Thiếu vắng Hoa Kỳ, Việt Nam cần cẩn trọng ‘bẫy’ của Trung Quốc với Hiệp định RCEP

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam - nước Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định rằng Việt Nam cần cẩn trọng trước "cái bẫy" của Trung Quốc.

Hiệp định RCEP chính thức được ký kết sau một chặng đường dài 8 năm đàm phán. Đây là một thỏa thuận thương mại lớn trong khu vực, với sự giao hòa đa dạng của các nền kinh tế phát triển, đang phát triển và kém phát triển.

Các Bộ trưởng phụ trách về kinh tế và thương mại của 10 quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam và 5 đối tác mà ASEAN có hiệp định tự do thương mại gồm Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand đã ký kết Hiệp định RCEP vào ngày 15/11/2020 trước sự chứng kiến của lãnh đạo các nước.

Việt Nam ‘hăm hở’ với ‘cơ hội’ tham gia vào RCEP

Nếu so sánh với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã ký trước đó, RCEP có quy mô thị trường lớn gần gấp 5 lần, với dân số trong khu vực lên tới hơn 2,2 tỷ người; GDP 26,2 nghìn tỷ USD chiếm 30% tổng GDP toàn cầu.

Đây sẽ là sự bổ sung đáng kể về mặt thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, các bên sẽ ngay lập tức thực hiện các cam kết của mình. Đối với các cam kết thuế quan, Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Đến cuối lộ trình sau 15-20 năm, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan với khoảng 85,6% - 89,6% số dòng thuế với các nước đối tác, trong khi các nước đối tác xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam trong khoảng 90,7% - 92% số dòng thuế.

RCEP được cho là sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp.

RCEP là giải pháp hay ‘cái bẫy’ của Trung Quốc?

RCEP được cho là thúc đẩy xuất khẩu, nhưng liệu nó có phải là một giải pháp “hoàn hảo?" Chính quyền Trump đã mau chóng “rút chân” khỏi CPTPP và đương nhiên không màng đến RCEP. Hoa Kỳ muốn hướng đến hợp tác song phương “đôi bên cùng có lợi, hơn là theo chủ nghĩa đa phương “cá lớn nuốt cá bé”.

Ảnh chụp các nhà lãnh đạo trong Hội nghị Cấp cao Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) lần thứ 3 tại Bangkok vào ngày 4 tháng 11 năm 2019 (Ảnh của MANAN VATSYAYANA / AFP qua Getty Images)
Ảnh chụp các nhà lãnh đạo trong Hội nghị Cấp cao Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) lần thứ 3 tại Bangkok vào ngày 4 tháng 11 năm 2019 (Ảnh của MANAN VATSYAYANA / AFP qua Getty Images)

Với RCEP, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều sức ép cạnh tranh do đặc điểm các nền kinh tế trong khu vực RCEP có nhiều điểm tương đồng, thậm chí có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam.

Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh về chất lượng và giá trị của sản phẩm, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ.

Hơn nữa, đầu vào sản xuất của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhất định vào các nguồn nhập khẩu, trong khi khả năng cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực còn hạn chế.

Luật sư - nhà báo Phạm Văn Thọ chia sẻ lo ngại: “Theo tôi thì có lẽ Việt Nam hơi vội vàng trong việc ký hiệp định đối tác khu vực này. Bởi lẽ, có thể nhận thấy rõ vai trò của Trung Quốc, họ rất hào hứng trong cái hiệp định này. Vì sao, vì cái lợi thế của họ rất lớn”.

Đây là một hiệp định xóa bỏ hàng rào thương mại của các quốc gia thành viên, thì cái quan trọng nhất là năng lực của các thành viên, mà trong khi đó, “năng lực của Trung Quốc rất là rõ”, ông Thọ cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Vân, một cán bộ hưu trí, nói rằng với Hiệp định RCEP do Trung Quốc khởi xướng, thì Việt Nam cần cẩn thận với “bẫy” trung chuyển hàng hóa từ thị trường này sang thị trường khác mà Trung Quốc lâu nay vẫn hay sử dụng. Riêng nhóm hàng trái cây, cần thận trọng khi dùng hàng Trung Quốc.

Trong nhóm hàng thủy sản của Việt Nam như tôm sú, thì bạn hàng lớn nhất về xuất tiểu ngạch đang là Trung Quốc. Luật sư - nhà báo Phạm Văn Thọ nhận xét: “Cái năng lực cạnh tranh của Việt Nam tôi nghĩ là chưa đủ mạnh, bởi vì chủ yếu hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc bây giờ đa số vẫn là tiểu ngạch”.

Nhà báo Thọ ngờ vực rằng với RCEP, phía Trung Quốc sẽ tận dụng để tiếp tục “mượn con đường mua bán nguyên vật liệu đầu vào qua cửa ngõ Việt Nam” để hưởng lợi thuế quan, khi xuất tiếp sang thị trường khác, như Mỹ chẳng hạn.

Thủy Tiên



BÀI CHỌN LỌC

Thiếu vắng Hoa Kỳ, Việt Nam cần cẩn trọng ‘bẫy’ của Trung Quốc với Hiệp định RCEP