Trung Quốc ‘nói dối’ về lạm phát khi giá nhà sản xuất cao kỷ lục - Việt Nam sẽ là nạn nhân đầu tiên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chỉ số giá sản xuất công nghiệp (PPI) tháng 9 của Trung Quốc tăng cao kỷ lục giữa tâm bão khủng hoảng năng lượng, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn thấp. Tình trạng lạm phát tăng nóng có thể diễn ra trong những tháng tới đẩy nền kinh tế Trung Quốc sa lầy vào trạng thái “lạm phát - đình trệ”. Việt Nam đứng đầu trong danh sách những nạn nhân nhập khẩu lạm phát từ Trung Quốc…

Chỉ số giá nhà sản xuất công nghiệp lớn của Trung Quốc PPI đạt mức cao kỷ lục

Vào ngày 14/10, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố số liệu cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) của các nhà sản xuất công nghiệp trong tháng 9 đã tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, lập mức cao kỷ lục trong 25 năm qua kể từ khi số liệu được ghi nhận vào tháng 10/1996.

Tuy nhiên, nghịch lý là giá tiêu dùng tháng 9, chỉ số CPI chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất trong 6 tháng qua.

Lạm phát giá nhà sản xuất của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục trong khi CPI chưa phản ánh xu hướng này. Tình trạng lạm phát tăng nóng có thể diễn ra trong những tháng tới đẩy nền kinh tế Trung Quốc sa lầy vào trạng thái “lạm phát - đình trệ”. (Nguồn: Trading Economics)

Mức tăng PPI hàng tháng (so cùng kỳ) của Trung Quốc lần cuối cùng vượt quá 10% là trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào tháng 8/2008, khi nó là 10,1%. Dữ liệu lịch sử của PPI trong cơ sở dữ liệu chính thức có thể được truy xuất từ ​​tháng 10 năm 1996.

Tại cuộc họp báo, ông Dong Lijuan, chuyên viên thống kê cấp cao của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết trong số 40 lĩnh vực công nghiệp được khảo sát, 36 lĩnh vực công nghiệp tăng giá, tăng 4 lĩnh vực so với tháng trước (tháng 8).

Hầu hết các ngành công nghiệp chính đều tăng giá trong bối cảnh ngành sản xuất nước này chìm trong khủng hoảng năng lượng thiếu điện, giá nguyên vật liệu và dầu thô thế giới tăng cao. Các ngành tăng giá mạnh là ngành khai thác than, khí đốt tự nhiên, dầu khí, các ngành chế biến nhiên liệu khác, công nghiệp luyện kim, hóa chất và sản xuất sản phẩm hóa chất, phi kim loại... Sáu ngành công nghiệp, bao gồm cả công nghiệp luyện kim, ảnh hưởng đến mức tăng PPI khoảng 8,42%, chiếm khoảng 80% tổng mức tăng.

Đồng thời, do giá năng lượng tăng vì khủng hoảng, các ngành tiêu tốn nhiều năng lượng như công nghiệp luyện kim, xi măng, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác cũng tăng mạnh giá nhà sản xuất, đóng góp 0,57% vào mức tăng điểm PPI so với tháng trước.

Phân tích cho thấy kỷ lục PPI trong tháng 10 này có thể chưa phải là mức đỉnh khi Trung Quốc vừa phải chịu khủng hoảng thiếu điện trong nước vừa chịu khủng hoảng tăng giá nguyên, nhiên liệu đầu vào từ thị trường thế giới. PPI chắc chắn sẽ truyền dẫn sang lạm phát và ảnh hưởng tiêu cực tới tiêu dùng và sinh kế của người dân trong mùa đông khắc nghiệt đang ập tới.

Lạm phát - đình trệ và sự bất lực của chính sách tiền tệ

Sự truyền dẫn lạm phát giữa PPI tới CPI đã bắt đầu. Theo chuyên gia kinh tế trưởng của Công ty chứng khoán Giang Hải (Trung Quốc), hiện tại giá ngành công nghiệp thực phẩm đã tăng, giá dịch vụ sửa nhà cũng tăng lên cho thấy CPI tương lai sẽ tăng nóng.

Haiti Flavor Industry mới đây đã thông báo tăng giá xuất xưởng của nước tương, dầu hào, nước sốt và các sản phẩm khác tăng từ 3-7%.

Vào ngày 14/10, theo báo cáo của Reuters, Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Bảo hiểm Capital Management, chỉ ra rằng lạm phát bất ngờ vượt quá kỳ vọng, và nguy cơ kinh tế Trung Quốc rơi vào chu kỳ “lạm phát - đình trệ” đang gia tăng. “Lạm phát - Đình trệ” là một trạng thái kinh tế khi đồng tiền mất giá lớn, kinh tế không thể tăng trưởng, chính sách tiền tệ buộc phải thắt chặt càng làm tình trạng đình trệ tăng trưởng tồi tệ hơn. “Lạm phát - Đình trệ” là giai đoạn khó khăn nhất, khó phục hồi nhất của bất kỳ nền kinh tế nào.

Zhou Hao, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Commerzbank Asia, chỉ ra rằng CPI thấp hơn so với dự kiến trong khi PPI đã tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái. Sự chênh lệch là khoảng 10 điểm phần trăm giữa CPI và PPI, khoảng cách chưa từng có trong lịch sử dữ liệu của quốc gia này. Điều này cũng có nghĩa là người tiêu dùng đang chịu áp lực rất lớn từ lạm phát giá sản xuất. Rõ ràng điều này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang bị tắc nghẽn cung trong khi cầu rất yếu. Thực trạng này sẽ khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái nhanh chóng.

Vào tháng 9, Cục Dự trữ Ngũ cốc và Nguyên liệu Nhà nước Trung Quốc thông báo sẽ phân phối dầu thô cho các công ty lọc dầu và hóa chất trong nước theo đợt để giảm bớt áp lực tăng giá nguyên liệu, ổn định cung cầu và đảm bảo an ninh năng lượng.

Gần đây, lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền Bắc Kinh đã phải sử dụng dầu thô dự trữ chiến lược để phân phối cho các nhà sản xuất trong nước nhằm giảm áp lực về lạm phát.

Trung Quốc xuất khẩu lạm phát ra toàn thế giới - Việt Nam là nạn nhân đầu tiên

33,5% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đến từ Trung Quốc, chủ yếu vào nguyên, vật liệu, bán thành phẩm đầu vào cho các ngành sản xuất trong nước.

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê Việt Nam (TCTK), tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 242,65 tỷ USD, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 81,3 tỷ USD, tương đương với 33,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nền kinh tế.

Cũng theo số liệu của TCTK, hàng nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu là nhóm hàng tư liệu sản xuất. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, ước tính nhập khẩu tư liệu sản xuất đạt 227,65 tỷ USD, chiếm 93.8% nhu cầu nhập khẩu của toàn nền kinh tế.

Dữ liệu lịch sử cho thấy giá nhà sản xuất của Việt Nam và Trung Quốc có biến động thuận chiều. (Nguồn: Trading Economics, NTDVN tổng hợp).

Hiện tại, giá nhà sản xuất của Trung Quốc đang tăng kỷ lục và không cách nào kiềm chế trong bối cảnh giá nguyên nhiên vật liệu hàng hóa quốc tế tăng cao như hiện nay. Lạm phát giá nhà sản xuất đã cao nhất trong lịch sử thống kê. Với vai trò là công xưởng sản xuất toàn cầu, lạm phát giá nhà sản xuất của Trung Quốc tăng kỷ lục sẽ giúp Trung Quốc xuất khẩu lạm phát của nền kinh tế này ra toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, các dữ liệu lịch sử cho thấy, giá nhà sản xuất của Việt Nam luôn có biến động thuận chiều với giá nhà sản xuất từ Trung Quốc. Điều này hợp lý khi hơn 30% kim ngạch nhập khẩu (chủ yếu là đầu vào cho sản xuất) đến từ Trung Quốc. Tình trạng phụ thuộc đầu vào cho khu vực sản xuất từ Trung Quốc đã kéo dài nhiều thập kỷ. Do đó, khi Trung Quốc có vấn đề về lạm phát, đặc biệt lạm phát giá nhà sản xuất, nền kinh tế nhỏ bé và phụ thuộc như Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực nhất.

Trà Nguyễn

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc ‘nói dối’ về lạm phát khi giá nhà sản xuất cao kỷ lục - Việt Nam sẽ là nạn nhân đầu tiên