Trung Quốc đuối sức trong thương chiến

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giờ đây, sau 20 tháng thương chiến khốc liệt, vị thế của mỗi bên trong thương chiến ngày một định hình rõ nét. Nền kinh tế vốn quá nhiều lỗ hổng, bất cân đối và thiếu nền tảng phát triển bền vững đã bộc lộ hết điểm yếu. Trung Quốc bộc lộ dấu hiệu đuối sức.

Đằng sau thương chiến Mỹ - Trung là một lịch sử dài về chiến lược lớn nhắm vào Trung Quốc của Mỹ được hình thành gần 40 năm qua, là thỏa hiệp giữa nhiều thế hệ lãnh đạo giữa hai nước về quyền lợi kinh tế, chính trị… Tổng thống Trump, người khơi ngòi cuộc chiến, rốt cuộc là người được nước Mỹ lựa chọn để thực thi chiến lược nhắm vào Trung Quốc mà thôi. Không có Tổng thống Trump, nước Mỹ hẳn có lựa chọn khác, nhưng nhất định đó là con đường mà nước Mỹ sẽ phải trải qua bởi đó là quyền lợi, là trách nhiệm của Mỹ trong bản đồ kinh tế - chính trị toàn cầu.

Nền tảng kinh tế vĩ mô của Mỹ tiếp tục được củng cố vững chắc.

Thị trường chứng khoán Mỹ phá đỉnh, Down Jones tăng 300 điểm vào những ngày đầu tháng 11. Chứng khoán Mỹ tăng mạnh bởi nền tảng tăng trưởng và ổn định của kinh tế Mỹ vẫn rất vững vàng với nhiều sắc mầu lạc quan dù kinh tế thế giới suy trầm.

Thứ nhất, chỉ số việc làm của Mỹ tăng vượt xa mức mong đợi. Bộ Lao động Mỹ ngày 1/11 cho biết toàn nền kinh tế có thêm 128.000 việc làm trong tháng 10 trong khi các chuyên gia do Dow Jones khảo sát chỉ dự báo 75.000.

Mặc dù bị ảnh hưởng đôi chút bởi số việc làm trong ngành xe hơi giảm 42.000 do vụ đình công tại General Motors, nhưng số liệu việc nền kinh tế làm tháng 10 dễ dàng vượt kì vọng của thị trường.

Ông Gus Faucher, Kinh tế trưởng tại PNC nhận định: "Báo cáo việc làm tháng 10 rất tích cực. Tăng trưởng việc làm chậm đi đôi chút do vụ đình công General Motors nhưng vụ đình công này giờ đã được giải quyết, tăng trưởng sẽ sớm trở lại trong tháng 11".

Số liệu việc làm của tháng 9 và tháng 8 cũng được điều chỉnh cao hơn đáng kể. Cụ thể, số liệu tháng 9 được nâng từ 136.000 lên 180.000, tháng 8 được nâng từ 168.000 lên 219.000.

Thứ hai, tăng trưởng GDP Mỹ quý 3 giảm tốc song vẫn lạc quan hơn dự báo. Trong đó, GDP tăng 1,9% so cùng kỳ trong quý 3/2019, thấp hơn mức tăng 2% của quý 2 nhưng cao hơn hơn mức dự báo tăng 1,6% được dự báo bởi Dow Jones trước đó. Mức tăng trưởng này đạt được nhờ chính phủ và đặc biệt là người dân tăng chi tiêu; Tiêu dùng cá nhân của người Mỹ tăng 2,9%, trong khi chi tiêu chính phủ tăng 2%.

Tăng trưởng GDP theo quý của Mỹ 2014-2019 (y.o.y)

Nguồn: Tradingeconomics

Chỉ số PMI ngành sản xuất và dịch vụ đều duy trì xu hướng tăng nhẹ và ổn định ở mức trên 51 điểm trong quý 3. Chỉ số niềm tin kinh doanh trong tháng 10 cũng phục hồi nhẹ (48,3 điểm) sau nhiều tháng giảm sau khi đạt mức giảm kỷ lục vào tháng 9 (47,8 điểm - mức thấp nhất trong 5 năm qua). Thu nhập trung bình của người lao động Mỹ tăng 0,2% trong tháng 10.

Thứ ba, nhờ nền tảng vĩ mô vững chắc, Fed phát tín hiệu tạm ngừng nới lỏng chính sách tiền tệ sau khi hạ lãi suất lần thứ 3 trong năm vào ngày 30/10 vừa qua. Tại cuộc họp chính sách tháng 10 (ngày 30/10), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất chính sách lần thứ 3 liên tiếp trong năm nay. Theo đó, lãi suất được giảm 25 điểm phần trăm xuống mức từ 1,50-1,75% do lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như lạm phát trong nước vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, Fed vẫn đánh giá kinh tế Mỹ đang tăng trưởng bền vững, thị trường lao động vững chắc và lạm phát đang tiến dần đến ngưỡng mục tiêu 2%.

Chủ tịch Fed Jerome Powell đã mô tả động thái cắt giảm lãi suất là một sự "điều chỉnh giữa chu kì" nhằm bảo vệ nền kinh tế Mỹ khỏi tác động của cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Trump khơi mào cũng như tránh ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, theo Financial Times.

Ở chiều ngược lại, kinh tế Trung Quốc đuối sức. Nền tảng kinh tế vĩ mô của Trung Quốc suy yếu, tăng trưởng chậm lại, lạm phát tăng, đồng CNY mất giá...

Thứ nhất, thị trường cổ phiếu Trung Quốc sụt giảm. Chỉ số chứng khoán Thượng Hải đã giảm khoảng 4% so với cuối tháng 4. Và chỉ số này đã giảm 10 % mức cao trong năm nay.

Cho đến gần đây, các nhà đầu tư chứng khoán tại Trung Quốc vẫn tin tưởng rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ hỗ trợ bằng các biện pháp kích thích mở rộng - ngay cả khi quy mô của nó không bằng những năm trước. Nhưng hiện nay, việc lạm phát tăng mạnh cho thấy Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) khó có khả năng sớm triển khai các biện pháp kích thích quy mô lớn.

Thứ hai, tăng trưởng GDP của Trung Quốc thấp nhất trong 27 năm qua. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tăng trưởng GDP trong quý 3 chỉ đạt 6%, mức tăng hàng quý thấp nhất trong 27 năm do sự sụt giảm nhu cầu trong nước và cuộc chiến thương mại với Mỹ. Dự trữ ngoại hối giảm mạnh, giảm 14,8 tỷ USD xuống còn 3.092 tỷ USD trong tháng 9/2019 do sự biến động mạnh của tỷ giá; hoạt động xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 9/2019 đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018.

Hình: Tăng trưởng GDP theo quý (y.o.y) của Trung Quốc 2014-2019

Nguồn: Tradingeconomics

Thứ ba, lạm phát bắt đầu tăng mạnh và làm giảm dư địa chính sách tiền tệ mà Trung Quốc đang cố gắng tận dụng.

Ông Amy Lin – chuyên gia phân tích tài chính tại Thượng Hải Capital Securities nhận định: một nền kinh tế yếu kém điều có thể lường trước được, nhưng vấn đề là lạm phát đã làm giảm dư địa để PBOC để cắt giảm lãi suất.

Giá tiêu dùng đã tăng 3% trong tháng 9 so với một năm trước đó, do giá thịt lợn tăng 69% vì dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại nước tiêu thụ thịt lợn lớn nhất trên thế giới này. Deutsche Bank không loại trừ lạm phát lên tới 4%.

Khủng hoảng thịt lợn không phải là một vấn đề nhỏ, mà nó là dấu hiệu phản hồi của thị trường về những thay đổi trong chính sách tiền tệ”, ông Qu Qing, nhà kinh tế trưởng tại Jianghai Securities, cho rằng lạm phát tại Trung Quốc thậm chí có thể vượt 4,5% trong tháng 1.

Để kích thích tăng trưởng, Trung Quốc vẫn tiếp tục sử dụng nhiều công cụ để nới lỏng tiền tệ qua hệ thống NHTM; trong đó công cụ mạnh nhất là hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc - vốn còn rất cao và nhiều dư địa tại các NHTM. Kể từ khi thương chiến bắt đầu, Trung Quốc đã 7 lần cắt giảm tỷ lệ này (từ 18-20% xuống còn 13-15%). Lần gần đây nhất là ngày 6/9, PBoC đã quyết định cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5% để khuyến khích các ngân hàng đẩy mạnh cho vay vào nền kinh tế. Bên cạnh đó, PBoC còn cắt giảm thêm 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại nông thôn, chia làm 2 đợt vào ngày 15/10 và 15/11. Trước đó, hồi cuối tháng 8, Trung Quốc cũng đã thay đổi cách tính lãi suất cho vay cơ bản (LPR) dựa nhiều vào cung - cầu thị trường nhằm mục tiêu kéo giảm lãi suất để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Trung quốc không còn nhiều dư địa để nới lỏng tiền tệ, một phần do lạm phát có xu hướng tăng cao, nhưng một phần lớn do tỷ lệ đòn bẩy đã bị lạm dụng quá mức khiến rủi ro nợ tăng cao trong hệ thống tài chính nước này.

Khi ngấm đòn thương chiến, Trung Quốc đã phải ký thỏa thuận với Mỹ trong tháng 10 vừa qua.

Nhưng tương lai thương chiến khó có thể sáng sủa hơn bởi chiến lược của Mỹ không phải là sự suy yếu của Trung Quốc mà là sự thay đổi của Trung quốc

Một diễn biến quan trọng đã diễn ra: ông tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý không tăng thuế đối với 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào ngày 15/10 vừa qua, đổi lại là một loạt những cam kết từ chính quyền Bắc Kinh. Theo đó, đoàn đàm phán của Trung Quốc cam kết về một số vấn đề liên quan tới sở hữu trí tuệ, dịch vụ tài chính, ngân hàng, tỷ giá và nhập khẩu nông sản Mỹ. Cụ thể, theo một phần của thỏa thuận giai đoạn 1, Trung Quốc sẽ mua từ 40 tỷ đến 50 tỷ USD hàng nông sản của Mỹ, bao gồm một số thực phẩm như đậu tương và thịt lợn.

Tuy nhiên, không khó để nhận ra, đây là một quyết định được đưa ra trong bối cảnh người nông dân Mỹ - một bộ phận cử tri quan trọng đối với ông Trump - đang gặp rất nhiều khó khăn, trong khi đó Trung Quốc cũng đang rơi vào một cuộc khủng hoảng thiếu thịt lợn chưa từng có do dịch tả châu Phi gây ra. Và như vậy, gót chân Achilles của ông Trump - vấn đề cử tri nông dân - đã được Bắc Kinh giải quyết. Đây là điều mà ông Trump rất quan tâm trước thềm cuộc bầu cử năm 2020.

Thế nên, có thể hiểu đây chỉ là sự hòa hoãn tạm thời. Trên thực tế, cho tới thời điểm này, Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa chính thức ký thỏa thuận giai đoạn 1. Trong khi giai đoạn 2 được đánh giá còn khó khăn hơn rất nhiều.

Giai đoạn 2 sẽ đề cập tới những mâu thuẫn lớn nhất giữa 2 bên. Đó là việc giải quyết các cáo buộc của Mỹ về đánh cắp sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc và trợ cấp công nghiệp của Trung Quốc.

Đây là những vấn đề mà đối với ông Trump là buộc phải giải quyết và đó mới là thỏa thuận “toàn diện” mà ông Trump mong muốn. Nhưng đó lại là những vấn đề mà Trung Quốc luôn né tránh và được xem là lằn ranh đỏ trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung.

Ông Trump kỳ vọng sẽ ký thỏa thuận với ông Tập khi 2 nguyên thủ tham dự Hội nghị cấp cao lãnh đạo các nền kinh tế thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Chile vào giữa tháng 11. Tuy nhiên, theo báo giới Trung Quốc, Bắc Kinh dường như không có cùng mục tiêu này với ông Trump.

Mộc Trà



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc đuối sức trong thương chiến