Thêm tập đoàn nước ngoài huỷ dự án do sức ép từ Trung Quốc - Ngành dầu khí Việt Nam liệu có thể ‘thoát Trung’?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo ghi nhận từ truyền thông Nga, công ty dầu khí Nga Rosneft bị buộc phải huỷ bỏ hợp đồng với tập đoàn Noble Corporation của Anh trong việc khai thác ngoài khơi Việt Nam, vì sức ép nặng nề từ Trung Quốc. Liệu đến bao giờ ngành dầu khí Việt Nam mới có thể “thoát Trung”?

Rosneft, công ty năng lượng có cổ phần vốn lớn của chính phủ Nga, được cho là đã phải dừng hoạt động thăm dò ở một giếng khoan ngoài khơi Việt Nam. Việc huỷ bỏ hợp đồng khai thác ngoài khơi Việt Nam với tập đoàn có trụ sở ở London diễn ra trong bối cảnh sức ép nặng nề từ Trung Quốc, theo ghi nhận từ trang tin oilcaptial.ru của Nga.

Hôm 2/9, thạc sĩ Hoàng Việt - nhà nghiên cứu Biển Đông nhận định rằng, sự việc này có lẽ đã được dự đoán từ lâu, bởi vì từ năm 2017 Việt Nam đã một lần rút khỏi lô 136.03, đến năm 2018 thì Việt Nam yêu cầu Repsol rút khỏi lô 07.03.

“Và hồi tháng 5/2020, có thông tin rằng phía Việt Nam chịu sức ép và quyết định không tiếp tục thăm dò lô 06.1 này. Đến bây giờ thì thông tin từ báo Nga đã làm rõ hơn thông tin này”, ông Việt nói.

Công ty của Nga nắm quyền sở hữu 2 lô dầu khí 06.1 và 05.3/11 ngoài khơi Việt Nam và để khoan các giếng này, Rosneft dự kiến dùng các dàn khoan của tập đoàn Anh Noble Corporation. Tuy nhiên, theo truyền thông Nga cho biết vào giữa tháng 7/2020, PetroVietnam đã huỷ bỏ hợp đồng giàn khoan vì sức ép của Trung Quốc.

Rosneft được cho là quan ngại về những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với mỏ Lan Đỏ ở lô 06.1 khi thăm dò ở khu vực biển có tranh chấp.

Ngành dầu khí Việt Nam đến bao giờ mới được ‘yên thân’?

Theo ghi nhận của The Diplomat, Việt Nam đã phải gỡ bỏ một dàn khoan dầu sau hai tháng ở cảng Vũng Tàu trong thời gian Trung Quốc điều một tàu khảo sát và tàu tuần duyên đến khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam.

Dàn khoan này được dự kiến khoan thăm dò cho công ty Rosneft của Nga tại lô 06.01, một khu vực gần lô 07.03 – tức mỏ Cá Rồng Đỏ – nằm trong đường lưỡi bò 9 đoạn mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền.

Trước áp lực chính trị ngày càng tăng từ Trung Quốc, công ty Rosneft của Nga buộc phải rút khỏi dự án.

Nhà nghiên cứu biển Đông Đinh Kim Phúc đưa ra nhận định rằng, việc nhiều công ty của nước ngoài như Repsol, hay công ty dầu khí của Nga là Rosneft, phải hủy bỏ hợp đồng với tập đoàn Noble Corporation của Anh trong việc khai thác dầu khí ở Việt Nam thì có thể có hai nguyên nhân:

  • Thứ nhất, đây là sức ép Trung Quốc đối với Việt Nam khi mà các tàu hải cảnh, các tàu thăm dò địa chất của họ luôn áp sát khu vực Việt Nam đang khai thác.
  • Thứ hai, Trung Quốc gây sức ép đối với chính các tập đoàn khai thác nước ngoài bằng các “quyền lợi béo bở” ở Trung Quốc dành cho các tập đoàn này.

Theo tình hình khai thác dầu khí ở Việt Nam 20 năm qua, một số trường hợp các công ty nước ngoài bỏ Việt Nam để sang Trung Quốc với hợp đồng béo bở hơn.

Đối với Việt Nam, sức ép từ Trung Quốc khiến Việt Nam phải phá vỡ các hợp đồng dầu khí trước đây cũng như trong tương lai, dẫn tới khả năng là Việt Nam rất khó để khai thác được những lô tương tự, đặt biệt là lô 06.1 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ở bồn trũng ở Nam Côn Sơn.

Trung Quốc đã từng tập hợp hẳn một đội tàu gồm 40 tàu hải quân ngoài khơi đảo Hải Nam gần địa điểm khoan trong khoảng hai ngày, và dường như đã sẵn sàng để đối đầu, theo Reuters.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho rằng, vấn đề này cần phải xét toàn diện về mối quan hệ “Chiến lược đối tác toàn diện” giữa Việt Nam đối với Trung Quốc vẫn tiếp tục hay chấm dứt. Việc hàng loạt công ty khai thác dầu khí nước ngoài hủy bỏ hợp đồng với Việt Nam, thì đây là thất bại của Việt Nam, từ thất bại này sẽ dẫn đến thất bại khác.

Việt Nam đã phải ‘rút lui’ 3 lần

Về tác động kinh tế, Việt Nam đã phải chịu thiệt hại nặng nề. Việt Nam đã có “kinh nghiệm đau thương” khi phải bồi thường 1 tỷ USD cho các công ty dầu khí quốc tế sau khi hủy bỏ hợp đồng trong khu vực tranh chấp do áp lực từ Trung Quốc.

Trong vụ mới nhất thuê giàn khoan của Tập đoàn Noble 125.000USD/ngày, Việt Nam cũng đã tiêu tốn hàng chục triệu USD. Trong khi lô 06.1 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ở bồn trũng Nam Côn Sơn, cách biệt hoàn toàn với rãnh sâu ở giữa đối với Bãi Tư Chính, nhưng Trung Quốc cho rằng nó thuộc Bãi Tư Chính và thuộc vùng tranh chấp.

Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng với tình trạng này, dù mỏ dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, Việt Nam cũng khó để khai thác vì Trung Quốc cho là trong vùng tranh chấp. Trung Quốc thấy rằng ép được và Việt Nam rút lui, tức là ép thành công.

Chưa kể ngoài cuộc chiến quân sự, Trung Quốc còn có chiến lược chống trả trên mặt trận thông tin với tên gọi “tam chủng chiến pháp”. Chiến lược bao gồm sự phối hợp chặt chẽ giữa ba mặt trận: tâm lý, truyền thông và pháp lý; nhằm “dùng dư luận khắc chế dư luận” đối với vấn đề Biển Đông.

Việt Nam đã phải rút lui 3 lần, đối với cả những mỏ gần bờ và xa bờ, trước những đe dọa từ Trung Quốc, và có nguy cơ điều này sẽ tiếp diễn trong tương lai.

Lối thoát nào dành cho ngành dầu khí Việt Nam?

Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng nếu Việt Nam không có một kế hoạch rõ ràng, thống nhất từ trên xuống dưới, từ chính phủ cho đến người dân, thì có lẽ Việt Nam không thể đối mặt với Trung Quốc trong trường hợp bị ép tiếp theo. Và nếu như vậy thì có lẽ sẽ bị ép mãi mãi thôi.

Trung Quốc không muốn cho các quốc gia khác khai thác, và “ngang nhiên” cho tàu đến đe dọa các công ty nước ngoài khai thác. Do đó, có ý kiến cho rằng Việt Nam có thể hợp tác khai thác với công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này cũng không thực tế, vì yếu tố tiên quyết là Trung Quốc ngang ngược khẳng định các mỏ dầu khí thuộc vùng tranh chấp, và tuyên bố chủ quyền thuộc về Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Lê Minh, thành viên hội đồng phản biện của Tạp chí Năng lượng Việt Nam, cho biết cuối năm nay, trong chuyến thăm được dự kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Việt Nam, lô dầu khí mà Repsol vừa nhượng lại cho PetroVietnam sẽ được “đưa vào trong nghị trình sắp tới khi Tổng thống Nga qua để đàm phán về hợp tác thêm ở khu vực đó”.

Việt Nam hiện cũng đang hợp tác với tập đoàn năng lượng ExxonMobil của Mỹ trong dự án Cá Voi Xanh ngoài khơi Đà Nẵng, gần quần đảo Hoàng Sa.

Bộ Ngoại giao Mỹ hồi giữa tháng 7/2020 ra một tuyên bố về Biển Đông, trong đó Ngoại trưởng Mike Pompeo mô tả “chiến dịch bắt nạt” của Trung Quốc nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là “hoàn toàn phi pháp”.

Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

Thêm tập đoàn nước ngoài huỷ dự án do sức ép từ Trung Quốc - Ngành dầu khí Việt Nam liệu có thể ‘thoát Trung’?