Thuộc top 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới, vị trí này của Việt Nam có ‘lung lay’ khi thị trường XKLĐ điêu đứng vì COVID-19?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Số lượng lao động nhập cư Việt Nam đã giảm mạnh do các nước tiếp nhận lao động tiếp tục đóng cửa biên giới với người nước ngoài vì đại dịch COVID-19. Tương ứng với đó là lượng kiều hối được chuyển về Việt Nam, hàng năm đạt ít nhất 4 tỷ USD, sẽ sụt giảm theo.

Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ có khoảng 500.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Song đến nay, giới chuyên gia nhận định con số này là 'quá cao', đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp.

Trong 3 tháng đầu năm nay, chỉ có khoảng 10.000 lao động Việt Nam đến Đài Loan và khoảng 18.000 lao động sang Nhật Bản, theo số liệu của Hiệp hội Cung ứng Nhân lực Việt Nam.

Nhật Bản đã cấm tất cả công dân nước ngoài không có thẻ cư trú nhập cảnh kể từ giữa tháng 1 năm nay khi làn sóng virus Vũ Hán mới xuất hiện. Lệnh cấm này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến Chương trình Đào tạo Thực tập sinh Kỹ thuật vốn mang lại cơ hội việc làm cho công dân nước ngoài.

Việt Nam là nhà cung cấp thực tập sinh kỹ năng lớn nhất tại Nhật Bản. Hiện nay, có khoảng 200.000 người Việt Nam sống và làm việc tại đây với tư cách là thực tập sinh kỹ thuật trong nhiều lĩnh vực, bao gồm nông nghiệp, xây dựng và sản xuất.

Chương trình cũng được thiết kế để chuyển giao kỹ năng cho các nước đang phát triển nhưng trên thực tế, nhiều công ty Nhật Bản coi thực tập sinh nước ngoài chỉ đơn giản là lao động giá rẻ.

Các hạn chế nhập cảnh của Nhật Bản cũng ảnh hưởng đến thu nhập của các công ty đưa thực tập sinh kỹ năng Việt Nam sang nước này và ngày càng có nhiều tổ chức như vậy tạm ngừng hoạt động kinh doanh.

Hanoi Link Service là công ty chuyên tư vấn, đào tạo du học sinh sang Nhật Bản. Nhưng mới đây, Chủ tịch công ty, ông Tô Tiến Nghĩa cho biết, công ty đang xem xét đến việc tập trung sang thị trường các nước khác. Nhật Bản đã từng là một điểm đến hấp dẫn với mức lương cao. Trong khi một công nhân Việt Nam tại Nhật Bản kiếm được trung bình từ 1.200 đến 1.400 USD/ tháng thì những người làm ở Đài Loan chỉ kiếm được từ 700 đến 800 USD.

Tuy nhiên, ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, Việt Nam cũng gặp khó khăn khi đưa lao động sang Nhật Bản theo chương trình thị thực mới cho lao động có tay nghề thuộc 14 lĩnh vực thiếu lao động của nước này. Nguyên nhân là Việt Nam chậm trễ tiến hành các bài kiểm tra kỹ năng và ngôn ngữ cho lao động tiềm năng theo yêu cầu của Nhật Bản. Việt Nam bị tụt lại đằng sau so với nhiều nước châu Á đã bắt đầu kiểm tra từ cách đây 2 năm, ví dụ như Philippines.

Nhưng kể cả khi số lượng lao động từ Việt Nam giảm một nửa xuống còn khoảng 38.000 người trong năm 2020, thì Nhật Bản vẫn là thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) lớn nhất của Việt Nam. Đài Loan đã tiếp nhận khoảng 34.000 lao động Việt Nam, và Hàn Quốc là 1.300 lao động trong năm ngoái.

Sau Nhật Bản, Đài Loan cũng tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài không có thẻ cư trú vào ngày 19/5/2021 do số ca lây nhiễm gia tăng. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam dự kiến đưa 90.000 lao động sang nước ngoài làm việc trong năm 2021 – tăng hơn 10.000 người so với năm ngoái – nhưng xu hướng này đã giảm nhiều.

Khi số lượng lao động xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giảm, nền kinh tế đất nước cũng bị ảnh hưởng theo. Theo con số thống kê chưa chính thức, hiện có khoảng 600.000 người Việt Nam làm việc ở nước ngoài, với lượng kiều hối gửi về đạt ít nhất 4 tỷ USD mỗi năm. Con số này sẽ giảm mạnh khi lực lượng xuất khẩu lao động bị ảnh hưởng do COVID-19.

Trước đó, trong báo cáo cập nhật dữ liệu kiều hối toàn cầu tháng 5/2021, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố Việt Nam tiếp tục thuộc top 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương sau Trung Quốc và Philippines.

Ngân hàng Thế giới cũng đã điều chỉnh ước tính lượng kiều hối về Việt Nam năm 2020 từ mức 15,7 tỷ USD trong báo cáo hồi tháng 10/2020 lên đến 17,2 tỷ USD.

Báo cáo của WB cho biết, trong cả hai năm 2019 và 2020, tuyến chuyển tiền từ Thái Lan về Việt Nam là một trong 5 tuyến kiều hối đắt đỏ nhất thế giới. Phí chuyển một khoản kiều hối tương đương 200 USD từ Thái Lan tới Việt Nam có thể lên đến 13% số tiền được chuyển. Trong năm 2019, lượng kiều hối về Việt Nam là 17 tỷ USD, tương đương 6,5% GDP.

Cũng theo báo cáo này, WB và Knomad đánh giá, bất chấp các dự đoán trước đó, kiều hối đổ về các nước đã phục hồi trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Điều đó thể hiện vai trò ngày càng quan trọng của kiều hối đối với kinh tế và hệ thống bảo trợ xã hội của các nước này.

Mộc Trà

Theo Nikkei



BÀI CHỌN LỌC

Thuộc top 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới, vị trí này của Việt Nam có ‘lung lay’ khi thị trường XKLĐ điêu đứng vì COVID-19?