Tiếp tay đàn áp nhân quyền: Alibaba tạo ra hệ thống 'nhận dạng khuôn mặt' để phát hiện người Duy Ngô Nhĩ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Alibaba Group Holding Ltd thừa nhận hôm thứ Năm (17/12) rằng họ đã phát triển phần mềm “nhận dạng khuôn mặt” - nhằm xác định các cá nhân là thành viên của dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc - tiếp tay cho những vi phạm nhân quyền “bất tận” của chính quyền Trung Quốc

Tiết lộ này được đưa ra, chỉ một tuần sau khi có báo cáo cho biết Huawei - một công ty đa quốc gia khác có quan hệ mật thiết với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cũng đã phát triển công nghệ nhận dạng khuôn mặt để giúp cảnh sát và chính quyền Trung Quốc xác định người Duy Ngô Nhĩ, được gọi là hệ thống "cảnh báo người Duy Ngô Nhĩ".

Alibaba tiếp tay ‘kiểm soát’ người Duy Ngô Nhĩ

Người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ, phần lớn theo đạo Hồi, cư trú ở Tân Cương, tỉnh lớn nhất Trung Quốc. ĐCSTQ đã xây dựng hơn 1.000 trại tập trung khắp Tân Cương để “làm nơi ở mới” cho các thành viên của cộng đồng này. Các ước tính gần đây nhất cho thấy số lượng người Duy Ngô Nhĩ bị đưa vào các trại tập trung là vào khoảng hai triệu người.

Bên ngoài các trại, một nghiên cứu được công bố trong tuần này tiết lộ rằng nửa triệu người Duy Ngô Nhĩ khác đang bị buộc phải làm việc hàng giờ để hái bông - mặt hàng này sau đó được bán trên toàn thế giới thông qua sản phẩm quần áo của các thương hiệu đa quốc gia nổi tiếng.

Alibaba thừa nhận họ sở hữu phần mềm này vào thứ Năm, nhưng tuyên bố rằng các giám đốc điều hành không biết điều này. Theo một tuyên bố được công bố, vị giám đốc điều hành Alibaba cảm thấy “kinh hoàng” khi biết công nghệ này tồn tại.

Một cuộc trình diễn trực tiếp sử dụng trí thông minh nhân tạo và nhận dạng khuôn mặt trong công nghệ không gian-thời gian đám đông dày đặc tại triển lãm Horizon Robotics tại Trung tâm Hội nghị Las Vegas trong CES 2019 ở Las Vegas vào ngày 10 tháng 1 năm 2019. (Ảnh của DAVID MCNEW / AFP) ( Tín dụng hình ảnh nên đọc DAVID MCNEW / AFP qua Getty Images)
Một cuộc trình diễn trực tiếp sử dụng trí thông minh nhân tạo và nhận dạng khuôn mặt trong công nghệ không gian-thời gian đám đông dày đặc tại triển lãm Horizon Robotics tại Trung tâm Hội nghị Las Vegas trong CES 2019 ở Las Vegas vào ngày 10 tháng 1 năm 2019. (Ảnh của DAVID MCNEW / AFP) ( Tín dụng hình ảnh nên đọc DAVID MCNEW / AFP qua Getty Images)

“Chúng tôi không và sẽ không cho phép công nghệ này được sử dụng để nhắm mục tiêu hoặc xác định các nhóm dân tộc cụ thể”, Alibaba cam kết và nói thêm rằng sản phẩm như vậy không được bán cho khách hàng, và cho rằng chúng chỉ được sử dụng trong “môi trường thử nghiệm”.

Alibaba đưa ra tuyên bố của mình sau tiết lộ của công ty nghiên cứu IPVM, một tổ chức của Mỹ, theo The Guardian.

“Công nghệ này có thể được sử dụng để xác định các video do một người Duy Ngô Nhĩ quay và tải lên, gắn cờ các video đó để chính quyền phản hồi hoặc gỡ xuống”, The Guardian cho biết thêm.

Dịch vụ nhận dạng sắc tộc - Tội ác vi phạm nhân quyền trắng trợn

Theo nghiên cứu của IPVM, trang web Trung Quốc của Alibaba đã tiết lộ cho khách hàng - những trang web mua phần mềm của Alibaba - cách họ có thể sử dụng tính năng công nghệ, được tích hợp trong dịch vụ đám mây, để xác định các nhóm dân tộc thiểu số. Nó bao gồm một hướng dẫn từng bước và được nhắm mục tiêu cụ thể để tìm kiếm người Duy Ngô Nhĩ.

Khách hàng có thể sử dụng dịch vụ bằng cách gửi ảnh của các cá nhân và hệ thống sẽ gửi “cảnh bảo” cho bức ảnh - nếu có khả năng người trong ảnh là một phần của nhóm dân tộc Duy Ngô Nhĩ.

Dịch vụ nhận dạng sắc tộc là một phần của sản phẩm có tên “Cloud Shield”, sản phẩm này sẽ nhận dạng “văn bản, hình ảnh, video và giọng nói chứa nội dung khiêu dâm, chính trị, bạo lực khủng bố, quảng cáo và spam, đồng thời cung cấp xác minh, đánh dấu, cấu hình tùy chỉnh và các khả năng khác”.

Trong một báo cáo tuần trước, IPVM đã xác định một hệ thống tương tự do Huawei phát triển. Theo công ty Mỹ này, phiên bản “báo động Duy Ngô Nhĩ” của Huawei sẽ gửi thông báo nếu camera an ninh xác định được những người Duy Ngô Nhĩ có mặt trong tầm nhìn. Theo IPVM, ít nhất 12 sở cảnh sát Trung Quốc đã kích hoạt chương trình nhận dạng người Duy Ngô Nhĩ.

IPVM đã chứng thực nghiên cứu của mình khi cho biết họ đã có được các tài liệu có chữ ký của các quan chức trong Huawei, một số tài liệu đã xuất hiện công khai trên trang web của Huawei, được gắn nhãn "bí mật".

Hình ảnh ngày 31/5/2019 cho thấy những phụ nữ Duy Ngô Nhĩ trong trại tập trung ở Tân Cương, Trung Quốc. (Ảnh: GREG BAKER/AFP via Getty Images)
Những phụ nữ Duy Ngô Nhĩ trong trại tập trung ở Tân Cương, Trung Quốc ngày 31/5/2019.

'Tái thiết xã hội' hay tội ác diệt chủng

Theo Washington Post, Huawei và công ty đối tác của họ như Megvii, Alibaba, đã tuyên bố rằng sản phẩm được đề cập không được "ứng dụng trong thế giới thực"; và công nghệ nhận dạng khuôn mặt này đã được sử dụng như "một bài kiểm tra" về khả năng của các sản phẩm của họ.

Dưới thời Tập Cận Bình, ĐCSTQ đã mở rộng đáng kể các hoạt động đàn áp đối với người Duy Ngô Nhĩ, nổi bật nhất là thông qua việc thành lập các trại tập trung. Một số ít người sống sót và trốn thoát khỏi các trại, và kể về kinh nghiệm của họ rằng các quan chức ĐCSTQ ở đó buộc người Duy Ngô Nhĩ học tiếng Quan Thoại, hát các bài hát ca ngợi ông Tập Cận Bình và từ bỏ đạo Hồi - thông qua các hành động như cưỡng ép ăn thịt lợn.

Nhiều người nói rằng họ phải chịu sự tra tấn cực độ, bao gồm tra tấn bằng điện giật và hãm hiếp. Phụ nữ bị triệt sản một cách có hệ thống, buộc phải phá thai hoặc giết con của họ. Một số cho biết họ phải kiểm tra y tế nhằm xác định mức phù hợp với việc mổ cướp nội tạng sống.

Báo cáo của học giả Adrian Zenz được công bố trong tuần này tiết lộ rằng có tới nửa triệu người Duy Ngô Nhĩ bị buộc phải hái bông, và chỉ được trả một ít tiền hoặc không được trả công.

Ông Zenz cho biết ĐCSTQ đã sử dụng các ứng dụng điện thoại di động để xác định những người Duy Ngô Nhĩ mà họ có thể đưa vào các chương trình hái bông “xóa đói giảm nghèo”; các quan chức của ĐCSTQ sẽ theo dõi những gia đình ở khu vực người Duy Ngô Nhĩ và chuyển thông tin cho cấp trên của họ - được sử dụng để lựa chọn các cá nhân thực hiện công việc.

Ông Zenz cho biết thêm rằng các công nhân nhà máy làm việc và sống trong các khu nhà như các ký túc xá - trong môi trường được nhà nước kiểm soát dễ dàng hơn những người chăn gia súc hoặc nông dân. Cưỡng ép người Duy Ngô Nhĩ thành lao động làm công ăn lương toàn thời gian - đã trở thành nền tảng của dự án “tái thiết xã hội mang tính cưỡng chế” của nhà nước Trung Quốc.

Các nhà hoạt động nhân quyền nói rằng bằng chứng gia tăng về các vụ lạm dụng chống lại người Duy Ngô Nhĩ cho thấy một chiến dịch diệt chủng - một nỗ lực nhằm xóa bỏ sự tồn tại của họ.

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) - tòa án xử lý các cáo buộc diệt chủng, đã bác đơn khiếu nại chống lại ĐCSTQ trong tuần này, tuyên bố rằng ĐCSTQ không phải là một bên ký kết quy chế Rome tạo ra ICC, vì vậy tòa không có quyền tài phán về vấn đề này.

Trần Đức
Theo breitbart



BÀI CHỌN LỌC

Tiếp tay đàn áp nhân quyền: Alibaba tạo ra hệ thống 'nhận dạng khuôn mặt' để phát hiện người Duy Ngô Nhĩ