Thiếu tiền trả nợ đến hạn và mua nợ chính phủ, PBOC buộc phải cắt giảm dự trữ bắt buộc cho NHTM

Giúp NTDVN sửa lỗi

Để đáo hạn 4,15 nghìn tỷ CNY đến hạn trong khoản vay trung và dài hạn, đồng thời đảm bảo các ngân hàng thương mại (NHTM) có tiền mua nợ chính phủ (nhiều nghìn tỷ CNY), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) buộc phải cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc bất thường...

Hôm thứ Sáu tuần trước (9/7/2021), PBOC bất ngờ cắt giảm tiếp tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các NHTM thêm 50 điểm cơ bản cho tất cả các NHTM, chính sách sẽ có hiệu lực vào ngày 15/7 tới đây.

Theo tính toán của CNBC, với 50 điểm cơ bản giảm từ dự trữ bắt buộc, hệ thống ngân hàng thương mại của Trung Quốc sẽ bơm thêm vào nền kinh tế khoảng 1 nghìn tỷ CNY (tương đương với 154 tỷ USD).

Tuy nhiên, CNBC chưa tính tới việc hệ thống NHTM có số nhân tiền. Một đồng tiền thật nằm trong hệ thống NHTM sẽ giúp cả hệ thống NHTM cho vay ra 4 - 5 thậm chí là 6 đồng tiền ảo (không phải do giá trị gia tăng thực của nền kinh tế tạo ra), tùy thuộc vào tính chất, hiệu quả hoạt động của mỗi nền kinh tế và hệ thống tài chính.

Hiện tại lãi suất repo khá trơ lì với động thái cắt giảm dự trữ bắt buộc của PBOC (Nguồn: Macrobond, Wind, Platinum Research)

Lãi suất Repo thường giảm khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm, nhưng hiện lãi suất repo khá trơ lỳ với động thái cắt giảm dự trữ bắt buộc của PBOC. Điều này có nghĩa, cắt giảm dự trữ bắt buộc thời điểm này không phải vì mục tiêu giảm chi phí vốn, giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, từ đó hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế. Động thái cắt giảm dự trữ lần này được cho là do Bắc Kinh rơi vào tình trạng mất thanh khoản, một chính sách "bất khả kháng" để cứu vớt thanh khoản cho thị trường.

Động thái nhỏ, tạo tiền lớn

Như vậy, số tiền mà hệ thống NHTM của Trung Quốc có thể cung ra nhờ tháo van dự trữ bắt buộc, Trung Quốc có thể cung ra nền kinh tế 4 đến 5 nghìn tỷ NDT (tương ứng với 600-750 tỷ USD).

Thay đổi tỷ lệ dự trữ bắt buộc được xem là công cụ quản lý cung tiền trực diện nhất, mạnh nhất, tạo ra tác động lớn nhất với hoạt động các NHTM. Do vậy, thay đổi tỷ lệ dự trữ bắt buộc ít được sử dụng nhất của các ngân hàng Trung ương khắp toàn cầu.

Khác với các lần mở rộng cung tiền trước đây của PBOC vì để hỗ trợ tăng trưởng, động thái mở rộng cung tiền lần này gắn với thực trạng tài chính đáng lo ngại hơn nhiều: đó là hỗ trợ thanh khoản.

Thanh khoản trong hệ thống tài chính được hiểu là tình trạng thiếu tiền mặt để chi trả các nghĩa vụ nợ, thanh toán đến hạn hoặc đáp ứng nhu cầu rút tiền tại một thời điểm. Do vậy, rủi ro thanh khoản là rủi ro đáng lo ngại nhất của mọi hệ thống tài chính nói chung và NHTM nói riêng, nó luôn là lý do cho các đổ vỡ, sụp đổ sau đó.

Bloomberg báo cáo rằng hầu hết các nhà kinh tế học không coi động thái cắt giảm dự trữ bắt buộc của PBOC lần này nằm trong chu kỳ nới lỏng mới hay tín hiệu kích thích tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng. Tức là, mở rộng cung tiền không phải vì mục tiêu tăng trưởng cũng không nằm trong kế hoạch dài hạn. Dường như PBOC đã rơi vào tình thế buộc phải mở rộng cung tiền một cách bất thường, ngoài kế hoạch.

Thị trường dồn sự chú ý vào rủi ro thanh khoản, bán trái phiếu, chi tiêu tài khóa của Trung Quốc để phán đoán xem liệu các rủi ro thanh khoản lớn hơn vào cuối năm nay sẽ được Trung Quốc xử lý thế nào, liệu dư địa cắt giảm dự trữ bắt buộc có thể hữu hiệu trong bao lâu? Dù sao, khác với mọi NHTW khác trên thế giới, PBOC là NHTW duy nhất còn thoải mái dư địa dự trữ bắt buộc để điều tiết chính sách của họ do tỷ lệ tiết kiệm cực cao của người dân Trung Quốc trong suốt 4 thập kỷ mở cửa vừa qua. Hiện nay, tỷ lệ dự trữ bắt buộc mà PBOC còn khoảng 10-11%. Ở Việt Nam, tỷ lệ dự trữ bắt buộc với gửi VND tại các NHTM là 3%.

Khát tiền đáo nợ

Morgan Lau, một nhà quản lý danh mục đầu tư tại Fidelity International ở Hồng Kông cho biết: “Tôi không nghĩ rằng thái độ của PBOC đối với chính sách tiền tệ đã thay đổi - NHTW này vẫn còn thận trọng và đây không phải là bước khởi đầu của chu kỳ nới lỏng”. “Động lực chính của Trung Quốc là hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi lạm phát tăng vọt”.

Hôm thứ Sáu tuần trước, PBOC cũng đưa ra tuyên bố mục đích của họ khi cắt giảm dự trữ bắt buộc là để hỗ trợ thanh khoản liên ngân hàng và thị trường vốn nhưng lập trường chính sách tổng thể không thay đổi.

Chỉ cần nhìn vào nhu cầu tiền mặt để đảm bảo thanh khoản trước mắt thì thấy khoản tiền 4 - 5 nghìn tỷ CNY tạo ra trong hệ thống nhờ cắt giảm dự trữ bắt buộc vừa khít với thực trạng khát tiền của hệ thống này.

Chỉ một ngày trước khi tuyên bố chính sách cắt giảm dự trữ bắt buộc, PBOC đang phải đứng trước quyết định xem có nên cho vay hơn 400 tỷ CNY trong các khoản vay trung hạn sắp đáo hạn hay không (theo Bloomberg).

PBOC cũng cho biết, khoản tiền tạo ra từ việc cắt giảm dự trữ bắt buộc sẽ phục vụ mục đích cho vay đáo hạn này. Cho vay đáo hạn có nghĩa là người đi vay đã không có khả năng trả nợ tại thời điểm đáo hạn của 400 tỷ CNY.

Nhưng đây mới chỉ là con số đến hạn rất nhỏ (vào tháng 7) trong khối nợ trung và dài hạn mà PBOC cho vay vào nửa năm ngoái. Theo Bloomberg, 4,15 nghìn tỷ CNY sẽ đáo hạn từ nay đến cuối năm.

Nếu PBOC cần cho người đi vay vay thêm tiền để đáo nợ 400 tỷ CNY hôm nay, thì từ giờ đến cuối năm, với tình hình tăng trưởng ảm đạm, lạm phát giá nhà sản xuất tăng cao, cầu thế giới còn yếu, PBOC sẽ buộc phải tiếp tục cho vay đáo hạn tiếp 4,15 nghìn tỷ CNY sẽ đáo hạn từ nay đến cuối năm.

Nếu không có nguồn tiền mới, khoản vay trung và dài hạn sẽ mất thanh khoản tới 4,15 nghìn tỷ CNY từ nay đến cuối năm (Nguồn: Bloomberg)

“Việc cắt giảm RRR này có thể giúp tăng tính thanh khoản cho các ngân hàng và giảm tỷ giá thị trường cũng như chi phí tài trợ thực tế,” Nina Zhang và Wang Tao của UBS AG viết trong một ghi chú. “Chúng tôi cũng tin rằng chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục con đường bình thường hóa, bao gồm cả việc tăng trưởng tín dụng chậm lại và các quy định an toàn chặt chẽ hơn.”
Cần NHTM mua nợ cho chính phủ

Các ngân hàng của Bắc Kinh cũng có thể cần thêm tiền trong nửa cuối năm nay nếu họ nhận được lệnh mua trái phiếu chính phủ dự kiến ​​tung ra thị trường trong thời gian đó. Việc bán nợ chính phủ trong nửa đầu năm 2021 diễn ra chậm hơn so với năm ngoái và tốc độ đó sẽ cần tăng lên nếu chính phủ bán hết 4,5 nghìn tỷ NDT nợ chính phủ trong kế hoạch hàng năm.

Phát hành trái phiếu chính phủ giảm 35% đến cuối tháng 6 vừa qua (theo Bloomberg). Chính phủ dự kiến ​​sẽ đẩy nhanh cả chi tiêu tài chính và bán nợ của chính quyền địa phương trong phần còn lại của năm 2021 để tài trợ cho đầu tư cơ sở hạ tầng, Shanghai Securities News đưa tin hôm 12/7 vừa qua, trích dẫn các nhà phân tích.

Khi nợ chính quyền địa phương khó bán ra ngoài công chúng trong và ngoài nước, khi đó các NHTM buộc phải mua vào theo hiệu lệnh ngầm của PBOC. Đó là lý do các NHTM được đồng loạt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, từ cấp trung ương đến địa phương, từ quy mô lớn đến quy mô nhỏ không phân biệt như các lần tuyên bố cắt giảm dự trữ bắt buộc trước đây.

Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

Thiếu tiền trả nợ đến hạn và mua nợ chính phủ, PBOC buộc phải cắt giảm dự trữ bắt buộc cho NHTM