Thượng nghị sĩ Mỹ: Cần chú ý đến các nước đang phát triển bị ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc tấn công

Giúp NTDVN sửa lỗi

16 thượng nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Cộng hòa đã bày tỏ mối lo ngại về việc các nước đang phát triển bị nợ Trung Quốc đè nặng trong bối cảnh đại dịch virus Corona Vũ Hán.

Các khoản nợ này liên quan đến các khoản vay mà chế độ Bắc Kinh đã cung cấp cho các quốc gia thuộc dự án chính sách đối ngoại của mình, Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI, còn được gọi là Một vành đai, Một con đường). Ra mắt năm 2013, chiến lược này nhằm xây dựng ảnh hưởng địa chính trị của Bắc Kinh dọc theo các tuyến thương mại nối Trung Quốc, Đông Nam Á, Châu Phi và Châu Âu.

“Chúng tôi kêu gọi Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính xem xét tác động của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) do Trung Quốc trợ vốn lên tài chính của nhiều nền kinh tế đang gặp khó khăn và các tác động về mặt chính sách của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hoặc hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới”, các thượng nghị sĩ đã viết trong một lá thư chung gửi Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Ngoại trưởng Mike Pompeo, theo một tuyên bố ngày 24/4 của Thượng nghị sĩ Marco Rubio (R-Fla.).

Những chữ ký khác bao gồm các thượng nghị sĩ David Perdue (R-Ga.), Ted Cruz (R-Texas), Marsha Blackburn (R-Tenn.), John Cornyn (R-Texas), Mike Crapo (R-Idaho), Kevin Cramer ( RN.D., Steve Daines (R-Mont.), Chuck Grassley (R-Iowa), Kelly Loeffler (R-Ga.), Martha McSally (R-Ariz.), Jerry Moran (R-Kan.), Rick Scott (R-Fla.), John Thune (RS.D.), Thom Tillis (RN.C.) và Roger Wicker (R-Miss.).

Nợ dự án BRI

Ngày 13/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuyên bố sẽ hỗ trợ việc nới lỏng dịch vụ nợ ngay lập tức cho 25 thành viên nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất của mình bao gồm Sierra Leone, Nepal, Gambia và Mozambique để các nước này có thể phân bổ nguồn lực tài chính của họ nhằm tập trung nỗ lực giảm nhẹ thiệt hại trong đại dịch.

Nhiều quốc gia ký kết dự án BRI đã mắc nợ Trung Quốc rất nhiều, bao gồm Nepal, Gambia, Sierra LeoneMozambique.

Các thượng nghị sĩ chỉ ra rằng “cho vay của Trung Quốc là không phù hợp với các tiêu chuẩn quản trị toàn cầu”, ví dụ như các khoản vay đòi hỏi phải có tài sản hoặc nguồn tài nguyên sẵn có làm tài sản thế chấp.

Năm 2017, Sri Lanka đã phải bàn giao quyền kiểm soát cảng Hambantota quan trọng của mình cho Bắc Kinh thông qua hợp đồng thuê 99 năm sau khi không thể trả hết khoản nợ hơn 1 tỷ USD cho dự án cảng thuộc BRI.

Tuần trước, Tổng thống Tanzania John Magufuli đã hủy bỏ một dự án BRI do người tiền nhiệm của ông ký, một khoản vay Trung Quốc trị giá 10 tỷ USD để xây dựng một cảng tại nhánh sông Mbegani ở Bagamoyo của quốc gia này, theo một số phương tiện truyền thông cho biết.

Ông Magufuli cho biết các điều khoản của thỏa thuận đã được ký năm 2013, chẳng hạn như chính phủ Tanzania sẽ hoàn toàn không có quyền đưa ra ý kiến về các nhà đầu tư tương lai làm cảng trong suốt 99 năm, và nó sẽ được cho Trung Quốc thuê sau khi xây dựng. Các điều khoản này có lẽ chỉ được chấp nhận “bởi một người say rượu” mà thôi.

Các thượng nghị sĩ lưu ý rằng khi Trung Quốc đang gánh chịu những hậu quả kinh tế từ sự bùng phát virus, Trung Quốc “sẽ không sẵn lòng gia hạn các khoản nợ đến hạn, điều này có thể làm trầm trọng thêm các thách thức thanh khoản của thị trường mới nổi, và khi các dự án đang phải vật lộn trong các lĩnh vực có lợi ích chiến lược, Trung Quốc sẽ muốn bảo vệ đầu tư và ảnh hưởng chính trị của mình”.

Bức thư kêu gọi các hành động cụ thể của Hoa Kỳ, bao gồm gây áp lực lên các viện của Trung Quốc để đàm phán lại khoản nợ cơ bản của các nước đang phát triển và yêu cầu bất kỳ quốc gia nào đang nhờ IMF hỗ trợ sẽ được xóa sạch mọi nghĩa vụ tài chính chưa trả được, bao gồm các thỏa thuận BRI và các khoản nợ Trung Quốc.

Nếu không có những hành động này thì “Mỹ và những người nộp thuế phương Tây khác về bản chất đang bảo lãnh cho các tổ chức tài chính Trung Quốc và cho phép ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc”, các thượng nghị sĩ kết luận. Các quốc gia thành viên được chỉ định hạn ngạch để tài trợ cho IMF, thường được trợ vốn bằng USD tiền thuế của người dân.

‘Con đường Tơ lụa Y tế’

Bức thư của các thượng nghị sĩ cũng chỉ ra thực tế rằng Trung Quốc đang quảng bá “Con đường Tơ lụa Y tế” của mình, là một phần của sáng kiến ​​BRI trong bối cảnh đại dịch hoành hành.

Tháng 1/2017, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung Quốc đã đồng ý trở thành đối tác của nhau để triển khai các dự án y tế dưới BRI, đặt tên cho mối quan hệ đối tác này là “Con đường Tơ lụa Y tế”, theo phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc China Daily. Thỏa thuận này đã được Tổng Giám đốc WHO lúc đó là Margaret Chan ký. Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kế nhiệm bà Chan vào năm 2017.

Ông Ghebreyesus đã đến thăm Trung Quốc vào tháng 9/2018. Theo WHO, hai bên đã đồng ý tái khẳng định “cam kết cải thiện sức khỏe” của công dân tại các quốc gia có liên quan đến BRI của Trung Quốc.

Người đứng đầu WHO hiện nay cũng ca ngợi chính quyền Trung Quốc trong chuyến đi của mình, gọi Trung Quốc là “một mô hình bao phủ y tế toàn cầu, một bức tường bảo vệ chống lại các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe và là một lời nhắc nhở rằng những sự biến đổi đó có thể vươn xa”.

Tháng 3, truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đưa tin nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với Thủ tướng Ý Giuseppe Conte trong một cuộc điện đàm rằng Trung Quốc sẽ sẵn sàng hợp tác với Ý trong việc “xây dựng Con đường Tơ lụa Y tế”.

Ý đã ký thỏa thuận về BRI với Trung Quốc vào tháng 3/2019, là quốc gia G-7 đầu tiên tham gia thỏa thuận này.

Nhiều nhà lập pháp Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc vì không minh bạch về sự bùng phát virus, một số nhà lập pháp đã đề xuất các pháp chế buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về sự lây lan của con virus này.

Ngày 15/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng việc Mỹ tài trợ cho WHO sẽ bị tạm dừng từ 60 đến 90 ngày, chờ xem xét lại “để đánh giá vai trò của Tổ chức Y tế Thế giới trong việc quản lý sai lầm một cách nghiêm trọng và che đậy sự lây lan của virus Corona Vũ Hán”.

Ông François Godement, cố vấn cấp cao của tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Paris, Viện Montaigne, đã đề xuất trong một bài đăng trên blog được công bố vào tháng 3 rằng Trung Quốc có ảnh hưởng lớn hơn Mỹ ở WHO, mặc dù trên thực tế số tiền Trung Quốc quyên góp cho tổ chức này ít hơn Mỹ rất nhiều.

Theo thống kê của Bộ Ngoại giao, đóng góp của Mỹ cho WHO đã vượt quá 400 triệu USD vào năm 2019, trong khi Trung Quốc chỉ cung cấp 44 triệu USD trong cùng năm.

Một trong những lý do tạo thành sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc là sự kiểm soát mà Bắc Kinh đã có tại Ủy ban thứ Năm về thiết lập ngân sách của Đại hội đồng Liên Hợp quốc, ông Godement viết.

Ví dụ, Cao Ủy Liên Hợp Quốc về người Tị nạn (UNHCR) “dành rất nhiều lời khen ngợi chính thức” cho BRI của Trung Quốc từ năm này sang năm khác, mặc dù Bắc Kinh chỉ đóng góp một số tiền không đáng kể là 1,3 triệu USD cho cơ quan này trong khi Mỹ đóng tới 1,6 tỷ USD trong năm 2018. Hơn nữa, BRI của Trung Quốc “đơn giản là không có mối quan hệ rõ ràng nào với các vấn đề về người tị nạn”.

Hiện tại, một bản kiến ​​nghị trên trang web change.org kêu gọi ông Ghebreyesus từ chức đã thu thập được hơn 1 triệu chữ ký. Bản kiến ​​nghị tuyên bố rằng ông Ghebreyesus đã hành động quá chậm trễ trong việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu và đã không trung lập về mặt chính trị khi chấp nhận dữ liệu và thông tin của Trung Quốc về virus mà không xem xét kỹ lưỡng các thông tin này.

Thủy Tiên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Thượng nghị sĩ Mỹ: Cần chú ý đến các nước đang phát triển bị ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc tấn công