Trung Quốc tăng giá đồng Nhân dân tệ 'có chủ đích' để kiếm lời trong đại dịch?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đồng Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc đang tăng giá mạnh so với đồng USD trong năm 2020, nhờ sự suy yếu của kinh tế Mỹ và sự thành công về xuất khẩu, tăng trưởng của Trung Quốc. Nhưng nhìn lại lịch sử, đồng CNY của Trung Quốc không bao giờ tăng hay giảm giá phù hợp với quy luật kinh tế học... Và rất có thể, sự tăng giá của đồng CNY lần này cũng là "đòn" thao túng tiền tệ - giúp Trung Quốc kiếm nhiều hơn trong đại dịch mà thôi...

Chúng ta rất quen thuộc với việc Trung Quốc làm mất giá đồng CNY của họ để thực thi chiến lược xuất khẩu trong nhiều thập kỷ. Việc làm mất giá đồng CNY giúp hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn nhiều so với các nền kinh tế khác, từ đó khiến hàng hóa giá rẻ Trung Quốc tràn ngập thế giới.

Trung Quốc thành công trong việc thao túng tiền tệ theo cách làm mất giá đồng CNY trong bối cảnh nền kinh tế này duy trì hàng thập kỷ thặng dư thương mại, quy mô thặng dư thương mại ngày một lớn.

Thặng dư thương mại kỷ lục khi cả thế giới chìm trong bóng tối

Thực tế, năm 2020, thặng dư thương mại của Trung Quốc tiếp tục gia tăng, đạt mức kỷ lục 535 tỷ USD (theo Bloomberg), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 32.160 tỷ USD - tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp đại dịch. Trong đó, xuất khẩu tăng 3,6% và nhập khẩu giảm nhẹ 1,1% so với cùng kỳ năm 2019. Quan trọng hơn, bất chấp cả việc đồng CNY tăng giá mạnh so với đồng USD, xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ năm 2020 tăng 9,9% - tăng mạnh trở lại sau đòn thương chiến nặng nề năm 2019.

Trung Quốc đạt kỷ lục thặng dư thương mại năm 2020 (nguồn: Bloomberg)
Trung Quốc đạt kỷ lục thặng dư thương mại năm 2020 (nguồn: Bloomberg)

Có vẻ như Trung Quốc không cần làm giảm giá đồng CNY của họ mà vẫn đạt được thành tựu về xuất khẩu và đảm bảo là kẻ chiến thắng duy nhất của hành tinh này, trong một năm hội tụ kinh hoàng của thiên nga đen, tê giác xám và voi trắng nợ khổng lồ.

Nhiều nhà kinh tế học và các tạp chí kinh tế danh tiếng cho rằng nguyên nhân tăng giá đồng CNY vì Trung Quốc là nước tăng trưởng cao nhất, quốc gia hiếm hoi tăng trưởng dương trong đại dịch khi toàn cầu chìm vào bóng tối của tăng trưởng âm do đóng cửa nền kinh tế.

Nhưng số liệu lịch sử cho thấy giá trị của đồng CNY chẳng liên hệ gì tới tăng trưởng và thặng dư thương mại của nền kinh tế này.

Số liệu thống kê lịch sử cho thấy trong cả thập kỷ tăng trưởng ỳ ạch trước khi đại dịch xuất hiện, Trung Quốc vẫn là nơi có sức tăng trưởng nóng nhất, thặng dư thương mại liên tiếp hàng thập kỷ, mức thặng dư liên tiếp đạt kỷ lục... Có rất nhiều điều kiện hỗ trợ, nhưng CNY vẫn luôn mất giá theo một xu hướng chiến lược hết sức kiên định.

Bởi vậy, các thành công vĩ mô về thặng dư thương mại, tăng trưởng kinh tế... dường như không bao giờ đủ để giải thích thuyết phục hiện tượng tiền tệ của Trung Quốc.

Tăng giá đồng CNY là một trong các công cụ kiếm tiền trong hỗn loạn của Trung Quốc?

Năm 2020 đặc biệt ở chỗ cả thế giới đóng cửa biên giới, phong tỏa, sản xuất đình trệ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong đại dịch. Lúc này chỉ có Trung Quốc sớm "thoát khỏi đại dịch", duy trì sản xuất và xuất khẩu mạnh mẽ nhất thế giới. Trong bối cảnh đó, cạnh tranh về giá là không cần thiết. Nếu vậy, hiển nhiên việc thao túng làm mất giá đồng CNY lại là "mất mát" cho nền kinh tế này.

Đây là thời điểm hoàn hảo để Trung Quốc tăng giá đồng CNY mà không ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nhờ nguồn cung toàn cầu suy kiệt, trong khi cầu hàng hóa dược phẩm, vật tư y tế, tiêu dùng thiết yếu từ Trung Quốc tăng mạnh nhờ "đứt gãy chuỗi cung ứng".

Đồng CNY lên giá mạnh so với đồng USD, tình trạng hiếm có trong lịch sử thao túng tiền tệ của Trung Quốc nhưng lại "vừa vặn" thích hợp với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận từ xuất khẩu năm 2020 của nước này (Nguồn: Trading Economics; đường màu xanh: tỷ giá USD/VND, đường màu đen: tỷ giá USD/VND)
Đồng CNY lên giá mạnh so với đồng USD, tình trạng hiếm có trong lịch sử thao túng tiền tệ của Trung Quốc nhưng lại "vừa vặn" thích hợp với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận từ xuất khẩu năm 2020 của nước này (Nguồn: Trading Economics; đường màu xanh: tỷ giá USD/VND, đường màu đen: tỷ giá USD/VND)

Một phần lớn đóng góp vào tăng trưởng công nghiệp của Trung Quốc là bùng nổ doanh số bán thiết bị bảo hộ, dược phẩm y tế phục vụ việc phòng chống đại dịch - vốn đã lây lan và bùng phát mạnh trên khắp toàn cầu. Và Trung Quốc không chỉ thắng lợi về khối lượng bán ra, mà còn về cả giá cả không có cạnh tranh, khi hàng xuất khẩu khan hiếm trong đại dịch.

Nhiều nhà máy đã phải miễn cưỡng mở cửa trở lại theo lệnh của chính quyền trong sự lo lắng lây nhiễm chéo do thiếu thốn vật tư y tế bảo vệ nhân viên. Thậm chí, chính quyền Trung Quốc còn nuôi tham vọng sử dụng cơ hội này làm bàn đạp để “vượt mặt” nền kinh tế Mỹ. Trung Quốc có lý do để nuôi tham vọng này vì họ đã tính toán: giấu dịch - lan dịch- xuất khẩu vật tư y tế phòng dịch cho cả thế giới.

The New York Times đã đưa tin rằng Trung Quốc - chỉ trong tháng 2/2020 - đã sản xuất 116 triệu khẩu trang mỗi ngày, gấp 12 lần nguồn cung trước khi dịch bệnh bùng phát. Bob McIlvaine, người điều hành một công ty tư vấn và nghiên cứu cùng tên ở Northfield, cho biết hiện Trung Quốc có thể sản xuất 150 tấn/ngày vải chuyên dụng cho khẩu trang. Đó là gấp 5 lần sản lượng của Trung Quốc trước bùng phát đại dịch, và gấp 15 lần sản lượng của các công ty Hoa Kỳ ngay cả sau khi họ tăng cường sản xuất vào mùa xuân này.

Trước đại dịch, Trung Quốc đã xuất khẩu nhiều mặt nạ phòng độc, khẩu trang phẫu thuật, kính y tế và quần áo bảo hộ hơn so với phần còn lại của thế giới cộng lại, theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ước tính.

Các công nhân đang sản xuất khẩu trang tại một nhà máy ở Nam Xương, Trung Quốc, vào ngày 8 tháng 4 năm 2020. (STR / AFP qua Getty Images)
Các công nhân đang sản xuất khẩu trang tại một nhà máy ở Nam Xương, Trung Quốc, vào ngày 8 tháng 4 năm 2020. (STR / AFP qua Getty Images)

Trung Quốc đã không ngần ngại sử dụng vị thế thống trị của chuỗi cung ứng y tế cho đòn bẩy chính trị, đòi hỏi “sự biết ơn công khai và vô hạn” từ những quốc gia mà nó quyết định ban ân huệ được quyền mua các vật tư y tế quan trọng từ nó.

Các công ty Trung Quốc kiếm được lợi nhuận lớn từ việc bán khẩu trang vệ sinh đến mức hàng nghìn nhà máy tranh nhau chuyển đổi mục đích sử dụng lại dây chuyền sản xuất hàng may mặc để họ có thể sản xuất đồ bảo hộ lao động thay thế.

Một giám đốc bán hàng Trung Quốc tuyên bố vào tháng 3/2020 rằng: “Một chiếc máy sản xuất khẩu trang là một chiếc máy in tiền thực sự".

Ngành công nghiệp khẩu trang của Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển bất chấp những lời phàn nàn của người mua nước ngoài về hàng hóa kém chất lượng. Các quốc gia khác tranh nhau tăng cường sản xuất thiết bị bảo hộ trong nước, nhưng không phải trước khi những kẻ trục lợi Covid-19 Trung Quốc thu về hàng tỷ USD doanh thu.

"Trung Quốc đã tạo ra chất độc và đang bán thuốc giải cho thế giới", chuyên gia đối ngoại Gordon Chang nói với Fox News như vậy. Và một tin không vui với Bắc Kinh là rất nhiều trong số “thuốc giải” mà họ cung cấp là hàng lỗi.

Ngày 29/3/2020, Bộ Y tế Philippines cho biết nước này không sử dụng một số bộ xét nghiệm Covid-19 do Trung Quốc tặng vì thiếu chính xác, theo tờ Philippine Daily Inquirer. Thứ trưởng Y tế Maria Rosario Vergeire cho biết các bộ xét nghiệm chỉ có độ chính xác khoảng 40% so với các bộ xét nghiệm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Tây Ban Nha cũng trong tình trạng tương tự khi nhận thấy rằng bộ xét nghiệm nhanh của Trung Quốc được quảng cáo độ chính xác 80%, nhưng kết quả thực tế chỉ đạt 30%. Do vậy, thủ đô Madrid của Tây Ban Nha đã ngừng sử dụng các bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19 được phát triển bởi một công ty Trung Quốc. Đồng thời, Bộ Y tế Tây Ban Nha cũng yêu cầu thay thế bộ kit xét nghiệm này sau khi phát hiện có nhiều sai sót, theo báo SCMP.

Trước đó, Cộng hòa Séc cũng cho biết, khoảng 80% bộ xét nghiệm COVID-19 từ Trung Quốc cho kết quả sai. Do đó, các bác sĩ nước này phải dựa vào phương pháp xét nghiệm truyền thống, trang iROZHLAS của Đài phát thanh Séc đưa tin vào ngày 23/3/2020.

Ngày 28/3/2020, Bộ Y tế Hà Lan cũng thu hồi 600.000 chiếc trong số 1,3 triệu khẩu trang được sản xuất ở Trung Quốc do không đạt tiêu chuẩn an toàn. Theo AFP, Bộ Y tế Hà Lan phát hiện khẩu trang có tấm lọc khí bị lỗi và không che kín vùng cần bảo vệ trên mặt.

Có thể thấy, việc Trung Quốc xuất khẩu vật tư y tế kém chất lượng cho các nước không chỉ tiêu tốn chi phí của nước bạn, mà còn là tác nhân không nhỏ khiến cho việc kiềm chế đại dịch trở nên khó khăn hơn, do những xét nghiệm sai, do thiết bị bảo hộ không bảo vệ được nhân viên y tế và người dân...

Cách kiếm tiền thiếu nhân tính khiến chúng ta liên tưởng tới hình ảnh “kền kền” ngửi thấy mùi tử thi và chờ đợi… Thế giới dường như đang thức tỉnh trước một đối tác bất lương - nền kinh tế “kền kền” - kiếm tiền trên thân xác đồng bào và sinh mệnh của nhân loại trên toàn cầu.

Đồng CNY tăng giá còn có lợi cho nhập khẩu

Trong khi cả thế giới khan hiếm lương thực, dược phẩm, hàng bảo hộ nhưng lại dư thừa nhiên liệu do cầu suy giảm, Trung Quốc tận dụng tăng cường nhập khẩu thực phẩm, dự trữ than đá, khí ga tự nhiên cho nhu cầu trong nước. Và đồng CNY tăng giá đã hỗ trợ Trung Quốc tăng cường dự trữ hàng hóa giá rẻ khắp toàn cầu.

Nhập khẩu Trung Quốc tăng mạnh trong năm 2020, tương ứng với chỉ số giá nhập khẩu giảm mạnh (giảm khoảng 5 điểm trong năm 2020, xuống còn 95 điểm vào tháng 10/2020). Điều này cho thấy khối lượng nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc năm 2020 thực tế còn tăng cao hơn nhiều so với giá trị nhập khẩu của họ.

Giá nhập khẩu giảm nhờ đồng CNY lên giá trong khi giá trị nhập khẩu của Trung Quốc liên tiếp đạt kỷ lục năm 2020 (Nguồn: Trading Economics)
Giá nhập khẩu giảm nhờ đồng CNY lên giá trong khi giá trị nhập khẩu của Trung Quốc liên tiếp đạt kỷ lục năm 2020 (Nguồn: Trading Economics)

Chỉ riêng tháng 12/2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc đạt mức kỷ lục 203,7 tỷ USD - tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tháng trước đó, kim ngạch nhập khẩu cũng tăng 4,5% so với cùng kỳ.

Trong suốt năm 2020, Trung Quốc liên tiếp tăng cường dự trữ lương thực và nhiên liệu như một hành động chiến lược dài hạn để đối phó với khủng hoảng virus Vũ Hán có thể kéo dài và khốc liệt hơn.

Với một chiến lược rõ ràng như vậy và thói quen sử dụng công cụ tiền tệ để hưởng lợi lớn hơn từ chênh lệch thương mại, việc đồng CNY lên giá trong nhiều tháng qua rất có thể cũng nằm trong hành động chiến lược có chủ đích của Trung Quốc để hưởng lợi lớn hơn - trong bối cảnh cả thế giới thê thảm trong đại dịch.

Hữu Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc tăng giá đồng Nhân dân tệ 'có chủ đích' để kiếm lời trong đại dịch?