Thương mại thế giới ảm đạm - Kinh tế Trung Quốc tiếp tục trì trệ hơn kỳ vọng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Triển vọng toàn cầu rất bấp bênh. Đại dịch virus Corona Vũ Hán là một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu chưa từng có trong ký ức của con người. Nó đã gây ra suy thoái kinh tế trầm trọng nhất chưa bao giờ thấy từ gần một thế kỷ qua và đã gây thiệt hại cho sức khỏe, việc làm và phúc lợi của công dân các nước.

Chỉ số tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm

Khối lượng thương mại hàng hóa thế giới dự kiến ​​sẽ giảm mạnh trong nửa đầu năm 2020 do đại dịch virus Corona Vũ Hán phá vỡ nền kinh tế thế giới, theo số liệu về thương mại hàng hóa của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) phát hành vào ngày 20/5. Chỉ số tăng trưởng thương mại hiện đang đứng ở mức 87,6, thấp hơn mức chuẩn 100 và cho thấy sự co lại rất mạnh của thương mại thế giới trong quý II. Đây là giá trị thấp nhất được ghi nhận kể từ tháng 7/2016.

Tất cả các chỉ số này hiện đang thấp hơn dự đoán. Chỉ số sản phẩm ô tô (79,7) ghi nhận những con số thấp nhất do sự suy sụp trong sản xuất và doanh số bán ô tô tại các nền kinh tế lớn. Sự sụt giảm mạnh chỉ số đơn hàng xuất khẩu dự báo (83,3) cho thấy sự yếu kém trong thương mại sẽ tồn tại trong ngắn hạn. Sự sụt giảm trong chỉ số vận chuyển container (88,5) và hàng không (88,0) phản ánh nhu cầu yếu đối với hàng hóa giao dịch và các hạn chế về phía cung xuất phát từ các biện pháp được thực hiện để chống lại virus Corona Vũ Hán. Chỉ các chỉ số cho linh kiện điện tử (94,0) và hàng hóa nông nghiệp (95,7) là có dấu hiệu ổn định, mặc dù chúng vẫn nằm dưới mức dự đoán.

Phục hồi hình chữ V của Morgan Stanley

Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế của Morgan Stanley, nền kinh tế toàn cầu đang trong một chu kỳ mở rộng mới và sản lượng sẽ trở lại mức trước khủng hoảng virus Corona Vũ Hán vào quý IV. Các nhà kinh tế học của Chetan Ahya đã viết trong một lưu ý nghiên cứu triển vọng giữa năm vào ngày 14/6: “Chúng tôi tin tưởng nhiều hơn vào lời kêu gọi phục hồi hình chữ V của mình”. Dự đoán một cuộc suy thoái “mạnh mẽ nhưng ngắn ngủi”, các nhà kinh tế cho biết họ kỳ vọng tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ đạt từ mức -8,6% mỗi năm trong quý II và phục hồi lên mức 3% vào quý I năm 2021.

Morgan Stanley lưu ý ba lý do tại sao suy thoái sẽ ngắn: Thứ nhất, đây không phải là một cú sốc nội sinh được kích hoạt bởi sự mất cân bằng lớn. Thứ hai, áp lực giảm đòn bẩy sẽ vừa phải hơn. Thứ ba là hỗ trợ chính sách mang tính quyết định, lớn và sẽ có hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phục hồi.

Sự bất ổn sâu sắc

Quan điểm của Morgan Stanley trái ngược với những quan điểm thận trọng hơn của những tổ chức khác bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Tổ chức này tuần trước cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi chậm hơn dự kiến ​​và vẫn còn “bất ổn sâu sắc” xung quanh triển vọng này.

Do bị tàn phá bởi đại dịch và các biện pháp phong tỏa, sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sẽ chậm hơn dự kiến, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lưu ý thêm trong một video phát sóng trong khuôn khổ Diễn đàn chính sách tiền tệ châu Á thường niên lần thứ 7 rằng sẽ "rất bất ổn đối với sự phục hồi này". IMF dự kiến ​​sẽ công bố dự báo kinh tế mới vào ngày 24/6 và "nhiều khả năng nó sẽ tồi tệ hơn những gì chúng ta đã có trong tháng 4", bà Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết.

"Câu hỏi lớn là sự phục hồi sẽ như thế nào, đâu là hậu quả và trong bao lâu" thì sẽ hết khủng hoảng với mức độ suy thoái, bắt đầu những vụ phá sản và các vấn đề mất khả năng thanh khoản cũng như việc thay đổi hành vi người tiêu dùng tiềm năng như hiện nay. "Một trong những câu hỏi đáng lo ngại là tốc độ phục hồi", bà chia sẻ. "Phần lớn các biến động này cho thấy rằng sẽ có những vết sẹo đáng kể", bà kết luận.

Vào tháng 4, IMF ước tính rằng nền kinh tế thế giới sẽ suy thoái trong năm nay với sự sụt giảm tổng sản phẩm quốc nội là 3%. Tổ chức ở tại Washington này đã chỉ ra rằng suy thoái kinh tế toàn cầu có thể còn sâu sắc hơn nếu virus Corona Vũ Hán vẫn dai dẳng trong 6 tháng cuối năm hoặc nếu một đợt bùng phát thứ hai xảy ra. Năm 2021, IMF dự kiến ​​kinh tế sẽ phục hồi với GDP toàn cầu tăng 5,8%.

Trung Quốc: Kinh tế phục hồi chậm

Các trường hợp nhiễm virus Corona Vũ Hán tăng vọt gần đây ở Bắc Kinh đã làm dấy lên lo ngại về sự hồi sinh của đại dịch ở Trung Quốc, có thể làm chậm sự phục hồi cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo một báo cáo của Tân Hoa Xã, phó thủ tướng Trung Quốc nói rằng sự bùng phát ở Bắc Kinh mang lại rủi ro rất cao.

Tăng trưởng sản lượng công nghiệp đang bình thường trở lại trong tháng 5: +4,4% so với cùng kỳ và +3,9% trong tháng 4, thấp hơn mức dự báo 5% cho thấy nền kinh tế nước này vẫn đang phải vật lộn để trở lại đúng hướng sau cuộc khủng hoảng virus Corona Vũ Hán. Sự cải thiện này đáng chú ý là do lĩnh vực khai thác (+1,1% trong tháng 5 so với +0,3% trong tháng 4). Sản lượng sản xuất của các doanh nghiệp tư nhân ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ hơn so với các doanh nghiệp nhà nước (+7,1% so với +2,1%).

Doanh số bán lẻ ghi nhận việc giảm ít hơn trong tháng 5: -2,8% so với cùng kỳ trong khi -7,5% vào tháng 4. Sự sụt giảm doanh số được đặc biệt được ghi nhận trong lĩnh vực nhà hàng (-18,9%) trong khi doanh số trong lĩnh vực ô tô đang phục hồi tăng trưởng (+7,2% sau khi -2,5% trong tháng 4) nhờ các biện pháp hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Đầu tư vào tài sản cố định cũng ghi nhận mức giảm nhỏ hơn trong tháng 5: -6,3% so với cùng kỳ năm trước sau khi -11,8% trong tháng 4, đặc biệt là do đầu tư vào cơ sở hạ tầng (-6,3% trong tháng 5 so với -11,8% trong tháng 4) cũng như đầu tư sản xuất (-14,8% trong tháng 5 so với -18, 8% trong tháng 4). Cần nhấn mạnh vai trò của các thực thể công (-1,9% trong tháng 5 so với -7% trong tháng 4), trong khi đầu tư tư nhân -9,6% vào tháng 5 so với -13,3% trong tháng 4.

Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm nhẹ trong tháng 5 xuống còn 5,9% từ mức 6,0% trong tháng 4 (chỉ số này chỉ phản ánh một phần tình hình thực tế trên thị trường lao động). Từ tháng 1 đến tháng 5/2020, các công việc mới được tạo ra đạt 4,60 triệu, giảm 1,37 triệu so với cùng kỳ năm 2019. Nên nhớ rằng, trong trường hợp không có mục tiêu tăng trưởng rõ ràng, chính phủ Trung Quốc tập trung vào việc ổn định thị trường việc làm với mục tiêu tạo ra 9 triệu việc làm mới cho năm 2020, được đặt ra trong thời gian Hai kỳ họp (so với 11 triệu vào năm 2019).

Đầu tư bất động sản tiếp tục phục hồi vào tháng 5 với mức giảm chỉ 0,3% so với tháng 5 năm 2019 (-3,3% trong tháng 4). Việc bán bất động sản về mặt bằng và về doanh thu cũng giảm ít hơn trong tháng 5 (-12,3% so với -19,3% và -10,6% so với -18,6% trong tháng 4 ).

Đức: Suy thoái kinh tế mạnh

Theo Viện kinh tế thế giới Kiel: "Quý II, tổng sản phẩm quốc nội có khả năng giảm mạnh 12%. Cuộc khủng hoảng corona do đó đánh dấu sự suy thoái kinh tế mạnh nhất kể từ khi thành lập Cộng hòa Liên bang Đức. Chưa bao giờ hoạt động kinh tế giảm nhanh và quyết liệt như vậy".

So với dự báo tạm thời vào giữa tháng 5, Viện Kiel dự kiến ​​sự sụt giảm trong quý II sẽ có phần sâu hơn, nhưng dự kiến ​​sản xuất sẽ tăng trở lại mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm một phần được thúc đẩy nhờ gói kích thích kinh tế mới nhất. Nhìn chung, Viện Kiel dự kiến ​​tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ giảm 6,8% vào năm 2020 (dự báo tạm thời là -7,1%) và tăng 6,3% (7,2%) vào năm 2021, ước tính thiệt hại hơn 390 tỷ euro vào năm 2020 và năm 2021.

Nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương

Do tăng trưởng ảm đạm và diễn biến Covid-19 khó lường với lo ngại bùng phát lần 2, ngân hàng trung ương và chính phủ các nước vẫn buộc phải theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng dù dư địa nới lỏng không còn là bao.

Ủy ban Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Anh (MPC) tại cuộc họp kết thúc vào ngày 17/6/2020 đã bỏ phiếu nhất trí duy trì Tỷ giá Ngân hàng ở mức 0,1%. Ủy ban đã bỏ phiếu nhất trí cho Ngân hàng Anh để tiếp tục với chương trình hiện có là 200 tỷ bảng Anh cho trái phiếu chính phủ Anh và mua trái phiếu doanh nghiệp cấp đầu tư phi tài chính, được tài trợ bằng việc phát hành dự trữ ngân hàng trung ương. Ủy ban đã bầu chọn với đa số phiếu 8-1 để Ngân hàng Anh tăng khoản mua trái phiếu chính phủ thêm 100 tỷ bảng, được tài trợ bằng việc phát hành dự trữ ngân hàng trung ương, đưa tổng số cổ phiếu mua tài sản lên tới 745 tỷ bảng. Tuy nhiên, ngân hàng giảm 2/3 tốc độ mua, khoảng 4,5 tỷ bảng so với mức 13,5 tỷ bảng/tuần như trước đây.

Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) đã tăng chương trình cho vay chống virus Corona Vũ Hán của mình lên hơn 1.000 tỷ USD nhưng vẫn giữ chính sách tiền tệ như thống đốc Haruhiko Kuroda đã thông báo hôm thứ Ba (15/6) rằng sẽ phải mất nhiều năm nữa mới có lãi suất tăng. Quyết định của BoJ cho thấy ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tìm cách thúc đẩy lĩnh vực tài chính nhưng không thêm kích thích tiền tệ vào lúc này. Chương trình chống virus Corona Vũ Hán, hiện đã tăng từ 75.000 tỷ yên lên 110.000 tỷ yên (1.020 tỷ USD), cung cấp các khoản vay lãi suất 0% cho các ngân hàng nếu họ tăng cường cho các công ty vay. Nó nhằm mục đích tránh khủng hoảng thanh khoản nhưng số tiền tài trợ thực tế của BoJ sẽ phụ thuộc vào nhu cầu vay vốn của các công ty từ các ngân hàng.

Ngân hàng Indonesia (IB) đã cắt giảm lãi suất cơ bản 25 điểm cơ bản xuống còn 4,25% hôm 18/6, phù hợp với các dự báo của thị trường. Đây là lần cắt giảm lãi suất thứ 3 trong năm nay, đưa lãi suất vay ở mức chưa từng thấy kể từ năm 2018. Cả lãi suất tiền gửi và tiền vay đều bị cắt giảm 25 điểm cơ bản mỗi lần xuống còn 3,5% và 5%. Các nhà hoạch định chính sách cho biết động thái này nhằm duy trì sự ổn định và giúp phục hồi kinh tế trong đại dịch virus Corona Vũ Hán. Ngân hàng UoB dự báo IB sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất nữa vào quý III/2020. GDP dự kiến giảm trong quý II/2020 mặc dù những diễn biến gần đây cho thấy áp lực đã bắt đầu giảm bớt. Nền kinh tế bị thu hẹp từ 0,9-1,9% vào năm 2020 và tăng 5-6% vào năm 2021.

Thủy Tiên



BÀI CHỌN LỌC

Thương mại thế giới ảm đạm - Kinh tế Trung Quốc tiếp tục trì trệ hơn kỳ vọng