Phần 2: Tiếp theo Trung quốc, Mỹ sẽ ra đòn trừng phạt thương mại với Việt Nam?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kết thúc năm 2019, Việt Nam vi phạm đầy bất cẩn và rất trầm trọng cả 3 tiêu chí làm căn cứ để Mỹ gắn mác “thao túng tiền tệ” theo bộ luật Omnibus 1988. Việt Nam là quốc gia đầu tiên, kể từ năm 1988, vi phạm cả 3 tiêu chí “thao túng tiền tệ”. Điều gì xảy ra với Việt Nam nếu Mỹ thực thi đòn trừng phạt thương mại? Việt Nam có thể làm gì để né tránh hoặc ít nhất giảm thiểu tổn thất (nếu có)?

Ngay từ khi thương chiến Mỹ - Trung chưa bắt đầu, việc Mỹ đánh thuế chống lẩn thuế, tránh thuế lên ngành nhôm, thép tại Việt Nam ở mức trên 300%, sau này lên tới 456% (cuối năm 2019 vừa qua) giống như một cảnh báo nghiêm khắc.

Sau đó, Tổng thống Trump đã từng trả lời phỏng vấn bày tỏ sự thất vọng về Việt Nam khi không giữ “lời hứa”, trở thành “thiên đường” cho hàng hóa Trung Quốc, Ấn Độ lẩn thuế, tránh thuế. Sự tức giận của Tổng thống Trump là dễ hiểu, bởi đòn trừng phạt của ông đối với Trung Quốc sẽ giảm hữu hiệu đi nhiều nếu Trung Quốc tìm được những địa điểm dễ ngụy trang như Việt Nam để lẩn thuế, trốn thuế, tiếp tục tăng trưởng dựa vào thương mại bất công bằng với Mỹ và phần còn lại của thế giới.

Nếu Mỹ ra đòn trừng phạt thương mại với Việt Nam, sức kháng cự của Việt Nam chỉ tính bằng tháng…

Tuy nhiên, khi Việt Nam không ngăn chặn được doanh nghiệp Trung Quốc, Ấn Độ lẩn thuế, trốn thuế, đầu tư núp bóng ngay trong lãnh thổ của mình, thì thặng dư thương mại với Mỹ sẽ càng tăng nhanh hơn. Lợi ích từ khoản thặng dư này quay trở về Trung Quốc, Ấn Độ, còn Việt Nam gia tăng nguy cơ hứng chịu đòn trừng phạt của Mỹ.

Hiển nhiên, một nền kinh tế nhỏ bé, có độ mở quá lớn (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 200% so với GDP), phụ thuộc vào xuất khẩu, chỉ nằm trong phân khúc sản xuất gia công trong chuỗi sản xuất toàn cầu như Việt Nam, sẽ không thể chịu nổi bất kỳ đòn trừng phạt nào từ nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ.

Khác với Trung Quốc, Việt Nam không có tiềm lực lớn mạnh về tài chính, thị trường tiêu thụ nội địa rộng lớn, nắm giữ một số công nghệ vượt trội hay có ảnh hưởng chính trị toàn cầu… Các đòn trừng phạt của Mỹ - nếu có - sẽ làm niềm tin nhà đầu tư sụp đổ, dòng vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp tháo chạy… Lúc đó, khả năng kháng cự của nền kinh tế nhiều bất cân đối và nhạy cảm với tác động quốc tế như Việt Nam sẽ chỉ tính theo tháng.

Việt Nam khó có thể tránh khỏi bị dán nhãn “thao túng tiền tệ” trong báo cáo giám sát thương mại tháng 4 năm 2020

Ngày 14/1/2020, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành Báo cáo tháng 1/2020 về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ”, trong đó có đưa ra danh sách các quốc gia cần giám sát gồm 10 nước, trong đó có cả Việt Nam. Tại Báo cáo kỳ này, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa danh sách các quốc gia cần giám sát (danh sách giám sát) gồm 10 nước, bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ai-len, Singapore, Malaysia, Thụy Sỹ và Việt Nam.

Thời điểm thực hiện báo cáo này, Bộ Tài chính Mỹ sử dụng số liệu 4 quý liên tiếp trước đó, chưa sử dụng số liệu của 12 tháng năm 2019 mà Việt Nam mới công bố gần đây. Thời điểm đó, Việt Nam mới vi phạm 1 tiêu chí đầu tiên về thặng dư thương mại quá 20 tỷ USD với Mỹ nên Việt Nam chưa thực sự bị dán nhãn “thao túng tiền tệ”.

Bởi vậy, trong kỳ báo cáo “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ” tháng 4 tới đây, khi Bộ tài chính Mỹ sử dụng số liệu của cả năm 2019 công bố bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV), Tổng Cục Thống Kê (TCTK), Việt Nam sẽ vi phạm cả 3 tiêu chí theo Đạo luật Omnibus 1988 của Mỹ.

Tiêu chí Ngưỡng của Mỹ Việt Nam 2019
  1. Thặng dư thương mại với Mỹ
20 tỷ USD 50,89 tỷ USD¹
  1. Thặng dư tài khoản vãng lai
3% GDP 3,2% GDP (ước 2019) (*)
  1. Mua ròng ngoại tệ liên tục, tối thiểu 2% GDP
tối thiểu 2% GDP 8% GDP²

 

Trong lịch sử áp dụng Đạo luật Omnibus 1988, Việt Nam là quốc gia duy nhất vi phạm trầm trọng cả 3 tiêu chí “thao túng tiền tệ”, và cùng với Trung Quốc là hai quốc gia duy nhất bị Mỹ áp dụng “khung giám sát” để theo dõi và quyết định có trừng phạt thương mại với Việt Nam hay không.

Song song với các đòn trừng phạt thương mại, Mỹ buộc Trung Quốc phải thay đổi thể chế (luật pháp), chính sách: không được cưỡng chế chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI vào Trung Quốc; xóa bỏ bảo hộ doanh nghiệp sản xuất trong nước, doanh nghiệp nhà nước; bảo vệ môi trường; tuân thủ các vấn đề dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo, tín ngưỡng…

"Mỹ yêu cầu Trung Quốc thay đổi các điều luật, không phải một hoặc hai mà vô cùng nhiều, có thể tới hàng trăm điều. Bắc Kinh không thể thay đổi nhiều như thế", ông Shi Yinhong, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân đồng thời là cố vấn của chính phủ Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 6/2019 vừa qua.

Với Việt Nam, Mỹ cũng có nghiên cứu kỹ lưỡng về thể chế, chính sách và đã đưa ra “khung giám sát” với các yêu cầu cụ thể, chặt chẽ về việc Việt Nam phải thay đổi luật, khuôn khổ chính sách theo cách mà Mỹ cho là công bằng, minh bạch và dân chủ hơn kể từ đầu năm 2017. Tuy nhiên, cho tới nay, Việt Nam chưa sửa được bao nhiêu các điều khoản, điều luật mà Mỹ đã nêu trong khung giám sát.

Như vậy, sau khi bị gắn nhãn “thao túng tiền tệ” và trước khi bị áp đòn trừng phạt (nếu có), Việt Nam chỉ có thể tránh những biện pháp trừng phạt này bằng cách vừa đồng thời ráo riết sửa đổi hệ thống thể chế, chính sách triệt để vừa giảm thuế nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ và tăng cường nhập khẩu hàng Mỹ vào Việt Nam. Nhưng đây là một bài toán khó, dường như chỉ có một khe cửa hẹp cho Việt Nam lách qua. Đã xuất hiện nhiều mây đen hơn trên bầu trời kinh tế Việt Nam năm 2020. Nhưng nếu dám thay đổi, rất có thể một kỷ nguyên mới rực rỡ hơn lại mở ra với cơ hội mới và thách thức mới.

Chú thích nguồn dữ liệu:

(1) Thặng dư thương mại với Mỹ tính tới hết tháng 11/2019, nguồn số liệu: https://www.census.gov/foreign-trade/balance/c5520.html

(2) Mua ròng ngoại tệ liên tục: Công bố của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Chính phủ với địa phương sáng 30/12/2019, mua thêm 20 tỷ USD năm 2019 nâng mức dự trữ ngoại hối 80 tỷ USD là mức cao nhất của dự trữ ngoại hối trong nhiều năm qua. Nguồn số liệu: https://vnexpress.net/kinh-doanh/du-tru-ngoai-hoi-lap-ky-luc-moi-4034777.html

(*) Thặng dư tài khoản vãng lai được ước tính từ số liệu Cán cân thanh toán quốc tế quý III/2019 của Ngân hàng nhà nước và số liệu xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ năm 2019 công bố bởi Tổng cục thống kê.

(còn nữa)

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Phần 2: Tiếp theo Trung quốc, Mỹ sẽ ra đòn trừng phạt thương mại với Việt Nam?