Trung Quốc thách thức toàn thế giới với... tiền điện tử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những loại tiền điện tử phổ biến hiện nay như Bitcoin và Ethereum không chỉ có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư mà còn rất khó kiểm soát. Bắc Kinh đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này và tạo ra thách thức cho toàn thế giới.

Cho đến nay, ở một mức độ nào đó, hầu hết các cuộc tranh luận về chính sách ở Mỹ và châu Âu đều không cho rằng tiền điện tử là khó kiểm soát, bất hợp pháp và nhiều rủi ro. Điều này có phần thiển cận và sai lầm. Các chính phủ trên thế giới cần nghiêm túc trong việc chấp nhận và định hướng sự phát triển của tiền điện tử một cách tích cực và sáng tạo để có thể mang lại lợi ích cả về kinh tế và xã hội.

Hiện tại, giữa khu vực tư nhân và chính phủ cùng các ngân hàng trung ương có nhiều bất đồng quan điểm. Trong khi khối tư nhân đẩy nhanh việc sử dụng tiền điện tử thì ngược lại, bên còn lại không biết phải làm gì và lo lắng về bất kỳ sự chuyển hướng nào khỏi các loại tiền tệ pháp định truyền thống. Các nhà đầu tư tài chính trong khu vực tư nhân cho rằng họ chỉ có thể kiếm lợi khi thể chế tài chính hiện tại được "thay máu". Sự chia rẽ mang tính giằng co này khiến lợi ích tiềm năng to lớn của tiền điện tử không được thảo luận đầy đủ hay được đưa vào các kế hoạch dài hạn.

Trong khi đó, Trung Quốc, với tham vọng cách mạng hóa không chỉ nền kinh tế Trung Quốc mà còn là nền kinh tế toàn cầu, đã và đang quyết liệt xử lý thực trạng này bằng kế hoạch chi tiết được chỉ đạo từ trung ương xuống địa phương. Nhờ vậy, Trung Quốc có thể tăng cường sức mạnh và vị thế trên trường quốc tế.

Đặc biệt, bằng cách thực thi kế hoạch tiền điện tử do nhà nước định hướng, Bắc Kinh có thể sẽ thống trị các nền tảng thanh toán trực tuyến và thậm chí thay đổi cấu trúc tỷ lệ dự trữ tiền tệ toàn cầu. Bắc Kinh cũng sẽ không ngừng tạo ảnh hưởng và cố gắng kiểm soát nguồn dữ liệu cần thiết cho việc sử dụng hiệu quả trí tuệ nhân tạo.

Trên thực tế, các công nghệ mới thúc đẩy sự phát triển của tiền điện tử, chẳng hạn như blockchain, hay còn gọi là công nghệ sổ cái phân tán, đang thách thức nền tài chính cũ kỹ từ lâu được cho rằng đã trục lợi từ việc vận hành kém hiệu quả. Điều này đồng nghĩa với việc chuyển đổi sang tiền điện tử là điều tất yếu.

Cho đến nay, việc áp dụng giao dịch bằng tiền điện tử trên toàn cầu đang bị chậm lại do sự thiếu tin tưởng từ người dùng, mối lo ngại về các quy định, cũng như sự biến động bất ngờ về giá cả.

Trong khi Mỹ và châu Âu chưa quan tâm đúng mức, các quan chức và lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc đã nhìn ra sức mạnh chuyển đổi tiềm năng của tiền điện tử. Họ đang đẩy nhanh việc triển khai loại tiền này với một kế hoạch được chỉ đạo mạnh mẽ từ trên xuống dưới. Nó như thể là Bắc Kinh đang chỉ đạo một đội quân phá hủy các thành lũy tài chính của các quốc gia khác trong khi chúng vốn không được bảo vệ.

Điều này không chỉ cho phép Trung Quốc phát triển các hệ thống thanh toán nhanh hơn và ổn định hơn, mà còn giúp Bắc Kinh "phủ sóng" toàn thế giới loại tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) phát hành, từ đó thách thức vị thế của đồng USD, hiện đang là đồng tiền dự trữ chính của thế giới.

Cảnh sát an ninh tuần tra trước Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tại Bắc Kinh vào ngày 8 tháng 7 năm 2015. (Ảnh: Getty)
Cảnh sát an ninh tuần tra trước Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tại Bắc Kinh vào ngày 8 tháng 7 năm 2015. (Ảnh: Getty)

Sự suy giảm tầm quan trọng của đồng USD sẽ tác động rất lớn đến cả kinh tế và địa chính trị. Khi ấy, Hoa Kỳ sẽ không thể duy trì mức thâm hụt thương mại khổng lồ và thường xuyên của đất nước đầu tàu thế giới. Giá trị của đồng USD sẽ giảm đáng kể. Người tiêu dùng Mỹ sẽ không đủ khả năng chi trả cho bất cứ điều gì tương đương với mức tiêu thụ hiện tại hoặc mức sống hiện tại của họ. Mỹ sẽ ngay lập tức trở nên nghèo hơn, trong khi Trung Quốc thì giàu có hơn. Các nhà đầu tư toàn cầu sẽ vội vã rời bỏ các tài sản bằng đồng USD, và chuyển sang các tài sản bằng đồng EUR, JPY, hay NDT. Quân đội Hoa Kỳ sẽ buộc phải rút khỏi các căn cứ quân sự hải ngoại xa xôi, trong khi Trung Quốc có thể dễ dàng hơn trong việc "tiến quân" ra nước ngoài. Biển Đông, hay thậm chí toàn bộ khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương có thể sẽ trở thành "cái ao làng" của Trung Quốc. Cùng với đó, khả năng mở rộng sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc trên toàn thế giới sẽ được tăng cường đáng kể.

Ngoài ra, việc chiếm ưu thế trong sự phát triển tiền điện tử sẽ cho phép Bắc Kinh kiểm soát hệ thống Dữ liệu lớn (Big Data). Từ đó đảm bảo sự thống trị của Trung Quốc về trí tuệ nhân tạo và tất cả các lĩnh vực liên quan, bao gồm cả tình báo chiến lược quốc gia.

Nói cách khác, Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới cần phải xem xét nghiêm túc về xu hướng tiền điện tử, đồng thời thiết lập các tiêu chuẩn và quy trình toàn cầu trước khi Trung Quốc thay họ làm điều đó.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả ông Clyde Prestowitz là một chuyên gia về các vấn đề châu Á và toàn cầu hóa, một nhà đàm phán thương mại kỳ cựu, và cố vấn cho các cựu Tổng thống Mỹ. Ông là trưởng phái đoàn thương mại đầu tiên của Mỹ tới Trung Quốc vào năm 1982 và từng là cố vấn cho các tổng thống Ronald Reagan, George H. W. Bush, Bill Clinton, và Barack Obama. Trong vai trò là cố vấn cho Bộ trưởng Thương mại của chính quyền Reagan, ông Prestowitz đã dẫn đầu các cuộc đàm phán với Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Ông mới xuất bản cuốn sách mang tựa đề "The World Turned Upside Down: America, China, and the Struggle for Global Leadership” (tạm dịch: Thế giới xoay cực: Mỹ, Trung Quốc, và cuộc đấu tranh cho vai trò lãnh đạo toàn cầu), xuất bản vào tháng 1 năm 2021.

Lê Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc thách thức toàn thế giới với... tiền điện tử