Thỏa thuận thương mại giai đoạn một đã chết – Tiếp theo sẽ là gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quan hệ Mỹ-Trung sẽ đi về đâu?

Thỏa thuận thương mại của Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc đã chết.

Được tung hô là bước tiến đầu tiên tốt đẹp khi được ký vào ngày 15/1, thỏa thuận thương mại giai đoạn một nhìn giống như lớp vỏ bên ngoài hơn là mua bán thực. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, nhiều chuyện đã xảy ra kể từ đó, khiến cho chúng ta khó mà tin được rằng Bắc Kinh sẽ tôn trọng hạn ngạch nhập khẩu hàng hóa Mỹ như trong thỏa thuận.

Một thỏa thuận không ai có thể từ chối?

Thỏa thuận giai đoạn một yêu cầu Trung Quốc mua hàng hóa và dịch vụ trị giá 200 tỷ USD trong vòng hai năm tiếp theo, so với 186 tỷ USD Trung Quốc đã mua trong năm 2017.

Thỏa thuận này cũng yêu cầu Trung Quốc phải mua thêm 77 tỷ USD hàng hóa sản xuất trong giai đoạn 2020-2021, làm tăng 33 tỷ USD xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Trung Quốc trong năm nay, và tăng khoảng 45 tỷ USD vào năm tới. Sản phẩm năng lượng sẽ tăng trên 52 tỷ USD trong năm 2020 kể từ mức đáy 9,1 tỷ USD trong năm 2017.

Cũng quan trọng không kém, thỏa thuận giai đoạn một đòi hỏi Trung Quốc phải thực hiện các cam kết trước đó để ngăn chặn việc bắt ép chuyển giao công nghệ cũng như việc nhắm vào các công ty Hoa Kỳ nhằm đánh cắp tài sản trí tuệ. Hai hoạt động này là nguồn nuôi dưỡng sự phát triển và đổi mới công nghệ tại Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đồng ý sẽ chấm dứt thao túng tiền tệ và cắt giảm 25% mức thuế trả đũa đối với ô tô Mỹ.

Về phần mình, Hoa Kỳ đã giảm một nửa thuế xuống còn 7,5% đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 120 tỷ USD và cũng dừng đánh thuế đối với điện thoại di động, máy tính xách tay, đồ chơi và quần áo từ Trung Quốc.

Việc buộc Bắc Kinh hứa sẽ tuân thủ những hứa hẹn ban đầu nên được các nhà đàm phán Hoa Kỳ đặc biệt chú ý.

Không có gì bất ngờ

Không có gì là bất ngờ khi trong tuần đầu tháng 6, Bắc Kinh đã phá vỡ thỏa thuận giai đoạn một bằng việc ra lệnh cho các doanh nghiệp quốc doanh hủy kế hoạch mua đậu nành Mỹ, một phần của 200 tỷ USD các sản phẩm từ Hoa Kỳ.

Trên thực tế, thỏa thuận giai đoạn một chưa bao giờ thực sự là một thỏa thuận chắc chắn. Nó chứa đầy những lời hứa trống rỗng mà ít người tin rằng sẽ thành hiện thực. Những mục tiêu là quá cao và phi thực tế ngay cả tại thời điểm tốt nhất. Thế giới bây giờ đang ở trong những điều kiện kinh tế và ngoại giao rất khác so với khi thỏa thuận được ký kết chỉ mới 5 tháng trước.

Nó giống như một hành động giữ thể diện cho cả hai bên, và khó mà dùng nó làm cơ sở để tiến hành các cuộc đàm phán tiếp theo trong tương lai. Nhưng thỏa thuận đã kết thúc trước khi nó kịp bắt đầu.

Những sự kiện và động thái làm lu mờ thương mại

Đại dịch viêm phổi Vũ Hán và việc đóng cửa biên giới đã làm tê liệt nhiều nền kinh tế trên toàn thế giới và làm gia tăng căng thẳng với Washington. Những tuyên bố và hành động lừa đảo của Bắc Kinh xung quanh nguồn gốc dịch bệnh đã gây tổn hại cho thế giới và không thể tha thứ – từ việc chối bỏ nguồn gốc cũng như khả năng lây truyền từ người sang người của virus, cho đến việc cho phép các công dân bị nhiễm virus đi ra nước ngoài trong khi áp đặt các hạn chế đi lại trong nước và các hành động khác nữa.

Sau đó, với những luật lệ chống bạo động mới nhắm vào những người biểu tình dân chủ ở Hong Kong, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khống chế hiệu quả một thành phố tự trị từng là trung tâm tài chính năng động nhất châu Á.

Phản ứng của Hoa Kỳ là dễ đoán. Trước đạo luật mới từ Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đình chỉ ưu đãi thương mại đặc biệt mà nước này đã dành cho Hong Kong vào năm 1997 khi nó còn là một thực thể tách biệt với Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt và các hình phạt kinh tế khác đối với Trung Quốc và Hong Kong.

Tuy nhiên hành vi của Trung Quốc đi xa hơn nhiều so với việc sáp nhập Hong Kong. Trong khi Hải quân Hoa Kỳ đang đối phó với sự lây lan virus Vũ Hán trong hạm đội tàu Thái Bình Dương của mình, Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền và quân sự hóa các hòn đảo đang tranh chấp ở Biển Đông, tiến hành các cuộc diễn tập quân sự gần Đài Loan và tiến hành các cuộc tập trận giả ở các tuyến đường biển quan trọng.

Hơn nữa, trong khi Hải quân Hoa Kỳ đang bị cách ly vì virus Vũ Hán ở đảo Guam, không quân Trung Quốc còn gia tăng quấy rối máy bay quân sự của Hoa Kỳ ở Biển Đông.

Quan hệ Mỹ - Trung sẽ đi về đâu?

Trong khi nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa Trung Quốc vẫn ở mức thấp, thì tiêu dùng nội địa của Trung Quốc cũng vậy. Ngoài ra, một đợt bùng phát thứ hai của virus Vũ Hán, cũng như sự bùng phát gia tăng ở Nam bán cầu, có thể còn nhấn sâu thêm vào sự bất ổn của kinh tế Trung Quốc. Và, tất nhiên, suy thoái kinh tế ở cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều khiến cho việc hợp tác càng trở nên khó khăn hơn.

Rõ ràng, Bắc Kinh đang chơi một ván bài khác so với năm 2019. Nếu tuyên truyền trong nước và hùng biện ngoại giao nhắm vào Nhật Bản và Đài Loan là một dấu hiệu cho thấy ý định của Bắc Kinh, có vẻ như Trung Quốc đang thách thức việc bảo đảm an ninh của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Sự leo thang quân sự của Bắc Kinh trở nên rõ ràng hơn trong vài năm, nhưng chỉ nhận được sự phản kháng yếu ớt từ chính quyền Hoa Kỳ tiền nhiệm. Có thể Bắc Kinh đã áp dụng những kỳ vọng của mình từ thời Obama cho chính quyền hiện tại.

Nếu thế, điều đó sẽ làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm ở cả hai bên, nhưng đặc biệt là với Trung Quốc. Bắc Kinh không dễ dàng từ bỏ những gì mà họ đã đạt được ở Biển Đông hay những hành động của họ đang diễn ra ở Hong Kong.

Bắc Kinh cũng không đủ khả năng áp đặt chính trị lên sự tồn tại của Đài Loan. Với nền chính trị cộng hòa tương đối tự do và mối quan hệ quân sự sâu sắc với Hoa Kỳ, Đài Loan đại diện cho một sự thay thế thực sự cho người dân Trung Quốc, đe dọa tính hợp pháp của Đảng.

Đây là một vấn đề đang diễn ra và rất nghiêm trọng đối với ĐCSTQ - một chế độ chi nhiều tiền hơn cho việc đàn áp người dân của mình so với việc đối kháng với bên ngoài.

Tuy nhiên, phản ứng nhanh chóng từ phía chính quyền Tổng thống Trump đang đặt ra một vấn đề nan giải cho Bắc Kinh. Quyết định của Washington khi gửi ba tàu sân bay đến Thái Bình Dương là một phản ứng rõ ràng và cần thiết, nhưng cũng khiến Trung Quốc phải có phản ứng.

Nói cách khác, sự leo thang quân sự trong khu vực vẫn tiếp diễn, khiến cuộc đối đầu quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có khả năng xảy ra hơn so với trước đây.

Đối với tương lai của thương mại Mỹ-Trung, những diễn biến hiện tại có thể làm giảm tiềm năng cho bất kỳ thỏa thuận thương mại có ý nghĩa nào giữa hai bên trong một tương lai gần. Nó sẽ làm nới rộng thêm giãn cách giữa hai nước.

Hoặc có lẽ nó chỉ đang phơi bày khoảng cách rộng lớn giữa những mục tiêu của Bắc Kinh và Hoa Kỳ mà vốn đã luôn ở đó.

Về tác giả:

James R. Gorrie là tác giả của “Cuộc khủng hoảng Trung Quốc” (Wiley, 2013) và viết trên blog của mình, TheBananaRepublican.com. Ông sống ở Nam California.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Bảo Đức

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Thỏa thuận thương mại giai đoạn một đã chết – Tiếp theo sẽ là gì?