Trung Quốc đang ‘bê tông hóa’ vĩnh viễn những 'căn bệnh mãn tính' của nền kinh tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tăng trưởng quý III/2020 của Trung Quốc dù được xem là điểm sáng le lói trong khi kinh tế thế giới đang suy giảm do dịch viêm phổi Vũ Hán, cách thức mà chính quyền nước này tạo ra tăng trưởng bằng đầu tư công tràn lan chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân đối, dẫn đến tình trạng ngày một ‘bê tông hóa’ vĩnh viễn những căn bệnh mãn tính của nền kinh tế.

Khi cung tiếp tục vượt cầu tiêu dùng khiến thương chiến càng trầm trọng, nhà nước bóp nghẹt đầu tư tư nhân, bong bóng nợ càng phình to… Những vấn đề dài hạn đó sẽ đẩy Trung Quốc vào những “thập kỷ mất mát” như Nhật Bản trong những thập niên 80, 90.

Trong khoảng thời gian từ quý II đến quý III/2020, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 4,9%. Tuy nhiên, đào sâu vào các con số, bức tranh không hoàn toàn “màu hồng” như vẻ ngoài của nó.

Rất lâu trước đại dịch, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã rơi vào tình trạng mất cân bằng một cách nguy hiểm. Bắc Kinh đã tập trung rất nhiều vào con số tổng sản phẩm quốc nội (GDP) như một thước đo sức mạnh kinh tế của họ. Một hậu quả là, khi tăng trưởng có nguy cơ giảm xuống mức mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho là quá thấp, nhà nước đã can thiệp tích cực.

Kích thích đầu tư công mất cân đối với khu vực tư nhân, nợ tăng chóng mặt

Sự can thiệp đó thường liên quan đến các dự án có tài trợ nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng, với ít mục đích kinh tế ngoài việc thúc đẩy tăng trưởng. Nó cũng dẫn đến mức đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước vượt xa mức của khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, sự phục hồi đã được phân bổ không đồng đều. Trong khi các khoản vay ngân hàng đạt kỷ lục 2,4 nghìn tỷ USD trong chín tháng đầu tiên, nhu cầu vay đang dần “cạn kiệt” trong nội địa. Theo phân tích của Rhodium Group, tổng tăng trưởng tín dụng ở mức âm ở tỉnh Liêu Ninh, miền đông bắc nước này trong nửa đầu năm, và một số tỉnh đang phải vật lộn để trang trải các khoản trả lãi cho khoản nợ chưa thanh toán.

Đồng thời, các tỉnh nghèo phụ thuộc nhiều vào đầu tư cơ sở hạ tầng để tăng trưởng, thì nay đã lộ dấu hiệu “mệt mỏi”, và tình trạng tài khóa của họ trở nên tồi tệ hơn. Bất chấp việc phát hành trái phiếu đô thị lớn, chi tiêu tài khóa địa phương vẫn giảm 1,7% trong năm tính đến tháng 8/2020, so với mức tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Đầu tư tài sản cố định tư nhân vẫn âm trong chín tháng đầu năm. Việc rút bỏ kích thích sớm có thể làm tình trạng mất cân bằng trở nên trầm trọng hơn do đại dịch gây ra.

Các khoản nợ của các thành phố tự quản tăng cao sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Giữa đại dịch, điều này dường như đã xảy ra một lần nữa. Trong chín tháng đầu năm, đầu tư tài sản cố định của các công ty không thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc đã giảm 1,5% so với một năm trước đó. Đối với các doanh nghiệp nhà nước, con số này tăng 4% trong cùng kỳ.

Các nhà bình luận kinh tế Trung Quốc đã thường xuyên cảnh báo rằng việc đầu tư quá mức vào các lĩnh vực như bất động sản sẽ dẫn đến một “đống lớn” các khoản nợ khó đòi.

Một người đàn ông lớn tuổi đẩy chiếc xe đẩy chứa đầy hàng hóa tái chế được thu gom mà ông sẽ bán theo trọng lượng để thu về một khoản tiền, trong lễ khai mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) ở Bắc Kinh vào ngày 21 tháng 5 năm 2020 (Ảnh của NICOLAS ASFOURI / AFP qua Getty Images)
Một người đàn ông lớn tuổi đẩy chiếc xe đẩy chứa đầy hàng hóa tái chế được thu gom mà ông sẽ bán theo trọng lượng để thu về một khoản tiền, trong lễ khai mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) ở Bắc Kinh vào ngày 21 tháng 5 năm 2020 (Ảnh của NICOLAS ASFOURI / AFP qua Getty Images)

Đã có quá nhiều phụ thuộc vào hoạt động công nghiệp do nhà nước thúc đẩy, chẳng hạn như việc bán đất, sử dụng kích thích tín dụng và đầu tư vào xây dựng. Đòn bẩy giữa các tổ chức phi tài chính đã tăng 20 điểm phần trăm trong nửa đầu năm lên 266% sản lượng, mức tăng đột biến lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, theo Viện Tài chính & Phát triển Quốc gia Trung Quốc.

Điều đó đã hỗ trợ cho việc đầu cơ bất động sản và thúc đẩy cổ phiếu. Số dư giao dịch ký quỹ của Trung Quốc hiện ở mức 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (224 tỷ USD), theo dữ liệu của Refinitiv, mức cao nhất kể từ vụ sụp đổ năm 2015.

Cũng Theo ước tính của Viện Tài chính Quốc tế (CNBC), tổng nợ của Trung Quốc trên các lĩnh vực hộ gia đình, chính phủ, tài chính và phi tài chính đã tăng từ hơn 300% GDP lên gần 318% trong quý đầu tiên. Tỷ lệ này kỳ vọng sẽ đạt 335% GDP ở nhóm thương mại trong những tháng tiếp theo.

Những thập kỷ mất mát của Nhật do nợ

Tỷ lệ tổng nợ/GDP (xanh lá cây) của Trung Quốc đang tiệm cận đến mức khủng hoảng nợ dẫn đến giống như tình trạng “thập kỷ mất mát” của Nhật Bản những thập kỷ 80,90.
Tỷ lệ tổng nợ/GDP (xanh lá cây) của Trung Quốc đang tiệm cận đến mức khủng hoảng nợ dẫn đến giống như tình trạng “thập kỷ mất mát” của Nhật Bản những thập kỷ 80,90. Xanh lá cây: Tổng nợ tư nhân và nhà nước/GDP, Xanh da trời: Tổng nợ nhà nước; Đỏ: Nợ tư nhân

Không có bong bóng nào không nổ

Biểu đồ thể hiện tình trạng khủng hoảng tài chính, Nợ tư nhân phi tài chính của Nhật (da cam), Tây ban Nha (xanh lá), Thái Lan (xanh ghi) chạm ngưỡng 200%/GDP, Trung Quốc (cam đậm) đã vượt xa mức này.
Biểu đồ thể hiện tình trạng khủng hoảng tài chính, Nợ tư nhân phi tài chính của Nhật (da cam), Tây Ban Nha (xanh lá), Thái Lan (xanh ghi) chạm ngưỡng 200%/GDP, Trung Quốc (cam đậm) đã vượt xa mức này.

Trong khi khu vực nhà nước định hướng kích cầu đầu tư thông qua nợ, thì các công ty vừa và nhỏ đã vay ít hơn rất nhiều trong quý III/2020 so với quý II/2020, giám đốc điều hành China Beige Book, Leland Miller, nói với CNBC vào tuần trước.

Ông nói: “Khi bạn thoát khỏi tình trạng ngừng hoạt động hoặc giảm tăng trưởng do đại dịch, chúng ta sẽ phải thấy nhiều sự vay mượn hơn. Nhưng vì chúng tôi không thấy điều đó, bạn phải tự đặt câu hỏi về điều gì khiến các công ty lo lắng do dự”.

Các thị trường thế giới quay lưng do thương chiến

Có một số lý do để cho rằng sự mất cân bằng giữa đầu tư tư nhân và đầu tư công - và mối đe dọa dẫn đến tăng trưởng dài hạn - có thể trở nên tồi tệ hơn. Trung Quốc đã đối phó với đại dịch bằng cách đóng cửa biên giới của mình. Nếu đại diện của các doanh nghiệp từ những nơi như Đức không còn có thể đến thăm, người ta sẽ giảm kỳ vọng đầu tư vào nước này.

Thêm nữa, căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và các đối tác thương mại cũng đang có tác động. Căng thẳng leo thang không chỉ với Mỹ, chính phủ Nhật Bản cho biết họ sẽ trả tiền cho các công ty để ngừng sử dụng các nhà máy Trung Quốc. Hàn Quốc đã áp dụng một chiến lược tương tự.

Trung Quốc đã tìm cách điều chỉnh sự suy thoái toàn cầu này thông qua một mô hình mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã gọi là “lưu thông kép”. Ý tưởng này chính thức hóa một nỗ lực được quảng bá từ lâu, nhằm cung cấp tăng trưởng nhiều hơn thông qua nhu cầu trong nước, cho phép nền kinh tế tồn tại trong sự “tự cô lập” với phần còn lại của thế giới, bằng cách thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Không chỉ vậy, trong bối cảnh các nền kinh tế thế giới đang vật lộn với suy thoái kinh tế do virus Corona Vũ Hán từ Trung Quốc, họ sẽ phải gánh chịu phần tiêu dùng những sản phẩm xuất từ Trung Quốc do thừa cung. Điều này sẽ làm nghiêm trọng hơn những bất đồng do gia tăng thặng dư thương mại của Trung Quốc gây ra, làm trầm trọng hơn các cuộc thương chiến với Mỹ và Châu Âu trong tương lai.

Cầu trong nước không đủ sức vực thị trường nội địa

Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ giảm 7,2% so với cùng kỳ. Chỉ có một điểm sáng trong tiêu dùng tại Trung Quốc là doanh thu bán hàng trực tuyến tăng 15,3% so với một năm trước, chiếm 24,3% doanh thu bán lẻ.

Về cơ cấu, tiêu dùng hộ gia đình chỉ chiếm chưa đến 40% sản lượng ở đây, so với khoảng 65% đến 70% ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến.

Bruce Pang, trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance lưu ý rằng các vấn đề như thất nghiệp, thu nhập hộ gia đình giảm và hành vi tiêu dùng thay đổi có thể ảnh hưởng đến nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kích thích tiêu dùng để đóng góp vào tăng trưởng (theo CNBC).

Ông kỳ vọng nhu cầu trong nước sẽ tăng tốc trong những tháng tới, nhờ kết quả mạnh mẽ từ kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng vào đầu tháng 10/2020. Trong khi đó, theo báo cáo thì doanh thu du lịch trong nửa đầu của kỳ nghỉ “tuần lễ vàng” giảm 31% so với năm ngoái, lượng khách du lịch giảm 22% và chi tiêu trung bình cho mỗi khách du lịch giảm 12%.

Theo Bloomberg, khu vực khách sạn và nhà hàng của Trung Quốc - một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất của nền kinh tế trong thời kỳ đại dịch, vẫn là lực cản đáng kể đối với tăng trưởng trong quý III/2020, ngay cả khi đà phục hồi đang dần đạt được.

Màu đen: tăng trưởng khu vực nhà hàng, khách sạn; Màu đỏ: tăng trưởng GDP
Màu đen: tăng trưởng khu vực nhà hàng, khách sạn; Màu đỏ: tăng trưởng GDP

Cơ quan thống kê cho biết khu vực này giảm 5,1% so với một năm trước trong một báo cáo bổ sung về GDP, một sự cải thiện so với mức giảm 18% trong quý II/2020. Tính chung 9 tháng đầu năm, sản lượng giảm 19,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Sự thu hẹp trong chi tiêu giải trí như khách sạn và nhà hàng cho thấy niềm tin vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Phân tích dữ liệu GDP của ngành cho thấy cho thuê và dịch vụ thương mại là lĩnh vực duy nhất giảm trong quý trước, giảm 6,9% so với một năm trước.

Theo giáo sư, chuyên gia kinh tế hàng đầu về Trung Quốc, Michael Pettis: ”Trung Quốc chắc chắn là nền kinh tế lớn duy nhất báo cáo tăng trưởng GDP, nhưng trong một nền kinh tế toàn cầu đang vật lộn về nhu cầu, tôi sẽ không mô tả một quốc gia đã tăng trưởng nhờ vào thặng dư thương mại tăng vọt - có nghĩa là nó đang hấp thụ (dựa vào) nhu cầu từ các đối tác thương mại khác - như một ‘động cơ tăng trưởng’ cho nền kinh tế thế giới, điều này sẽ tiếp tục làm xung đột thương mại với Mỹ và Châu Âu thêm trầm trọng”.

Trong khi đó, một số nhà kinh tế đang tranh luận về tác động của các sửa đổi đối với hoạt động đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc hôm thứ Hai (ngày 19/10) cho biết dữ liệu về đầu tư và doanh số bán lẻ năm 2019 đã được sửa đổi sau cuộc tổng điều tra kinh tế lần thứ tư được tiến hành vào năm ngoái, mà không cung cấp chi tiết về các sửa đổi.

China Beige Book, chuyên cung cấp dữ liệu độc lập về nền kinh tế, cho biết trên Twitter rằng các bản sửa đổi có tác dụng làm giảm số liệu đầu tư từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2019, dẫn đến mức tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Tóm lại, tăng trưởng quý III/2020 của Trung Quốc dù là điểm sáng le lói trong khi kinh tế thế giới đang suy giảm do đại dịch, cách thức mà Trung Quốc tạo ra tăng trưởng bằng đầu tư công tràn lan chỉ làm trầm trọng thêm mất cân đối do thừa cung (khiến thương chiến càng trầm trọng hơn khi các nước khác phải tiêu dùng lượng cung thừa này), nhà nước bóp nghẹt đầu tư tư nhân, bong bóng nợ càng phình to.

Những vấn đề dài hạn đó sẽ đẩy Trung Quốc vào những “thập kỷ mất mát” như Nhật Bản trong những thập niên 80,90 sau khi bong bóng nợ nổ tung.

Thiện Nhân



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc đang ‘bê tông hóa’ vĩnh viễn những 'căn bệnh mãn tính' của nền kinh tế