TikTok có thể trở thành ‘Huawei tiếp theo’ khi Mỹ xem xét kỹ lưỡng?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm ngoái, hãng công nghệ Huawei đã rơi vào trung tâm của cuộc chiến thương mại và là mục tiêu của một cuộc trừng phạt mạnh mẽ của Mỹ. Giờ đây, sự giám sát của Washington đã chuyển sang một công ty công nghệ khác của Trung Quốc: ứng dụng chia sẻ video cực kỳ phổ biến TikTok.

Đầu tháng này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói công khai rằng chính phủ đang "xem xét khả năng cấm" các ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc bao gồm TikTok, với lý do lo ngại an ninh quốc gia - lý do tương tự mà Huawei bị đưa vào danh sách đen năm 2019.

Nhưng tại sao một ứng dụng truyền thông xã hội lại bị đưa vào cùng một sự giám sát và nghi vấn giống như một nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn, và lệnh cấm giống như Huawei có ý nghĩa gì đối với TikTok?

Đối với một số người, câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên là chính trị.

"Chúng ta hiện đang ở trong một môi trường nơi mà Trung Quốc bị đối xử như một thực thể đồng nhất. Và trong đó, các công ty công nghệ Trung Quốc được coi là một và giống nhau", Samm Sacks, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Trung Quốc Paul Tsai của Trường Luật Yale và là một thành viên chính sách an ninh mạng tại viện nghiên cứu New America có trụ sở tại Washington, D.C., cho biết. Theo cô, TikTok và Huawei là "những công ty hoàn toàn khác nhau về phân khúc thị trường, văn hóa, cơ cấu sở hữu, hoạt động ở nước ngoài".

Tuy nhiên, một đặc điểm họ chia sẻ là thành công toàn cầu, và điều này, cô Sacks nói, là điều đã đưa TikTok lên radar của Washington.

"Huawei và TikTok là hai công ty công nghệ Trung Quốc duy nhất đã thực sự thành công ngoài hệ sinh thái công nghệ tương đối khép kín của Trung Quốc để trở thành thương hiệu toàn cầu có những nhu cầu toàn cầu", cô Sacks cho biết.

Đến tháng 4, TikTok, kết hợp với Douyin phiên bản tiếng Trung, đã được tải xuống hơn 2 tỷ lần trên toàn cầu, theo công ty tình báo thị trường Sensor Tower. Hoa Kỳ - với hơn 180 triệu lượt tải xuống - chiếm hơn 10% người dùng kích hoạt TikTok bên ngoài Trung Quốc, chỉ sau Ấn Độ và Indonesia.

Và TikTok, giống như Huawei, bị đặt câu hỏi về sự liên quan của Bắc Kinh đối với các hoạt động và việc ra quyết định của họ. Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng ByteDance có thể bị buộc phải chia sẻ dữ liệu người dùng với chính phủ Trung Quốc.

Đối với một số người, sự kết hợp giữa ảnh hưởng toàn cầu và sự phục tùng bị cáo buộc đối với Bắc Kinh khiến TikTok trở thành mối đe dọa an ninh lớn như Huawei.

"Bản thân TikTok có thể không bao giờ mở rộng phạm vi ra khỏi thanh thiếu niên, nhưng chỉ là vấn đề thời gian trước khi một ứng dụng Trung Quốc có sức hấp dẫn rộng hơn tấn công thị trường Mỹ và EU", Claudia Biancotti, chuyên gia kinh tế cấp cao của Bộ Kinh tế và Quan hệ Quốc tế tại Ngân hàng Ý, đã viết trong một báo cáo cho Viện nghiên cứu Peterson có trụ sở tại Washington.

"Nếu được sử dụng rộng rãi, một ứng dụng như vậy có thể trở thành một vấn đề tầm cỡ Huawei trong khía cạnh tiếp cận phương Tây - và nó có khả năng được sử dụng để phục vụ cho các dịch vụ an ninh của Trung Quốc", bà nói thêm.

ByteDance và TikTok đã nói rằng tất cả dữ liệu người dùng ở Mỹ của họ được lưu trữ ở Hoa Kỳ và Singapore, và các hoạt động tại Mỹ của họ không thuộc thẩm quyền của Trung Quốc.

"TikTok được lãnh đạo bởi một CEO người Mỹ, với hàng trăm nhân viên và các nhà lãnh đạo chủ chốt về an toàn, an ninh, sản phẩm và chính sách công tại Mỹ", TikTok nói trong một tuyên bố. "Chúng tôi không có ưu tiên cao hơn việc thúc đẩy trải nghiệm ứng dụng an toàn và bảo mật cho người dùng của chúng tôi. Chúng tôi chưa bao giờ cung cấp dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc, chúng tôi cũng sẽ không làm như vậy nếu được yêu cầu".

TikTok cũng đã thực hiện các bước để thể hiện cam kết bảo vệ dữ liệu người dùng. Đầu tháng này, khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia gây tranh cãi ở Hong Kong, cho phép cảnh sát càn quét quyền lực để lấy dữ liệu người dùng từ các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến, TikTok trở thành công nghệ toàn cầu đầu tiên chấm dứt dịch vụ tại thành phố này.

Nhưng ở Mỹ, sự nghi vấn vẫn còn - mặc dù không rõ lệnh cấm đối với công ty sẽ ra sao.

Không giống như Huawei, công ty sản xuất thiết bị viễn thông và các sản phẩm điện tử mà Washington có thể chặn trong danh sách đen thương mại, việc cấm một ứng dụng sẽ khó khăn hơn nhiều, theo các chuyên gia an ninh mạng.

Một cách tiếp cận mà chính phủ Mỹ có thể thực hiện là buộc ByteDance bán TikTok.

ByteDance mua lại công ty Musical.ly có trụ sở tại Trung Quốc, sau này trở thành một phần của TikTok, vào năm 2018. Trong khi thỏa thuận diễn ra suôn sẻ vào thời điểm đó, vài tháng trước, Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ, hay CFIUS, đã đưa ra một đánh giá về mặt an ninh quốc gia đối với việc mua lại này.

CFIUS trước đây đã buộc Kunlun Tech của Trung Quốc bán đi Grindr, ứng dụng hẹn hò LGBTQ lớn nhất thế giới, sau khi nó được coi là thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc đã gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia. Nếu quyết định mua lại của ByteDance có rủi ro tương tự, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc có thể buộc phải bán TikTok.

Một lựa chọn khác là ban hành sắc lệnh hành pháp yêu cầu tất cả các nhà cung cấp mạng chặn quyền truy cập vào các ứng dụng của Trung Quốc, tương tự như cách "vạn lý tường lửa" của Trung Quốc được triển khai để chặn một số ứng dụng nước ngoài.

"Nếu thực sự thực thi một cái gì đó như thế, tôi nghĩ, sẽ đưa chúng ta vào một tình huống lạ lẫm liên quan đến tự do Internet", cô Sacks nói. "Đây là một trang trong ‘sổ tay hướng dẫn’ của Bắc Kinh".

Nhà Trắng cũng đang xem xét bổ sung ByteDance vào cái gọi là “Danh sách thực thể” (Entity List), cùng một danh sách đen thương mại mà Huawei đã bị đưa vào năm 2019, mà theo Financial Times, sẽ hạn chế nghiêm ngặt quyền tiếp cận của nó vào công nghệ của Mỹ, bao gồm các bản cập nhật do Apple cung cấp và ứng dụng khác.

Lệnh cấm của Mỹ dưới mọi hình thức sẽ là một đòn nghiêm trọng đối với TikTok và ByteDance. Người dùng Mỹ chiếm gần 60% chi tiêu in-app của công ty trong quý II năm 2020, ở mức gần 20 triệu USD, theo dữ liệu từ Sensor Tower.

Ngoài doanh thu trực tiếp từ người dùng, "việc mất thị trường [Mỹ] có thể sẽ có tác động đáng kể đến doanh thu quảng cáo của TikTok bên ngoài Trung Quốc", Alex Malafeev, CEO của Sensor Tower cho biết.

TikTok đã ra mắt một nền tảng mới có tên TikTok for Business vào tháng 6 để khuyến khích nhiều thương hiệu quảng cáo trên ứng dụng.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà tiếp thị đều không thích rủi ro và không có khả năng quảng cáo trên TikTok cho đến khi những cơn gió chính trị rõ ràng, theo Jin Kim, người sáng lập và CEO của Creative Digital Agency, một công ty tiếp thị ở California.

"Hầu hết các thương hiệu đều ở chế độ ‘chờ và xem’”, Kim nói. "Tôi đặc biệt không thấy các thương hiệu lớn làm [quảng cáo trên TikTok] vào thời điểm hiện tại bởi vì các thương hiệu lớn hơn có thể quan tâm đến quyền riêng tư và rủi ro hơn bất kỳ thương hiệu nhỏ nào khác".

Mất thị trường Mỹ sẽ rất đau đớn đối với TikTok sau khi nó đã mất một nguồn doanh thu lớn khác: Ấn Độ.

Vào tháng 6, chính phủ Ấn Độ đã quyết định chặn TikTok và 58 ứng dụng khác của Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia.

TikTok - trước đây được cài đặt trên một phần tư điện thoại thông minh ở Mỹ - dự kiến ​​sẽ mất ít nhất 12 triệu USD doanh thu nếu lệnh cấm được giữ nguyên trong một năm, theo ước tính của hãng tư vấn toàn cầu Counterpoint Research.

Nhưng những tác động lan tỏa của lệnh cấm của Mỹ có thể vượt xa lĩnh vực tài chính của một công ty và thổi bùng ngọn lửa của chủ nghĩa dân tộc công nghệ.

"Tôi chỉ lo lắng rằng [lệnh cấm] này tạo ra tiền lệ trên toàn thế giới, nơi các chính phủ sẽ bắt đầu cấm các công ty dựa trên quốc gia gốc của họ, và dựa trên chính trị quyền lực vĩ ​​đại", cô Sacks nói.

"Chúng tôi đã thấy nhiều chính phủ tìm cách dựng lên các bức tường xung quanh mã, xung quanh các thuật toán, xung quanh các luồng dữ liệu, như là cách để bảo vệ chủ quyền trực tuyến của họ".

Tâm Minh

Theo Nikkei Asean Review

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

TikTok có thể trở thành ‘Huawei tiếp theo’ khi Mỹ xem xét kỹ lưỡng?