Tiêu dùng giảm, số lượng doanh nghiệp và sản xuất công nghiệp đều co hẹp trong tháng 5/2021

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm nay (29/5), Tổng cục thống kê (GSO) vừa công bố số liệu ước tính sơ bộ về tình hình kinh tế - xã hội tháng Năm và 5 tháng đầu năm 2021. Tình hình dịch bệnh căng thẳng đã tác động tiêu cực trong tháng Năm. Tiêu dùng thấp hơn so với tháng Tư, số lượng doanh nghiệp bị co hẹp lại, sản xuất công nghiệp dù tăng khá nhưng tốc độ tăng đã giảm một nửa so với tháng Tư, áp lực tăng lạm phát dần rõ nét …

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Năm ước tính đạt 393,6 nghìn tỷ đồng, giảm 3,1% so với tháng trước và giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.086,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,27% (cùng kỳ năm 2020 giảm 6,56%, nằm trong chuỗi 9 tháng liên tiếp tiêu dùng giảm âm so cùng kỳ 2019).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng (cộng dồn, loại trừ yếu tố giá, so cùng kỳ) (Nguồn: GSO, NTDVN tổng hợp)

Sản xuất công nghiệp tăng khá so với cùng kỳ 2020 vào tháng 5, nhưng tốc độ tăng giảm một nửa so với tốc độ tăng sản xuất công nghiệp trong tháng 4 so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp tháng 5/2021 ước tính tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước (trong tháng Tư, chỉ số này tăng 22,2%).

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng Tư và ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh nhưng hiện đang được khoanh vùng, kiểm soát. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6%, đây là mức tăng khá nhưng trên nền tảng so sánh thấp của cùng kỳ 2020 (cùng kỳ năm trước tăng 3,2%). Ngành công nghiệp chế biến chế tạo đóng góp 10,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Chủ yếu từ sản phẩm linh kiện điện tử, cao su, kim loại, đồ uống, xe có động cơ.

Sản xuất công nghiệp tăng nhờ cầu trên thị trường quốc tế phục hồi giúp kim ngạch xuất khẩu tăng. Mặc dù vậy, trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã giảm 2,1% so với tháng 4 dù tăng mạnh so cùng kỳ 2020. Khu vực kinh tế nước ngoài chiếm 74,8% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.

Ước tính tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 26 tỷ USD, giảm 2,1% so với tháng trước và tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 33,06 tỷ USD, tăng 16,6%, chiếm 25,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 97,88 tỷ USD, tăng 36,3%, chiếm 74,8%. Trong 5 tháng đầu năm 2021 có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 87,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 63,8%).

Áp lực lạm phát trong nước từ mức giá hàng hóa thế giới tăng ngày một rõ nét. Giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất làm cho giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng; giá xăng dầu tăng theo giá thế giới; giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 1,43% so với tháng 12/2020 và tăng 2,9% so với tháng 5/2020. Bình quân 5 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 5 tháng tăng 0,82%.

Số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường vẫn rất lớn, tính chung 5 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp bị co hẹp lại trên toàn quốc vì lượng doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường (doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể) nhiều hơn số doanh nghiệp mới thành lập là 4,000 doanh nghiệp.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 55,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 778,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 412,4 nghìn lao động, tăng 15,4% về số doanh nghiệp, tăng 39,5% về vốn đăng ký và tăng 1,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong 5 tháng đầu năm, có 59,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 31,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; 20 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 20,7%; 8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,3%. Trung bình mỗi tháng có gần 12 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Hữu Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Tiêu dùng giảm, số lượng doanh nghiệp và sản xuất công nghiệp đều co hẹp trong tháng 5/2021