Trung Quốc ráo riết thu mua lương thực và hàng hoá chiến lược - Đồng nhân dân tệ ‘tình cờ’ tăng giá

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc đã gấp rút tăng cường dự trữ lương thực và các hàng hóa chiến lược khác từ các nguồn nước ngoài nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định trong bối cảnh rủi ro toàn cầu ngày càng gia tăng. Đồng Nhân dân tệ “tình cờ” tăng giá đúng giai đoạn Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu. Điều này giúp Trung Quốc hưởng lợi…

Nguyên nhân Trung Quốc ráo riết mua và tích trữ lương thực vì dịch bệnh, thiên tai trong nước đã khiến nguồn cung lương thực của quốc gia này bị thiếu hụt trầm trọng.

Bên cạnh đó, có thể Trung Quốc tăng cường thu mua dự trữ vì các dự báo ảm đạm về nguồn cung lương thực, hàng hoá chiến lược bị thu hẹp do dịch viêm phổi Vũ Hán trên khắp toàn cầu. Trong khi đó quan hệ xấu đi giữa Bắc Kinh với Washington và đồng minh cũng có thể cản trở Trung Quốc tiếp cận thị trường trong tương lai.

Tăng cường dự trữ ngũ cốc ở mức cao, ngoại trừ đậu nành

Quốc gia này dự trữ tới hơn 150 triệu tấn lúa mì trong niên vụ 2019-2020, tăng khoảng 30% so với ba năm trước đó, trong khi dự trữ gạo tăng gần 20% so với cùng kỳ lên hơn 110 triệu tấn, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Dự trữ ngô giảm 20 triệu tấn trong thời gian này, nhưng xu hướng chung là tăng dần.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, hết 8 tháng năm 2020, Trung Quốc vẫn mua lượng lớn hoa quả, thủy sản, sắn và gạo của Việt Nam. Kim ngạch mặt hàng rau củ quả đạt 1,3 tỷ USD; thủy sản là 700 triệu USD và sắn và sản phẩm từ sắn là gần 550 triệu USD. Riêng với gạo, Trung Quốc cũng gia tăng nhập của Việt Nam khi đạt hơn 536.000 tấn, kim ngạch đạt hơn 316 triệu USD.

Về nguyên nhân Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu nhiều mặt hàng là bởi một số mặt hàng như thủy sản, rau quả hay gạo nằm trong chiến lược tích trữ thực phẩm, nhu yếu phẩm để đối phó dịch bệnh, mưa lũ ở Trung Quốc.

Chính phủ của ông Tập đã phát động một chiến dịch chống tiêu thụ quá mức và lãng phí thực phẩm vì hai lý do chính.

Một là lo ngại rằng nếu việc thu hoạch ngũ cốc ở nước ngoài kém, Trung Quốc sẽ không thể thu mua đủ để đáp ứng nhu cầu khổng lồ trong nước. Nước này đã mua gần 90 triệu tấn đậu nành vào năm ngoái, chiếm khoảng 60% tổng lượng nhập khẩu toàn cầu và nhu cầu dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng do tăng trưởng kinh tế làm thay đổi thói quen ăn uống của người tiêu dùng.

Hai là khả năng xấu đi trong mối quan hệ của Bắc Kinh với Washington sẽ cản trở việc tiếp cận thị trường.

Dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn thịt đông lạnh dự trữ của Bắc Kinh bị giảm mạnh, giá thịt lợn tăng mạnh (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)
Dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn thịt đông lạnh dự trữ của Bắc Kinh bị giảm mạnh, giá thịt lợn tăng mạnh (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Đại diện một nhà thương mại lớn của Nhật Bản cho biết: “Trung Quốc có khả năng không phải chứng kiến sự suy thoái trong ngắn hạn và trung hạn, nhưng chính phủ của ông Tập đang xem xét các rủi ro liên quan đến các mối quan hệ quốc tế”.

Các báo cáo hồi tháng 4/2020 chỉ ra rằng Trung Quốc đang tích trữ lượng đậu nành, ngô và dầu ăn. Với tỷ lệ lũ lụt lớn ở lưu vực sông Dương Tử màu mỡ đang gia tăng và dịch viêm phổi Vũ Hán không có dấu hiệu giảm ở nước ngoài, Bắc Kinh có khả năng sẽ tiếp tục dự trữ trong khi sử dụng việc mua đậu tương và các loại cây trồng khác như một con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán với Mỹ.

Trung Quốc bí mật tăng lượng dự trữ dầu thô

Theo Refinitiv, các tàu chở dầu Stream and Snow đã dừng tại cảng Huệ Châu của tỉnh Quảng Đông vào tháng 7 trên đường đến từ Iran khi mang theo dầu thô mà có khả năng các cơ sở được China Petroleum & Chemical, hoặc Sinopec sử dụng riêng, sẽ nhận lượng dầu này. Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng một kho lưu trữ do nhà nước quản lý tại cảng vào năm 2010.

Các tàu chở dầu khởi hành từ Iran đã cập cảng Trung Quốc nhiều lần trong tháng 8/2020 và dự kiến ​​cũng sẽ hoạt động trong tháng này. Dữ liệu chính thức cho thấy Trung Quốc đã nhập khẩu 320 triệu tấn dầu thô từ tháng 1 đến tháng 7, nhiều hơn 12% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng Việt Nam xuất đi Trung Quốc mặt hàng dầu thô với 1,6 triệu tấn, kim ngạch hơn 550 triệu USD.

Bắc Kinh được cho là đang mua tài nguyên trên thị trường giao ngay để bổ sung nguồn cung từ các hợp đồng dài hạn. Nước này đã sử dụng giá dầu lao dốc trong mùa xuân vừa qua như một cơ hội để bổ sung vào kho dự trữ của mình.

Dự trữ coban tăng vọt

Trung Quốc giữ bí mật thông tin về dự trữ quốc gia của mình và hầu như không có dữ liệu nào được công khai. Nhưng đã có thông tin vào tháng 8/2020 rằng Công ty Thông tin Bắc Kinh Antaike thuộc sở hữu nhà nước đã khuyên chính phủ tăng kho dự trữ coban thêm 2.000 tấn.

Coban được sử dụng trong pin lithium-ion, trong một số ứng dụng khác. Việc Trung Quốc thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi hơn các loại xe điện đã làm tăng mức tiêu thụ loại kim loại này.

Chính phủ Trung Quốc được cho là đã mua hơn 2.000 tấn coban trong năm 2015 và một lần nữa vào năm 2016. Đại dịch viêm phổi Vũ Hán đang làm gián đoạn các chuyến hàng từ Cộng hòa Dân chủ Congo, quốc gia chiếm phần lớn nguồn cung của thế giới. Các nhà theo dõi thị trường ước đoán giá sẽ tăng trong nửa cuối năm nay khi nhu cầu của Trung Quốc bắt đầu hồi phục một cách nghiêm túc.

Ngoài ra, clinker và xi măng Việt Nam xuất sang Trung Quốc 8 tháng qua rất lớn với 12,6 triệu tấn, kim ngạch khoảng 415 triệu USD.

Các loại hàng hóa nguyên, nhiên vật liệu Trung Quốc tăng cường mua sắm của Việt Nam như dầu thô, than đá và quặng nằm trong chiến lược tích trữ để đối phó với chiến tranh thương mại có nguy cơ lan rộng hơn giữa Mỹ - Trung Quốc.

Dự trữ phân hóa học để đảm bảo an ninh lương thực

Bên cạnh dầu mỏ và kim loại, chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đang thực hiện các bước tương tự để giúp đảm bảo an ninh lương thực.

Tàu chở hàng tại một cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc vào ngày 13/7/2017 (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)
Tàu chở hàng tại một cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc vào ngày 13/7/2017 (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)

Luật dự trữ phân bón hóa học có hiệu lực vào tuần trước bao gồm trợ cấp cho các kho dự trữ kali của khu vực tư nhân.

Điều này nhằm mục đích tăng cường dự trữ một nguồn tài nguyên không dồi dào trong nước như nitơ và phốt pho cũng như đảm bảo nguồn cung phân bón dồi dào trong trường hợp lũ lụt hoặc các thảm họa thiên nhiên khác do biến đổi khí hậu toàn cầu dẫn đến thời tiết khắc nghiệt hơn.

Sắt thép nằm trong danh mục thu mua của Trung Quốc

Mặt hàng sắt thép của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu, theo đại diện Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết mặt hàng chủ yếu là phôi thép và thép xây dựng từ các nhà máy của Formosa xuất khẩu trong chuỗi công ty con của Trung Quốc.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2020, Việt Nam xuất đi 5,9 triệu tấn thép, kim ngạch ước đạt 3,1 tỷ USD. Với mức giá bình quân khoảng 12 triệu đồng/tấn, giá sắt thép xuất khẩu của Việt Nam hiện giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, Trung Quốc mua hơn 1/3 lượng thép xuất khẩu trên, với 2 triệu tấn, đạt kim ngạch 844 triệu USD, giá bình quân 9,7 triệu đồng/tấn, thấp hơn 2,3 triệu đồng/tấn so với giá xuất khẩu bình quân ra các thị trường khác. Mức giá này cũng thấp hơn gần 2 triệu đồng/tấn so với mức giá sắt thép mà nước này mua của Việt Nam năm ngoái.

Trung Quốc tăng lượng nhập khẩu xơ sợi

Đáng nói nhất là Trung Quốc ngày càng nhập khẩu nhiều xơ sợi (hơn 570.000 tấn của Việt Nam), kim ngạch hơn 1,2 tỷ USD, cũng như nguyên liệu dệt may từ Việt Nam thay vì trước kia Việt Nam chủ yếu chỉ nhập từ Trung Quốc.

Ngành xơ sợi và dệt nhuộm tổn hại đến môi trường và là phân ngành mà nhiều nước không muốn mở rộng hay tiếp nhận đầu tư. Tuy nhiên, thời gian qua, một số địa phương của Việt Nam đã mở rộng sản xuất ở lĩnh vực xơ sợi, gây lo ngại ô nhiễm môi trường và biến Việt Nam thành nơi tập trung các doanh nghiệp có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi ngành hàng dệt may.

Sự gia tăng này diễn ra trong bối cảnh lo ngại về tác động tiềm tàng của đại dịch virus Corona Vũ Hán, biến đổi khí hậu và căng thẳng với Mỹ về khả năng tiếp cận hàng hóa mà Trung Quốc phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài. Bắc Kinh muốn giữ lượng dự trữ cao để tránh tình trạng thiếu hụt có thể gây bất mãn trong nước.

Đồng CNY ‘tình cờ’ tăng giá đúng giai đoạn Trung Quốc tăng cường nhập khẩu

Nhân dân tệ (CNY), đồng tiền bị cáo buộc “bị thao túng” mạnh mẽ nhất bởi chính quyền Trung Quốc nhằm hưởng lợi thế xuất khẩu kể từ khi quốc gia này gia nhập WTO. Chính sách thao túng tiền tệ của Trung Quốc được xem là rất thành công trong việc thúc đẩy xuất khẩu giá rẻ khi nước thặng dư thương mại của nền kinh tế này luôn rất lớn.

Đồng Nhân dân tệ tăng giá mạnh với USD (hình bên trái) kể từ tháng 5/2020 cho tới nay - giai đoạn Trung Quốc ráo riết tăng cường nhập khẩu lương thực và hàng hoá thiết yếu (số liệu nhập khẩu năm 2020, hình bên phải (nguồn: Trading Economics)

Tuy nhiên, từ tháng 5/2020 trở lại đây, đồng CNY tăng giá mạnh so với USD, đây cũng là giai đoạn kim ngạch nhập khẩu lương thực và hàng hoá thiết yếu của Trung Quốc tăng mạnh.

Việc đồng CNY tăng giá còn có lý do là đồng tiền này đã “mất giá” quá lâu so với giá trị thực của nó, trong khi đồng USD mất giá vì chính sách nới lỏng tiền tệ, cứu trợ Covid-19 và nền kinh tế khốn đốn hơn trong đại dịch.

Mặc dù vậy, sự tăng giá “tình cờ” của đồng CNY vào đúng thời điểm Trung Quốc ráo riết thu mua lương thực, quả thật đã giúp nước này nhập khẩu được hàng hoá có giá rẻ tương đối lớn hơn.

Thuỷ Tiên



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc ráo riết thu mua lương thực và hàng hoá chiến lược - Đồng nhân dân tệ ‘tình cờ’ tăng giá