Biển Đông: Trung Quốc chưa muốn chiến tranh, họ chỉ đang chơi bài dài hơi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những ngày gần đây, người ta đồn đoán nhiều về khả năng chiến tranh sẽ xảy ra trên biển Đông. Nhưng có vẻ như “tiếng trống trận” đã nổi lên rồi mà vẫn chưa thấy Trung Quốc xuất binh. Trong khi đó, nước này vẫn không ngừng khuếch trương tiềm lực quân sự. Có thể là, Trung Quốc vẫn chưa muốn chiến tranh, ít nhất là thời điểm này. Nước này đang chơi một trò chơi dài với những ý đồ cụ thể. Và thực tế những ý định không giấu diếm này đang làm cho cả thế giới lo lắng.

Các học giả như Brendan Taylor đã xác định bốn địa điểm có thể là nơi bùng phát xung đột bất cứ lúc nào với Trung Quốc, gồm Triều Tiên, Biển Hoa Đông, Biển Đông và Đài Loan, nhưng theo Giáo sư John Blaxland của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia Úc, chiến tranh thông thường không có khả năng xảy ra ở thời điểm này. Dưới đây là giải thích của ông về nhận định đó:

Triều Tiên

Hiệp định đình chiến giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đã kéo dài gần 70 năm. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nền kinh tế vốn đã nghèo nàn của Triều Tiên càng thêm khó khăn và việc thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của nước này phải ngừng hoạt động. Trung Quốc có lợi ích trong việc duy trì quyền lực chế độ do Kim Jong-un nắm quyền ở miền Bắc, nhưng triển vọng về một cuộc chiến tranh mới vừa xuất hiện đã nhanh chóng nguội lạnh.

Biển Hoa Đông

Ngay phía nam Hàn Quốc, trên Biển Hoa Đông, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự xung quanh quần đảo Senkaku mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền, quần đảo này hiện không có người ở. Bắc Kinh dường như muốn làm suy yếu quyết tâm tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư này.

Mỹ đã cam kết với Nhật Bản rằng các hòn đảo đó nằm trong sự đảm bảo an ninh quốc phòng chung của họ. Và một cuộc đối đầu với Trung Quốc trên biển Hoa Đông có thể sẽ là “bài test” về mức độ hậu thuẫn của Mỹ ở nơi này, đồng thời có thể tạo tiền đề cho cuộc đối đầu leo ​​thang ở những nơi khác.

Biển Đông

Việc Trung Quốc xây dựng đảo quy mô công nghiệp giúp nước này mở rộng cơ sở hạ tầng và khí tài quân sự trên Biển Đông. Điều đó là tiền đề để Bắc Kinh củng cố vị trí của họ về mặt quân sự và khẳng định quyền kiểm soát đối với cái gọi là đường chín đoạn - yêu sách đòi chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc đối với hầu hết vùng biển rộng lớn này.

Hải quân Mỹ tiếp tục tiến hành các hoạt động tự do hàng hải (FONOPS) trên biển để thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Tuy nhiên, với hàng nghìn tàu Trung Quốc công khai và ẩn mình đang hoạt động ở đó, nguy cơ xảy ra xung đột leo thang là có thật .

Năm 2016, trong một vụ kiện mà Philippines là bên đệ đơn, tòa án quốc tế đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển tranh chấp. Mặc dù đã tham gia ký kết Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc, nhưng Trung Quốc đã phớt lờ phán quyết của tòa và tiếp tục xâm phạm các hòn đảo mà cả Philippines và Indonesia đều tuyên bố chủ quyền.

Gần đây, 220 tàu Trung Quốc đã neo đậu nhiều tháng tại một bãi đá ngầm bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Các hành động của Trung Quốc dường như đang dựa trên luật chơi do chính họ tạo ra: Nước nào sở hữu nhiều hơn, nước ấy có quyền hợp pháp.

Giống như việc chiếm bãi cạn Scarborough vào năm 2012 rồi tiến tới xây dựng đảo lớn hơn về phía nam, Trung Quốc đang tự nhủ rằng việc Mỹ không muốn thách thức các động thái mới nhất của họ là dấu hiệu “thả nổi” cho những hành động quyết đoán hơn của Bắc Kinh đối với Đài Loan.

Xét cho cùng, đây là cách mà Bắc Kinh bảo đảm di sản của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Đài Loan

Đài Loan là câu hỏi hóc búa cho Mỹ và các đồng minh của họ. Đảo quốc này có một nền dân chủ tự do mở và là nhà sản xuất chip máy tính hàng đầu thế giới. Đây cũng là quốc gia nằm ở trung tâm, nơi mà các nhà chiến lược quân sự gọi là “chuỗi đảo đầu tiên” trải dài từ Nhật Bản ở phía bắc đến Philippines ở phía nam. Ý nghĩa và tầm chiến lược của nó vô cùng quan trọng.

Sau khi áp dụng chính sách “Một Trung Quốc” từ năm 1979, Trung Quốc tuyên bố rằng việc Mỹ đứng ra đảm bảo an ninh cho Đài Loan là không cần thiết. Điều này khiến cho dư luận thế giới bất bình. Các cuộc thăm dò cũng cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ Đài Loan .

Nhìn vào tiềm lực của Đài Loan, có thể thấy khả năng nước này bị Trung Quốc “nuốt chửng” khi chiến tranh thực sự xảy ra là điều có thể. Người Mỹ cũng không còn đủ niềm tin rằng họ sẽ thắng nếu Trung Quốc nhắm vào Đài Loan.

Rõ ràng, Đài Loan cần thêm đồng minh khác ngoài Mỹ, nhưng hiến pháp của Nhật Bản lại ngăn cản họ trực tiếp bảo vệ Đài Loan.

Theo nghĩa vụ của Anzus, Mỹ có thể kêu gọi Úc hỗ trợ quân sự để bảo vệ Đài Loan. Nhưng dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Joe Biden, Mỹ dường như không còn là siêu cường duy nhất trên thế giới, vì vậy Úc sẽ tỏ ra thận trọng hơn, họ cũng cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản mới trong một thế giới đầy biến động.

Trung Quốc đang tránh chiến tranh công khai

Trong khi đó, Trung Quốc đã thay đổi cả lượng và chất về kinh tế lẫn quân sự. Khả năng quân sự của Trung Quốc tăng trưởng theo cấp số nhân được kết hợp với sự gia tăng mạnh mẽ về khả năng sát thương, độ chính xác, tầm bắn và số lượng của các hệ thống vũ khí. Trước mắt, Bắc Kinh đang sử dụng các luận điệu và chiến thuật hiếu chiến của mình để khai chiến.

Tháng trước, tại Diễn đàn Boao Châu Á, ông Tập đã kêu gọi cộng đồng quốc tế nhìn nhận Trung Quốc không chỉ là một siêu cường mới nổi mà còn là bình đẳng với các cường quốc khác trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu.

Tuy nhiên, cho đến nay, hành động của Trung Quốc vẫn tránh vượt ngưỡng bước vào chiến tranh mở. Điều này là có lý do:

Thứ nhất, nếu chiến tranh nổ ra, Trung Quốc sẽ rất dễ bị tổn thương. Nước này có chung đường biên giới trên bộ với 14 quốc gia, mang lại tiềm năng nhưng cũng không ít những thách thức lớn. Nói đúng hơn, Trung Quốc sẽ dễ bị tấn công dồn dập từ nhiều hướng.

Thứ hai, đó là những trở ngại về kinh tế. Trung Quốc có nhận các khoản đầu tư công nghiệp đáng kể từ Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu, đồng thời cũng phụ thuộc nhiều vào năng lượng và hàng hóa đi qua eo biển Malacca giữa Malaysia, Singapore và Indonesia, mạch máu Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Sự phụ thuộc vào eo biển Malacca - được một nhà phân tích gọi là “tình thế tiến thoái lưỡng nan của Malacca” - giúp giải thích tại sao Trung Quốc lại đầu tư rất nhiều vốn vào Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường và cố gắng tránh xung đột mở, ít nhất là cho đến khi nước này có thể tự chủ hoàn toàn.

Để tránh chiến tranh trực diện, Trung Quốc rõ ràng cho rằng tốt hơn là nên vận hành một lực lượng bán quân sự với hàng nghìn tàu sơn trắng và tàu đánh cá có vũ trang để thúc đẩy yêu sách của họ tại Biển Đông và Biển Hoa Đông và hạn chế quyền tự do hành động của Đài Loan.

Gần đây, Trung Quốc cũng đã thông qua luật mới cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển của họ hoạt động giống như một cơ quan quân sự và thực thi luật hàng hải - điều này một lần nữa lại vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Trung Quốc cũng đang mở rộng chiến tranh “vùng xám” chống lại Đài Loan, bao gồm các cuộc tấn công mạng, xâm nhập nhiều lần vào không gian và lãnh hải của đảo quốc này, cô lập ngoại giao nhằm làm suy yếu quyết tâm và khả năng kháng cự của Đài Loan.

Lê Minh

Theo The Conversation



BÀI CHỌN LỌC

Biển Đông: Trung Quốc chưa muốn chiến tranh, họ chỉ đang chơi bài dài hơi