Trong suy thoái, Việt Nam nên chi tiêu như thế nào (P1) - Bài học từ sai lầm lịch sử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc suy thoái lần này do Covid-19 lan rộng đã tạo ra cú sốc phía tổng cung, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu tại công xưởng sản xuất hàng đầu thế giới là Trung Quốc. Việt Nam lại chịu tác động tiêu cực do phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Giai đoạn này, Chính phủ Việt Nam nên đổ tiền vào đâu để “sửa chữa” thị trường?

Cuộc đại khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 xuất phát từ Mỹ đã ngay lập tức tác động tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam vốn đã hội nhập khá sâu rộng tại thời điểm đó. Khi đó, dòng tiền tháo chạy khỏi thị trường tài chính và đầu tư vào các tài sản an toàn như vàng khiến hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) kẹt thanh khoản. Thêm vào đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức cao bất thường 30-50% trong nhiều năm trước khủng hoảng đã tạo bong bóng bất động sản (BĐS), chứng khoán. Do vậy, khi thị trường hoảng loạn, giá tài sản lao dốc, nợ xấu tích tụ ở NHTM khiến lãi suất tăng cao, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn, sản xuất nhiều khu vực rơi vào tê liệt.

Vào thời điểm đó Chính phủ Việt Nam đã tung ra gói “kích cầu” hàng tỷ đô-la, nới lỏng cả tài khóa và tiền tệ, đối tượng thụ hưởng gần như không giới hạn. Gói kích cầu thứ nhất trị giá 17.000 tỷ đồng, hỗ trợ 4% lãi suất vay ngân hàng thương mại cho các khoản vay ngắn hạn dưới 1 năm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng, sử dụng không quá 300 công nhân, không nợ đọng thuế và nợ tín dụng quá hạn…

Tiếp đó, gói kích cầu thứ hai cũng đã được công bố với quy mô lớn hơn, thời hạn cho vay dài hơn (tới 2 năm), điều kiện nới lỏng hơn (doanh nghiệp và cả hợp tác xã có vốn dưới 20 tỷ đồng, sử dụng dưới 500 lao động, có thể nợ thuế và tín dụng quá hạn nhưng có dự án phù hợp vẫn được xét cho vay) và lĩnh vực cho vay cũng mở rộng hơn…

Không thể phủ nhận gói kích cầu lớn đã khởi tác dụng nhất định và mong muốn tích cực của chính phủ về một nền kinh tế tăng trưởng bền vững hơn dựa trên phục hồi lành mạnh của doanh nghiệp - tế bào của nền kinh tế - cũng được hiện thực hóa phần nào.

Tuy nhiên, sau 10 năm nhìn lại, các chuyên gia, ở nhiều góc độ, đã chứng minh gói kích cầu không mang lại hiệu quả chính sách như mong đợi, nói cách khác có tồn tại lãng phí ngân sách thông qua các số liệu thống kê chính thống và cách tiếp cận khoa học.

Một bài nghiên cứu được đăng bởi Thời báo Kinh tế Sài Gòn vào tháng 1/2010 (7-8 tháng sau khi triển khai chính sách), dựa vào số liệu và hệ số co giãn của cung - cầu quỹ cho vay, đã đi đến kết luận: (i) doanh nghiệp không được hưởng mức 4% lãi suất ưu đãi, phần ưu đãi này ngân hàng sẽ nhận nhiều hơn và một phần ưu đãi này không vào doanh nghiệp cũng như không vào ngân hàng, mà biến mất vào một nhóm khác (nghiên cứu không chỉ ra cụ thể); (ii) hỗ trợ sai đối tượng. Bản thân ngân hàng nhà nước (NHNN) sau đó cũng có báo cáo về hàng nghìn tỷ đồng giải ngân sai đối tượng hưởng ưu đãi trong gói chính sách này; (iii) Sử dụng vốn sai mục đích. Việc này dẫn tới dòng tiền ưu đãi không chảy vào sản xuất thực, mà biến tướng và chảy vào thị trường bất động sản, vốn đã tạo bong bóng do chính sách tăng trưởng tín dụng nóng trước đó cả thập kỷ.

Mối quan hệ giữa tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng dư nợ BĐS và thị trường BĐS (Nguồn: Hoàng & Nguyễn, Tác động của CSTT tới thị trường BĐS, NEU, 2017)

Một nghiên cứu độc lập khác về mối quan hệ giữa tăng trưởng tín dụng và biến động thị trường BĐS của Hoàng và Nguyễn (2017) đã chỉ ra tăng trưởng tín dụng tăng vọt trong năm 2009 do chính sách kích cầu tín dụng, tăng trưởng tín dụng BĐS (số báo cáo) bị siết chặt do chính sách, nhưng vẫn làm cho thị trường BĐS tăng trưởng nóng trong 2 năm 2009-2010. Nghiên cứu chỉ ra một phần của dòng tiền kích cầu đã không đạt mục tiêu của chính phủ, chảy vào thị trường bất động sản làm thổi phồng giá của thị trường này, tăng đầu cơ, tăng rủi ro cho hệ thống NHTM nhiều năm sau đó và cũng góp phần làm giảm tính hữu hiệu của chính sách. Kết quả nghiên cứu này cũng phù hợp với báo cáo của NHNN cuối năm 2009 về việc hàng ngàn tỷ hỗ trợ tín dụng doanh nghiệp đã bị giải ngân sai mục đích.

Bài học năm 2009 vẫn còn mới. Không có gì tệ hơn việc lợi dụng nguồn vốn hỗ trợ của chính phủ để đầu cơ trục lợi trong điều kiện nền kinh tế còn muôn vàn những khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, không thể trách cứ và kêu gọi nhà đầu tư hãy sống bằng lương tâm được, bởi hành vi của họ là duy lý. Thay vào đó, chính phủ phải kết hợp hài hòa giữa những biện pháp kinh tế và biện pháp hành chính để điều chỉnh những hành vi của nhà đầu tư, sửa chữa những thất bại của thị trường.

Sau hơn 10 năm, một lần nữa, Việt Nam đứng trước nguy cơ suy thoái, thậm chí là khủng hoảng kinh tế đến từ Trung Quốc bởi dịch Covid-19. Những khó khăn của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong nền kinh tế thực đã và đang làm đình đốn nền kinh tế. Hơn bao giờ hết, chính phủ không chỉ cần tăng cường chi tiêu mà còn phải chi tiêu đúng mục tiêu một cách liêm chính, công khai và minh bạch.

Trà Nguyễn

Mời quý độc giả đón đọc Phần 2: “Chính sách tài khóa có thể “sửa chữa” cú sốc từ tổng cung nếu chính phủ liêm chính trong chi tiêu”

Lưu ý: Bài viết này thể hiện quan điểm của người viết, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.



BÀI CHỌN LỌC

Trong suy thoái, Việt Nam nên chi tiêu như thế nào (P1) - Bài học từ sai lầm lịch sử