Trung Quốc đe dọa phá hoại ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ bằng cách hạn chế xuất khẩu đất hiếm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc đang âm thầm thăm dò thiệt hại kinh tế mà họ có thể gây ra cho các công ty Mỹ và châu u - bao gồm cả các nhà thầu quốc phòng - nếu họ áp đặt “hạn chế” xuất khẩu đối với 17 vật liệu đất hiếm, theo một báo cáo trên Financial Times.

Đáng chú ý là, chính phủ Mỹ hiện đang dựa vào những loại đất hiếm này để sản xuất máy bay phản lực F-35 và các loại vũ khí tinh vi khác, sử dụng chúng cho các bộ phận quan trọng như hệ thống điện và nam châm.

“Chính phủ của chúng tôi muốn biết liệu Mỹ có gặp khó khăn trong việc chế tạo máy bay chiến đấu F-35 nếu Trung Quốc áp đặt lệnh cấm xuất khẩu hay không”, một cố vấn chính phủ Trung Quốc giấu tên cho biết.

Ví dụ, một kim loại đất hiếm, samarium coban, được sử dụng trong tên lửa dẫn đường chính xác và máy bay chiến đấu, cũng như các hệ thống thông tin liên lạc tiên tiến.

Financial Times (FT) còn cho biết thêm rằng "Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc tháng trước đã đề xuất dự thảo kiểm soát việc sản xuất và xuất khẩu 17 khoáng sản đất hiếm ở Trung Quốc, vốn kiểm soát khoảng 80% nguồn cung toàn cầu".

Trước khi mãn nhiệm, Tổng thống Trump và chính quyền của ông đã tìm cách thực hiện tất cả các biện pháp có thể để giúp nước Mỹ giảm thiểu sự thống trị tài nguyên của Trung Quốc trong khu vực này, bao gồm việc ký sắc lệnh tuyên bố "tình trạng khẩn cấp quốc gia" trong ngành khai thác và khoáng sản của Mỹ (phần lớn mà vẫn tập trung vào việc đào than lên khỏi mặt đất). Trung Quốc vốn đã bị coi là kẻ thống trị thị trường khoáng sản đất hiếm trong nhiều thập kỷ qua.

Nhưng với việc ông Trump không tái đắc cử và một chính quyền thân thiện hơn với Trung Quốc trở lại nắm quyền ở Washington, có vẻ như Bắc Kinh đang cân nhắc chơi khó Mỹ để đạt được những gì họ muốn.

Các nhà điều hành ngành công nghiệp cho biết các quan chức chính phủ đã hỏi họ rằng các công ty ở Mỹ và châu Âu, bao gồm cả các nhà thầu quốc phòng, sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm trong một cuộc tranh chấp song phương.

Các máy bay chiến đấu như F-35, một loại máy bay của Lockheed Martin, chủ yếu dựa vào đất hiếm để sản xuất ra các bộ phận quan trọng như hệ thống năng lượng điện và nam châm. Một báo cáo của Dịch vụ Nghiên cứu Quốc hội cho biết mỗi chiếc F-35 cần 417kg vật liệu đất hiếm.

Như một nhà phân tích an ninh trực thuộc nhà nước giải thích với FT, Trung Quốc đã cân nhắc các biện pháp kiểm soát xuất khẩu tiềm năng trong một thời gian và sẽ tìm cách nhắm mục tiêu vào các khoáng sản quan trọng đối với ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ trước tiên.

Trong một báo cáo hồi tháng 11 năm ngoái, Zhang Rui, nhà phân tích của Antaike, một công ty tư vấn do chính phủ hậu thuẫn ở Bắc Kinh, cho rằng các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ có thể nằm trong số những công ty đầu tiên bị Trung Quốc hạn chế xuất khẩu. Bộ Ngoại giao Trung Quốc năm ngoái cho biết họ sẽ trừng phạt Lockheed Martin, Boeing và Raytheon vì bán vũ khí cho Đài Loan, hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ có chủ quyền của mình. Bắc Kinh đang đề xuất để ban hành các hướng dẫn, trong đó yêu cầu các nhà sản xuất đất hiếm tuân theo luật kiểm soát xuất khẩu quy định các lô hàng nguyên liệu “giúp bảo vệ an ninh quốc gia”. Hội đồng Nhà nước và Quân ủy Trung ương của Trung Quốc sẽ có tiếng nói cuối cùng về việc đất hiếm có nằm trong danh sách này hay không.

Nước Mỹ từ lâu cũng đã tính đến phương án tìm nguồn thay thế đất hiếm đến từ Trung Quốc. Trong những đề xuất được nêu lên tại phiên điều trần của Ủy ban Tài nguyên thiên nhiên và năng lượng Thượng viện Mỹ hồi cuối tháng 6 năm ngoái đề cập đến nhiều vấn đề từ trợ cấp cho sản xuất, hợp tác với các nước khác cũng như đẩy mạnh nghiên cứu cho đến tăng cường tái chế và khai thác đất hiếm tại các công viên quốc gia hay thậm chí ngoài vũ trụ.

Lầu Năm Góc cũng không đứng ngoài cuộc khi đề ra kế hoạch 4 giai đoạn nhằm thúc đẩy chuỗi cung ứng khoáng sản. Giới phân tích tin rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2019 đề nghị mua Greenland có liên quan đến trữ lượng đất hiếm lớn của hòn đảo thuộc Ðan Mạch này.

Tập đoàn USA Rare Earth cũng cho biết họ đã có giấy phép xây dựng nhà máy xử lý đất hiếm tại bang Colorado, trong khi mỏ đất hiếm Mountain Pass ở bang California dự định tái khởi động các cơ sở mà lâu nay đóng cửa vì lý do tài chính.

Mặc dù có tên là “đất hiếm”, nhưng khoáng sản này thực sự không “hiếm” đến vậy. Đây là loại khoáng chất rất khó khai thác, và thậm chí có thể gây ra sự hủy hoại tới môi trường để khai thác và tinh chế, nhưng một số nguyên tố của đất hiếm lại thuộc dạng khoáng sản dồi dào nhất trên thế giới. Đồng thời, không giống với như dầu mỏ và các nguyên liệu thô khác, nhu cầu sử dụng thường xuyên và số lượng lớn đối với các loại đất hiếm cũng không lớn bằng.

Nhiều loại sản phẩm cần dùng tới đất hiếm cũng chỉ cần một lượng rất nhỏ, khiến loại nguyên liệu này còn có tên là là “vitamin của công nghệ hiện đại”. Do vậy, kể cả khi loại mặt hàng này bị đánh thuế thì cũng sẽ không có ảnh hưởng gì ngay lập tức. Ngoài ra, Mỹ cũng đã dự trữ một lượng lớn những loại đất hiếm chủ chốt, nhất là các loại được sử dụng trong ngành công nghiệp quốc phòng.

Trên thực tế, thế độc quyền của Trung Quốc đối với mặt hàng đất hiếm không giống như nhiều người vẫn nghĩ. Dù nước này hiện chiếm thị phần lớn về đất hiếm trong thương mại toàn cầu, nhưng họ có được điều đó là do có những quy định lỏng lẻo trong bộ luật môi trường. Điều này đã giúp Trung Quốc khai thác, trích xuất và tinh chế với giá thành thấp hơn rất nhiều so với các nước khác. Nhưng những năm gần đây, lợi thế này đã bị thu hẹp lại, khi chính quyền Bắc Kinh xử lý mạnh tay các công ty sản xuất đất hiếm hoạt động trái phép.

Ngoài ra, hiện Trung Quốc sở hữu khoảng 1/3 trữ lượng đất hiếm trên thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là nước sử dụng đất hiếm hàng đầu thế giới do có nền công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ. Ngoài Trung Quốc, thì các mỏ đất hiếm cũng được phát hiện ở nhiều nơi khác trên thế giới như Nhật Bản, Đông Nam Á, Australia, và một số khu vực nằm tại phía đông và phía nam châu Phi.

Mặt khác, các công ty công nghệ cũng đã bắt đầu tìm ra các giải pháp mới để việc dùng đất hiếm được tiết kiệm và hiệu quả hơn. Trong một bản báo cáo về trách nhiệm đối với môi trường gần đây, tập đoàn công nghệ Apple cho biết, họ đã bắt đầu tiến hành việc tái chế đất hiếm từ những chiếc điện thoại iPhone cũ và các sản phẩm khác.

Quyết định của Trung Quốc một lần nữa "xem xét" cắt bỏ Mỹ khỏi các kho dự trữ khoáng sản đất hiếm quan trọng đến vào thời điểm không thể bấp bênh hơn, khi cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng ở Texas, cộng với cái gọi là "thời tiết khắc nghiệt" đã buộc chính quyền phải dừng cung cấp điện cho hơn 5 triệu khách hàng trong tiểu bang, có thể đóng vai trò như một "siêu vòng quay hàng hóa" mới hiện đang được thảo luận bên trong các bức tường của các ngân hàng đầu tư của Mỹ - bao gồm cả Marko Kolanovic của JPMorgan.

Bây giờ chúng ta chờ xem Chính quyền Biden và thị trường sẽ phản ứng như thế nào trước mối đe dọa mới nhất này từ Bắc Kinh.

Mộc Trà

Theo Zerohedge



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc đe dọa phá hoại ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ bằng cách hạn chế xuất khẩu đất hiếm