Trung Quốc: GDP quý 3 tăng thấp nhất kể từ sau đại dịch và thấp thứ hai trong lịch sử số liệu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kết quả tăng trưởng GDP quý 3 vừa công bố của Trung Quốc cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP theo quý của nước này thấp nhất trong 1 năm qua, kể từ khi phục hồi sau số liệu giảm sâu trong đại dịch. Đây là quý thấp thứ hai trong lịch sử số liệu tăng trưởng GDP theo quý của nền kinh tế này. Số liệu này không bất ngờ khi kinh tế Trung Quốc đang chìm trong cuộc khủng hoảng thiếu điện trầm trọng.

Dữ liệu vừa công bố hôm nay (18/10) của Tổng cục thống kê Trung Quốc cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đã điều chỉnh yếu tố mùa vụ, chỉ tăng 0,2% trong quý 3/2021, thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng của thị trường là 0,5%, và sụt giảm mạnh so với mức tăng 1,2% trong quý 2/2021.

Kết quả GDP thấp hơn nhiều so với kỳ vọng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được cho là do dịch bệnh Covid-19 bùng phát lại, thị trường bất động sản (BĐS) chìm trong khủng hoảng nợ, có dấu hiệu suy trầm giao dịch quy mô lớn và nền sản xuất bị đình trệ, đứt gãy chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của khủng hoảng thiếu điện trầm trọng trên diện rộng.

GDP quý 3 (đã điều chỉnh, loại bỏ yếu tố mùa vụ) tăng thấp nhất kể từ sau đại dịch và thấp thứ hai trong lịch sử số liệu công bố của Trung Quốc. (Nguồn: Trading Economics)

"Sự phục hồi kinh tế trong nước vẫn chưa ổn định và không đồng đều", người phát ngôn Cục Thống kê Quốc gia (NBS) Fu Linghui cho biết tại một cuộc họp giao ban ở Bắc Kinh hôm thứ Hai, theo Reuters.

Một cuộc thăm dò ý kiến ​​của các nhà phân tích của Reuters dự đoán GDP sẽ tăng 5,2% trong quý thứ 3, và khoảng 0,5% nếu đã loại bỏ yếu tố mùa vụ. Mức dự đoán này cao hơn nhiều so với tốc độ tăng GDP thực tế vừa công bố.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã phục hồi sau đại dịch nhưng sự phục hồi đang mất dần đi, khu vực sản xuất đang chững lại vì thiếu điện, giá nhà sản xuất tăng cao kỷ lục, tiêu dùng thấp liên tục, đi cùng với đó là sự lạnh giá trên thị trường BĐS.

"Trước những con số tăng trưởng xấu hơn mà chúng ta có thể dự đoán trong các tháng tới, chúng tôi cho rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ thực hiện nhiều chính sách thúc đẩy tăng trưởng, bao gồm đảm bảo thanh khoản dồi dào trên thị trường liên ngân hàng, tăng tốc phát triển cơ sở hạ tầng và nới lỏng một số khía cạnh của chính sách tín dụng và BĐS tổng thể", Reuters trích dẫn lời của ông Louis Kuijs, trưởng bộ phận kinh tế châu Á tại Oxford Economics.

Những lo lắng về nguy cơ rủi ro tín dụng có thể lan từ lĩnh vực BĐS của Trung Quốc sang nền kinh tế thực đã gia tăng khi nhà phát triển lớn China Evergrande vật lộn với khoản nợ hơn 300 tỷ USD.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, lo sợ rằng bong bóng BĐS dai dẳng có thể làm suy yếu nền kinh tế, có khả năng duy trì các biện pháp hạn chế cứng rắn đối với lĩnh vực này ngay cả khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, nhưng đó là sự hy sinh cần thiết, một số chuyên gia phân tích kinh tế cho biết.

Thủ tướng Lý Khắc Cường hôm thứ 5 (14/10) cho biết Trung Quốc có nhiều công cụ để đối phó với những thách thức kinh tế mặc dù tăng trưởng chậm lại và chính phủ tự tin đạt được các mục tiêu phát triển cả năm.

Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương (PBOC) Yi Gang, nền kinh tế Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 8% trong năm nay.

Các nhà phân tích được Reuters thăm dò ý kiến ​​dự báo rằng ​​PBOC sẽ giữ nguyên tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng trong quý 4/2021, sau đó sẽ giảm 50 điểm cơ bản trong tỷ lệ RRR trong quý 1 của năm 2022.

Sản lượng công nghiệp tháng 9 tăng 3,1% so với một năm trước, một mức tăng thấp hơn kỳ vọng, giảm so với mức 5,3% của tháng 8 và đánh dấu mức tăng trưởng chậm nhất kể từ tháng 3/2020, thời điểm cả Trung Quốc phải đóng cửa trong đợt đại dịch đầu tiên.

Tuy nhiên, tiêu dùng cá nhân có dấu hiệu cải thiện, với doanh số bán lẻ tăng 4,4% trong tháng 9, nhanh hơn mức 2,5% trong tháng 8.

Thanh Đoàn

Theo Reuters



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: GDP quý 3 tăng thấp nhất kể từ sau đại dịch và thấp thứ hai trong lịch sử số liệu