TP. HCM: Người dân vật vã tìm mua thực phẩm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngay khi TP.HCM cho phép shipper hoạt động lại, nhiều siêu thị, sàn thương mại đã mở lại kênh online nhưng lại gặp khó trong việc tìm shipper qua các ứng dụng, mất nhiều thời gian và đơn hàng tiếp tục quá tải. Kết quả là, người dân đặt đơn không thể nhận ngay trong ngày, nhiều lúc nhận hàng không đầy đủ…

Chị Vũ Thị Bích (phường An Lạc, quận Bình Tân) cho biết: “Tôi kết nối với đủ số các Zalo, Facebook với nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi gần nhà; trong điện thoại có hơn chục app “đi chợ hộ” của các hãng công nghệ, sàn thương mại điện tử… Vậy mà vẫn rất “trần ai” để mua được thức ăn”.

Chị Thu Minh (ngụ quận 11) than thở: “Ở khu phố tôi, tổ dân phố được phân đi chợ hộ giúp dân. Nhưng nhân lực mọng, hộ dân lại đông. Kết quả tổ trưởng, tổ phó kiệt sức, không thể nhận đơn hàng đi chợ nữa mà khuyến khích dân tự đặt mua online ở các cửa hàng.

Cả shipper và siêu thị đều quá tải

Theo chị Bích, có cửa hàng nhận đơn thì không có người giao do khác quận (dù chỉ cách nhau một con đường); cửa hàng gần nhà thì hàng lúc nào cũng đứt do khách mua quá đông, nhắn tin Zalo 3 ngày mới có người phản hồi, nhưng chỉ giao được tầm 3 – 4 món trong tổng đơn hàng hơn chục món. Từ khi có thêm shipper, một số kênh online mở lại từ cũng 4-5 ngày hàng mới đến nơi với lý do “quá tải”…

Chị Thanh Vy (TP.HCM) cho biết, khi biết tin shipper được hoạt động cả trên vùng đỏ chị đã lên ứng dụng đặt mua hàng thiết yếu. “Khi chúng tôi vào app Grab để “đi chợ”, hầu như không có cửa hàng nào trên ứng dụng này hoạt động. Vào Grabmart, thông tin hiển thị là “Hết rồi… Hay mình thử thu hẹp tìm kiếm xem sao?”… Tuy nhiên tất cả đều… trống trơn” – chị Vy cho biết.

Không đặt hàng qua ứng dụng, nhưng chị Minh Nhị (ngụ quận Gò Vấp) cũng bí bách khi cả ngày tìm không được shipper giao hàng. “Tôi rảo khắp các siêu thị từ Bách Hóa Xanh, Mega Market, Emart, CoopMart... đều trong tình trạng quá tải đơn hàng online; có nơi nhận đơn thì không tìm được tài xế, đến chiều thì họ cáo lỗi và xin hủy đơn… Tôi đã hy vọng rất nhiều khi shipper được hoạt động lại ở “vùng đỏ”, nhưng thực tế việc mua hàng không hề dễ dàng” – chị Nhị chán nản.

Một số hãng công nghệ thừa nhận, việc shipper giao hàng ở “vùng xanh” khá thuận lợi nhưng ở “vùng đỏ” vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số shipper cũng ngại chạy “vùng đỏ” nên tắt ứng dụng hoặc không nhận đơn. “Dù đã đăng ký danh sách shipper nhưng lực lượng này là đối tác của ứng dụng, không phải người lao động hay nhân viên nên không thể yêu cầu shipper ra đường làm việc”­ - đại diện một ứng dụng giao hàng và đi chợ hộ cho biết.

Thực tế, ngay khi cho shipper hoạt động lại, nhiều siêu thị đã mở lại kênh online nhưng lại gặp khó trong việc tìm shipper qua các ứng dụng, mất nhiều thời gian và đơn hàng tiếp tục quá tải.

Trước đó, Sở Công Thương TPHCM đã đề nghị các quận, huyện sớm kết hợp với các ứng dụng công nghệ để đi chợ hộ nhưng đến nay chỉ mới TP Thủ Đức triển khai.

Đại diện Aeon Việt Nam cho biết, hiện nay đơn hàng “đi chợ hộ” tăng gấp 3-4 lần nhưng có khó khăn về mặt nhận sự để chuẩn bị hàng và giao hàng cho từng hộ dân. Siêu thị cho hay sẽ tiếp tục tận dụng nguồn nhân lực hiện có để chuẩn bị đơn hàng, đồng thời mong muốn các cơ quan ban ngành cũng sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để tăng thêm nhân sự, và đặc biệt là sự phối hợp, giúp đỡ trực tiếp từ địa phương.

“Trước thông tin một số đơn vị công nghệ đề xuất ứng dụng hạ tầng công nghệ để hỗ trợ cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, chúng tôi cho rằng hoạt động này sẽ góp phần gỡ khó cho địa phương cũng như người dân dễ dàng hơn trong việc quản lý thông tin mua hàng, giao hàng và thanh toán” - đại diện AEON Việt Nam nói.

Hàng nhiều nhưng thiếu...người giao

Theo đại diện một số siêu thị tại TPHCM, hiện lượng hàng nhập về siêu thị đã tăng so với trước. Trong khi đó, số lượng các đơn hàng online tăng từng ngày nhưng các siêu thị vẫn gặp khó trong việc giao hàng vì shipper còn hạn chế.

Shipper vận chuyển hàng hóa. (Ảnh minh họa: moit.gov.vn)
Shipper vận chuyển hàng hóa. (Ảnh minh họa: moit.gov.vn)

Nhiều siêu thị đặt ra quy định chỉ khi nào có shipper họ mới nhận đơn hàng. Do không có shipper, vậy là đơn hàng bị hủy – anh Thanh (ngụ quận Gò Vấp) nói. “Tôi gọi theo số điện thoại của siêu thị cung cấp liên tục nghe “tút.. tút…”, nhắn tin qua fanpage không ai phản hồi. Các link đặt hàng qua ứng dụng Grab và Shopee Food thì đều không đặt được vì không có tài xế nhận đơn, rất khó để mua”– anh Thanh ngao ngán.

Một doanh nghiệp cung ứng thực phẩm ở quận Bình Thạnh cho hay: “Chúng tôi không thiếu hàng nhưng không có shipper. Trong khi nguồn hàng ùn ứ mà người dân thì không mua được hàng”.

Bà Võ Thị Ngọc Hường - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Co.op Food cho biết: “Thay vì vừa phải “tung” lực lượng trực tiếp đi siêu thị mua từng đơn hàng cho người dân, vừa phải tổ chức vận chuyển và tổ chức đưa hàng hóa đến từng hộ dân thì giờ mỗi địa phương chỉ cần cử ra một người làm đầu mối gom đơn và gửi đến Co.op Food. Sau khi nhận được đơn hàng, Co.op Food sẽ soạn và hẹn giao hàng tận nơi, các lực lượng chức năng chỉ cần tổ chức phân phối đến các hộ dân trong khu vực”.

Theo bà Hương, cách làm này không những tiết giảm được lượng nhân sự, thời gian cần thiết cho các đầu mối mua chung, mà còn góp phần giảm mạnh nguy cơ lây nhiễm chéo khi tập trung đông người soạn hàng ở siêu thị, cũng như tổ chức vận chuyển cồng kềnh, thiếu shipper và giúp giải quyết tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm mùa dịch, thông qua hình thức giao hàng số lượng lớn bằng xe bus.

Mới đây, chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.op Food đã dùng xe bus giao hàng nhằm giảm tải cho việc “đi chợ hộ” đang quá tải.

Các 'đại gia công nghệ' nhập cuộc

Trước tình hình này, các hãng công nghệ lớn đã rất thức thời để tìm được hướng đi mới.

Tuần trước, “ông lớn” Grab đã phối hợp với quận Thủ Đức để hỗ trợ mua hàng hóa thiết yếu phục vụ dân trong những ngày siết giãn cách xã hội. Theo đó, người mua cần cài đặt ứng dụng Grab, đặt hàng các gói theo nhu cầu tại các siêu thị, cửa hàng trong địa bàn cư trú và đại diện UBND phường sẽ giao hàng đến tận nhà cho người dân.

Trước đó, Grab kiến nghị Sở Công thương TP để cung cấp miễn phí hạ tầng ứng dụng Grab tại TP.Thủ Đức và 7 quận, huyện mà shipper không được phép hoạt động. Người dân sẽ tải ứng dụng Grab về điện thoại thông minh và tạo tài khoản người dùng trên ứng dụng, danh mục GrabMart trên ứng dụng Grab, nhập địa chỉ cư trú, lựa chọn các mặt hàng và số lượng cần mua.

Một số công ty công nghệ khác cũng bày tỏ mong muốn cùng tham gia, chia sẻ hạ tầng, nguồn lực miễn phí hỗ trợ lực lượng chức năng cung ứng hàng hóa thiết yếu, để giảm gánh nặng cho chính quyền.

Đại diện Chợ Tốt cho biết sẵn sàng chia sẻ hạ tầng kỹ thuật cho việc đi chợ hộ, hỗ trợ các đơn vị cửa hàng, hợp tác xã mở gian hàng trong ngày, hoàn toàn miễn phí để người dân dễ dàng đặt hàng và người bán quản lý đơn hàng.

Đại diện hãng Be Group cũng đề xuất với Sở Công Thương TP cho phép được triển khai thực hiện “đi chợ hộ” thông qua ứng dụng Be nhằm tạo điều kiện cho người dân được đáp ứng đủ lương thực, thực phẩm trong thời gian giãn cách chống dịch.

Ngọc Minh



BÀI CHỌN LỌC

TP. HCM: Người dân vật vã tìm mua thực phẩm