Trung Quốc mất hàng tỷ USD gỡ ‘bom nợ’ cho... doanh nghiệp nhà nước

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc đang phải đối mặt với làn sóng vỡ nợ kỷ lục từ các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, rủi ro hệ thống và rủi ro xã hội kéo theo sẽ không thể đong đếm được. Gần đây nhất, Bắc Kinh buộc phải tung hàng tỷ USD đã để giải cứu China Huarong, nhưng tất cả mới chỉ bắt đầu… 

Trong số những bom nợ của DNNN, phải kể đến 2 vụ nổi tiếng, phạm vi ảnh hưởng cực lớn, đó là Evergrande - ngành bất động sản, và China Huarong - ngành tài chính.

Những ‘bom tấn’ nợ treo lơ lửng trên đầu Bắc Kinh

Evergrande

Evergrande là một cái tên thống trị trên thị trường bất động sản Trung Quốc, với các dự án trải rộng khắp hơn 225 thành phố. Với nghĩa vụ nợ lên tới 300 tỷ USD (tương đương GDP hàng năm của Nam Phi) và mối liên hệ với vô số ngân hàng, tập đoàn bất động sản nặng nợ nhất thế giới này có thể gây ra những cú sốc lớn trong hệ thống tài chính và toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc nếu chuyện xấu xảy ra. Nhiều triệu người Trung Quốc mua nhà của Evergrande cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Thời gian không còn nhiều. Tháng 3 sang năm, có nghĩa là chỉ còn chưa đầy 8 tháng kể từ bây giờ, 2 tỷ USD trái phiếu Evergrande sẽ đáo hạn, tiếp theo là 1,45 tỷ USD trái phiếu nữa đáo hạn trong tháng 4. Evergrande đã thanh toán được hết trái phiếu đáo hạn năm nay, nhưng đây sẽ là một việc nhiều thách thức trong năm 2022 nếu khả năng tiếp cận với thị trường vốn của tập đoàn không kịp phục hồi – theo S&P.

Một yếu tố đáng lo ngại hơn là sự cứng rắn của các chủ nợ. Ba ngân hàng cho Evergrande vay 7,1 tỷ USD gần đây đã quyết định không gia hạn các khoản vay đáo hạn trong năm nay.

Giữa tháng 7, ít nhất 4 ngân hàng lớn ở Hồng Kông đã ngừng gia hạn cho khoản thế chấp 2 dự án phát triển căn hộ của Evergrande tại đây, do lo ngại tập đoàn này không đủ thanh khoản.

Những động thái trên cho thấy việc Evergrande trả nợ bằng cách vay cái mới để trả cái cũ là việc khó để xảy ra.

Gần đây, tập đoàn này đã bán phá giá nhà ở - chỉ bằng 50% giá thị trường, giảm mạnh hơn nhiều so với mức chiết khấu 30% trong những năm trước, và chỉ chấp nhận tiền mặt.

Quang cảnh bên ngoài của Evergrande ở Hong Kong ngày 26/03/2018. (Bobby Yip / Reuters)
Quang cảnh bên ngoài của Evergrande ở Hong Kong ngày 26/03/2018. (Bobby Yip / Reuters)

Cho dù Evergrande có thoát được kiện tụng dẫn đến phá sản dưới sự hậu thuẫn của chính quyền, thì doanh số bán bất động sản hiện tại của tập đoàn này không thể theo kịp vòng quay nợ gốc và lãi vay, và vấn để này chỉ có thể càng ngày càng trở nên lớn hơn. Không sớm thì muộn, một vụ vỡ nợ quy mô lớn trong và ngoài nước sẽ xảy ra.

China Huarong

China Huarong bản chất là một công ty mua nợ, tức là nhà nước bỏ tiền thu thuế của dân mua lại nợ xấu (còn gọi là tài sản xấu, mất khả năng thu hồi vốn) để tách khối nợ xấu khỏi bảng cân đối kế toán của các NHTM. Sau đó, China Huarong đóng gói tất cả các khoản nợ xấu, cổ phần của công ty xác sống Trung Quốc thành một khối tài sản thống nhất, cổ phần hoá khối tài sản này và bán nó ra cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Sau 10 năm đóng vai trò như một ngân hàng “tồi” quản lý nợ xấu, Huarong đã trở thành một trong những doanh nghiệp nhà nước nợ trái phiếu quốc tế nhiều nhất trên toàn thế giới. Huarong nợ các trái chủ trong và ngoài nước số tiền tương đương 42 tỷ USD. Theo dữ liệu tổng hợp của Bloomberg, khoảng 17,1 tỷ USD trong số đó sẽ đến hạn vào cuối năm 2022.

Không chỉ vài chục tỷ USD cổ phiếu sắp thành rác, cho tới nay Huarong đang nợ 23,2 tỷ USD trái phiếu trên khắp các thị trường chứng khoán Hồng Kông, New York đến London.

Đứng đầu danh sách này là cựu Chủ tịch Lại Tiểu Dân của Công ty Quản lý Tài sản Hoa Dung Trung Quốc (China Huarong Asset Management). Ông này đã bị kết án tử hình hôm 5/1. (STR/AFP / Getty Images)
Cựu Chủ tịch Lại Tiểu Dân của Công ty Quản lý Tài sản Hoa Dung Trung Quốc (China Huarong Asset Management). Ông này đã bị kết án tử hình hôm 5/1. (STR/AFP / Getty Images)

Số phận của 23,2 tỷ USD trái phiếu này đang lơ lửng trên đầu các nhà đầu tư mạo hiểm, vì khả năng biến tiền chết (từ nợ xấu và cổ phần của doanh nghiệp xác sống) thành tiền sống để trả nợ là hết sức khó khăn, đặc biệt sau một thời gian dài dòng tiền đổ vào quá lớn trong khi thông tin không minh bạch khiến Huarong bị tham nhũng, đầu tư tài chính ngoài ngành ồ ạt…

ĐCSTQ loay hoay ‘tháo ngòi nổ’

Nếu Evergrande hay Hurong “phải chết”, đó có thể sẽ là hậu quả nghiêm trọng của niềm tin công chúng đối với hệ thống kinh tế, sự tăng trưởng và khả năng lãnh đạo của chính phủ Trung Quốc. Đồng thời, nó sẽ làm lộ ra những rắc rối tài chính đang âm ỉ bên trong nền kinh tế thứ hai thế giới.

Không những thế, nếu Evergrande và Huarong thất bại, làn sóng chấn động sẽ truyền qua một số công ty bất động sản có đòn bẩy tài chính cao hơn của Trung Quốc và gây ra một “cơn sóng thần” về áp lực mới đối với hệ thống ngân hàng - một viễn cảnh đáng lo ngại hơn bởi thời điểm này, rủi ro tài chính là mục hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính phủ Trung Quốc.

Nhưng cuối cùng thì Bắc Kinh vẫn không thể “thấy chết không cứu” với Evergrande và Huarong.

Mới đây, phó thị trưởng của một thành phố phía bắc Trung Quốc đã thúc giục các doanh nghiệp nhà nước mua cổ phần của tập đoàn này trong Shengjing Bank (hiện đang nắm giữ 36%). Đến ngày 18/8, Evergrande tuyên bố đã huy động được 1 tỷ nhân dân tệ (NDT), 154 triệu USD, sau khi bán một phần cổ phần của mình trong ngân hàng Shengjing cho các đơn vị thuộc sở hữu nhà nước ở thành phố Thẩm Dương (Trung Quốc).

Tương tự, ngày 18/8 vừa qua, Nikkei đưa tin, Huarong chuẩn bị nhận được một khoản rót vốn 16 tỷ USD từ một nhóm các công ty do Citic Group dẫn đầu, người mua nợ xấu thuộc sở hữu nhà nước.

Ra tay cứu Evergrande và Huarong, Trung Quốc có thể sẽ ngăn chặn được một cuộc sụp đổ lớn hơn, giảm bớt tai tiếng rủi ro tài chính với các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng bao nhiêu tiền đổ vào các ông lớn DNNN này mới đủ để ngăn đà đổ vỡ? Còn bao nhiêu bom nợ khổng lồ chưa công bố như China Huarong và Evergrande? Trong khi thẳng tay triệt hạ các con gà đẻ trứng vàng của khối doanh nghiệp tư nhân, Trung Quốc lấy nguồn thu nào để giải cứu các con cưng DNNN chậm chạp, tham nhũng và kém hiệu quả?

Mộc Trà



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc mất hàng tỷ USD gỡ ‘bom nợ’ cho... doanh nghiệp nhà nước