Phần 3: Tránh trừng phạt thương mại: Việt Nam lách qua khe cửa hẹp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kết thúc năm 2019, Việt Nam vi phạm đầy bất cẩn và rất trầm trọng cả 3 tiêu chí làm căn cứ để Mỹ gắn mác “thao túng tiền tệ” theo bộ luật Omnibus 1988. Việt Nam là quốc gia đầu tiên, kể từ năm 1988, vi phạm cả 3 tiêu chí “thao túng tiền tệ”. Điều gì xảy ra với Việt Nam nếu Mỹ thực thi đòn trừng phạt thương mại? Việt Nam có thể làm gì để né tránh hoặc ít nhất giảm thiểu tổn thất (nếu có)?

Mỹ muốn Việt Nam phải thay đổi những gì nếu Việt Nam muốn tránh đòn trừng phạt thương mại

Ngay từ khi thương chiến Mỹ - Trung bắt đầu, Mỹ liên tục cảnh báo áp dụng trừng phạt thương mại với Việt Nam. Hai năm trước, cùng với Trung Quốc, duy nhất Việt Nam bị Mỹ đưa vào “giám sát”. Nguyên nhân là do chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ phải áp dụng công bằng với mọi nền kinh tế, mọi quốc gia mà nước này có quan hệ thương mại để đảm bảo tính công bằng, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, chính sách. Đây cũng là lý do các cảnh báo về trừng phạt thuế, các thỏa thuận thương mại không chỉ diễn ra với Trung Quốc năm 2019 mà diễn ra với cả EU trong cùng năm này. Tuy nhiên, chỉ có Trung Quốc và Việt Nam bị Mỹ đưa vào khung giám sát bởi đây là hai nền kinh tế mà Mỹ chưa từng công nhận là “nền kinh tế thị trường”.

Khung giám sát Mỹ áp cho Việt Nam gồm nhiều vấn đề liên quan đến khuôn khổ chính sách, pháp lý, chỉ dẫn cụ thể tới các Luật hoặc Nghị định mà Mỹ cho rằng có yếu tố phi thị trường, không có tự do ngôn luận hoặc giảm tính dân chủ. Ví dụ: Luật Dược với cáo buộc tạo thêm rào cản kỹ thuật mâu thuẫn với các tiêu chuẩn của Mỹ vốn được cho là tiêu chuẩn tốt nhất; Nghị định 116 của Chính phủ về lắp ráp, sản xuất ô tô; Luật An ninh mạng với cáo buộc về tự do ngôn luận và dân chủ; khuôn khổ chính sách, giám sát minh bạch với doanh nghiệp nhà nước, Mỹ cáo buộc về bảo hộ nhà nước với khu vực này và e ngại khu vực này chèn lấn sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân; vấn đề thao túng tiền tệ thông qua chính sách tỷ giá,... Mỹ sẽ có báo cáo giám sát 6 tháng/lần đối với các quốc gia bị giám sát về động thái sửa đổi về luật, chính sách với các vấn đề mà Mỹ đưa ra.

Không chỉ liên quan đến khuôn khổ pháp lý, chính sách, Mỹ còn yêu cầu Việt Nam tăng cường giám sát nhằm dẹp bỏ tình trạng trốn thuế, lẩn thuế, gian lận xuất xứ của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và đặc biệt là cân bằng thương mại với Mỹ thông qua việc tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ, hạ thuế nhập khẩu từ Mỹ… Hiển nhiên, không phải yêu cầu nào của Mỹ cũng có thể thực hiện và nên thực hiện ngay, bởi việc này có thể làm tổn hại tới nền kinh tế trong nước và các cân đối thương mại, tài chính vĩ mô khác.

Lợi bất cập hại khi Việt Nam không kiểm soát được tình trạng lẩn thuế, trốn thuế, đầu tư núp bóng

Tuy nhiên, việc Việt Nam để tình trạng các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài dễ dàng lẩn thuế, trốn thuế, giả mạo xuất xứ của Việt Nam, đầu tư núp bóng để xuất hàng sang Mỹ trong suốt 2 năm qua đã đẩy Việt Nam vào tình trạng lợi bất cập hại.

Điểm lợi đầu tiên là tăng trưởng GDP tăng do kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng mạnh. Các năm 2018, 2017, thặng dư thương mại với Mỹ chỉ ở mức 37, 38 tỷ USD thì khi thương chiến Mỹ - Trung leo thang, thặng dư thương mại 11 tháng năm 2020 với Mỹ đã tăng tới gần 51 tỷ USD. Thặng dư thương mại cả năm 2019 của Việt Nam lên tới 9,9 tỷ USD.

Điểm lợi thứ hai là nguồn ngoại tệ USD dồi dào, cung ngoại tệ tăng cao hơn cầu giúp tỷ giá ổn định và Ngân hàng nhà nước có thể (thậm chí là buộc phải) mua thêm nhiều ngoại tệ để dự trữ đồng thời cũng để dung hòa thị trường, đảm bảo loại bỏ tình trạng đô la hóa khỏi nền kinh tế.

Tuy nhiên, điểm bất lợi là dù GDP tăng cao một phần do thặng dư thương mại nhưng lại không xuất phát từ khu vực sản xuất thực của nền kinh tế, mà từ hoạt động gian lận thương mại (lẩn thuế, trốn thuế) nên dù ghi nhận việc GDP tăng với tốc độ cao (7,1%) song thu nhập thực tế của người lao động, doanh nghiệp không tăng, giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất thực của nền kinh tế không tăng, dòng tiền từ thặng dư thương mại sẽ quay trở lại nước sở tại – nơi thực sự hưởng lợi từ việc gian lận thương mại với Mỹ qua nước trung gian thứ 3 là Việt Nam.

Ngoài ra, việc mất kiểm soát, giám sát không hiệu quả tình trạng lẩn thuế, trốn thuế đã khiến Việt Nam rơi vào thế bị động, đầy bất cẩn rơi vào tình trạng trở thành nền kinh tế duy nhất vi phạm cả 3 tiêu chí “thao túng tiền tệ” với Mỹ kể từ khi Đạo luật Omnibus ra đời từ năm 1988 cho tới nay.

Quan trọng hơn, nếu đòn trừng phạt thực sự diễn ra, các doanh nghiệp FDI, các dòng vốn đầu tư gián tiếp FII có thể rời khỏi Việt Nam và tìm nơi trú ngụ an toàn khác, nhưng các doanh nghiệp trong nước - vốn còn nhỏ bé về quy mô, chưa vững mạnh về công nghệ và quản trị - sẽ chịu tổn thất lớn nhất.

Kịch bản trừng phạt của Mỹ nếu Việt Nam không có động thái thay đổi thích đáng

Kịch bản 1: Mỹ không áp dụng ngay lập tức đòn trừng phạt thương mại với Việt Nam, cho Việt Nam thêm thời gian “đàm phán và điều chỉnh” (có hạn định) gồm cả giảm bớt thặng dư thương mại với Mỹ và thay đổi khuôn khổ pháp luật, chính sách trong khung giám sát mà Mỹ đã đưa ra.

Kịch bản 2: Giống với Trung Quốc, Mỹ có thể áp thuế trừng phạt thương mại 25% cho 40% thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, khoảng trên 20 tỷ USD.

Kịch bản 3: 100% thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ (khoảng 51 tỷ USD) sẽ bị áp thuế trừng phạt là 25%.

Tuy nhiên, khả năng Mỹ áp kịch bản 2 và 3 không nhiều bởi mục tiêu chiến lược của Mỹ không phải là Việt Nam. Bản thân Việt Nam có vị trí địa chính trị mà Mỹ đánh giá cao. Mặt khác, giảm tốc tăng trưởng kinh tế và các thất bại của nền kinh tế Trung Quốc trong gần 2 năm thương chiến vừa qua là bài học nhãn tiền cho Việt Nam. Hơn bất kỳ quốc gia nào khác, Việt Nam hiểu rõ ràng vấn đề được - mất trong cuộc chiến này. Dù vậy, để kịch bản 1 diễn ra, Việt Nam phải thay đổi - một cách công khai, minh bạch - để trở thành nền kinh tế thị trường đầy đủ, hy sinh nhiều lợi ích nhất định trong việc cân bằng thương mại với Mỹ. Điều này sẽ động chạm tới “quyền lực và lợi ích” của những nhóm, khu vực nhất định, trong đó bao gồm cả chính trị gia, nhóm doanh nghiệp và thậm chí của cả khu vực sản xuất nông nghiệp trong nước.

Khe cửa hẹp cho Việt Nam

Thực tế, Việt Nam không dễ cân bằng thương mại với Mỹ, các sản phẩm Việt Nam có thể nhập khẩu từ Mỹ và giảm thuế nhập khẩu từ Mỹ là nông sản, ô tô, máy bay, vũ khí... Tuy nhiên, thị trường Việt Nam nhỏ, sức tiêu thụ yếu, nên khả thi nhất là nông sản. Tuy nhiên, nông sản Mỹ muốn xuất sang Việt Nam phần lớn là nông sản biến đổi gen (GMO), việc này có thể tác động mạnh và tiêu cực tới sản xuất, chế biến nông sản trong nước.

Việt Nam nên đàm phán với Mỹ để dừng lại ở Kịch bản 1 hoặc một phần của Kịch bản 2, ví dụ: Mỹ áp thuế cho 40% thặng dư thương mại giữa Mỹ và Việt Nam nhưng ở mức thuế suất 7-10% (thay vì 25% như với Trung Quốc). Muốn đạt được kết quả đàm phán này, Việt Nam cần nhanh chóng:

Thứ nhất, sửa đổi nhiều nhất có thể các vấn đề mà Mỹ đề cập trong khung giám sát mà Mỹ đã nêu ra để bày tỏ thiện chí; lưu ý là việc điều chỉnh Nghị định (ở một mức độ nhất định) có thể khả thi hơn là sửa đổi Luật.

Thứ hai, linh hoạt chính sách tỷ giá và thiết lập thị trường ngoại hối hiệu quả hơn thông qua các công cụ tài chính phái sinh như hợp đồng Future, Option, Forward. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam, việc phát triển hiệu quả thị trường phái sinh là rất khó khăn và hiện không khả thi (đây có thể nên là giải pháp trong dài hạn) do: (i) bản thân Ngân hàng thương mại (NHTM) không có nền tảng công nghệ tốt, không có chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng sản phẩm này; (ii) các doanh nghiệp không có niềm tin vào thị trường, thích sử dụng tiền mặt hoặc không có hiểu biết nhiều về các sản phẩm phái sinh.

Thứ ba, đẩy mạnh rà soát, giám sát lẩn thuế, tránh thuế, đầu tư núp bóng; tiếp tục các biện pháp như theo dõi hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, chống buôn lậu qua biên giới… Phối hợp tốt với Mỹ thực thi kế hoạch này và có chế tài mạnh, thậm chí xử lý hình sự với hành vi lẩn thuế, trốn thuế, đầu tư núp bóng, gian lận xuất xứ hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam.

Dù là kịch bản nào diễn ra thì dường như mây đen đang kéo đến trên bầu trời kinh tế Việt Nam năm 2020.

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Phần 3: Tránh trừng phạt thương mại: Việt Nam lách qua khe cửa hẹp