Tổng thống Trump sửa đổi Luật về thao túng tiền tệ dọn đường phạt Trung Quốc, Việt Nam không thể né tránh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ Thương mại Mỹ đã công bố hôm thứ Hai (3/2/2020) vừa qua về việc sửa đổi luật chống thao túng tiền tệ. Theo đó, các quy định mới được sửa đổi sẽ đưa Trung Quốc, Nhật Bản gia nhập vào các quốc gia thao túng tiền tệ. Quy định mới cũng dọn đường cho Mỹ đánh thuế trừng phạt lên các nền kinh tế này, trong đó Việt Nam không thể né tránh…

Đáng lưu ý là các điều khoản sửa đổi này có hiệu lực kể từ ngày 06/04/2020 (theo công bố của Bộ Thương mại Mỹ), đây là thời điểm Mỹ ra báo cáo giám sát về thao túng tiền tệ. Dựa vào những sửa đổi này, Tổng thống Trump có thể đưa Trung Quốc, Nhật Bản vào danh sách thao túng tiền tệ, đánh thuế trừng phạt lên các nền kinh tế này. Việt Nam khó có thể tránh bị đánh thuế trừng phạt sau báo cáo giám sát của Mỹ vào tháng 04/2020 tới đây.

Luật sửa đổi cho phép Mỹ đánh thuế đối kháng với các quốc gia trong danh sách thao túng tiền tệ

Phân tích những sửa đổi trong dự luật mới, các chuyên gia kinh tế của Bloomberg cho biết: Luật mới không chỉ mở rộng thêm danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ với Mỹ mà còn cho phép Mỹ đánh thuế đối kháng với các quốc gia trong danh sách thao túng tiền tệ ngay cả trong trường hợp Bộ Tài chính Mỹ không chính thức phát hiện các nước này phạm tội đó. Các chính quyền tiền nhiệm trước Trump không đồng tình với lời kêu gọi hành động như vậy từ Quốc hội và một số ngành công nghiệp vì sợ nó sẽ dẫn đến các cuộc chiến tiền tệ ăn miếng trả miếng.

Bloomberg nhấn mạnh “động thái này sẽ tạo cơ hội mới để Hoa Kỳ khiếu nại những thao túng tiền tệ trong các nền kinh tế mục tiêu trước đây như Trung Quốc và Nhật Bản và như vậy sẽ biến thị trường tiền tệ toàn cầu trị giá hơn 6 nghìn tỷ đô la mỗi ngày thành chiến trường mới trong cuộc chiến thương mại của chính quyền Trump.”

“Quy tắc tiền tệ này là một bước quan trọng để đảm bảo rằng các hoạt động thương mại không công bằng được khắc phục cho đúng”, Bộ trưởng Bộ Thương mại Wilbur Ross phát biểu. “Trong khi các chính quyền trước đã chùn bước trước các trợ cấp ngoại tệ đối kháng, Chính quyền Trump đang hành động để san bằng sân chơi cho các doanh nghiệp và lao động Mỹ”.

Dự thảo sửa đổi Luật này đã được Bộ Thương mại Mỹ trình lên từ tháng 5/2019 nhưng vấp phải sự phản đối của Bộ Tài chính nước này trong lần đầu công bố. Mặc dù vậy, sửa đổi Luật đã được thông qua. Quy tắc mới này có thể cho phép các công ty Mỹ nộp đơn lên Bộ Thương mại khiếu nại các sản phẩm nhập khẩu cụ thể được trợ cấp không công bằng nhờ định giá thấp tiền tệ. Quy tắc mới cũng có thể mang đến cho chính quyền quyền tự khiếu nại các trường hợp khác nếu muốn, tuy nhiên, điều này có khả năng khiến nguyên đơn chính phủ Hoa Kỳ, thẩm phán, bồi thẩm đoàn và người thực thi rơi vào trong các cuộc chiến tiền tệ.

Bộ Thương mại Mỹ có quyền lực cuối cùng trong việc xác định có thao túng tiền tệ hay không

Trong phần hỏi đáp của thông báo hôm thứ Hai vừa qua, Bộ Thương mại cho biết họ có quyền lực cuối cùng để đưa ra bất kỳ quyết định nào về việc liệu giá trị tiền tệ có đưa ra một khoản trợ cấp không công bằng cho các nhà xuất khẩu của nước đó hay không.

Giải đáp băn khoăn về việc liệu Luật sửa đổi có mâu thuẫn với các quy định, quyền hạn của Bộ tài chính trong công tác giám sát ngoại hối hay không, Bộ Thương mại cho biết các đạo luật của Bộ Tài chính giám sát các loại tiền tệ và quyền hạn của bộ Thương mại trong việc áp thuế chống trợ cấp có các tiêu chí khác nhau. Tuyên bố của Bộ này nêu rõ: “Do đó, hai quy trình có thể dẫn đến kết quả khác nhau đối với một quốc gia cụ thể, về mặt lý thuyết bao gồm khả năng áp dụng thuế đối kháng đối với một quốc gia không đáp ứng các tiêu chí chỉ định theo luật của Bộ Tài chính”.

Luật mới đưa thêm Trung Quốc và Nhật Bản vào danh sách thao túng tiền tệ sẽ dọn đường cho Tổng thống Trump leo thang thương chiến với Trung Quốc?

Để ra quyết định trừng phạt thương mại, đánh thuế vào khối lượng thương mại thặng dư với Mỹ, không phải mọi quốc gia bị quy kết “thao túng tiền tệ” đều bị đánh thuế. Thực tế, sau các vòng đàm phán, nhượng bộ thương mại, đòn đánh thuế trừng phạt là giải pháp cứng rắn cuối cùng; Mỹ mới chỉ áp dụng với Trung Quốc. Tuy nhiên, đằng sau cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung là chiến lược dài hạn về vị trí dẫn dắt thế giới và sự khác biệt về “ý thức hệ”. Tổng thống Trump và chính quyền của ông nhiều lần công bố trước Liên Hợp Quốc về quan điểm với chủ nghĩa xã hội mà Trung Quốc, Việt Nam và một số nền kinh tế nhỏ đang theo đuổi.

Gần đây nhất, Trung Quốc đã không còn nằm trong danh sách thao túng tiền tệ của Mỹ và vòng Thỏa thuận thương mại lần 1 đã được ký kết đầy bất ngờ một cách thuận lợi. Niềm vui thể hiện trên thị trường chứng khoán toàn cầu chưa được bao lâu thì cơn sóng thần Coronavirus đã vội vã càn quét qua Trung Quốc. Sự kiện này chưa có điểm dừng, tổn thất kinh tế và niềm tin với Trung Quốc chưa thể tính đếm. Nhưng có một điều chắc chắn, Trung Quốc không thể hoàn thành các cam kết của họ với Mỹ trong Thỏa thuận thương mại lần 1 mà hai bên đã ký trong tháng 12 năm ngoái.

Trong bối cảnh đó, ông Trump dường như không hề muốn cấp thêm cơ hội cho Trung Quốc, sự ra đời của Luật sửa đổi cho thấy điều này: (i) Trung Quốc sẽ được thêm vào danh sách thao túng tiền tệ; (ii) Bộ Thương mại Mỹ sẽ xác định điều này ngay lập tức mà không cần chờ tới quy trình đánh giá phân tích tốn thời gian hơn của Bộ Tài chính; (iii) ông Trump được đánh thuế trừng phạt ngay lập tức…

Điều này cho thấy quyết tâm hạ gục “ý thức hệ” của Trung Quốc mạnh mẽ nhường nào, ngay cả Coronavirus cũng giúp Mỹ tiến xa hơn trong chiến lược cứng rắn của họ mà thôi.

Những lý do khiến Việt Nam không thể tránh né đòn trừng phạt thương mại của Tổng thống Trump vào tháng 4/2020 tới đây

Thứ nhất, hết năm 2019, Việt Nam đã vi phạm trầm trọng và đầy bất cẩn cả 3 tiêu chí “thao túng tiền tệ của Mỹ”.

Thứ hai, Việt Nam là nơi mà Trung Quốc “lợi dụng” để lẩn thuế, trốn thuế. Các báo cáo độc lập của Mỹ về lẩn thuế, trốn thuế của Trung Quốc tại Việt Nam là bằng chứng để Mỹ tiến hành trừng phạt. Vì nếu không trừng phạt Việt Nam, hiệu quả của chính sách mà Mỹ áp dụng với Trung Quốc sẽ suy giảm.

Cuối cùng, Việt Nam có cùng “hệ tư tưởng” với Trung Quốc. Mỹ chưa bao giờ công nhận Trung Quốc và Việt Nam là các nền kinh tế thị trường đầy đủ. Chỉ có duy nhất Trung Quốc và Việt Nam bị Mỹ đưa vào khung giám sát sau khi đưa ra những yêu cầu buộc Trung Quốc và Việt Nam phải thay đổi hàng loạt văn bản pháp lý (Luật, Nghị định) từ năm 2017. Mục tiêu cuối cùng của Mỹ với Trung Quốc chính là thay đổi “hệ tư tưởng”, và đối với Việt Nam cũng như vậy.

Trà Nguyễn (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Trump sửa đổi Luật về thao túng tiền tệ dọn đường phạt Trung Quốc, Việt Nam không thể né tránh