Trước thực tế Bắc Kinh thường ‘thất hứa’, thỏa thuận đầu tư Trung Quốc-EU đã làm dấy lên 3 mối quan ngại lớn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thỏa thuận đầu tư mới của EU và Trung Quốc có thể không vượt qua được các nhà lập pháp châu Âu, sau khi họ nêu ra ba lo ngại lớn về thỏa thuận này - trước thực trang rằng Bắc Kinh thường xuyên "thất hứa" và vi phạm nhân quyền.

Sau bảy năm đàm phán, Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, đã công bố thỏa thuận với Trung Quốc vào ngày 30/12/2020. Các luật sư vẫn đang hoàn thiện văn bản thỏa thuận và sau đó sẽ phải được Nghị viện châu Âu thông qua trước khi thực hiện.

Một số chính trị gia tin rằng thỏa thuận này thiếu khả năng thực thi về nhân quyền và nói rằng nó có thể làm giảm mối quan hệ của châu Âu với Mỹ.

Có gì trong thỏa thuận?

Tham vọng lâu dài của EU là làm cho đầu tư nước ngoài trở nên công bằng hơn đối với các công ty châu Âu, vốn cạnh tranh với các công ty do nhà nước tài trợ ở Trung Quốc.

Giám đốc thương mại của EU Valdis Dombrovskis nói với CNBC vào tuần trước rằng “mục đích chính của thỏa thuận này là giải quyết sự mất cân bằng kinh tế trong quan hệ của chúng ta”.

Ông nói: “Thị trường của EU về cơ bản rộng mở hơn đối với các công ty Trung Quốc và đầu tư hơn so với thị trường của Trung Quốc dành cho các công ty EU và hiệp định này thực sự giúp giải quyết sự mất cân bằng này”.

Do đó, thỏa thuận đầu tư tuyên bố rằng Trung Quốc “sẽ không còn có thể cấm tiếp cận hoặc đưa ra các thực hành phân biệt đối xử mới” đối với lĩnh vực sản xuất và một số lĩnh vực dịch vụ.

Đồng thời, Bắc Kinh cũng cam kết minh bạch về trợ cấp cho các công ty nhà nước và buộc chuyển giao công nghệ - khi chính phủ yêu cầu các công ty nước ngoài chia sẻ công nghệ của họ để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường - vốn đã bị cấm.

Thỏa thuận này cũng giúp các công ty châu Âu dễ dàng nhận được các thủ tục giấy tờ phù hợp được chính quyền Trung Quốc phê duyệt.

Chính trị gia Bütikofer từ Đảng Xanh Châu Âu cho biết rằng có một số cải tiến (về khả năng tiếp cận thị trường), nhưng ông đặt câu hỏi rằng thỏa thuận này sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận cho tất cả các công ty Châu Âu chứ không chỉ đối với một số tập đoàn lớn - đến mức độ nào.

Theo Ủy ban châu Âu, việc thực hiện thỏa thuận sẽ được giám sát bởi các quan chức hàng đầu của cả hai bên và thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các nhà nước.

Tuy nhiên, nhà lập pháp người Pháp tại Nghị viện châu Âu Marie-Pierre Vedrenne đang lo lắng rằng liệu EU có đủ sức mạnh để bảo vệ lợi ích của mình hay không.

Bà nói: “Có rất nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc không hoàn toàn tuân thủ các hiệp định quốc tế. Nghiên cứu cho thấy Trung Quốc đã không hoàn thành các cam kết đối với thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” với Mỹ.

Phát biểu vào hôm thứ Tư (ngày 7/1), Jim O’Neill, chủ tịch của tổ chức nghiên cứu chiến lược Chatham House của Vương quốc Anh, cho biết: “Theo một cách nào đó, người Trung Quốc đã làm điều đó khá láu cá. Bởi vì điều này ngay lập tức quay lại thực tế về quy mô kinh tế của Trung Quốc và sự trỗi dậy không ngừng của nó trong nền kinh tế thế giới".

‘Chúng ta cần phải minh bạch’

Vài ngày trước khi thỏa thuận đầu tư được công bố, các nhà lập pháp châu Âu đã chỉ trích “sự đàn áp và bóc lột” người thiểu số của chính quyền Trung Quốc.

Quốc hội châu Âu đã lên án mạnh mẽ hệ thống lao động cưỡng bức do chính phủ Trung Quốc lãnh đạo, đặc biệt là việc bóc lột người Duy Ngô Nhĩ, và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác, trong các nhà máy trong và ngoài các trại giam giữ ở Khu tự trị Tân Cương.

Sự lo lắng của EU không đơn thuần là vì các khác biệt về nhân quyền hay dân chủ. Vấn đề ở chỗ, ông Tập đang lèo lái Trung Quốc quay trở lại với chế độ kinh tế thời Mao, với tham vọng độc tài và thâu tóm, tất cả các luật pháp quốc tế (Ảnh: Sean Gallup/Getty Images)
Sự lo lắng của EU không đơn thuần là vì các khác biệt về nhân quyền hay dân chủ. Vấn đề ở chỗ, ông Tập đang lèo lái Trung Quốc quay trở lại với chế độ kinh tế thời Mao, với tham vọng độc tài và thâu tóm, tất cả các luật pháp quốc tế (Ảnh: Sean Gallup/Getty Images)

Mặc dù các nhà lập pháp đã thể hiện rõ quan điểm của họ về nhân quyền, nhưng họ lập luận rằng thỏa thuận đầu tư không yêu cầu Trung Quốc đi xa hơn về điều kiện lao động. Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận việc ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ.

“Tôi không hài lòng với thông báo về thỏa thuận”, Samira Rafaela, một thành viên Hà Lan của Nghị viện châu Âu, nói hôm thứ Tư.

“Ở một thời điểm nhất định, bạn không thể bỏ qua sự vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc”, cô nói thêm rằng cô sẽ thấy “khó khăn” khi bỏ phiếu cho thỏa thuận.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết thỏa thuận này thúc đẩy các giá trị cốt lõi của châu Âu. Nhưng bà Vedrenne cũng không đồng ý với điều này. Bà nói: “Thỏa thuận này rất quan trọng vì Trung Quốc là một người chơi lớn, nhưng chúng ta cần phải có sự minh bạch”.

Còn Mỹ thì sao?

Thỏa thuận được công bố chỉ vài tuần trước khi nhiệm kỳ Tổng thống mới tại Nhà Trắng.

Một số nhà lập pháp lo ngại rằng điều này có thể gây nguy hiểm cho mối quan hệ với chính quyền mới. Nhà lập pháp người Pháp Vedrenne nói: “Tôi nghĩ điều rất quan trọng là phải cẩn thận bởi vì hiện có thể có một chính quyền mới ở Mỹ”, và nói thêm rằng điều “quan trọng” là EU không trở thành sân chơi cho các tranh chấp Mỹ-Trung.

Jake Sullivan - sự lựa chọn của Tổng thống “tiếm danh” Biden cho vị trí cố vấn an ninh quốc gia, đề nghị chỉ vài ngày trước khi thỏa thuận được công bố rằng - nên có “tham vấn sớm” với EU về những lo ngại chung về các chính sách kinh tế của Trung Quốc.

Vào đầu tháng 12/2020, Ủy ban châu Âu cũng cho biết họ muốn phối hợp với chính quyền mới về một số chính sách bao gồm cả Trung Quốc.

“Không ai có thỏa thuận kiểu này với Trung Quốc, đó là một minh chứng cho thấy EU có khả năng đạt được một số thỏa thuận với các bên chủ chốt nhưng tôi nghĩ điều rất quan trọng là phải thảo luận với tất cả các đối tác”, bà Vedrenne nói.

Lê Minh

Theo CNBC

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Trước thực tế Bắc Kinh thường ‘thất hứa’, thỏa thuận đầu tư Trung Quốc-EU đã làm dấy lên 3 mối quan ngại lớn