Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ làm hại kinh tế thế giới, ảnh hưởng tiêu cực tới Việt Nam

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vận động chính sách thuế tối thiểu toàn cầu là một phần trong chương trình tăng thuế doanh nghiệp ở Mỹ lên 28% của chính quyền ông Biden. Bằng cách áp một mức thuế tối thiểu trên toàn cầu, chính quyền Mỹ hy vọng thuế cao tại Mỹ không khiến các ông lớn ‘bỏ trốn’. Nhưng chính sách như vậy có thể gây tác hại rất tiêu cực cho kinh tế toàn cầu nếu nó được thông qua và rất bất lợi cho các nền kinh tế như Việt Nam…

Mỹ đã kêu gọi mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ít nhất là 15% vào tuần trước (21/5), thấp hơn mức 21% mà họ đã đề xuất đối với thu nhập ở nước ngoài của các doanh nghiệp Mỹ - một mức thuế mà một số quốc gia cho là quá cao và ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế của họ.

Chênh lệch khá lớn giữa mức thuế 15% mà Bộ Tài chính mới đưa ra hôm thứ Năm tuần trước và thuế mà chính quyền ông Biden áp cho các doanh nghiệp Mỹ cho thấy phía Mỹ đang gặp khó khăn trong cuộc đàm phán quốc tế với 140 quốc gia trên toàn cầu doTổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế chủ trì. Bởi vì mức thuế toàn cầu tối thiểu mà Mỹ muốn chính là mức thuế tương đương với trong nước để đảm bảo dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp lớn không rời bỏ Mỹ. Sự chênh lệch khá lớn giữa thuế trong nước và mức thuế tối thiểu mong muốn này hẳn đã là “sự nhượng bộ” khó khăn của chính quyền đương nhiệm.

Để bảo vệ cho quan điểm của Mỹ, bà Janet Yellen, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ lập luận rằng nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu giúp đảm bảo ngăn lại cuộc đua giảm thuế doanh nghiệp, làm tình trạng mất cân đối tài khóa trở nên trầm trọng hơn trên toàn cầu sau khi đã hết sức mất cân đối vì chi tiêu công lớn cho đại dịch (theo Bloomberg).

Một lập luận sai

Lập luận của bà Janet Yellen rằng phải tăng thuế để tái cân bằng tài khóa là một nhận định hoàn toàn sai với nhiều kết luận của các nghiên cứu kiểm nghiệm thực chứng trong kinh tế học qua các cuộc khủng hoảng cho tới thời điểm này.

‘Tái cân bằng tài khóa’ là thuật ngữ kinh tế nhằm chỉ việc giảm bớt thâm hụt ngân sách, giảm nợ công sau khủng hoảng do trong khủng hoảng thu ít đi trong khi chi tiêu chính phủ lại nhiều hơn. Các nghiên cứu nghiêm cẩn chỉ ra rằng tăng chi tiêu mạnh tay của chính phủ (chi tiêu công, đầu tư công) đều không tác động đáng kể tới tăng trưởng kinh tế. Sau khủng hoảng, việc tái cân bằng dựa trên tăng thu qua việc tăng thuế sẽ là một đại thảm họa, sai lầm chồng sai lầm khiến tăng trưởng và phục hồi kinh tế suy giảm mạnh, việc tái cân bằng tài khóa nên nằm ở phía thu, tức là giảm thu, không tăng thuế, trong khi lại càng không nên tăng chi tiêu công.

Nghiên cứu của Jha et al (2010) [1] sử dụng số liệu 10 nền kinh tế đang phát triển Châu Á để đo lường hiệu quả kích thích kinh tế của chính sách tài khoá nghịch chu kỳ. Nghiên cứu phát hiện ra rằng mở rộng chi tiêu ngân sách nhà nước (NSNN) có tác động tích cực khi nền kinh tế gặp các cú sốc, giảm sốc cho nền kinh tế trong ngắn hạn, nhưng không tác động đáng kể tới tăng trưởng. Ngược lại, các cú sốc về thu NSNN (tức là tăng thuế) lại có tác động tiêu cực rõ nét tới tăng trưởng, đặc biệt là giai đoạn sau phục hồi.

Nghiên cứu cũng so sánh hiệu quả kinh tế của thâm hụt ngân sách do cắt giảm thuế và thâm hụt ngân sách do mở rộng chi tiêu. Theo đó, hiệu quả của thâm hụt ngân sách do mở rộng chi tiêu lên tăng trưởng là rất thấp trong khi thâm hụt ngân sách do cắt giảm thuế mang lại hiệu quả tốt hơn nhiều. Kết luận của nghiên cứu là vận dụng chính sách tài khoá nghịch chu kỳ dựa vào cắt giảm thuế tốt hơn nhiều so với dựa vào mở rộng chi tiêu chính phủ trong kích thích tăng trưởng cho nền kinh tế.

Một nghiên cứu nghiêm cẩn khác về tác động của thuế với các nền kinh tế OECD của tác giả Alinaghi và Reed năm 2020 [2], công bố trên Sage Journal, cho thấy cứ tăng 10% thuế thì làm giảm tăng trưởng GDP khoảng -0,2% trong dài hạn trong khi củng cố tài khóa (tức là giảm thâm hụt) không hiệu quả.

Tuy nhiên, Mỹ đã lựa chọn tăng sốc về thuế với giải thích rằng đó là một biện pháp để củng cố tài khóa, mức thuế tăng tới 30% cho khu vực doanh nghiệp. Điều này sẽ tạo ra một lỗ hổng lớn cho nền kinh tế Mỹ bên cạnh nguy cơ suy giảm tăng trưởng, đó là sự rời bỏ nước Mỹ của các doanh nghiệp đa quốc gia.

Lo ngại lỗ hổng này, Mỹ lại dùng đồng minh để khuyến khích tất các nước áp một mức thuế chung tối thiểu. Nói cách khác, khuyến khích các quốc gia theo đuổi chính sách thuế cao, phúc lợi cao … như Mỹ đang vận hành. Nhưng chính sách này không dễ thuyết phục khi nhiều nền kinh tế tin tưởng vào kinh nghiệm quá khứ rằng giảm thuế là cách phục hồi kinh tế tốt nhất và giúp chính phủ tái cân bằng tài khóa bền vững nhất, ví dụ như Ireland.

Cách làm này cũng giống như cách Mỹ đi đàm phán xuôi ngược để tạo ra các liên minh chống Trung Quốc, đẩy trách nhiệm chống Trung Quốc cho các liên minh lỏng lẻo thay vì tự mình mạnh lên để khống chế Trung Quốc cũng như thuyết phục các quốc gia đồng minh hành động cùng mình. Một cách tiếp cận khá rủi ro cho chính quyền mới.

Tuy nhiên, với chính quyền tôn thờ chủ nghĩa toàn cầu, một mức thuế toàn cầu, một quan điểm chính sách công toàn cầu và một sự suy yếu toàn cầu cũng là một trong số các mục tiêu của “Tái lập vĩ đại” mà ông Joe Biden luôn nhắc đến trong suốt thời gian tranh cử.

Việt Nam sẽ chịu tác động xấu

Nếu chính sách này được đồng thuận trên toàn cầu, nó có thể hủy đi cơ hội huy động dòng vốn FDI tốt từ các doanh nghiệp đa quốc gia hùng mạnh vào các nền kinh tế đang trải thảm đón dòng vốn này chủ yếu bằng ưu đãi thuế như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia…

Ứng cử viên Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen phát biểu trong sự kiện đề cử “nhóm kinh tế” của Tổng thống đắc cử Joe Biden tại Nhà hát Queen vào ngày 1/12/2020 (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen phát biểu trong sự kiện đề cử “nhóm kinh tế” của Tổng thống đắc cử Joe Biden tại Nhà hát Queen vào ngày 1/12/2020 (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)

Trang Bloomberg cho rằng, mức thuế 15% sẽ không tác động đáng kể cho các nền kinh tế đang áp mức thuế thu nhập doanh nghiệp cao như Việt Nam, Thái Lan… Tuy nhiên, đây là một nhận định sai lầm. Có lẽ, tác giả của nhận định này quên mất rằng tài nguyên hấp dẫn nhất của các nền kinh tế như Việt Nam trong việc hấp dẫn dòng vốn FDI tốt từ các tập đoàn kinh tế đa quốc gia là ưu đãi thuế. Vì thế, thuế dành cho doanh nghiệp đa quốc gia thấp hơn nhiều so với mức thuế áp cho doanh nghiệp trong nước mà họ công bố.

Hiện nay, Việt Nam chỉ áp thuế thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm, 17% trong thời hạn 10 năm; miễn thuế tối đa 4 năm và giảm 50% thuế tối đa 9 năm (tức là thuế ưu đãi sẽ thấp hơn 15% mức mà Mỹ đề xuất) được áp dụng đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực hoặc địa bàn thuộc danh mục khuyến khích đầu tư FDI (theo Tạp chí Công thương).

Điều này có nghĩa, việc áp dụng chính sách thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% sẽ làm giảm tính linh hoạt của công cụ thuế của Việt nam, giảm tính hấp dẫn của thị trường Việt vốn đang khát dòng vốn FDI tốt, không chỉ vì tăng trưởng, việc làm mà còn vì công nghệ, quản lý và tri thức.

Trong xu hướng dòng vốn FDI rời bỏ Trung Quốc và tìm tới nhiều quốc gia Đông Nam Á, một trang thông tin uy tín ở Việt Nam đặt câu hỏi “đã đến lúc Việt Nam được mặc cả với nhà đầu tư nước ngoài?” Câu hỏi khiến nhiều nhà hoạch định chính sách và chuyên gia kinh tế ngạc nhiên đặt câu hỏi “chúng ta lấy gì để mặc cả?”.

Việt Nam còn thiếu nhiều yếu tố để hấp dẫn dòng vốn FDI tốt, chứ không phải FDI xấu để lẩn thuế và trốn thuế, xả thải bẩn chảy vào Việt Nam từ Trung Quốc, Ấn Độ ... Việt Nam còn chưa có một hệ thống cơ sở hạ tầng đủ tốt, một hệ thống logistic giá cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực hay một lực lượng lao động chuyên nghiệp và có kỹ năng. Thứ tốt nhất Việt Nam đang có là ưu đãi thuế, ưu đãi đất đai, tài nguyên, vị trí địa lý để cạnh tranh với Indonesia, Thái Lan … trong xu hướng đón đầu dòng vốn FDI tốt này. Và nếu chính sách thuế tối thiểu toàn cầu dành cho doanh nghiệp đa quốc gia ra đời, Việt Nam lại bớt hấp dẫn thêm một chút, khó khăn thêm trong công cuộc chọn lọc và thu hút nguồn FDI tốt.

Sinh Bách

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Jha et al, Effectiveness of Countercyclical Fiscal Policy: Time-Series Evidence from Developing Asia, 11/2010, ADB;
  2. Nazila Alinaghi, W. Robert Reed, Taxes and Economic Growth in OECD Countries: A Meta-analysis, Sage Journal, 2020;



BÀI CHỌN LỌC

Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ làm hại kinh tế thế giới, ảnh hưởng tiêu cực tới Việt Nam