Taliban nắm quyền là cơ hội vàng cho Trung Quốc khai thác đất hiếm béo bở ở Afghanistan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắc Kinh phân phối tới 90% đất hiếm toàn cầu. Đất hiếm không hiếm chỉ là sản xuất đất hiếm cực kỳ ô nhiễm. Trung Quốc đang mở rộng quyền lực đất hiếm tại các nền kinh tế có khoáng sản, có thể thao túng, chấp nhận đổi môi trường lấy việc làm như Myanmar. Và giờ đây, dưới sự lãnh đạo của Taliban, Afghanistan là bãi đáp hoàn hảo cho tham vọng này. 

Trung Quốc dường như đang để mắt đến các dự án sinh lợi để khai thác Afghanistan giàu khoáng sản khi nước này điều chỉnh chính sách công nhận chính phủ Taliban

Trung Quốc dường như đang để mắt đến các dự án sinh lợi để khai thác Afghanistan giàu khoáng sản, đặc biệt là kim loại đất hiếm trị giá hàng nghìn tỷ USD, khi nước này điều chỉnh chính sách công nhận chính quyền Taliban .

Một báo cáo của CNBC tuần này dẫn lời Ahmad Shah Katawazai, một cựu quan chức ngoại giao tại Đại sứ quán Afghanistan ở Washington, ước tính kim loại đất hiếm ở Afghanistan có giá trị từ một nghìn tỷ USD đến 3 nghìn tỷ USD vào năm 2020.

Kim loại đất hiếm là thành phần quan trọng của một loạt công nghệ tiên tiến như iPhone và hệ thống dẫn đường tên lửa công nghệ cao.

Hôm thứ Tư (18/8), Trung Quốc cho biết họ sẽ quyết định mở rộng công nhận ngoại giao đối với Taliban ở Afghanistan sau khi thành lập chính phủ ở nước này, mà họ hy vọng sẽ "cởi mở, bao trùm và đại diện rộng rãi".

Kim loại đất hiếm được sử dụng trong pin sạc cho ô tô điện và ô tô hybrid, gốm sứ cao cấp, máy tính, đầu đĩa DVD, tuabin gió, chất xúc tác trong ô tô và nhà máy lọc dầu, màn hình, ti vi, ánh sáng, laser, sợi quang, chất siêu dẫn và đánh bóng thủy tinh.

Các chuyên gia ví von đất hiếm giống như “vitamin hóa học”, một lượng nhỏ đất hiếm (chất bổ) này sẽ làm nam châm vĩnh cửu mạnh hơn, màn hình điện tử sáng hơn, dung lượng pin cao hơn …

Chiến lược vững ngôi bá chủ đất hiếm

Theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Trung Quốc cung cấp hơn 85% đất hiếm trên thế giới và là quê hương của khoảng 2/3 nguồn cung cấp kim loại hiếm và khoáng chất toàn cầu như antimon và barit. Theo một báo cáo của GAO, hàng năm Trung Quốc sản xuất khoảng 110.000 tấn trên tổng số 125.000 tấn đất hiếm được sử dụng trên thế giới, và chiếm lĩnh tới hơn 95% thị phần xuất khẩu mặt hàng này.

Trung Quốc đã nhiều lần dùng đất hiếm để “làm mình làm mẩy” với Mỹ, Nhật và Phương tây mỗi khi không hài lòng với chính sách quân sự, chính trị hoặc khi bị Mỹ và Phương tây trì trích tình trạng dân chủ tệ hại tại quốc gia này.

Vào đỉnh điểm của cuộc chiến thương mại với Mỹ vào năm 2019, Trung Quốc đe dọa sẽ điều chỉnh hoạt động xuất khẩu kim loại có thể gây ra tình trạng thiếu nguyên liệu thô nghiêm trọng cho ngành công nghiệp công nghệ cao trong cả dân sự và quân sự của Mỹ.

Trung Quốc từng nắm thế độc quyền ảo đối với nguồn cung đất hiếm toàn thế giới. Ở nhiều thời điểm, điều này đã gây ra nhiều căng thẳng địa chính trị. Mỹ và phương tây phản ứng mạnh mẽ với việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm vào cuối thập niên 2000 do phản ứng về chính sách quân sự của Nhật; chính phủ nhiều nước như Nhật, Mỹ và EU phải khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Cuối cùng, WTO đã ra phán quyết chống Trung Quốc, Trung Quốc đã loại bỏ hạn ngạch xuất khẩu vào năm 2015.

Thực ra, đất hiếm không hiếm, tài nguyên đất hiếm dồi dào ở nhiều nơi trên khắp thế giới. Hồi thập kỷ 50 của thế kỷ XX, Mỹ và Hàn Quốc đứng đầu về thế giới sản xuất và cung đất hiếm. Tuy nhiên, sản xuất đất hiếm cực kỳ ô nhiễm trong khi thuế môi trường quá cao khiến các doanh nghiệp Mỹ rời bỏ thị trường này và Trung Quốc lập tức nhảy vào, khống chế nguồn cung và giá cả của thị trường đất hiếm trên toàn cầu, sử dụng quyền lực này để có lợi thế trong chính trị, ngoại giao với các nền kinh tế lớn.

Trong suốt 4 năm tại vị, ông Trump tìm mọi cách giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào đất hiếm Trung Quốc. Để đáp trả, Trung Quốc lại đang tìm cách củng cố vị thế thống trị của mình về đất hiếm. Trung Quốc tìm cách điều tiết chặt chẽ hơn các nguồn lực trong nước, đồng thời mở rộng quan hệ với các doanh nghiệp và dự án trên toàn thế giới. Nói cách khác, mở rộng mô hình sản xuất đất hiếm ô nhiễm của Trung Quốc sang bất cứ ‘thuộc địa kiểu mới’ nào có tài nguyên về đất hiếm. Trung tâm của chiến lược toàn cầu đó là Shenghe Resources; một công ty có mối quan hệ chặt chẽ với ĐCSTQ, công ty bình phong của đảng.

Trung Quốc được xem là "bá chủ" sản xuất đất hiếm REE với sản lượng sản xuất (màu đỏ) nhiều nhất thế giới, vượt trội hơn hẳn các quốc gia khác. (Nguồn: FT)

Nơi Trung Quốc nhắm tới mở rộng quyền lực đất hiếm có Myanmar, một nền kinh tế (trước đảo chính), phụ thuộc Trung Quốc, nghèo, sẵn sàng đánh đổi môi trường lấy việc làm và dồi dào tài nguyên đất hiếm.

Myanmar là nhà cung cấp đất hiếm cho Trung Quốc để khai thác và chế biến, sau đó được dùng sản xuất trong nước hoặc vận chuyển ra thị trường toàn cầu. Myanmar đã khai thác 30.000 tấn oxit đất hiếm, chiếm 12,5% sản lượng toàn cầu vào năm 2020, theo ước tính của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ.

Bên cạnh đó, 60% đất hiếm ở Trung Quốc có nguồn gốc từ Myanmar. Những năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu đất hiếm Myanmar nhằm giảm thiểu tác hại môi trường từ hoạt động khai thác trong nước.

Theo tờ Hoàn cầu Thời báo, các công ty khai thác đất hiếm Trung Quốc cho biết những lô hàng đất hiếm từ Myanmar gần đây đã sụt giảm dù hoạt động khai thác tại các mỏ vẫn bình thường. Điều này dẫn đến tình trạng giá đất hiếm tăng vọt tại thị trường Trung Quốc và sắp tới là thị trường toàn cầu. Và đặc biệt chính biến tại Myanmar đe dọa tới quyền lực đất hiếm này của Bắc Kinh.

Afghanistan là bãi đáp hoàn hảo bù đắp cho rủi ro ở Myanmar

Shamaila Khan, giám đốc thị trường nợ mới nổi tại AllianceBerntein, cho biết quân nổi dậy Taliban thống trị Afghanistan, đất nước có nguồn tài nguyên dồi dào là một tình huống rất nguy hiểm cho thế giới.

Ông Khan nói với CNBC vào thứ Ba: “Nên có một sáng kiến quốc tế đảm bảo rằng mọi quốc gia muốn khác tài nguyên dưới chế độ Taliban chỉ được khai thác nếu Taliban đảm bảo các điều kiện sống nhân đạo cho phụ nữ, trẻ em, khi nhân quyền được bảo vệ”

Vì vậy, nên có áp lực đối với Trung Quốc nếu họ muốn liên minh với Taliban, viện trợ kinh tế với Taliban để khai thác tài nguyên của Afghanistan, Trung Quốc phải tuân thủ điều kiện quốc tế ,ông Khan nói.

Báo cáo của CNBC đã gây ra phản ứng gay gắt trên các phương tiện truyền thông chính thức Trung Quốc.

Trong khi việc Mỹ rút lui khỏi Afghanistan một cách lúng túng và đáng xấu hổ vẫn đang gây chấn động thế giới, thì các phương tiện truyền thông Mỹ đã bắt đầu lo lắng về khả năng hợp tác giữa Taliban Afghanistan và Trung Quốc, đặc biệt là khi nói đến các nguồn tài nguyên đất hiếm của Afghanistan, theo một báo cáo của Global Times hôm thứ Năm.

Tính đến cuối năm 2020, tổng vốn đầu tư trực tiếp phi tài chính tích lũy của Trung Quốc vào Afghanistan đạt 630 triệu USD, chủ yếu tập trung vào khai thác mỏ, thông tin liên lạc và xây dựng đường bộ. (Nguồn: Wikipedia Bởi Officer – United States Federal Government)

Việc rút quân của Mỹ và sự thay đổi mạnh mẽ của tình hình chính sự ở Afghanistan chắc chắn là một đòn giáng nặng nề vào các lợi ích kinh tế của Mỹ ở Afghanistan và khu vực Trung Đông.

Lĩnh vực đất hiếm là lĩnh vực mà Trung Quốc có thế mạnh và đây là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các ngành công nghiệp mới nổi. Hiện tại, Trung Quốc đang tham gia vào một số dự án ở Afghanistan.

Trung Quốc và Afghanistan đã ký một Biên bản ghi nhớ vào năm 2019 về hợp tác trong ngành khai khoáng. Các dự án hiện tại bao gồm một mỏ đồng ở Aynak, khai trương cùng năm. Sau đó vào năm 2011, một dự án mỏ dầu ở Afghanistan do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đầu tư đã chính thức được ký kết.

Một tuyên bố ban đầu đề cập đến dự án mỏ đồng cho thấy tổng đầu tư là 4,2 tỷ USD, dự án sau khi hoàn thành dự kiến ​​sẽ đạt giá trị sản lượng hàng năm là 1,2 tỷ USD. Dự án ước tính sẽ tạo ra khoảng 10.000 việc làm tại địa phương.

Tính đến cuối năm 2020, tổng vốn đầu tư trực tiếp phi tài chính tích lũy của Trung Quốc vào Afghanistan đạt 630 triệu USD, chủ yếu tập trung vào khai thác mỏ, thông tin liên lạc và xây dựng đường bộ.

Tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2020 là 550 triệu USD. Ngoài ra, Trung Quốc đã giúp xây dựng các bệnh viện, các dự án bảo tồn nước và cung cấp đào tạo cho các chuyên gia khác nhau trên khắp đất nước, báo cáo của Global Times cho biết.

Trung Quốc cũng đang tích cực thúc đẩy việc mở rộng Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) trị giá 60 tỷ USD tới Afghanistan và dự kiến ​​sẽ tăng tốc sau khi lực lượng Taliban củng cố vững chắc quyền lực ở đây.

Đức Duy



BÀI CHỌN LỌC

Taliban nắm quyền là cơ hội vàng cho Trung Quốc khai thác đất hiếm béo bở ở Afghanistan