Thời báo New York: Trung Quốc đe dọa các doanh nghiệp và người lao động ở Hong Kong để ‘lấy ủng hộ’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắc Kinh đang đe dọa và gây sức ép nhằm tăng cường sự ủng hộ đối với quan điểm ngày càng cứng rắn của mình tại thủ đô tài chính châu Á này, đe doạ vai trò trung tâm tài chính thương mại toàn cầu của nó...

Trung Quốc và các đồng minh đang sử dụng các mối đe dọa và áp lực để buộc doanh nghiệp Hong Kong phải ủng hộ Bắc Kinh với lập trường ngày càng cứng rắn đối với Hong Kong. Đại lục muốn các công ty phải bịt miệng hoặc đe dọa những người lao động lên tiếng phản đối Bắc Kinh.

Leung Chun-ying, cựu lãnh đạo hàng đầu của Hong Kong, vào thứ Sáu (29/5) đã kêu gọi tẩy chay HSBC, một ngân hàng từ Luân Đôn, vì họ đã không công khai ủng hộ việc Bắc Kinh ban hành luật an ninh quốc gia mới bao trùm lãnh thổ. “Cả Trung Quốc và Hong Kong đều không nợ HSBC bất cứ điều gì”, ông này đã viết trong một bài đăng trên Facebook. "Các hoạt động kinh doanh của HSBC tại Trung Quốc có thể được thay thế trong một đêm bởi các ngân hàng từ Trung Quốc và từ các quốc gia khác”.

Vài ngày trước đó, một công đoàn đại diện cho các nhân viên tài chính đã đệ đơn khiếu nại lên các cơ quan quản lý tài chính Hong Kong với cáo buộc rằng hai ngân hàng Trung Quốc đã gây áp lực cho nhân viên của họ ký một bản kiến ​​nghị ủng hộ luật pháp ban hành bởi Bắc Kinh. “Hành vi của một người quản lý ép buộc nhân viên tham gia các khía cạnh chính trị có thể bị coi là lạm dụng”, tổ chức công đoàn đã viết trong thư gửi cho các quan chức địa phương.

Luật sư, nhân viên ngân hàng, giáo sư và các chuyên gia khác được phỏng vấn bởi The New York Times đã mô tả một văn hóa sợ hãi ngày càng gia tăng trong các văn phòng trên toàn thành phố. Các nhân viên phải đối mặt với áp lực phải hỗ trợ các ứng cử viên thân Bắc Kinh trong các cuộc bầu cử địa phương và buộc phải nói những điều phù hợp với quan điểm của chính phủ Trung Quốc. Những người dám lên tiếng có thể bị trừng phạt hoặc thậm chí bị buộc thôi việc.

Trung Quốc và Hoa Kỳ đang đụng độ về tương lai của Hong Kong, và các doanh nghiệp toàn cầu bị kẹt ở giữa. Tổng thống Trump hôm thứ Sáu (29/5) cho biết ông sẽ bắt đầu thu hồi các đặc quyền thương mại và tài chính đặc biệt mà Hoa Kỳ dành cho Hong Kong, sau khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc thông qua kế hoạch ban hành luật an ninh quốc gia, điều mà các nhà phê bình lo ngại rằng sẽ làm hạn chế hệ thống tư pháp và dân sự độc lập của thành phố tự do này.

Hong Kong là một trung tâm tài chính toàn cầu thịnh vượng, bắt nguồn từ vị thế là cầu nối giữa tăng trưởng kinh tế thần kỳ của Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Bây giờ sự cân bằng đó đang ngày càng bấp bênh.

Các cuộc biểu tình đã nổ ra vào năm ngoái sau khi chính quyền thân Bắc Kinh tại Hong Kong cố gắng gia tăng quyền lực cho chính quyền Trung Quốc đối với các vấn đề của thành phố. Trong khi gây áp lực cho doanh nghiệp phải đứng về phía mình, Trung Quốc đã sử dụng quyền tiếp cận vào thị trường đại lục rộng lớn như một miếng mồi để thúc đẩy đường lối của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Hong Kong.

Ông Jason Ng, cựu luật sư của một ngân hàng Pháp cho biết: “Chúng tôi đã thấy một sự suy giảm nhanh chóng trong quyền tự do ngôn luận ở Hong Kong kể từ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ bắt đầu”.

Cathay Pacific, hãng hàng không có trụ sở tại Hong Kong, đã thu hút sự chú ý vào cuối năm ngoái khi họ sa thải nhân viên vì bày tỏ quan điểm khiến chính quyền Trung Quốc tức giận. Bốn trong số các công ty kế toán lớn nhất thế giới đã lên án các cuộc biểu tình ở Hong Kong, và tìm cách "tách biệt" họ với các nhân viên đã ủng hộ người biểu tình.

Ông Ng đã bị người chủ cũ của mình trừng phạt vì đã viết quan điểm chính trị của mình trên trang Facebook cá nhân, sử dụng cụm từ “khỉ nhìn thấy, khỉ làm theo” (cụm từ chỉ sự bắt chước không phân biệt tốt xấu) để phàn nàn về những người biểu tình thân Trung Quốc. Sau đó, các bình luận đã bị gỡ xuống, và bị chỉ trích nặng nề trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc và trên mạng Trung Quốc. BNP đã xin lỗi và cam kết sẽ hành động ngay lập tức. Ông Ng sau đó đã rời ngân hàng.

“Hiện tại, môi trường này rất khủng khiếp”, ông Ng cho biết. Ông cũng là đồng tác giả một cuốn sách về cuộc đàn áp ở Hong Kong mang tên “Ngôn luận không tự do”. “Toàn bộ ngành ngân hàng, ít nhất là các ngân hàng do Trung Quốc tài trợ, họ phải đối mặt với khá nhiều áp lực từ Trung Quốc”.

Áp lực tương tự cũng đã xảy ra với ông Ka-chung Law, một nhà kinh tế học cao cấp tại Bank of Communications, một ngân hàng Trung Quốc được nhà nước hậu thuẫn. Trong hai thập kỷ, ông Law cho biết ông không bao giờ cảm thấy bất kỳ chủ đề nào là vượt quá giới hạn.

Mùa hè năm ngoái, khi bạo lực bùng phát, ông Law được khuyên không nên nói về tác động của sự hỗn loạn chính trị đối với nền kinh tế địa phương. Đó là một đề xuất khó chịu. Rõ ràng ông có thể thấy nó có tác động lớn như thế nào đối với nền kinh tế địa phương.

Sau đó, vào đầu tháng 10, ông Law cho biết, ông đã gửi email cho nhóm của mình một bài báo chỉ trích Trung Quốc và thảo luận về những cách thức mà Hoa Kỳ có thể sử dụng để trừng phạt Bắc Kinh về mặt kinh tế. Ông chủ của ông đã gọi ông vào thương lượng.

Ngân hàng nơi ông làm từ chối không liên quan đến bài báo. Bài đó lại phát xuất từ email công việc của ông, do đó liên quan đến ngân hàng. Ông cho biết: “Ngày hôm đó tôi được bảo rằng, ‘Đây là quan điểm của ông’. Mặc dù tôi không phải là tác giả của bài báo, nhưng tôi không muốn tranh luận’.

Ông Law cho biết ông đã bị yêu cầu từ chức. Và ông đã làm vậy. Ông nói: “Tôi không muốn ở trong môi trường loại này. Và tôi không nghĩ rằng tôi xứng đáng ở lại vị trí đó nếu tôi im miệng”. Ngân hàng đã từ chối bình luận.

Bắc Kinh dùng mọi thủ đoạn để ngăn cấm các quan điểm trái chiều với mình; vừa công khai, vừa ngấm ngầm đe dọa.

Ông Gios Choong làm việc cho một công ty thân Trung Quốc chuyên thực hiện kiểm tra việc kiểm dịch và kiểm tra kiểm soát chất lượng tại biên giới Hong Kong. Khi ông mới bắt đầu công việc này hơn hai thập kỷ trước, hầu hết các đồng nghiệp của ông là người Hong Kong, và bầu không khí cởi mở hơn, ông nói. Nhưng trong những năm gần đây, sự phẫn nộ đã tăng lên khi các nhân viên Hong Kong được thay thế bằng người đại lục.

Những ngày này, khi cuộc trò chuyện tại nơi làm việc chuyển sang chủ đề về các cuộc biểu tình, các nhà quản lý gán cho họ là bạo loạn. Ông Choong, người ủng hộ các cuộc biểu tình vì dân chủ, cho biết ông cảm thấy bị xa lánh.

“Ông chủ nói với tôi, ‘Tại sao họ lại ra ngoài?’” khi đề cập tới người biểu tình. “‘Bạn sống phụ thuộc Trung Quốc. Thức ăn của bạn là từ Trung Quốc. Nước đến từ Trung Quốc. Vậy thì tại sao?'"

Vào thứ Sáu trước khi Hong Kong tổ chức cuộc bầu cử hội đồng quận vào tháng 11, người quản lý của ông Choong, đã tiếp cận ông với một yêu cầu. Bầu chọn cho số 2, ông được yêu cầu làm vậy. Đó là con số của ứng cử viên thân Bắc Kinh trong quận của ông. Thay vào đó, ông đã bỏ phiếu cho ứng cử viên dân chủ. Nhóm dân chủ đã thắng áp đảo cuộc bầu cử.

Càng ngày, các công ty đa quốc gia càng thấy mình là mục tiêu kiểm duyệt của Bắc Kinh. Bóng rổ Mỹ N.B.A. đã bị đẩy vào tầm ngắm khắc nghiệt vào năm ngoái sau khi tổng giám đốc của Houston Rockets viết một thông điệp trên Twitter để ủng hộ người biểu tình Hong Kong. Truyền thông nhà nước đã hành động nhanh chóng để trả đũa, hủy bỏ việc phát sóng các trận đấu đầu mùa.

Các hãng thời trang Coach, Givenchy và Versace cũng đã buộc phải xin lỗi vì bán quần áo với thiết kế cho thấy Hong Kong tách biệt với Trung Quốc.

Ming-tak Ng, một giáo sư tại Đại học Baptist Hong Kong, đã được yêu cầu ngừng giảng dạy tại các cơ sở của Trung Quốc. Ông đã chứng kiến ​​tận mắt cơn thịnh nộ của những công dân Trung Quốc bình thường.

Cho đến tháng 8, ông dành nhiều ngày cuối tuần cho việc giảng dạy sinh viên M.B.A. bán thời gian ở đại lục. Sau đó, ông xuất hiện trên ảnh trong một cuộc biểu tình với Jimmy Lai, chủ sở hữu của một tập đoàn truyền thông chuyên chỉ trích Trung Quốc.

Khi các sinh viên của ông nhìn thấy nó, họ đã viết thư cho các quan chức đại học để phàn nàn về sự tham gia của ông Ng, một lá thư đưa ra yêu cầu rằng trường đại học cần phải xóa “mọi thông tin về ông Ng trong quá trình học của chúng tôi và trong luận văn tốt nghiệp của chúng tôi”, và đe dọa sẽ tẩy chay các sự kiện trong đó ông Ng có mặt.

Sau khi thảo luận về tình hình với trường đại học, ông Ng đã đồng ý ngừng giảng dạy tại các cơ sở đào tạo của Trung Quốc. Ông nói: “Tôi không phàn nàn về họ. Tại Trung Quốc, mọi người đều bị hệ thống kiểm soát chặt chẽ. Tôi đánh giá cao rằng họ đã làm điều này để bảo vệ chính mình về mặt chính trị”.

Christina Wu, phát ngôn viên của trường đại học, xác nhận việc ông Ng thay đổi lịch trình nhưng cho biết “việc này được thực hiện hoàn toàn dựa trên những cân nhắc về học thuật”. Cô cho biết trường đại học không xóa bất kỳ thông tin nào về ông Ng.

Tuần này, khi Bắc Kinh thúc đẩy các kế hoạch thực thi luật an ninh quốc gia của mình tại Hong Kong, các nhóm thân Bắc Kinh đã đi khắp thành phố để tìm kiếm sự hỗ trợ. Theo một số công nhân địa phương, ông chủ của họ đã hỗ trợ trong nỗ lực này.

Theo đơn khiếu nại của Công đoàn Nhân viên Công nghiệp Tài chính Hong Kong, các nhà quản lý tại Chiyu Banking Corporation, một ngân hàng địa phương thuộc sở hữu của Ngân hàng Quốc tế Hạ Môn, đã gửi một tin nhắn WhatsApp cho các nhân viên yêu cầu họ ký đơn thỉnh nguyện. Đơn khiếu nại cho biết, một khi họ đã làm như vậy, họ được yêu cầu chụp màn hình chữ ký của họ và chia sẻ nó.

Công đoàn cho biết hướng dẫn tương tự đã được gửi đến các nhân viên tại Ngân hàng Wing Lung. Ka-wing Kwok, chủ tịch công đoàn nói rằng nhân viên tại các ngân hàng khác cho biết họ đã nhận được tin nhắn tương tự, nhưng công đoàn không thể xác minh việc này.

Ngân hàng Chiyu và ngân hàng Wing Lung đã không trả lời yêu cầu bình luận. Cơ quan quản lý Hong Kong từ chối bình luận.

“Hành vi như vậy khiến cho các nhân viên cảm thấy ớn lạnh”, liên đoàn đã viết như vậy trong thư gửi chính quyền Hong Kong.

“Nhân viên của công ty không thể không lo lắng rằng nếu họ không tuân theo chỉ dẫn của cấp trên, họ có thể bị công ty loại ra hoặc đánh giá hiệu quả công việc cá nhân của họ sẽ bị ảnh hưởng trong tương lai”.

Lê Minh

Theo The New York Times



BÀI CHỌN LỌC

Thời báo New York: Trung Quốc đe dọa các doanh nghiệp và người lao động ở Hong Kong để ‘lấy ủng hộ’