Thị trường vốn Việt Nam: cần thay đổi tư duy quản trị

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự phát triển bền vững của thị trường dường như còn đang thiếu vắng một tầm nhìn chiến lược, một sự thay đổi tư duy sâu sắc từ quản lý nhà nước về khu vực này. Quả bóng trách nhiệm đâu đó vẫn bị đá sang vai trò của doanh nghiệp trong khi nhà nước chưa đảm bảo rốt ráo sự công bằng, minh bạch và kỷ cương thị trường, đâu đó còn thiếu vắng khung khổ pháp lý cho sự phát triển tất yếu của công nghệ ngành tài chính, đâu đó còn nỗ lực che dấu sự yếu kém của công nghệ và quản trị trước dư luận thay vì thừa nhận và sửa đổi nó…

Diễn đàn “Phát triển thị trường vốn - Cơ hội trong kỷ nguyên mới” được tổ chức tại Trung tâm hội nghị Quốc tế, 35 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội vào sáng 30/3/2021. Diễn đàn do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức, nhằm tạo nên một sự kết nối, chia sẻ tầm nhìn và nhận diện bức tranh thị trường vốn trong kỷ nguyên mới.

Tại Diễn đàn, các nhà quản lý, chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp đã cùng chia sẻ những đánh giá của mình về 20 năm phát triển thị trường vốn vừa qua, đồng thời gợi mở những giải pháp, tầm nhìn cho kỷ nguyên mới. Diễn đàn đặc biệt sôi động và mở rộng góc nhìn ở nội dung thảo luận trực tiếp về tương lai thị trường, với người chủ trì chương trình kết nối là TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh.

Sau hơn 20 năm Việt Nam xây dựng thị trường chứng khoán, cấu trúc thị trường vốn Việt Nam đã được định hình rõ nét, gồm hai cấu phần chính là thị trường chứng khoán và thị trường tín dụng trung, dài hạn. Sự phát triển của thị trường chứng khoán trong 2 thập kỷ đầu tiên phải trải qua nhiều thăng trầm, nhưng đã tạo nên một kênh dẫn vốn hữu hiệu trong nền kinh tế. Nếu như năm 2000, khi thị trường chứng khoán mới mở cửa, vốn hóa thị trường chỉ đạt 986 tỷ đồng, tương đương 0,28% GDP, các doanh nghiệp hầu như phải huy động vốn qua kênh tín dụng ngân hàng, thì sau 2 thập kỷ, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam tính đến cuối năm 2020 tương đương 83% GDP năm 2019. Hàng trăm ngàn tỷ đồng đã được các doanh nghiệp, các ngân hàng huy động qua thị trường chứng khoán, tạo nên bức tranh cân đối của thị trường vốn Việt Nam, khi mà kênh tín dụng ngân hàng cũng có sự phát triển mạnh mẽ trong 20 năm qua.

Tuy nhiên, sự phát triển bền vững của thị trường dường như còn đang thiếu vắng một tầm nhìn chiến lược, một sự thay đổi tư duy sâu sắc từ quản lý nhà nước về khu vực này. Quả bóng quản lý nhà nước đâu đó vẫn bị đá sang vai trò của doanh nghiệp trong khi nhà nước chưa đảm bảo rốt ráo sự công bằng, minh bạch và kỷ cương thị trường, đâu đó còn thiếu vắng khung khổ pháp lý cho sự phát triển tất yếu của công nghệ ngành tài chính, đâu đó còn nỗ lực che dấu sự yếu kém của công nghệ và quản trị trước dư luận thay vì thừa nhận và sửa đổi nó…

Quả bóng quản trị, giám sát nhà nước bị đẩy sang doanh nghiệp?

TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đến nay đã có sự phát triển vượt bậc so với những năm đầu mở cửa, nhưng tỷ lệ huy động vốn qua thị trường chứng khoán còn rất thấp; mức độ đa dạng hóa của hàng hóa trên thị trường còn kém làm cho mức biến động trên thị trường cao. Trong khi đó hiện nay, nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế khá lớn, lãi suất huy động của ngân hàng giảm, lãi suất trái phiếu chính phủ giảm sâu là điều kiện rất thuận lợi để phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh mới.

Cho đến nay, rào cản lớn nhất của thị trường vốn dài hạn này chính là tư duy quản trị nhà nước về minh bạch, kỷ luật thị trường và vấn đề đổi mới công nghệ cũng như giám sát của nhà nước về các vấn đề này để bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nhỏ.

Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường đánh giá việc nâng hạng TTCK không phải là câu chuyện và nỗ lực của riêng ngành chứng khoán hay cơ quan quản lý TTCK. Động lực nâng hạng thị trường, chính là các doanh nghiệp đại chúng.

Bà Bình cho rằng chỉ khi doanh nghiệp minh bạch, tuân thủ kỷ luật công bố thông tin; hiểu và thực thi chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS), phát triển bền vững, sẽ là hạt nhân để phát triển nội lực thị trường chứng khoán, là cái gốc của nâng hạng.

Tuy nhiên, để doanh nghiệp đảm bảo được yêu cầu này, đại diện UBCKNN lại không đề cập tới vai trò giám sát, kỷ luật thị trường mà cơ quan này cần thiết lập, hay nói cách khác là tạo ra một sân chơi, nơi doanh nghiệp vi phạm nguyên tắc và trục lợi từ vi phạm phải bị kỷ luật đủ răn đe, nơi doanh nghiệp có thể được hỗ trợ để tiếp cận thực hành IFRS với chi phí thấp nhất, thuận lợi nhất, được sự hỗ trợ của cơ quan thuế của Bộ Tài chính… Tất cả những yếu tố này, đại diện của UBCKNN lại không hề đề cập đến. Doanh nghiệp đại chúng không thể tuân thủ nếu có tồn tại đối thủ của họ trên thị trường chứng khoán vi phạm luật để trục lợi mà không bị trừng phạt.

Ở góc nhìn của chuyên gia độc lập, TS. Cấn Văn Lực đánh giá, cơ hội phát triển cân bằng thị trường vốn VN là rất lớn. Tuy nhiên, kỷ nguyên mới đòi hỏi những nỗ lực nâng tầm quản trị doanh nghiệp, tính chuyên nghiệp của cộng đồng nhà đầu tư và khả năng điều hành thị trường của cơ quan quản lý. Ông Cấn Văn Lực dự báo, con người và công nghệ là 2 đột phá cho sự phát triển tới đây trên thị trường vốn Việt Nam.

Tuy không nhắc đến cụ thể sự cố nghẽn “xử lý lệnh” giao dịch chứng khoán vì công nghệ lỗi thời của sàn HOSE do công văn phủ nhận lý do này của lãnh đạo HOSE, nhưng hiển nhiên, yếu kém công nghệ sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, đặc biệt các quỹ lớn và chuyên nghiệp. Tính hấp dẫn của TTCK suy giảm, chưa nói đến nâng hạng thị trường. Tuy nhiên, một sự cố rõ ràng như vậy, việc HOSE phủ nhận thậm chí kêu gọi trừng phạt “lời đồn” này đã làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư vào hệ thống quản lý nhà nước của thị trường vốn. Việc HOSE nên làm trong trường hợp này là giải thích rõ và trình bày kế hoạch giải quyết sự cố, nâng cấp hệ thống để tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Thị trường vốn 'lậu' vì thiếu khuôn khổ pháp lý cho Fintech

Liên quan đến triển vọng đầu tư trong thập niên mới, ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt – Công ty Chứng khoán nhận giấy phép số 1 tại Việt Nam, dự báo, Kỷ nguyên 4.0 sẽ thay đổi phương thức các ngân hàng đầu tư, các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư tương tác với khách hàng, mô hình kinh doanh truyền thống sẽ thay đổi. Cùng với đó rất nhiều công việc tương lai máy tính sẽ làm thay cho con người. Sự gia tăng của tự động hoá trong ngành tài chính không chỉ thay đổi tốc độ và hình thức của thị trường chứng khoán. Trong thực tế, nó cũng đòi hỏi sự thay đổi về chức năng thị trường, những tác động đối với nền kinh tế, quản trị doanh nghiệp và sự ổn định tài chính.

Fintech
Sự xuất hiện của Fintech đã làm thay đổi diện mạo của hệ thống tài chính trên toàn cầu nhưng cũng dấy lên nhiều lo ngại do chưa có bất kỳ một chương trình quản lý giám sát toàn diện nào dành cho Fintech (Ảnh: Flickr)

Hiện nay, việc chậm trễ tích hợp Fintech với thị trường vốn vì thiếu vắng cơ sở pháp lý về quản lý, giám sát với các sản phẩm tài chính công nghệ 4.0 này có thể khiến Việt Nam tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới.

Thời gian gần đây chuyển đổi số, ngân hàng số luôn là chủ đề "nóng" được các các bộ, ngành đưa ra thảo luận tại các diễn đàn, hội thảo. Trong đó, vấn đề được nhiều người mong đợi nhất là cơ quan quản lý sớm ban hành cơ chế thử nghiệm sandbox trong fintech.

Theo đánh giá của các chuyên gia, làn sóng chuyển đổi số đang diễn ra rất mạnh mẽ tại Việt Nam, điển hình trong lĩnh vực ngân hàng, hầu hết các nhà băng đã cho ra đời nhiều dịch vụ số hoá như: Internet Banking, Live Banking…

Nhưng cho tới nay, chưa có một khung pháp lý được ban hành để quản lý và giám sát lĩnh vực này. Kết quả là thị trường vốn Việt Nam xuất hiện tràn lan hiện tượng cho vay “lậu”, thanh toán “lậu”, chuyển tiền ra biên giới “lậu”… qua các app khiến ngân sách thất thu, cơ quan quản lý không giám sát được dòng tiền.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, nếu không sớm xây dựng hành lang pháp lý thử nghiệm phù hợp, để vừa khu biệt rủi ro, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các mô hình kinh doanh mới phát triển, thì chúng ta sẽ có nguy cơ tụt hậu so với thế giới và không giải quyết được các vấn đề phát sinh trong thực tế. Việc thiết lập cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam ngày càng trở nên cấp bách.

Dự báo, tới năm 2025, hơn 30% doanh thu của ngân hàng sẽ đến từ các mô hình mới bắt tay cùng fintech, số vụ giao dịch qua ví điện tử có khả năng vượt số vụ giao dịch qua tài khoản ngân hàng, các khoản vay tiêu dùng cũng sẽ được giải ngân chủ yếu qua mạng…

Doanh nghiệp nhà nước tụt hậu trong thị trường vốn

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính thì đánh giá, phát triển thị trường vốn sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước sớm hoàn thành quy trình quản trị công ty minh bạch, rõ ràng, đặc biệt là các công ty đại chúng có vốn nhà nước; qua đó thúc đẩy tăng khối lượng giao dịch trên thị trường, tăng tính thanh khoản cho cổ đông nhà nước. Đây là vấn đề tồn tại kéo dài nhiều năm tại đa số các doanh nghiệp nhà nước, là nguyên nhân của tình trạng kém hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Phát triển thị trường vốn cũng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước tham gia huy động vốn theo hướng giảm tỷ trọng vay tín dụng thương mại, giảm áp lực tăng giá phí trong nước; đa dạng các hình thức huy động bổ sung vốn.

Hữu Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Thị trường vốn Việt Nam: cần thay đổi tư duy quản trị