đầu tư mới) đối với lượng cổ phiếu khối ngoại bán ra.

NĐT nước ngoài đã bán ròng 286 tỷ. Tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 413 tỷ đồng.

Bán ròng của nước ngoài tập trung vào ngành Bất động sản, tài nguyên cơ bản. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã DXG, HPG, VIC, VNM, MBB, NVL, LPB, GEX, VPB, VHM.

DXG nổi lên là mã được nước ngoài bán ròng mạnh nhất trong phiên ngày hôm nay, giá giảm sản sớm trong phiên.

HPG tiếp tục được bán ròng mạnh, đây là phiên bán ròng HPG liên tiếp thứ 13 của nước ngoài, đưa tổng mức bán ròng trong chuỗi 13 ngày là 5.363 tỷ đồng.

VIC cũng là cổ phiếu được bán ròng liên tiếp trong 8 ngày gần đây, tổng mức bán ròng là 1.026 tỷ đồng.

Phía mua ròng khớp lệnh, nước ngoài mua ròng mạnh nhất Ngành Dầu khí và Dịch vụ tài chính. Top mua ròng theo thứ tự các mã sau: PLX, VRE, OCB, SSI, CTG, DGC, MSN, KDH, NLG, GAS.

Cổ phiếu được chú ý nhất ngày hôm nay là VRE, tiếp tục được khối ngoại mua ròng, và SSI cũng đã được mua ròng trở lại sau 1 ngày bị bán ròng.

Dòng tiền vào nhóm Du lịch giải trí và Bất động sản tăng mạnh trên HOSE so với trung bình 5 phiên trước đó lần lượt là 35% và 29%. Nhóm Du lịch giải trí bất chấp thị trường chung giảm điểm vẫn tăng mạnh 3,3%.

Ngược lại, nhóm bị bán mạnh nhất và giảm điểm nhiều nhất là Thiết bị và dịch vụ dầu khí giảm 8,7%, Môi giới chứng khoán giảm 6,7% và Bảo hiểm phi nhân thọ giảm 6,3%.

Dấu hiệu giảm tốc?

Tính đến thời điểm hiện tại, dù sức mạnh của các nhà đầu tư F0 là không thể phủ nhận, nhưng nhóm các nhà đầu tư này cũng đã có những bài học cho bản thân tại nhiều phiên rung lắc.

Không ít nhà đầu tư F0 lao đao bởi sự trồi sụt của thị trường, “mua là thắng” không còn là diễn biến chính, bởi rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Sau một thời gian tham gia thị trường chứng khoán, nhiều nhà đầu tư F0 phải ngậm ngùi thừa nhận đây là một cuộc chơi đầy mạo hiểm và không thể bỏ vốn “đánh bạc” với những mã cổ phiếu. Nhiều người đã quyết định rời bỏ thị trường chứng khoán và tìm kiếm kênh đầu tư mới.

Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam, bản chất của dòng tiền F0 là vào nhanh thì rút ra cũng nhanh.

Tại Việt Nam gần đây, các nhà đầu tư nội "cân" lại hết khối lượng cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra. Trong khi sản xuất kinh doanh bị đình trệ do đại dịch, thì việc chứng khoán tăng mạnh là một dấu hiệu rất bất thường. Do vậy, theo các chuyên gia thì đây là dấu hiệu đầu cơ, khiến cho bong bóng chứng khoán ngày một phình to. Và những người thoát ra khỏi TTCK cuối cùng sẽ là đối tượng “đổ vỏ”.

Từ những diễn biến “gió đổi chiều” như trên đã chỉ ra, liệu có phải các NĐT đã cảm nhận được mối nguy hiểm và đang “thoát hàng” ồ ạt?

Ngọc Minh

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

TTCK: Nhà đầu tư nội ngoại ồ ạt chốt lãi. Gió đã đổi chiều?