Thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh mẽ nhờ chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp yếu thế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau cú sốc trượt dốc kinh hoàng do đại dịch, kể từ ngày 23/3 các chỉ số trên thị trường chứng khoán Mỹ đã phục hồi với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử giao dịch 40 năm qua. Các chính sách hỗ trợ mạnh tay nhắm vào nhóm người lao động nghèo và doanh nghiệp dễ bị tổn thương được xem là nguyên nhân tạo ra niềm tin vững chắc trên thị trường giao dịch chứng khoán…

Trong 5 ngày giao dịch gần nhất (tính tới ngày 14/4), S&P 500 đang đạt mức tăng 10,9%, chỉ số Dow Jones tăng tới 11,11%.

Niềm tin đầu tư phục hồi mạnh: S&P 500 tuần trước tăng cao nhất kể từ năm 1974

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng tuần trước vào ngày 9/4, tính chung trên cả tuần, chỉ số S&P 500 đã tăng tới 12,1% - đánh dấu tuần tăng cao nhất kể từ mức 14,12% ghi nhận vào ngày 11/10/1974. Chỉ số Dow Jones cũng tăng 12,67% - mức tăng tốt nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 27/3. Tuy ghi nhận mức tăng thấp hơn 2 chỉ số trên, nhưng chỉ số công nghệ Nasdaq cũng tiến thêm 10,59% trong tuần trước.

Chỉ số Dow Jones trong 30 năm qua (Nguồn: Macro History)

Sự phục hồi trên thị trường chứng khoán Mỹ phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư đã quay trở lại sau đợt hoảng loạn thị trường do tác động quá lớn và bất ngờ từ virus Corona Vũ Hán. Sự xuất hiện của đại dịch khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đột ngột bị đình trệ, cầu tiêu dùng suy giảm mạnh khiến hàng loạt công ty phải đóng cửa tạm thời, thất nghiệp gia tăng.

Đáng chú ý là sự phục hồi này diễn ra trong bối cảnh dịch đang bùng phát mạnh tại Mỹ. Hiện Mỹ đang là quốc gia đứng đầu thế giới về số người nhiễm và tử vong trong khi chưa có dấu hiệu đã vượt qua đỉnh dịch. Số người thất nghiệp cũng đang gia tăng kỷ lục tại quốc gia này với hơn 6,6 triệu đơn đăng ký thất nghiệp mới trong tuần kết thúc vào ngày 4/4, theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ (pdf).

Trong tuần trước, ngày 9/4, cuộc thăm dò dư luận trên kênh truyền hình Fox News cho thấy Tổng thống Donald J. Trump đã nhận được sự tín nhiệm lớn nhất của người dân Mỹ kể từ khi ông bước chân vào Nhà Trắng.

Niềm tin của người dân Mỹ đến từ đâu?

Thứ nhất, đặt sinh mạng của người dân lên trên hết bằng hành động và cam kết mạnh mẽ.

Không thể không thừa nhận Tổng thống Trump đã có những nhận định khá chủ quan trong giai đoạn đầu xuất hiện dịch bệnh tại Mỹ do đã đặt niềm tin sai vào dữ liệu dịch bệnh từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ là quốc gia đầu tiên, chứ không phải EU, thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhất như đóng cửa thông quan với Trung Quốc và sau đó là Châu Âu trước sự trì trích nặng nề của báo chí đảng Dân chủ tại Mỹ cũng như chính quyền và người dân Châu Âu.

Vào ngày 13/3, Tổng thống Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và kích hoạt làn sóng cứu trợ thứ nhất của chính phủ với nguồn quỹ giải cứu tai nạn của Chính phủ Liên bang trị giá 50 tỷ đô la Mỹ. Trước đó, vào ngày 6/3, Tổng thống Trump đã ký tên vào dự luật nguồn quỹ khẩn cấp trị giá 8,3 tỷ đô la Mỹ dùng cho nghiên cứu phát triển dược phẩm và vaccine.

Chính phủ Liên bang đã thương lượng với các công ty bảo hiểm ngay từ thời gian ban đầu về việc miễn phí tiến hành xét nghiệm virus trên quy mô lớn cho người dân, hợp tác với nhiều công ty tư nhân như Google, Walmart v.v. Mở rộng sân bãi đậu xe trên phạm vi toàn quốc để người dân không cần phải xuống xe nhưng vẫn có thể tiếp nhận xét nghiệm một cách nhanh chóng.

Vào ngày 18/3, Tổng thống Trump đã ký tên thông qua “dự luật ưu tiên ứng phó dịch bệnh viêm phổi Corona cho các gia đình” và kích hoạt làn sóng cứu trợ thứ hai với khoản chi trả hơn 3 tỷ đô la Mỹ từ Chính phủ Liên bang. Dự luật này sẽ bảo đảm cho mỗi người dân Mỹ có thể làm xét nghiệm ngay cả khi không có bảo hiểm y tế.

Thứ hai, dùng khoản ngân sách cực lớn - tương đương với chi tiêu của Mỹ trong thời chiến - để hỗ trợ nhóm dân cư thu nhập thấp, mất việc làm.

Một điểm nổi bật khác của dự luật là cứu trợ cho nhóm quần chúng yếu thế. Nó là nguồn tiền cứu trợ có thể cung cấp cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, người cao tuổi, người thất nghiệp, nhân viên của những doanh nghiệp nhỏ có quy mô dưới 500 người, người nhiễm bệnh và bị cách ly, các bậc phụ huynh có con nhỏ cần trợ cấp do trường học đóng cửa, cứu trợ về lương thực và nhu yếu phẩm, bảo hiểm y tế, tiền lương cho những người nghỉ ốm có lương v.v.

Vào ngày 28/3, Tổng thống Trump đã ký tên cho dự luật cứu trợ trị giá 2,2 nghìn tỷ đô la Mỹ. Đây là làn sóng cứu trợ thứ ba, và cũng là dự luật kinh tế có giá trị cao nhất trong lịch sử cận đại của nước Mỹ. Ông Mitch McConnell, lãnh đạo Đảng Cộng Hòa của Thượng viện Hoa Kỳ cho biết:Đây là một khoản đầu tư tương đương với thời chiến tranh của nước Mỹ”.

Dự luật này bao gồm 500 tỷ đô la Mỹ dùng để trợ giúp những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, 350 tỷ đô la Mỹ cung cấp cho các doanh nghiệp nhỏ và hỗ trợ ít nhất 100 tỷ đô la Mỹ cho các bệnh viện.

Mục đích của dự luật là trực tiếp và nhanh chóng gửi tiền mặt đến hơn 90% người nộp thuế. Nó sẽ được ban hành nội trong vòng 3 tuần để thúc đẩy nền kinh tế và giúp đỡ những gia đình có thu nhập thấp và trung bình cùng các doanh nghiệp nhỏ trong nước Mỹ vượt qua khỏi tình cảnh khốn khó do dịch bệnh đem đến. Những cá nhân có mức thu nhập hàng năm thấp hơn 75.000 đô la sẽ được hỗ trợ trực tiếp 1.200 đô la cho mỗi người. Những cặp vợ chồng ở các gia đình có mức thu nhập hàng năm dưới 150.000 đô la sẽ được hỗ trợ 2.400 đô la và cộng thêm 500 đô la cho mỗi một trẻ nhỏ trong gia đình. Những hộ gia đình có 4 nhân khẩu chiếm phần lớn ở nước Mỹ sẽ được trợ cấp tối đa 3.400 đô la Mỹ.

Khoản phúc lợi cứu trợ cũng bao gồm những người lao động phi truyền thống như người làm việc bán thời gian, các hộ kinh doanh cá nhân, nghề nghiệp tự do v.v.

Việc đảm bảo người nghèo, người thất nghiệp trong xã hội ổn định, được chữa bệnh chính là đảm bảo an toàn, trật tự xã hội trong thời kỳ khủng hoảng, đảm bảo duy trì nguồn lao động khỏe mạnh về thể chất và tinh thần cho xã hội sớm phục hồi sau khủng hoảng.

Thứ ba, ưu tiên hàng đầu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ - nhóm ít tiềm lực và dễ bị tổn thương.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 9/4 vừa qua cũng đã tiết lộ kế hoạch cung cấp khoản vay lên tới 2,3 nghìn tỷ đô la để hỗ trợ các doanh nghiệp và chính quyền bang, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ tiếp tục phải trải qua sự gián đoạn do dịch viêm phổi Vũ Hán. Fed cũng công bố thêm thông tin chi tiết về “Chương trình cho vay Main Street” - hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, lên tới 600 tỷ USD.

Fed cũng cho biết sẽ mua lại một số khoản nợ tại các công ty có xếp hạng tín dụng thấp dưới mức quan tâm của nhà đầu tư thông qua các công cụ tín dụng đã công bố trước đó.

Chương trình cho vay Main Street được Fed công bố vào ngày 23/3 nhằm mục đích cung cấp hỗ trợ bổ sung cho các doanh nghiệp cỡ vừa - những công ty này quá lớn so với điều kiện tham gia Chương trình bảo vệ doanh nghiệp nhỏ. Bộ Tài chính có thể tăng quy mô của Chương trình cho vay Main Street từ 75 tỷ đô la lên tới 600 tỷ đô la cho các khoản vay 4 năm đối với các công ty có quy mô lên tới 10.000 nhân công hoặc có doanh thu dưới 2,5 tỷ đô la.

Fed và Bộ Tài chính cho biết Chương trình cho vay Main Street vẫn đang được hoàn thiện và sẽ thu thập phản hồi từ công chúng để chỉnh sửa thêm cho đến ngày 16/4.

Đáng chú ý, Fed cũng tuyên bố rằng họ sẽ nhập cuộc để giúp đỡ chính quyền các địa phương và tiểu bang trên cả nước đang phải vật lộn với áp lực tài khóa.

Fed tuyên bố sẽ mua tới 500 tỷ đô la trái phiếu ngắn hạn trực tiếp từ các tiểu bang, các quận và thành phố lớn hơn. Cơ quan thanh toán địa phương sẽ được hỗ trợ tới 35 tỷ đô la từ Bộ Tài chính.

Quan trọng nhất, thương chiến 2 năm đã giúp nhiều ngành nghề của Mỹ giảm dần phụ thuộc vào Trung Quốc. Nội lực sản xuất và tinh thần nước Mỹ mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Không thể không nhắc đến một trong những mặt tích cực của thương chiến Mỹ-Trung là Mỹ đang chuyển dần chuỗi cung ứng của mình ra khỏi Trung Quốc trong suốt 2 năm qua để sang Việt Nam, Ấn Độ và một số quốc gia Châu Á khác. Việc chuyển rất nhiều ngành sản xuất cơ bản, giá trị gia tăng cao trở lại Mỹ cũng khiến các doanh nghiệp Mỹ chịu ít tác động tiêu cực hơn từ Trung Quốc và dễ phục hồi hơn. Điều này đã làm giảm đáng kể cú sốc cho Mỹ khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn bởi Trung Quốc. Một thực tế là Mỹ đã thực sự cạn kiệt vật tư y tế, thuốc và vitamin do sự gián đoạn chuỗi cung ứng này.

Chính sách cắt giảm mạnh thuế cho doanh nghiệp của Tổng thống Trump đã bị đảng Dân chủ và báo chí của đảng này chỉ trích là bảo hộ người giàu chứ không bảo hộ người nghèo. Nhưng cách xử lý của Trump trong đại dịch đã chứng minh việc cắt giảm thuế cho doanh nghiệp là bước đi chiến lược xuất sắc phục hồi nội lực cho nền kinh tế Mỹ vì:

  • (i) khuyến khích doanh nghiệp sản xuất tại Mỹ thay vì sản xuất tại Trung Quốc và trả thuế cho chính quyền Trung Quốc (thấp hơn của Mỹ) và khiến người Mỹ mất việc làm;
  • (ii) doanh nghiệp khi được giảm thuế sẽ tích lũy và tái đầu tư nhiều hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn, điều này giúp người nghèo hưởng lợi chính đáng thay vì thụ động chờ phúc lợi của chính phủ;
  • (iii) nội lực doanh nghiệp mạnh lên sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng dễ dàng hơn, linh hoạt hơn.

Với người nghèo và người yếu thế, trong thời hưng thịnh họ cần việc làm chứ không phải là phúc lợi. Trong thời khủng hoảng, họ cần cam kết mạnh mẽ từ chính phủ về hỗ trợ y tế và đảm bảo tiền chi tiêu sinh hoạt tối thiểu; lúc này phúc lợi mới đúng mục tiêu và ý nghĩa.

Không ngạc nhiên khi kết quả thăm dò của Fox News cho thấy mức tín nhiệm của người dân Mỹ dành cho Tổng thống đương nhiệm Donald J. Trump đang ở mức cao nhất (60%) kể từ khi ông bước chân vào Nhà Trắng bất chấp hơn 90% truyền thông nước Mỹ hàng ngày chỉ trích, thậm chí lăng mạ ông.

Trà Nguyễn - Thanh Hương



BÀI CHỌN LỌC

Thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh mẽ nhờ chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp yếu thế