Phần 1: Tiếp theo Trung quốc, Mỹ sẽ ra đòn trừng phạt thương mại với Việt Nam?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kết thúc năm 2019, Việt Nam vi phạm đầy bất cẩn và rất trầm trọng cả 3 tiêu chí làm căn cứ để Mỹ gắn mác “thao túng tiền tệ” theo bộ luật Omnibus 1988 của Mỹ. Việt Nam là quốc gia đầu tiên, kể từ năm 1988, vi phạm cả 3 tiêu chí “thao túng tiền tệ” này. Điều gì sẽ xảy ra với Việt Nam nếu Mỹ thực thi đòn trừng phạt thương mại? Việt Nam có thể làm gì để né tránh hoặc ít nhất giảm thiểu tổn thất (nếu có)?

Chính sách thương mại của Mỹ - Đạo luật Omnibus 1988 - bị vô hiệu bởi WTO và nhờ vậy Trung Quốc trỗi dậy

Để bảo vệ lợi ích của mình trong thương mại quốc tế, Mỹ xây dựng Đạo luật cạnh tranh và thương mại Omnibus năm 1988 (sau đây gọi tắt là Đạo luật). Theo Điều 3004 của Đạo luật này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ phải “xem xét liệu các quốc gia có thao túng tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền của họ và đồng đô-la Mỹ cho mục đích ngăn chặn cán cân điều chỉnh thanh toán hiệu quả hoặc để đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại quốc tế hay không”.

Về cơ bản, chính sách thương mại của Mỹ, dựa trên Đạo luật, bao gồm việc áp dụng các biện pháp trả đũa với các quốc gia tăng kim ngạch xuất khẩu bất công bằng vào Mỹ (ví dụ như phá giá tiền tệ, hàng hóa lẩn tránh thuế, trốn thuế, giả xuất xứ,..). Đạo luật này cũng bao gồm các biện pháp trừng phạt với các quốc gia vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đạo luật là cơ sở để Mỹ ứng xử và giải quyết các vấn đề tranh chấp và bất cân đối thương mại, bảo vệ quyền lợi của Mỹ tại thời điểm đó. Các quốc gia và nền kinh tế bị Mỹ gắn nhãn “thao túng tiền tệ” theo Đạo luật Omnibus gồm có Nhật (1988), Đài Loan (1988, 1992), Trung Quốc (1992-1994 và 2018-2019).

Tuy nhiên, kể từ khi thành lập WTO năm 1995, WTO cấm các biện pháp trừng phạt đơn phương vì bản thân WTO có các chế tài và cơ chế tài phán để ra phán quyết về tranh chấp thương mại quốc tế (nếu có). Sự ra đời của WTO đã vô hiệu hóa Đạo luật 1988, hay nói cách khác, vô hiệu hóa chính sách thương mại của Mỹ.

Mặc dù vậy, cơ chế tài phán của WTO đã không hiệu quả như kỳ vọng. Trung Quốc trỗi dậy nhờ vi phạm triệt để các cam kết khi gia nhập WTO đã làm vô hiệu hóa cơ chế giám sát và cơ chế tài phán của WTO.

Để khôi phục chính sách thương mại và bảo vệ lợi ích của Mỹ, Trump vô hiệu quyền tài phán WTO, khôi phục Đạo luật 1988

Khác với các tổ chức khác, WTO có quyền tài phán, giống như một khuôn khổ pháp lý quốc tế đặt ra để đảm bảo một sân chơi công bằng, minh bạch. Bởi vậy, quyền tài phán - nơi các thành viên tham gia đều phải tôn trọng và tuân thủ - nếu bị tước đi thì WTO được coi như tổ chức “chết não”, sự tồn tại hay không của WTO không còn nhiều ý nghĩa. Thế giới sẽ thiết lập cuộc chơi mới với các nguyên tắc mới.

Từ năm 2017, Mỹ đã kiên trì bác bỏ việc bổ nhiệm, tái bổ nhiệm thành viên của Cơ quan Phúc thẩm (Appellate Body) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Quyết định của Mỹ phản ánh quan điểm của Tổng thống Trump đối với WTO nói chung. Cơ quan Phúc thẩm (AB) của WTO là cơ quan thuộc hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO, được thành lập theo Quy chế về giải quyết tranh chấp của Tổ chức này (Dispute Settlement Understanding – DSU). Thiếu thành viên, AB buộc phải ngừng hoạt động kể từ ngày 11/12/2019 vừa qua.

Bằng cách vô hiệu WTO, Đạo luật 1988 trở thành cơ sở pháp lý để Trump ra đòn trừng phạt thương mại với Trung Quốc, đưa Trung Quốc và khung giám sát, buộc Trung Quốc phải từng bước thay đổi thể chế, chính sách theo cách minh bạch và công bằng hơn.

Ba tiêu chí của Đạo luật 1988 - nếu vi phạm ít nhất 1 tiêu chí - có thể bị gắn mác “thao túng tiền tệ”

Ba tiêu chí đó là:

  1. Thặng dư thương mại với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD
  2. Thặng dư tài khoản vãng lai tối thiểu 3% GDP
  3. Mua ròng ngoại tệ liên tục với tổng giá trị tối thiểu 2% GDP

Khi vi phạm 1 trong 3 tiêu chí này, đặc biệt là thặng dư thương mại lớn với Mỹ là tiêu chí quan trọng nhất, Mỹ sẽ gắn nhãn “thao túng tiền tệ”. Mỹ tăng thuế nhập khẩu với nền kinh tế bị coi là thao túng để lấy lại cân bằng thương mại theo quan điểm ‘công bằng” của Mỹ. Tuy nhiên, trong trường hợp Mỹ cho là vi phạm trầm trọng chính sách thương mại của Mỹ như vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, chính sách bảo hộ sản xuất… thì Mỹ đưa quốc gia đó vào khung giám sát ở mức cao hơn với các yêu cầu chặt chẽ hơn về thay đổi thể chế, chính sách như cách Mỹ đã trừng phạt Trung Quốc suốt 2 năm qua và thỏa thuận giai đoạn 1 mà Mỹ và Trung Quốc mới đạt được.

Việt Nam đã vi phạm trầm trọng cả 3 tiêu chí, khả năng cao bị đưa vào khung giám sát và thậm chí bị Mỹ trừng phạt thuế trong báo cáo tháng 4 năm 2020 tới đây

Tiêu chí Ngưỡng của Mỹ Việt Nam 2019
  1. Thặng dư thương mại với Mỹ
20 tỷ USD 50,89 tỷ USD¹
  1. Thặng dư tài khoản vãng lai
3% GDP 3,2% GDP (ước 2019) (*)
  1. Mua ròng ngoại tệ liên tục, tối thiểu 2% GDP
tối thiểu 2% GDP 8% GDP²

 

Chú thích nguồn dữ liệu:

(1) Thặng dư thương mại với Mỹ tính tới hết tháng 11/2019, nguồn số liệu: https://www.census.gov/foreign-trade/balance/c5520.html

(2) Mua ròng ngoại tệ liên tục: Công bố của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Chính phủ với địa phương sáng 30/12/2019, mua thêm 20 tỷ USD năm 2019 nâng mức dự trữ ngoại hối 80 tỷ USD là mức cao nhất của dự trữ ngoại hối trong nhiều năm qua. Nguồn số liệu: https://vnexpress.net/kinh-doanh/du-tru-ngoai-hoi-lap-ky-luc-moi-4034777.html

(*) Thặng dư tài khoản vãng lai được ước tính từ số liệu Cán cân thanh toán quốc tế quý III/2019 của Ngân hàng nhà nước và số liệu xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ năm 2019 công bố bởi Tổng cục thống kê.

(còn nữa)

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Phần 1: Tiếp theo Trung quốc, Mỹ sẽ ra đòn trừng phạt thương mại với Việt Nam?