Thảm kịch mới chỉ bắt đầu: Các ‘con gà đẻ trứng vàng’ sẽ bị Bắc Kinh mổ bụng ‘cướp trứng’?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các cơ quan quản lý Trung Quốc đang thúc đẩy các doanh nghiệp nước này phải cống hiến nhiều hơn nữa cho các mục tiêu của Đảng cộng sản. Cuộc đàn áp mới chỉ bắt đầu.

Có lẽ tất cả chúng ta ngày nhỏ đã từng được nghe câu chuyện cổ tích ‘con gà đẻ trứng vàng’. Chuyện kể rằng có một bác nông dân nghèo khó nuôi được một con gà. Một ngày kia, con gà đẻ trứng, nó vui mừng kêu ‘cục tác, cục tác’ báo cho bác nông dân. Nhưng trứng mà nó đẻ ra không phải là trứng gà bình thường, đó là quả trứng bàng vàng. Từ đó, bác nông dân trở nên giàu có, ngày ngày sốt ruột chờ quả trứng vàng của con gà nhà mình. Nhưng lòng tham không bao giờ có giới hạn. Một ngày kia, bác nông dân nảy ra suy nghĩ có lẽ trong bụng con gà kia toàn là trứng vàng. Bác ta bắt lấy con gà, mổ bụng nó ra. Đáng tiếc, trong bụng nó cũng như mọi con gà bình thường khác, không có vàng.

Kể ra ví chế độ Bắc Kinh với bác nông dân tham lam thì quá khập khiễng. Nhưng kinh tế tư nhân đích xác là con gà đẻ trứng vàng của Bắc Kinh khi nó tạo ra 80% việc làm cho toàn xã hội, đóng góp ¾ GDP của nước này. Và những gì Bắc Kinh đang làm với kinh tế tư nhân chính là mổ bụng để lấy ‘trứng vàng’ rồi quẳng chúng vào nồi hầm. Thảm kịch kinh tế tư nhân Trung Quốc và sinh kế của người Trung Quốc mới chỉ bắt đầu. Ông Tập đích xác sẽ làm tất cả những gì Mao đã làm với kinh tế tư nhân: Quốc hữu hóa toàn bộ và triệt để.

Thảm kịch mới chỉ bắt đầu

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã làm nổ tung cái mà lẽ ra phải là đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) lớn nhất thế giới của một tập đoàn tư nhân của Trung Quốc tại Mỹ, Didi.

Không còn là "con cưng" của Bắc Kinh, một số tập đoàn công nghệ khổng lồ liên tiếp bị điều tra. Hơn 1 nghìn tỷ đô la giá trị thị trường bị thổi bay trong khi các nhà đầu tư ồ ạt tháo chạy. Nhưng tất cả mới chỉ bắt đầu.

Các nhà đầu tư, các nhà phân tích, và các giám đốc điều hành doanh nghiệp tin rằng, chính quyền Trung Quốc chỉ mới khởi động trong nỗ lực thiết lập lại mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Thay vì chỉ tập trung vào tự phát triển, đã đến lúc doanh nghiệp Trung Quốc phải dùng toàn bộ tài sản và tâm chí của họ để phục vụ các mục tiêu kinh tế, xã hội và an ninh quốc gia của Đảng cộng sản. Việc làm hài lòng các nhà đầu tư nước ngoài không còn là mối ưu tiên hàng đầu.

Tham vọng này của chính quyền Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình được cho rằng sẽ mang đến những tác động nghiêm trọng và không thể lường trước đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhiều nhà đầu tư đã rót hàng tỷ USD vào các tập đoàn phát triển nhanh của Trung Quốc mà họ từng cho rằng, đây là đối thủ duy nhất có thể cạnh tranh với Thung lũng Silicon. Giờ thì họ đứng ngồi không yên bởi cơn bão đàn áp kinh tế tư nhân mà ông Tập khởi xướng.

Và "cơn bão đàn áp này chưa hề có dấu hiệu lắng dịu", ông Fang Xingdong, một doanh nhân khởi nghiệp điện tử và là người sáng lập China Labs có trụ sở tại Bắc Kinh cho hay. Ông nói thêm, các tập đoàn tư nhân khổng lồ của Trung Quốc đã được hưởng lợi nhiều năm từ chính sách quản lý lỏng lẻo, và giờ thì các cơ quan chức năng sẽ giải quyết vấn đề này.

Theo một báo cáo tổng kết ngày 29/7 của Goldman Sachs Group Inc., kể từ tháng 11/2020, các nhà quản lý Trung Quốc đã có hơn 50 động thái liên quan đến chống độc quyền, tài chính, bảo mật dữ liệu và bình đẳng xã hội.

Tổng giá trị của 6 trong số các tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc đã giảm hơn 1 nghìn tỷ USD so với mức đỉnh vào tháng 2.
Tổng giá trị của 6 trong số các tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc đã giảm hơn 1 nghìn tỷ USD so với mức đỉnh vào tháng 2. (Nguồn: FactSet)

Vài trong số đó là hành động ngăn chặn việc niêm yết bom tấn của Ant Group; xử phạt Alibaba 2,8 tỷ đô la vì vi phạm luật chống độc quyền; đồng thời thẳng tay chặn đứng vụ sáp nhập hai trang web phát trực tuyến trò chơi điện tử hàng đầu là Huya và DouYu trị giá 5,3 tỉ USD do Tencent chống lưng.

Chưa dừng lại ở đó, vào tháng 7, các cơ quan chức năng đã điều tra an ninh mạng đối với Didi, chỉ vài ngày sau khi dịch vụ gọi xe này lần đầu ra mắt trên Sàn giao dịch chứng khoán New York. Chính quyền cũng đột ngột tuyên bố rằng dịch vụ dạy thêm sau giờ học chỉ có thể là ngành công nghiệp phi lợi nhuận. Các mục tiêu khác bao gồm bất động sản và dịch vụ giao đồ ăn.

Trong một cuộc họp riêng với đại diện đến từ các ngân hàng và công ty đầu tư toàn cầu vào hôm 28/7, ông Fang Xinghai, Phó Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC), đã trấn an những người tham dự rằng, những giới hạn gần đây của Bắc Kinh là để giải quyết các vấn đề cụ thể của ngành, và Trung Quốc không có ý định tách ra khỏi thị trường toàn cầu.

Những người tham dự cho biết họ đã không thể bị thuyết phục bởi phát biểu trên. Họ nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đã "tiêu diệt" nhanh gọn ngành công nghiệp dạy thêm trị giá hàng tỷ USD chỉ với duy nhất một sắc lệnh hành chính.

Tín hiệu ‘tung hỏa mù’ của Bắc Kinh

Ngày 03/08, nhật báo Thông Tin Kinh Tế thuộc Tân Hoa xã đã chỉ trích các trò chơi trực tuyến là "thuốc phiện tinh thần". Tencent, gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc, đã hứng đòn và bị thổi bay 60 tỷ USD, tương đương gần 11% giá trị vốn hóa thị trường. Đó là bởi vì tâm lý các nhà đầu tư hiện đã rất mong manh, và chỉ một dấu hiệu nhỏ cũng đủ để kích hoạt thị trường bán tháo. Bài báo sau đó đã biến mất trước khi xuất hiện trở lại với giọng văn nhẹ nhàng hơn và không có dòng chữ "thuốc phiện tinh thần".

Cùng ngày hôm đó, cơ quan tuyên truyền hàng đầu của Đảng cộng sản có quyền kiểm soát việc phát hành sách, phim và trò chơi đã ban hành một quy tắc mới để hạn chế vai trò của các thuật toán trong việc điều hướng nội dung. Đây là một bước đi kiềm chế sự phát triển của các công ty như ByteDance và Tencent.

Các nhà chức trách mới chỉ cung cấp rất ít chi tiết về các cuộc điều tra đang được tiến hành. Các chính sách cụ thể vẫn chưa được thông báo.

Nhân viên các công ty công nghệ cho biết, các nhà chức trách đã tiến hành kiểm tra hồ sơ và thẩm vấn việc thu thập dữ liệu của một số công ty. Họ đã tải xuống các hợp đồng và hồ sơ tài chính, đồng thời thu thập email và thông tin liên lạc nội bộ.

Một số công ty đã được yêu cầu cắt giảm thị phần để đáp ứng luật chống độc quyền.

Các nhà đầu tư và doanh nghiệp đặc biệt lo ngại rằng, chính các cơ quan quản lý dường như không biết mọi việc nên được tiến hành như thế nào.

Vào cuối tháng 7, các nhà chức trách đã đưa ra hướng dẫn mới yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các lợi ích cơ bản cho tài xế giao hàng, chẳng hạn như mức lương tối thiểu và bảo hiểm. Khi một số doanh nghiệp tìm đến cơ quan quản lý có liên quan để xin thêm chỉ dẫn chi tiết thì các cơ quan này cho hay chính họ cũng đang cố gắng tìm hiểu điều đó.

Chính quyền Trung Quốc nổi tiếng với việc chế ra những thay đổi chính sách một cách đột ngột cho các mục tiêu dài hạn. Đôi khi hậu quả để lại là rất nặng nề. Vào tháng 12/2020, một cơ quan quản lý ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc cho biết, ngành công nghiệp cho vay ngang hàng (P2P lending) đã bị "xóa sổ" sau một cuộc "đàn áp" của giới chức trách bắt đầu từ năm 2018.

Với Bắc Kinh, vàng chính là thông tin để bảo vệ vô số tội ác bí mật của đảng

“Đây không phải là lần đầu tiên có sự thay đổi 180 độ trong các quy định của Trung Quốc”, Robin Xing, nhà kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc của tổ chức Morgan Stanley chia sẻ với Wall Street Journal. Ông nói thêm, mục tiêu trong lần tái thiết này là các công ty sở hữu nhiều dữ liệu và đã được niêm yết tại Mỹ. Việc này khiến các nhà đầu tư toàn cầu trở nên cảnh giác hơn. Dựa trên những lần sửa đổi lớn của Trung Quốc trước đó, ông Xing ước tính sẽ mất một hoặc hai năm để có bức tranh rõ ràng hơn về khuôn khổ chính sách mới của Trung Quốc.

Trong danh sách việc cần làm, các nhà chức trách đặc biệt để tâm đến các chi phí chưa được kiểm soát ở mảng giáo dục, chăm sóc sức khỏe và nhà ở, bởi tất cả những điều này đang khiến việc ngăn chặn sự suy giảm dân số ở Trung Quốc trở nên khó khăn hơn.

Năm ngoái, Trung Quốc cho biết họ đã thành công trong việc xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực, đạt được mục tiêu kéo dài hàng thập kỷ là "tiểu khang xã hội" - tức là cả xã hội đạt được mức "thịnh vượng vừa phải". Từ đó đến nay, Bắc Kinh nói rằng họ ưu tiên giải quyết sự chênh lệch giàu nghèo đã dai dẳng nhiều năm. Và theo đúng lý tưởng CNXH, bình đẳng hơn chính là cướp của người giàu, chia cho người nghèo. Công cuộc quốc hữu hóa khu vực kinh tế tư nhân, đàn áp các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn chính là hướng tới ‘bình đẳng’ mà Bắc Kinh ca ngợi.

Về lĩnh vực công nghệ, mối quan tâm của Trung Quốc cũng là mối quan tâm của chính phủ phương Tây, đó là sức mạnh thị trường, việc sử dụng dữ liệu và các vấn đề liên quan khác. Bắc Kinh cũng coi sức mạnh của lĩnh vực này là một thách thức đối với chính họ, và luôn cân nhắc đến trong các cuộc chấn chỉnh.

Lyndon Chao, người đứng đầu bộ phận chứng khoán tại ASIFMA, một hiệp hội với các thành viên bao gồm ngân hàng, công ty môi giới và quản lý tài sản, cho WSJ biết: “Đây là những chính sách ở cấp độ cao hơn nhiều, được thúc đẩy bởi các vấn đề như an ninh quốc gia và thịnh vượng chung. Các quan chức quản lý TTCK của Bắc Kinh có thể cố gắng xoa dịu thị trường với những tuyên bố về đảm bảo an toàn, nhưng những chính sách quốc gia này nằm ngoài tầm kiểm soát của Ủy ban chứng khoán nhà nước.”

Ông Chao đã đúng, khi thông tin chính là quả trứng vàng cũng là tử huyệt vàng mà Bắc Kinh không thể buông tay cho khu vực tư nhân. Đó là lý do Bắc Kinh ưu tiên đàn áp, kiểm soát các tập đoàn tư nhân công nghệ của họ trước.

Trong bối cảnh công nghệ 4.0 khiến tường lửa ngày một mỏng manh. Trong bối cảnh hàng triệu người Trung Quốc ra nước ngoài học tập, làm việc và một số trong đó đã thay đổi như Jack Ma. Trong bối cảnh tội ác mổ cướp tạng không thể che giấu, đang bị lên án và kết tội trên khắp thế giới. Trong bối cảnh cả thế giới thức tỉnh trước Giấc mộng Trung Hoa đầy ma tính… Ông Tập buộc phải hung hăng với bên ngoài, dù là bằng ngoại giao sói chiến hay cướp phá trên Biển Đông. Trong nước, ông Tập buộc phải đóng cửa thông tin, buộc phải thu hồi quyền lực từ khu vực kinh tế tư nhân, buộc phải tập trung tối đa quyền lực, không thể để một chút sự thật nào từ thế giới bên ngoài có thể lọt vào tai người Trung Quốc. Mà quyền lực thực sự chỉ có được trong tay của kẻ có thể nắm giữ được 100% của cải, tiền bạc của quốc gia đó. Đó là lý do cuộc cách mạng quốc hữu hóa, cướp tài sản tư nhân thành tài sản của Đảng, một lần nữa được tiến hành. Khi người Trung Quốc còn sở hữu tiền và của cải, họ chỉ có thể thờ phụng đảng để lấy chút phúc lợi và cầu xin sự ‘từ bi’ của đảng mà thôi.

Các nhà kinh tế học, các chính trị gia đều nhận thức rằng việc bức hại khu vực kinh tế tư nhân chính là hành vi ‘lấy đá ghè chân mình’, chẳng khác gì thắt chặt lại cái dạ dày của nền kinh tế. Nhưng có thể với ông Tập và ĐCSTQ, thắt chặt dạ dày có thể khiến Trung Quốc suy dinh dưỡng, yếu nhược đi, nhưng vẫn còn cơ hội ký sinh và tiếp tục tồn tại, và sau đó là tái sinh. Ít nhất việc này cũng khiến mũi dao phản chủ vạch trần bản chất của ĐCSTQ chệch hướng, không chĩa vào trái tim của đảng, chỉ thắt chặt dạ dày của nó mà thôi.

Chi Anh

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Thảm kịch mới chỉ bắt đầu: Các ‘con gà đẻ trứng vàng’ sẽ bị Bắc Kinh mổ bụng ‘cướp trứng’?