Thêm một ‘cuộc chiến’ tồi tệ cho nền kinh tế Trung Quốc: Khủng hoảng lương thực thực phẩm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong 18 tháng qua, các lĩnh vực nông nghiệp và trang trại của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi các loại dịch hại, thiên tai khác nhau. Vấn đề lương thực thực phẩm trở thành áp lực “đè nặng” lên cuộc sống của người dân Trung Quốc và cũng là “điềm báo” xấu cho nền chính trị “độc tài” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Dịch bệnh, côn trùng, thiên tai tấn công ngành nông nghiệp Trung Quốc

Dịch tả lợn châu Phi đã giết chết hàng triệu con lợn khi nó lây lan về phía Nam qua Trung Quốc. Sâu bọ mùa thu tiến về phía Bắc, “nuốt chửng” hàng triệu mẫu cây trồng trên đường đi.

Dịch tả lợn châu Phi là một bệnh nan y và gây tử vong, ảnh hưởng đến tất cả các loài lợn. Sâu róm mùa thu là một loài côn trùng ăn tạp, có thể tiêu thụ một lượng lớn cây trồng — bao gồm ngô, lúa miến, gạo và bông — trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Năm 2019, dịch tả lợn Châu Phi đã giết chết khoảng 180 triệu con lợn, gần 40% số lợn của Trung Quốc. Trong khi đó, sâu bọ mùa thu đã lây nhiễm gần 3 triệu mẫu đất trồng trọt.

Ngày 30/6, rất nhiều cư dân mạng đã tải video lên tiết lộ rằng, huyện Toàn Châu - một huyện nông nghiệp lớn ở thành phố Quế Lâm thuộc tỉnh Quảng Tây, đã bị một "đội quân châu chấu" xâm chiếm ngay trong đêm. Châu chấu bay dày đặc và tàn phá mùa màng nặng nề.

Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn huyện Toàn Châu ước tính, có hơn 100 mẫu diện tích cây liễu nằm hai bên bờ sông Thiệu Thuỷ chịu ảnh hưởng của nạn châu chấu.

Thậm chí, từ ngày 20-7, đàn châu chấu từ Trung Quốc còn sang Điện Biên, phá hoại gây thiệt hại cho khoảng 60ha, trong đó 40 ha tre nứa và 20 ha hoa màu của Việt Nam. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT nêu rõ: "Từ ngày 23-7 đến nay, không còn châu chấu do chúng bay trở lại... Trung Quốc".

Ngoài ra, lũ lụt hàng loạt gần đây ở khu vực phía nam của Trung Quốc cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp và vấn đề lương thực của nước này.

ĐCSTQ thậm chí đã ban hành một sắc lệnh mới, kêu gọi người dân không được lãng phí lương thực. Điều này cho thấy cuộc khủng hoảng lương thực của Trung Quốc đã, đang diễn ra, và còn lâu mới có thể kết thúc.

Giá lương thực tăng cao trong lịch sử, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu lương thực

Những vấn đề đó đã khiến giá lương thực ở Trung Quốc tăng cao trong lịch sử. Giá thịt lợn nói riêng đã tăng mạnh nhất (tăng 85% chỉ trong tháng 7), điều này cũng khiến giá các sản phẩm thay thế như thịt bò và thịt cừu tăng.

Giá rau sạch tăng 8%.

Nhưng mối quan tâm về lương thực của Trung Quốc không dừng lại ở đó.

Gần đây, mưa bão và lũ lụt xung quanh sông Dương Tử của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến 13 triệu mẫu đất trồng trọt, gây thiệt hại 21 tỷ USD. Nó cũng khiến việc kiềm chế sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi trở nên khó khăn hơn, khi các trường hợp mới đang được báo cáo.

Những vụ việc này khiến Trung Quốc phải tăng mạnh nhập khẩu thực phẩm.

Lượng nhập khẩu động vật và sản phẩm động vật (như lợn và thịt lợn) và các sản phẩm thực vật (như đậu nành và dầu thực vật) của Trung Quốc đã tăng gấp 5 lần trong nửa đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019.

Nhập khẩu thịt của Trung Quốc đã tăng từ 8 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 1,16 tỷ USD) trong 6 tháng đầu năm 2019 lên gần 108 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 15,6 tỷ USD) cho đến tháng 8 năm 2020.

Nhập khẩu hạt có dầu (bao gồm cả đậu nành) tăng 117 tỷ nhân dân tệ (khoảng 16,9 tỷ USD).

Một yếu tố đáng chú ý từ nhu cầu nhập khẩu thực phẩm ngày càng tăng của Trung Quốc là “đi theo” thỏa thuận Giai đoạn Một giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhu cầu lương thực gia tăng là nguyên nhân “đẩy” Trung Quốc vươn tới thỏa thuận mua 12,5 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp Hoa Kỳ (mà Bắc Kinh đã hứa sẽ thực hiện trong năm nay).

Tờ Daily Signal cho rằng, điều này phản ánh rằng các trang trại nội địa của Trung Quốc đang gặp khó khăn.

ĐCSTQ kinh hoàng, đe dọa trừng phạt những ai… lãng phí thực phẩm

Ảnh hưởng của lũ lụt gần đây, cùng với sự xâm nhập của đàn châu chấu, dịch tả lợn châu Phi năm ngoái và sự phá hoại mùa màng của sâu róm vào mùa thu, đã khiến ĐCSTQ vô cùng kinh hoàng, khi đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực đang càng lúc càng diễn biến phức tạp.

Mới tuần trước, Tân Hoa xã, một cơ quan truyền thông của ĐCSTQ, đã đăng lời của Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi người dân ngừng lãng phí thực phẩm — và đe dọa trừng phạt những ai không tuân theo các nguyên tắc.

Điều đó ngay lập tức dẫn đến việc các hiệp hội ẩm thực khuyến khích các nhà hàng bán ít thức ăn hơn cho khách hàng. Nó cũng dẫn đến việc một nhà hàng giúp các khách hàng xác định xem họ nên ăn bao nhiêu thức ăn.

Thông báo của ông Tập cũng khiến ứng dụng “anh em” của TikTok ở Trung Quốc, Douyin, đưa ra tuyên bố rằng họ sẽ "trừng phạt hành vi lãng phí thực phẩm khi bị phát hiện".

Điều này có nghĩa là việc quay các video ngắn về ăn uống vốn phổ biến ở châu Á (ăn uống xa hoa, hoặc ăn rất nhiều thực phẩm) có thể phải kết thúc.

Nền kinh tế Trung Quốc khó phục hồi

Việc tăng giá lương thực cũng làm cho sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc sau cuộc suy thoái COVID-19 trở nên khó khăn hơn nhiều, vì các gia đình đang phải chi tiêu nhiều hơn cho các nhu yếu phẩm như thực phẩm thay vì các mặt hàng bán lẻ.

Lĩnh vực bán lẻ của Trung Quốc vẫn chìm trong “yếu kém” do nhu cầu tư nhân vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.

Doanh thu bán lẻ hàng may mặc, đồ trang sức, ô tô, thiết bị nghe nhìn và thiết bị gia dụng đều giảm ở mức hai con số trong năm nay.

Theo nhà phân tích chính sách tại Viện Davis về An ninh Quốc gia và Chính sách Đối ngoại tại The Heritage Foundation Riley Walters, mặc dù cuộc khủng hoảng hiện tại đang diễn biến rất xấu, nó cũng khó có thể trở nên tồi tệ như nạn đói ở Trung Quốc vào những năm 1950 khiến 30 triệu người chết dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông.

Tuy nhiên, giá cả lương thực ngày càng tăng, và các vấn đề thiên tai, nạn côn trùng, dịch bệnh “đè nặng” lên cuộc sống của người dân Trung Quốc sẽ không phải là “điềm báo” tốt cho nền chính trị “độc tài” của ĐCSTQ.

Tâm An

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Thêm một ‘cuộc chiến’ tồi tệ cho nền kinh tế Trung Quốc: Khủng hoảng lương thực thực phẩm