Trung Quốc cho phép nông dân cầm cố lợn để vay thế chấp nhằm tăng sản lượng thịt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong một động thái để tăng sản lượng thịt lợn, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã cho phép các ngân hàng cho nông dân vay tiền mặt bằng cách thế chấp lợn sống của mình.

Theo Enodo Economics, một công ty dự báo kinh tế vĩ mô và chính trị độc lập chuyên nghiên cứu về Trung Quốc: Mặc dù Trung Quốc là nước dẫn đầu thị trường thế giới trong một số lĩnh vực kinh tế, nhưng nước này lại lạc hậu đáng kể trong các lĩnh vực khác, ví dụ như nông nghiệp - phần lớn được vận hành bởi một tầng lớp nông dân nghèo khổ đang phải vật lộn để nuôi sống bản thân và đất nước.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quốc hữu hóa toàn bộ đất đai, giết chết khoảng hai triệu nông dân được gán nhãn là “địa chủ” và sau đó ép những người nông dân còn lại tham gia vào các hợp tác xã sau khi giành được chính quyền năm 1949.

Khi cận kề nạn đói cách đây 40 năm, nông dân đã phục hồi chăn nuôi hộ gia đình và trồng trọt trên đất của mình vì họ cảm thấy phù hợp. Động thái bất hợp pháp này lại dẫn đến một loạt các cuộc đại tu theo kiểu tư bản chủ nghĩa làm cho Trung Quốc trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.

Các gia đình Trung Quốc với những mảnh ruộng nhỏ có diện tích xấp xỉ 1.000m2 hiện đang chiếm khoảng 1/3 trong số 570 triệu trang trại trên thế giới. Không có bất kỳ quyền sở hữu đất nào để đi vay thế chấp, thu nhập trung bình của một hộ gia đình nông thôn Trung Quốc thấp hơn 1/3 so với các hộ gia đình thành thị.

Năm 2018, sự bùng phát dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã làm 1/2 tổng đàn lợn (hay 220 triệu con) bị chết hoặc bị chính phủ tiêu hủy. Vậy mà đây vốn là nguồn thu lớn nhất cho nông dân Trung Quốc.

Bắc Kinh đã chỉ thị cho chính quyền địa phương “kiên quyết bảo vệ và ngăn chặn sự lây lan và truyền nhiễm dịch bệnh này hơn nữa”. Nhưng bằng cách chuyển một đống chi phí tài chính để tiêu hủy đàn lợn xuống các tỉnh, thì chính quyền địa phương có rất ít động lực để thi hành sắc lệnh này.

Do hầu như không có bồi thường nên các hộ nông dân cũng không sẵn lòng tiết lộ các trường hợp bị nghi ngờ nhiễm dịch. Những người đầu cơ lợn đã mua các con lợn bị nghi nhiễm bệnh với giá rẻ và sau đó đã khiến dịch bệnh lây lan bằng cách bán thịt lợn ở các nơi khác với giá thấp hơn giá thị trường.

Một số nhà đầu cơ bị cáo buộc đã sử dụng máy bay không người lái để thả lợn bị nhiễm bệnh vào các trang trại. Một khi nỗi sợ hãi về nguy cơ bùng phát ASF được lan truyền, thì các nhà đầu cơ có thể mua lợn với giá rẻ, sau đó đợi để bán thịt khi giá đã tăng trở lại.

Theo Cục Thống kê Quốc gia, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc đạt khoảng 42,6 triệu tấn vào năm ngoái, giảm 21,3% so với năm 2018.

Tổng thiệt hại tính đến hết tháng 9/2019, bao gồm cả việc chính phủ khai thác chiến lược nguồn thịt lợn dự trữ và thực hiện các biện pháp khác để tăng nguồn cung, ước khoảng 141 tỷ USD, theo chủ tịch của Ban Khoa học và Công nghệ Động vật tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc. Thay vì đảo ngược mức tăng 50% về giá, hành động độc đoán của Bắc Kinh đã góp phần đẩy lạm phát thịt lợn hàng năm lên 135% vào tháng 3/2020.

Giá bán buôn thịt lợn Trung Quốc vào ngày 6/3 là 3,22 USD/pound, so với 0,66 USD/pound đối với thịt lợn Mỹ. Bắc Kinh đang cố gắng nhập khẩu nguồn cung để giữ giá thấp xuống, nhưng Trung Quốc lại thiếu năng lực hậu cần để bù đắp thịt lợn tươi trong nước bằng thịt nhập khẩu đông lạnh.

"Việc Trung Quốc ngăn chặn thất bại dịch tả lợn châu Phi là một thảm họa đối với huyền thoại rằng một Đảng Cộng sản toàn năng có thể phục vụ người dân tốt nhất", Enodo Economics cho biết.

Với tất cả những thất bại như vậy, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cùng với Bộ Nông nghiệp và Nông thôn đã ban hành một tuyên bố chung cho phép các ngân hàng trong nước thêm lợn sống vào danh sách các tài sản thế chấp đủ điều kiện để cho vay. Nhưng việc hỗ trợ 200 triệu hộ chăn nuôi gia đình tiếp cận với nguồn vốn vay dựa trên tài sản thế chấp có thể sẽ làm xói mòn hơn nữa gọng kìm sắt của chính quyền Trung Quốc đối với vùng nông thôn.

Thủy Tiên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc cho phép nông dân cầm cố lợn để vay thế chấp nhằm tăng sản lượng thịt