Trung Quốc gấp rút lập quỹ cứu trợ các doanh nghiệp nhà nước khủng hoảng bởi nợ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sáu tỉnh Trung Quốc đã lập quỹ hộ sau hàng loạt vụ vỡ nợ đe dọa nền kinh tế địa phương. Giới chuyên gia tài chính của Trung Quốc cho rằng động thái này không giúp cho thị trường tốt lên hay các DNNN Trung Quốc lành mạnh hơn, nó chỉ đơn giản là chống đỡ thanh khoản và duy trì các DNNN xác sống khi ông Tập coi DNNN là 'thành trì của nền kinh tế'.

Theo báo cáo của tạp chí Financial Times, vỡ nợ lớn, đe dọa thanh khoản và đổ vỡ theo hiệu ứng domino đã thúc đẩy các chính quyền địa phương ở Trung Quốc chạy đua để tung ra các quỹ giải cứu trị giá hàng tỷ USD nhằm cứu trợ các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Thực tế, hàng loạt các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp cao cấp (cả trong và ngoài nước) đang làm rung chuyển thị trường đầu tư tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Hồ sơ công khai cho thấy sáu tỉnh của Trung Quốc đã cam kết đổ ít nhất 110 tỷ Nhân dân tệ (CNY), khoảng 17 tỷ USD, vào các quỹ cứu trợ khối doanh nghiệp nhà nước kể từ cuối năm ngoái, để chống đỡ khủng hoảng thanh khoản tiền mặt cho các doanh nghiệp đang bất lực trên núi nợ.

Làn sóng vỡ nợ bao gồm các Tập đoàn kinh tế nhà nước lớn, uy tín như Tập đoàn Than và Điện lực Yongcheng, đã đẩy nền kinh tế địa phương của tỉnh Hà Nam, miền Trung vào khủng hoảng khi không thanh toán được khoản nợ 1 tỷ CNY vào năm ngoái và ngừng trả lương cho hàng ngàn lao động trong số 180.000 công nhân của tập đoàn.

Một quan chức ở Hà Nam, nơi khởi động quỹ cứu trợ vào tháng Tư, cho biết: “Toàn bộ tỉnh đã bị thiệt hại về mặt kinh tế vì một DNNN duy nhất không thực hiện thanh toán trái phiếu đúng hạn." (theo Financial Times).

Vỡ nợ kỷ lục

Bắc Kinh được xem là nền kinh tế đầu tiên phục hồi sau đại dịch Covid-19, thậm chí gần như là nền kinh tế duy nhất hưởng lợi lớn nhất toàn cầu nhờ có đại dịch xuất hiện. Nhưng thực trạng nợ xấu, nguy cơ vỡ nợ, bong bóng bất động sản không thể kiềm chế ở Trung Quốc đã trở thành khối ung nhọt ám ảnh nền kinh tế này trước đại dịch. Do vậy, bất chấp việc phục hồi sau đại dịch, khối ung nhọt được bọc lại bởi tiền rẻ, cứu trợ và giãn nợ, không thể vì thế mà ngừng phát tác, ngừng mở rộng...

Tổng số trái phiếu không thể thanh toán đúng hạn do các doanh nghiệp nhà nước phát hành năm ngoái đạt tới 119 tỷ CNY, cao nhất kể từ khi Trung Quốc bắt đầu cho phép các DNNN vỡ nợ vào năm 2014 và tăng từ 22 tỷ CNY vào năm 2019.

Bloomberg dự báo năm 2021 mới thực sự là năm mà vỡ nợ TPDN của Trung Quốc đạt kỷ lục mới, chủ yếu ở các doanh nghiệp bất động sản và khai khoáng.

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, các công ty Trung Quốc đã vỡ nợ 74,75 tỷ NDT (11,4 tỷ USD) trái phiếu trong nước trong 3 tháng đầu năm 2021, cao hơn gấp đôi so với kỷ lục được thiết lập một năm trước đó, trong khi số nợ trái phiếu ra nước ngoài tăng gần gấp ba lần lên 3,7 tỷ USD.

Các khoản vỡ nợ trung bình hàng tháng trong nước trong nửa cuối năm 2020 đã tăng từ mức 9,2 tỷ NDT trong nửa đầu năm lên 13,6 tỷ NDT, chiếm 47%. Khoảng 39 công ty Trung Quốc cả trong nước và nước ngoài đã vỡ nợ gần 30 tỷ USD trái phiếu vào năm 2020, đẩy tổng giá trị lên cao hơn 14% so với năm 2019.

Các vụ vỡ nợ đã khiến các nhà đầu tư lo lắng, những người trước đây cho rằng trái phiếu của DNNN Trung Quốc không thể vỡ nợ vì có hậu thuẫn của chính quyền đằng sau. Vì niềm tin này, một nguồn tiền khổng lồ từ Phố Wall, London đã đổ vào thị trường trái phiếu đang khát vốn của Trung Quốc bất chấp cảnh báo rủi ro và các cam kết vô cùng lỏng lẻo từ phía chính quyền địa phương hoặc công ty mẹ.

Lợi suất trái phiếu DNNN Trung Quốc bình quân tại 6 tỉnh (màu xanh) đã lập quỹ cứu trợ và bình quân của tất cả các tỉnh trên toàn quốc (màu đỏ) (Nguồn: Financial Times).Lê

Lợi suất trái phiếu DNNN Trung Quốc bình quân tại 6 tỉnh (màu xanh) đã lập quỹ cứu trợ và bình quân của tất cả các tỉnh trên toàn quốc (màu đỏ) (Nguồn: Financial Times).

Cứu trợ có giữ nổi 'bức tường thành kinh tế' của ông Tập?

Sự gia tăng các quỹ cứu trợ của tỉnh đánh dấu nỗ lực mới nhất của chính quyền địa phương Trung Quốc trong việc khôi phục lòng tin của các chủ nợ. Nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng chiến lược này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bong bóng nợ của Trung Quốc, vốn được họ coi là quả bom hẹn giờ của Bắc Kinh.

Zhang Pan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Raman Capital, một nhà quản lý tài sản có trụ sở tại Thượng Hải, cho Financial Times biết: “Mục đích của các khoản cứu trợ là gửi một thông điệp đến thị trường rằng chính phủ sẽ can thiệp khi mọi thứ diễn ra không như ý muốn. Nhưng hiển nhiên điều này không có nghĩa là “Bắc Kinh sẽ không biến một DNNN được quản lý sai trở thành một doanh nghiệp hoạt động tốt hơn”.

Trong khi Trung Quốc vượt qua thời kỳ suy thoái kinh tế trong những năm 1990 bằng cách đóng cửa hàng chục nghìn nhóm nhà nước thua lỗ, thì Bắc Kinh lại miễn cưỡng không muốn làm như vậy một lần nữa.

Chủ tịch Tập Cận Bình coi các công ty nhà nước là “bức tường thành của nền kinh tế”, trái ngược với cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ, người vào những năm 1990 đã áp dụng cách tiếp cận “giữ cái lớn và bỏ cái nhỏ” để đối phó với những thất bại của DNNN.

Tỉnh Hà Bắc đang mắc nợ nhiều là tỉnh đầu tiên thành lập phương tiện cứu trợ, một “quỹ bảo lãnh tín dụng” 30 tỷ CNY cho DNNN ra mắt vào tháng 9.

Vào cuối tháng 5, Jizhong Energy, một tập đoàn nhà nước đang gặp khó khăn ở Hà Bắc, đã nhận được khoản cứu trợ 15 tỷ CNY, tương đương với 3/4 doanh thu của tập đoàn này trong năm ngoái, từ Quỹ bảo lãnh tín dụng (CGF) của tỉnh để trả nợ gốc và lãi trái phiếu.

“Vấn đề thanh khoản của chúng tôi đã giảm bớt đáng kể sau gói cứu trợ,” một giám đốc điều hành tại Jizhong cho biết, đồng thời nói thêm rằng tập đoàn này vẫn có đòn bẩy tài chính cao và sẽ nộp đơn xin thêm 15 tỷ CNY từ Quỹ CGF Hà Bắc trong những tháng tới.

Các quỹ này lấy phần lớn tài trợ từ các công ty khác do chính quyền địa phương kiểm soát. Tại tỉnh Hà Nam, 26 DNNN từ mỏ than đến nhà chế biến đồng đã cung cấp 30 tỷ CNY vốn hạt giống cho CGF.

“Chính quyền tỉnh muốn chúng tôi giúp đỡ lẫn nhau khi nguồn tài trợ bên ngoài cạn kiệt,” một giám đốc điều hành tại Pingmei Shenma Group, một tập đoàn năng lượng và là cổ đông của Henan CGF, cho biết.

Sau vụ vỡ nợ của Công ty Than Yongcheng, việc phát hành các khoản vay ngân hàng đã giảm 10% ở Hà Nam trong nửa đầu năm, so với mức tăng trưởng 6% trên toàn quốc.

Trong khi đó, dữ liệu chính thức cho thấy tài trợ bằng trái phiếu doanh nghiệp ròng của tỉnh - khoản phát hành trái phiếu mới trừ lãi cộng với tiền trả gốc cho trái phiếu hiện có - là âm 20,1 tỷ CNY trong sáu tháng đầu năm. Con số này so với 71 tỷ CNY một năm trước đó.

Cuộc khủng hoảng tín dụng ở tỉnh Hà Nam đã thuyết phục Bắc Kinh bắt đầu gây sức ép với chính quyền địa phương để giúp các DNNN gặp khó khăn. Do đó, chỉ có một công ty không trả được nợ trong năm nay. Nhưng các nhà đầu tư vẫn lo ngại về sự thiếu cải cách trong các DNNN đang gặp khó khăn.

“Chính phủ không có kế hoạch dài hạn để biến các DNNN xấu thành tốt”, một cố vấn của Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước của Hà Bắc, cơ quan quản lý DNNN, cho biết. "Ưu tiên của nó chỉ là vượt qua cuộc khủng hoảng thanh khoản ngắn hạn."

Một quan chức quản lý rủi ro tại một trong những công ty cho vay hàng đầu của đất nước cho biết: “Các quỹ cứu trợ quá nhỏ để đáp ứng nhu cầu tài trợ từ rất nhiều DNNN thiếu tiền mặt. “Chúng tôi cần ưu tiên hiệu suất thay vì lợi ích cục bộ.”

Tại Hà Bắc, một giám đốc điều hành của một trong những cổ đông của CGF địa phương cho biết công ty quyết định nộp tiền vào quỹ cứu trợ vì các cân nhắc chính trị, thay vì kinh doanh.

Quan chức này cho biết: “Chúng tôi không mong đợi lợi nhuận thị trường từ khoản đầu tư”.

Bắc Kinh đang vật lộn với nhu cầu vốn chống đỡ với rủi ro đổ vỡ hệ thống nếu không bơm đủ 4,15 nghìn tỷ NDT (CNY) cho đáo hạn khoản vay trung và dài hạn từ nay đến cuối năm 2021...

Đầu tháng 7 vừa qua, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) vừa phải tuyên bố sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản dự trữ bắt buộc để đảm bảo hệ thống NHTM có tiền cho đáo hạn 4,15 nghìn tỷ CNY đề cập ở trên. Dù vậy, do nợ xấu lớn và rủi ro tín dụng ngày một lớn hơn từ thị trường bất động sản, theo nguồn tin của Secret China, PBOC đang lên kế hoạch nới lỏng tỷ lệ cho vay/huy động để giảm căng thẳng thanh khoản cho NHTM.

Lê Minh

(Theo Financial Times)

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc gấp rút lập quỹ cứu trợ các doanh nghiệp nhà nước khủng hoảng bởi nợ