Thủ tướng Campuchia Hun Sen - đồng minh 'trung thành' của Trung Quốc có dấu hiệu suy yếu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà lãnh đạo lâu năm của Campuchia đang lặp lại những thủ đoạn đe dọa "ngoài khuôn khổ đạo đức và luật pháp" nhắm vào những người bất đồng chính kiến với chính sách "thân Trung Quốc" của ông, khi mà Bắc Kinh hiện là nhà đầu tư, chủ nợ và đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia.

Theo trang Asia Times, Thủ tướng Campuchia đương nhiệm Hun Sen dường như đã không còn khống chế được cảm xúc của mình trước áp lực phản đối chính sách giao bang "thân Trung Quốc" trên mọi phương diện của chính quyền do ông lãnh đạo.

Gần đây, ông Hun Sen đã sử dụng ngôn ngữ "ngoài khuôn khổ đạo đức và pháp luật" để đe dọa sự an toàn của gia đình một cựu nghị sĩ của một đảng đối lập (hiện đảng này bị cấm tại Campuchia), người đã tổ chức một cuộc biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại Phnom Penh vào ngày 23/10. Cuộc biểu tình bị chính quyền Campuchia mạnh tay đàn áp.

'Vợ con ông không thể ngủ ngon, và phải sợ hãi'

“Ông nên dừng lại, Vann. Vợ và con của ông đang ở Phnom Penh”. Hun Sen đe dọa ông Ho Vann, người hiện đang sống lưu vong ở Hoa Kỳ. “Ông thật điên rồ. Hãy cẩn thận - vợ con ông không thể ngủ ngon, và phải sợ hãi”.

Ông Hun Sen cũng mô tả những người biểu tình ôn hòa là "những kẻ nổi loạn" và thừa nhận rằng nhà chức trách đã theo dõi tất cả các cuộc gọi được thực hiện giữa các thành viên của Đảng Cứu hộ Quốc gia Campuchia (CNRP) bị cấm trên nền tảng trò chuyện video Zoom, đây cũng là cách giúp chính quyền ông Hun Sen nhận diện được danh tính người tổ chức biểu tình.

Áp lực dường như đang dồn lên Thủ tướng Campuchia Hun Sen khi các cuộc khủng hoảng kinh tế, ngoại giao và chính trị gia tăng áp lực lên Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền của ông. Trong khi đó, việc phụ thuộc quá mức vào Bắc Kinh khiến ông Hun Sen phải chịu các làn sóng phản đối ngấm ngầm. Hiện nay, Bắc Kinh là nhà đầu tư, chủ nợ và đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia.

Hun Sen, người có 35 năm trị vì - trở thành một trong những nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất thế giới, thường được miêu tả là một chính trị gia “xảo quyệt”, gần như bản năng, người có thể lường trước các vấn đề và vượt qua mọi mối đe dọa có thể xảy ra đối với quyền lực của mình, kể từ khi ông nắm giữ vị trí cao nhất tại Campuchia khi mới chỉ 33 tuổi.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen, phía sau bên trái, vỗ tay với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, phía sau bên phải, trong lễ ký kết vào ngày 28 tháng 4 năm 2019 tại Diaoyutai State Guesthouse ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh của Parker Song-Pool / Getty Images)
Thủ tướng Campuchia Hun Sen, phía sau bên trái, vỗ tay với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, phía sau bên phải, trong lễ ký kết vào ngày 28 tháng 4 năm 2019 tại Diaoyutai State Guesthouse ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh của Parker Song-Pool / Getty Images)

Nhưng có vẻ như ông Hun Sen đang dần mất đi sự khéo léo của mình, khi nền kinh tế Campuchia phụ thuộc vào "lâu đài kinh tế xây trên nền cát của Trung Quốc" - vốn bắt đầu lung lay và nội lực của nền kinh tế này suy yếu do khủng hoảng trên mọi phương diện.

Hun Sen đã quá sức chịu đựng?

Trước kia, nhiều người dân Campuchia đã chấp nhận đổi nền dân chủ lấy ổn định, việc làm và tăng trưởng. Nhưng giờ đây, cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị - ngoại giao do đại dịch viêm phổi Vũ Hán và sức mạnh của Trung Quốc suy giảm, đã khiến chính người dân nhận ra các mong muốn của họ không hề được đáp ứng, họ có thể sẽ thay đổi suy nghĩ của mình.

Đây hiển nhiên là điều mà ông Hun Sen không hề mong muốn. Đặc biệt trong bối cảnh ngày càng nhiều các đảng phái chống Trung đã giành thắng lợi cầm quyền tại nhiều nền kinh tế đang phát triển khác trên khắp châu lục. Có vẻ như những áp lực này đã quá sức chịu đựng của vị Thủ tướng tại vị lâu nhất thế giới này.

Thêm vào đó, các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ kéo dài nhiều tháng ở nước láng giềng Thái Lan đã khiến Phnom Penh đặc biệt lo lắng, về việc liệu Thái Lan có truyền cảm hứng cho các cuộc biểu tình tương tự ở Campuchia hay không. Trong những tuần gần đây, chính quyền đã không còn cách nào khác ngoài cố gắng đàn áp mạnh tay hơn nữa đối với các nhà hoạt động nổi tiếng.

Cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng do đại dịch gây ra đã khiến nền kinh tế Campuchia lần đầu tiên suy thoái trong năm nay sau nhiều thập kỷ, trong khi các dự báo độc lập cho thấy sự phục hồi chậm chạp vào năm 2021.

Hàng trăm nghìn người Campuchia đã mất việc làm hoặc buộc phải nhận các khoản cứu trợ rất hạn chế từ chính phủ, đặc biệt là trong các ngành du lịch và sản xuất quan trọng - nơi sử dụng lao động chính là những người di cư trẻ tuổi từ nông thôn.

Vào tháng 8/2020, Ngân hàng Phát triển Châu Á khẳng định có tới 1,3 triệu người Campuchia - tương đương 8% dân số - có thể trở lại tình trạng nghèo đói do khủng hoảng kinh tế.

Thiên tai nhân họa

Campuchia cũng đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt chết người trong hai tháng qua, làm thiệt mạng ít nhất 40 người và ảnh hưởng tiêu cực đến 130.000 gia đình trên khắp đất nước, theo số liệu mới nhất.

Ước tính về chi phí kinh tế của lũ lụt chưa được công bố, mặc dù các báo cáo cho thấy hàng chục nhà máy đã buộc phải đóng cửa, khiến hàng nghìn công nhân không thể đi làm. Theo các nhà quan sát, chi phí sửa chữa máy móc và tòa nhà bị hư hỏng có thể rất lớn.

Lũ lụt lớn năm 2011 khiến nền kinh tế Campuchia thiệt hại 451 triệu USD và thiệt hại tài sản 173 triệu USD, tương đương khoảng 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm đó, theo Ngân hàng Phát triển Châu Á.

Hun Sen đã tìm cách xoa dịu công chúng về cuộc khủng hoảng kinh tế và lũ lụt, mặc dù các nhà phê bình chỉ ra rằng lũ lụt đã trở nên tồi tệ hơn trong những năm gần đây, đặc biệt là ở thủ đô Phnom Penh, bởi vì chính quyền này đã cho phép nhiều hồ và đường nước của đất nước được lấp đầy để dọn đường cho bất động sản phát triển.

EU giảm đặc quyền thương mại của Campuchia vì vấn đề dân chủ

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu về Du lịch và Thương mại (ECTT) Anton Caragea (R) và Thủ tướng Campuchia Hun Sen (L) giơ tay trong lễ bàn giao "Đại sứ Toàn cầu về Du lịch và Các Mục tiêu Phát triển Bền vững" và giải thưởng "Phnom Penh- Thủ đô Văn hóa và Du lịch Thế giới "của ECTT tại Cung điện Hòa bình ở Phnom Penh vào ngày 9 tháng 12 năm 2017. (Ảnh của TANG CHHIN SOTHY / AFP qua Getty Images)
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu về Du lịch và Thương mại (ECTT) Anton Caragea (R) và Thủ tướng Campuchia Hun Sen (L) giơ tay trong lễ bàn giao "Đại sứ Toàn cầu về Du lịch và Các Mục tiêu Phát triển Bền vững" và giải thưởng "Phnom Penh- Thủ đô Văn hóa và Du lịch Thế giới "của ECTT tại Cung điện Hòa bình ở Phnom Penh vào ngày 9 tháng 12 năm 2017. (Ảnh của TANG CHHIN SOTHY / AFP qua Getty Images)

Chính phủ của ông Hun Sen cũng chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) vì đã loại bỏ một phần đặc quyền thương mại của Campuchia vào tháng 8/2020, để trừng phạt tình trạng dân chủ của nước này xấu đi kể từ năm 2017. Thuế quan hiện sẽ được áp dụng đối với 1/5 hàng hóa xuất khẩu của Campuchia sang EU - vốn là điểm đến cho hàng hóa sản xuất bao, gồm cả hàng may mặc.

Brussels đã cho chính phủ Campuchia hai năm để phục hồi CNRP, vốn đã bị Tòa án Tối cao Campuchia giải tán với "cáo buộc giả mạo" rằng Đảng này âm mưu một cuộc đảo chính do Mỹ hậu thuẫn và thực hiện các cải cách chính trị.

Tuy nhiên, Hun Sen cho biết trong suốt năm 2018 và 2019 rằng, ông không quan tâm đến việc EU có cắt giảm các đặc quyền của Campuchia hay không

Washington đang mất kiên nhẫn với Phnom Penh

Có lẽ điều đau đầu nhất đối với Hun Sen là cuộc giằng co đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc để giành ảnh hưởng ở Campuchia. Kể từ năm 2017, về cơ bản, Phnom Penh đã chuyển hướng chỉ trung thành với Bắc Kinh, làm mất lòng Washington - vốn coi Campuchia có tầm quan trọng chiến lược ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Washington đang mất kiên nhẫn với Phnom Penh, vì đã không phản ứng như mong đợi trước những động thái của Mỹ - sau khi chính quyền Trump tìm kiếm sự hợp tác khi bổ nhiệm W Patrick Murphy làm đại sứ tại Campuchia vào cuối năm 2019.

Sự cạnh tranh đang được thúc đẩy bởi những tin đồn rằng Phnom Penh có thể đã đồng ý cho phép quân đội Trung Quốc đóng quân trên đất Campuchia, hoặc tại một căn cứ hải quân của Campuchia - những cáo buộc mà Lầu Năm Góc và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra trong tháng này.

Các cáo buộc về căn cứ hải quân của Trung Quốc luôn là nguồn gốc gây thất vọng cho chính phủ của Thủ tướng Hun Sen, vốn đã bác bỏ chúng kể từ khi vấn đề này được nêu ra lần đầu tiên vào cuối năm 2017.

Các cuộc biểu tình tuần trước bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc đặc biệt là về cáo buộc căn cứ hải quân, một dấu hiệu cho thấy CNRP đối lập bị cấm đã sử dụng vấn đề này chống lại đánh chính phủ và đặt câu hỏi về sự can thiệp quá mức của Trung Quốc vào nền chính trị - ngoại giao của Campuchia.

Tâm lý chống Trung Quốc hiện đang lan truyền phổ biến giữa các bộ phận của dân chúng.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đến sân bay Bắc Kinh để tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường ở thủ đô Trung Quốc vào ngày 25 tháng 4 năm 2019 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo từ 37 quốc gia đã hội tụ tại Bắc Kinh cho Diễn đàn Vành đai và Con đường vào ngày 25 tháng 4, với hy vọng giành được một phần trong chiếc bánh 1 nghìn tỷ USD để cải thiện cơ sở hạ tầng của họ. (Ảnh của Greg Baker - Pool / Getty Images)
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đến sân bay Bắc Kinh để tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường ở thủ đô Trung Quốc vào ngày 25 tháng 4 năm 2019 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh của Greg Baker - Pool / Getty Images)

Điều này đặt ra một rắc rối chính trị đối với ông Hun Sen. Campuchia sẽ phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc để phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Bắc Kinh hiện là nhà đầu tư, chủ nợ và đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia. Nhưng nhiều người Campuchia cho rằng đó chỉ là lý do để chính phủ của Hun Sen chấp nhận sự độc tôn của Trung Quốc.

“Bằng chứng ở đâu? Nếu bạn có thì hãy đưa ra... một thỏa thuận bí mật giữa Campuchia và Trung Quốc về việc sử dụng Căn cứ Hải quân Ream độc quyền trong 30 năm, hãy công bố nó”, Hun Sen phát biểu cuối tuần trước, đề cập đến những cáo buộc năm ngoái của Wall Street Journal rằng chính phủ của ông đã ký một hiệp ước bí mật cho phép quân đội Trung Quốc đóng quân tại căn cứ hải quân lớn nhất Campuchia.

Tương lai 'mong manh'?

Phnôm Pênh cũng đã bị kích động bởi một bài phát biểu gần đây của Bilahari Kausikan, một nhà ngoại giao Singapore đã nghỉ hưu và là cựu Đại sứ cấp cao tại Bộ Ngoại giao, trong đó ông nói rằng Campuchia và Lào có thể bị loại khỏi Hiệp hội Khối các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nếu họ tiếp tục “làm tay sai” cho các cường quốc khác, nghĩa là Trung Quốc.

Theo Asian Times, Hun Sen dường như cũng không đạt được con đường chính trị của mình. Các nguồn tin giấu tên nói rằng bất kỳ động thái nào hướng tới sự kế vị của con trai của Hun Sen - cho tới nay đều không thành công. Một nguồn tin khẳng định hiện nay có khả năng Hun Sen sẽ cố gắng duy trì quyền lực cho đến khi không thể tiếp tục được nữa.

Chắc chắn, ông Hun Sen đã vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng trong nhiều thập kỷ, nên ông sẽ có nhiều kinh nghiệm trong việc này. Ví dụ như năm 1997, ông tiến hành một cuộc đảo chính đẫm máu trong nội bộ đảng của mình. Bảy năm sau đó, sau một cuộc bầu cử khác, ông vẫn tại vị khi hai đảng đối lập lớn nhất lúc đó tỏ ra sẵn sàng hợp tác với nhau để chống lại Hun Sen.

Tuy nhiên, trong những trường hợp đó, Hun Sen có những cách rõ ràng để thoát khỏi bế tắc. Lần này, quyền cai trị của ông đang bị đe dọa do có quá nhiều bất ổn - sau khi ông xây dựng một nhà nước độc đảng trên thực tế - nhưng dường như không có giải pháp khả thi nào cho các vấn đề mà ông đang phải đối mặt.

Cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch gây ra phần lớn nằm ngoài khả năng của Hun Sen. Ông có thể đã liên minh quá chặt chẽ với Bắc Kinh, và giờ đây không thể gỡ bỏ Campuchia khỏi sự cạnh tranh Mỹ-Trung và sự nghi ngờ ngày càng tăng của các quan chức ở Washington.

Đảng của ông ta tỏ ra phản đối việc cho con trai của Hun Sen kế vị, điều mà ông ta không thể cưỡng chế trừ khi tiến hành thanh trừng nội bộ, và kết quả có thể thành công hoặc không.

Phó Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Campuchia, Trung tướng Hun Manet (L) chụp ảnh với Trung tướng Houth Chheang trong buổi lễ triển khai 290 xe tải quân sự mới mua của Trung Quốc cho lực lượng an ninh của nước này tại sân vận động Olympic Quốc gia ở Phnom Penh vào ngày 18 tháng 6 năm 2020. (Ảnh của TANG CHHIN SOTHY / AFP qua Getty Images)
Phó Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Campuchia, Trung tướng Hun Manet (L) chụp ảnh với Trung tướng Houth Chheang trong buổi lễ triển khai 290 xe tải quân sự mới mua của Trung Quốc cho lực lượng an ninh của nước này tại sân vận động Olympic Quốc gia ở Phnom Penh vào ngày 18 tháng 6 năm 2020. (Ảnh của TANG CHHIN SOTHY / AFP qua Getty Images)

Bằng cách giải tán CNRP đối lập và bắt giữ thủ lĩnh Kem Sokha vì tội phản quốc vào cuối năm 2017, sẽ vô cùng khó khăn để "phục hồi" nhóm đối lập thành một thực thể mềm dẻo, không đe dọa như cách ông đã làm với đảng bảo hoàng Funcinpec từ cuối những năm 1990 đến 2000.

Nhiều nhà phân tích tin rằng Hun Sen muốn biến nhà lãnh đạo đối lập Kem Sokha trở thành một "phe đối lập yếu kém", điều này sẽ mang lại giá trị cho nền dân chủ và dập tắt những lời phàn nàn từ những người ủng hộ CNRP và các chính phủ phương Tây, trong khi không đe dọa sự cai trị của ông.

Nhiều người hiện đang tự hỏi liệu Kem Sokha có chấp nhận sự ân xá từ Hun Sen, để miễn án tù kéo dài nếu nó đi kèm với điều kiện rằng ông phải đóng một vai trò "chính trị phụ họa".

Hun Sen có thể chỉ đơn giản là cố gắng quay trở lại với những cách đã được thử nghiệm của mình. Bài hùng biện đầy tức giận, đầy cảm xúc của ông trong tuần qua cho thấy ông coi bạo lực và các mối đe dọa là cách tốt nhất để vượt qua những cơn bão chính trị, kinh tế và ngoại giao mà ông phải đối mặt.

Thiện Nhân

Theo Asia Times



BÀI CHỌN LỌC

Thủ tướng Campuchia Hun Sen - đồng minh 'trung thành' của Trung Quốc có dấu hiệu suy yếu