Trung Quốc hay Hoa Kỳ: Ai thực sự 'làm chủ’ thế giới?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong các bài phát biểu của các nhà lãnh đạo Liên Hợp Quốc (LHQ) vào tuần trước, Bắc Kinh và Washington đã trình bày những tầm nhìn hoàn toàn đối lập về thế giới...

Chủ tịch Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã bao bọc mình trong lớp vỏ của hệ thống quốc tế do Hoa Kỳ xây dựng - nhưng trên thực tế, ông Tập đặt ra mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với hệ thống này.

Trong khi đó, Tổng thống Trump có vẻ như muốn gỡ bỏ trật tự hậu Thế chiến thứ hai, nhưng chính ông lại là người bảo vệ quan trọng nhất của nó.

Công thức đối lập của Bắc Kinh và Washington cho một thế giới tốt đẹp hơn?

"Không quốc gia nào có quyền chi phối các vấn đề toàn cầu, kiểm soát vận mệnh của người khác hoặc giữ lợi thế phát triển cho riêng mình, để làm bất cứ điều gì họ thích và trở thành bá chủ, kẻ bắt nạt hoặc ông chủ của thế giới", ông Tập phát biểu hôm thứ Hai (ngày 21/9) nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập LHQ.

Ông Tập đã lặp lại các chủ đề này, mặc dù với ngôn ngữ ít rõ ràng hơn, trong bài phát biểu trước Đại hội đồng hôm thứ Ba (ngày 22/9).

“Hoàng đế” ĐCSTQ không nêu tên "nhân vật phản diện" cố gắng xưng danh là “ông chủ”, nhưng mọi người đều biết ông Tập đang ám chỉ Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, ông Tập đã trình bày sai quan điểm của Tổng thống Trump. Ông Trump, lặp lại các chủ đề trong bài phát biểu của mình, nói rõ rằng ông có tham vọng “hẹp hơn nhiều” so với mô tả của nhà lãnh đạo ĐCSTQ.

"Bạn nên đặt quốc gia của mình lên hàng đầu. Không sao cả - đó là điều bạn nên làm", ông Trump nói (Ảnh: NICOLAS ASFOURI/AFP qua Getty Images)
"Bạn nên đặt quốc gia của mình lên hàng đầu. Không sao cả - đó là điều bạn nên làm", ông Trump nói (Ảnh: NICOLAS ASFOURI/AFP qua Getty Images)

"Trong nhiều thập kỷ, những tiếng nói mệt mỏi giống nhau đã đề xuất những giải pháp thất bại giống nhau, theo đuổi tham vọng toàn cầu với cái giá của chính người dân của họ. Nhưng chỉ khi bạn chăm sóc công dân của chính mình, bạn mới tìm thấy cơ sở thực sự để hợp tác", Tổng thống Mỹ nói trước Đại hội đồng hôm thứ Ba.

"Với tư cách là tổng thống, tôi đã bác bỏ những cách tiếp cận thất bại trong quá khứ và tôi tự hào đặt nước Mỹ lên trên hết, cũng như bạn nên đặt quốc gia của mình lên hàng đầu", ông nói. "Không sao cả - đó là điều bạn nên làm".

Sự thể hiện rõ ràng của ông Trump về tầm nhìn của mình không hoành tráng hay mỹ miều. Tất nhiên, không ai thích nghe mô tả về thực tế phũ phàng, đặc biệt là từ Hoa Kỳ. Sự thật mất lòng.

Tuy nhiên, trong “tài hùng biện” của ông Tập có ẩn chứa sự nguy hiểm. Ông nói với LHQ hôm thứ Hai (21/9) rằng: “Sự hiểu biết rằng tất cả chúng ta đang cùng chung một con thuyền, hiện là một sự đồng thuận phổ biến trong cộng đồng toàn cầu”.

‘Thiên hạ’ của chủ tịch Tập?

Đôi khi Bắc Kinh thể hiện suy nghĩ này theo kiểu "vận mệnh chung" của loài người. ĐCSTQ đề cập đến khái niệm từ thời các hoàng đế của Trung Quốc cai trị “Thiên hạ” (cụm từ “Tianxia” trong tiếng Trung là một khái niệm văn hóa, dần dần được gắn liền với chủ quyền chính trị, của Trung Quốc. Chữ Thiên hạ có nghĩa là "tất cả những gì dưới Trời" trong tiếng Trung và nó được người Trung Quốc dùng để chỉ tới toàn bộ thế giới).

Ông Tập Cận Bình đã sử dụng ngôn từ “Thiên hạ” trong hơn một thập kỷ, và gần đây các tài liệu tham khảo cho thấy ông đã khẳng định [quyền cai trị của ĐCSTQ].

"Người Trung Quốc luôn cho rằng thế giới thống nhất và tất cả dưới Trời là một gia đình", ông Tập tuyên bố trong Thông điệp Năm mới 2017 của mình.

Và nếu điều này vẫn chưa đủ rõ ràng, thì Bộ trưởng ngoại giao của ông Tập, Vương Nghị, trên tờ Study Times - tờ báo có ảnh hưởng của Trường Đảng Trung ương, vào tháng 9 năm 2017 đã viết một bài báo gần như bác bỏ hệ thống quốc tế hiện tại một cách rõ ràng.

Hệ thống hiện tại, được thành lập vào năm 1648 bởi Hiệp ước Westphalia, công nhận các quốc gia là có chủ quyền; trong khi ông Vương Nghị viết rằng chủ tịch Tập Cận Bình đã "vượt lên trên" chủ quyền.

Vì vậy, ông Tập là ông chủ của thế giới, ít nhất là theo suy xét của riêng ông Vương.

Do đó, “tầm nhìn hạn hẹp” của Tổng thống Trump là liều thuốc giải độc rất cần thiết cho LHQ, hiện gồm 193 thành viên đang kỷ niệm 75 năm ngày thành lập.

Tuy nhiên, liệu LHQ sẽ - hay nên - tổ chức kỷ niệm đến lần thứ 76?

LHQ liệu có nên tiếp tục tồn tại?

Tiền thân của LHQ, Hội Quốc liên, được thành lập sau Thế chiến thứ I và sụp đổ khi châu Á, rồi đến châu Âu, rơi vào cuộc xung đột toàn cầu thứ hai của thế kỷ 20. Tổ chức này, đã đánh dấu tròn 100 năm thành lập vào năm nay, đã thúc đẩy chiến tranh nằm ngoài vòng pháp luật - được hệ thống hóa trong Hiệp ước Kellogg-Briand năm 1928 vẫn còn hiệu lực - nhưng không thể bắt buộc tuân thủ hoặc đảm bảo hòa bình và ổn định.

Liên minh này đã hoàn toàn thất bại trong việc ngăn chặn cuộc xâm lược Abyssinia năm 1935 của Ý, sự tiếp quản năm 1931 của Nhật Bản đối với Mãn Châu quốc (chính phủ bảo hộ do Đế quốc Nhật Bản lập nên, cai trị trên danh nghĩa Mãn Châu và phía đông Nội Mông, do các quan chức nhà Thanh cũ tạo ra với sự giúp đỡ của Đế quốc Nhật Bản vào năm 1932) hay sự thâu tóm Áo năm 1938 của Đức.

Hội đồng LHQ, với sự lãnh đạo của 5 thành viên thường trực, giờ đây không thể hành động chống lại Trung Quốc và Nga, bởi vì họ có quyền phủ quyết và không bao giờ cho phép bỏ phiếu mà không có sự hiện diện của họ. (Ảnh: John Moore/Getty Images)
Hội đồng LHQ, với sự lãnh đạo của 5 thành viên thường trực, giờ đây không thể hành động chống lại Trung Quốc và Nga, bởi vì họ có quyền phủ quyết và không bao giờ cho phép bỏ phiếu mà không có sự hiện diện của họ. (Ảnh: John Moore/Getty Images)

LHQ đã có thể bảo vệ Hàn Quốc khỏi cuộc xâm lược năm 1950 của Triều Tiên, [nhưng điều này đã không xảy ra] chỉ vì đại biểu của Liên Xô không có mặt khi Hội đồng Bảo an bỏ phiếu ủng hộ viện trợ cho Seoul. Hội đồng, với sự lãnh đạo của 5 thành viên thường trực, giờ đây không thể hành động chống lại hai kẻ xâm lược trên thế giới là Trung Quốc và Nga, bởi vì họ có quyền phủ quyết và không bao giờ cho phép bỏ phiếu mà không có sự hiện diện của họ.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi LHQ “nhìn theo cách khác” khi Vladimir Putin “hạ gục” Gruzia vào năm 2008 và Ukraine vào năm 2014. Tương tự, cơ quan này không làm gì trước hành động gây hấn của Trung Quốc đối với Philippines vào năm 2012, và bây giờ không làm gì trong khi lính Trung Quốc chiếm đóng Ấn Độ. Hơn nữa, LHQ im lặng khi chế độ Trung Quốc thực hiện các hành vi diệt chủng, giam giữ hàng loạt “nô lệ” và thực hiện các tội ác khác chống lại loài người.

Như James Holmes của Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân đã viết năm ngoái trong blog Ngoại giao Hải quân của mình: "Bạn sẽ có được hòa bình mà bạn thực thi". Thật không may, LHQ ngày nay không thực thi gì.

Tại sao lúc này ĐCSTQ lại tăng cường mọi ‘hành động’?

Tổng thống Trump kêu gọi tổ chức này thực thi. Khi đề cập đến dịch viêm phổi Vũ Hán, ông nói: "Chúng ta phải chịu trách nhiệm về quốc gia đã phát tán bệnh dịch này cho thế giới: Trung Quốc".

"Phát tán" là chính xác. Trung Quốc đã thực hiện các bước để cố tình lây lan dịch bệnh ra ngoài biên giới của mình. Quan trọng nhất, ông Tập biết virus Corona Vũ Hán mới có thể lây truyền từ người sang người, nhưng cố gắng thuyết phục thế giới rằng không phải vậy. Đồng thời, ông gây áp lực buộc các quốc gia không áp đặt các hạn chế đi lại hoặc kiểm dịch đối với những người đến từ Trung Quốc, trong khi ông phong tỏa Vũ Hán và các thành phố khác, hạn chế việc đi lại trong nước Trung Quốc.

Chúng ta không biết ông Tập đang nghĩ gì, nhưng nếu ông ấy muốn làm tê liệt các xã hội khác để “san bằng sân chơi” sau khi chứng kiến ​​những gì virus đã làm với xã hội của ông ấy, ông ấy sẽ làm đúng như những gì ông thực tế đã làm. Và bây giờ ông Tập vẫn đang cố gắng tận dụng đại dịch để khoe khoang về chính quyền của mình là vượt trội hơn tất cả.

Tân Hoa Xã đăng một bài có tựa đề: "Ông Tập căng thẳng chạy đua với thời gian để đạt được giấc mơ Trung Hoa". (Ảnh: JUAN MABROMATA/AFP qua Getty Images)
Tân Hoa Xã đăng một bài có tựa đề: "Ông Tập căng thẳng chạy đua với thời gian để đạt được giấc mơ Trung Hoa". (Ảnh: JUAN MABROMATA/AFP qua Getty Images)

Thế giới cần hơn bao giờ hết để kiềm chế tham vọng của ông Tập và "ngoại giao Chiến binh Sói" của ĐCSTQ. Năm nay, “chế độ quân phiệt Trung Quốc” đã ra tay giết chết binh sĩ Ấn Độ, va chạm tàu ​​kỹ thuật và các sự cố khác đối với 6 nước láng giềng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đẩy mạnh trở lực đối với lực lượng vũ trang Hoa Kỳ trên phạm vi toàn cầu; và cố gắng hết sức để bắt đầu một cuộc chiến với Đài Loan bằng các cuộc diễn tập khiêu khích trên không gần quốc đảo đó.

Tại sao ĐCSTQ lại hành động lúc này? Các nhà lãnh đạo ĐCSTQ thấy rằng cơ hội đang đóng lại để họ có thể đạt được những tham vọng lịch sử. Tháng Giêng này, Tân Hoa Xã đăng một bài có tựa đề: "Ông Tập căng thẳng chạy đua với thời gian để đạt được giấc mơ Trung Hoa".

Vì vậy, ông Tập có lẽ đang ở mức nguy hiểm nhất của mình. Ông đòi hỏi sự phục tùng vì ông muốn trở thành "ông chủ của thế giới" và biết mình phải sớm hành động. Từ LHQ, ông đổ lỗi cho Tổng thống Trump về những tham vọng mà nhà lãnh đạo Mỹ không hề có, và che đậy các mục tiêu lớn của riêng ông bằng ngôn ngữ của "chủ nghĩa đa phương".

Quan niệm của Trung Quốc về chủ nghĩa đa phương đặt thế giới vào tình thế nguy hiểm. Chỉ khi các quốc gia thành viên bắt đầu bảo vệ lợi ích của chính họ, thay vì hỗ trợ ĐCSTQ, thì LHQ mới có thể hoàn thành sứ mệnh mà nó được thành lập vào 75 năm trước.

Tác giả: Gordon G. Chang - tác giả cuốn sách Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc

Thiện Nhân



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc hay Hoa Kỳ: Ai thực sự 'làm chủ’ thế giới?