Taliban giàu có và lớn mạnh nhờ đâu?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chẳng lực lượng vũ trang nào có thể lớn mạnh nếu không có dòng tiền đủ mạnh để nuôi quân và trang bị vũ khí. Nguồn gốc của tiền luôn dẫn chúng ta đến với nguồn gốc của quyền lực. Trường hợp Taliban thì sao, nguồn gốc sức mạnh của Taliban đến từ đâu và từ ai?

Sau hai thập kỷ xung đột bạo lực, Afghanistan một lần nữa nằm trong vòng vây của khủng hoảng khi Taliban tái chiếm thủ đô Kabul. Quân nổi dậy tuyên bố thành lập Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan.

Tổng thống Ashraf Ghani đã nhanh chóng từ bỏ dinh tổng thống và chạy trốn, trong khi hàng nghìn người dân nỗ lực rời khỏi đất nước.

Sau khi bị lật đổ vào năm 2001, Taliban đã tái nhóm tại các vùng giáp biên với Pakistan. Và giờ đây, chỉ 2 tháng sau khi những binh sĩ cuối cùng của Mỹ rút đi, Taliban đã chiếm được phần lớn đất nước và cả thủ đô Kabul ngày 15/08 trước sự ngỡ ngàng của giới quan sát.

Taliban đã giành được Afghanistan nhờ vào lực lượng thiện chiến và nguồn khí tài dồi dào, khác hẳn với hình ảnh của nhóm này những năm 1990. Điều này đặt ra câu hỏi, rằng lực lượng này lấy tiền bạc và khí tài từ đâu để tiến hành cuộc chiến trường kỳ như vậy?

Thuốc phiện: 300 triệu - 1,6 tỷ USD/năm

Afghanistan chiếm khoảng 84% sản lượng thuốc phiện toàn cầu. Phần lớn lợi nhuận thu được thuộc về Taliban do lực lượng này quản lý hầu hết các khu vực trồng và sản xuất thuốc phiện.

Cesar Gudes, người đứng đầu Văn phòng Kabul thuộc Văn phòng Ma túy và Tội phạm Liên hợp quốc (UNODC), nói với Reuters: “Taliban đã coi việc buôn bán thuốc phiện ở Afghanistan là một trong những nguồn thu nhập chính của họ. Việc sản xuất hàng loạt ở đây khiến giá ma túy rẻ hơn và trở nên hấp dẫn hơn, và do đó thị trường của họ ngày càng rộng mở”.

Theo một báo cáo của NATO, buôn bán ma túy mang về cho Taliban 416 triệu USD mỗi năm trong giai đoạn 2019 - 2020. Một báo cáo khác của UN, doanh thu từ thuốc phiện mỗi năm của Taliban thậm chí còn lớn hơn, khoảng từ 300 triệu USD đến 1,6 tỷ USD.

Khai thác mỏ, tài nguyên ở vùng chiếm đóng: 464 triệu USD năm 2019-2020

Một báo cáo mật khác do NATO tổng hợp và sau đó bị rò rỉ trên Đài Châu Âu Tự do cho thấy nhóm này cũng nhận được tiền từ khai thác mỏ và từ các nhà tài trợ giấu tên trong khu vực.

Khai thác quặng sắt, đá cẩm thạch, đồng, vàng, kẽm, các kim loại khác và khoáng sản đất hiếm ở miền núi Afghanistan là ngành kinh doanh ngày càng sinh lợi của Taliban. Theo NATO, lực lượng này thu được 464 triệu USD từ khai thác mỏ trong hai năm 2019 và 2020.

Tài trợ từ Iran, Pakistan, Saudi Arabia… : 150 - 200 triệu USD/năm

"Các khoản quyên góp từ thiện" từ các tổ chức phi chính phủ và các cá nhân giàu có đóng một vai trò lớn giúp Taliban phát triển.

Taliban không tự mình làm tất cả. Các tổ chức phi chính phủ bên ngoài và các cá nhân giàu có hỗ trợ họ về mặt tài chính. Điều này bổ sung cho các nguồn thu nhập bất hợp pháp của Taliban. Taliban luôn coi các chính phủ như Trung Quốc và Pakistan là những người hỗ trợ kinh tế tiềm năng.

Theo Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu Afghanistan, các cá nhân từ các nước Saudi Arabia, Pakistan, Iran, và một số quốc gia vùng Vịnh Ba Tư cũng hỗ trợ tài chính cho Taliban. Khoản tiền này lên tới 150 - 200 triệu USD/năm. Các chuyên gia cho rằng số tiền thực sự Taliban được tài trợ có thể lên tới 500 triệu USD/năm, nhưng rất khó để đưa ra con số chính xác.

Thu thuế từ người dân ở vùng chiếm đóng: 160 triệu USD/năm

Cư dân Afghanistan tại các khu vực do Taliban chiếm đóng buộc phải nộp thuế cho Taliban. Khi chính phủ Afghanistan biến mất sau ngày 15/8 vừa qua, toàn bộ đất nước sẽ phải chịu các loại thuế này.

Theo Ngân hàng Thế giới, vào năm 2020, 47% người Afghanistan ở trong tình trạng nghèo đói, năm 2007 tỷ lệ này là 37%. Đây không chỉ là dấu hiệu cho thấy sự can thiệp của quốc tế không hiệu quả như các quốc gia mong muốn mà còn cho thấy tình hình ngày càng tồi tệ hơn đối với những người dân ngày càng cơ cực.

Dù vây, nguồn thu từ thuế tổng cộng khoảng 160 triệu USD/năm. Ở những vùng của Afghanistan mà lực lượng này kiểm soát, họ thực hiện một hình thức đánh thuế gọi là ‘ushr’. Một báo cáo của Liên hợp quốc vào tháng 9/2012 cho biết loại thuế này là 10% đối với nông sản và 2,5% đối với sở hữu tài sản. Các loại thuế khác gồm có: Thuế cho khai thác, truyền thông, viễn thông, và kinh doanh…

Bắt cóc, tống tiền và các hoạt động tội phạm khác

Các nguồn tài chính khác của Taliban còn đến từ hoạt động tội phạm, tống tiền, bắt cóc đòi tiền chuộc, theo một báo cáo của Liên hợp quốc.

Các nỗ lực tống tiền của Taliban nhằm vào các dịch vụ cơ sở hạ tầng, nhưng nhóm này cũng bắt cóc và giết chết các nhân viên và nhân viên quản lý của các công ty cơ sở hạ tầng. Taliban phá hủy cột viễn thông di động và tháp điện để phá hoại chính phủ và ngăn các công ty tư nhân hợp tác với các quan chức.

Chiến lợi phẩm khí tài của Mỹ

Taliban đã chiếm được một loạt thiết bị quân sự hiện đại khi khống chế các lực lượng Afghanistan, từ cấp huyện trở lên. Khi tấn công tới các thủ phủ và căn cứ quân sự của tỉnh lỵ với tốc độ đáng kinh ngạc, lực lượng này tiếp tục đoạt lấy những khí tài có giá trị lớn hơn, gồm cả máy bay tiêm kích.

Robert Crews, một chuyên gia về Afghanistan tại Đại học Stanford, nói với Washington Post: “Một trong những động thái đầu tiên mà Taliban thực hiện khi tiến vào lãnh thổ mới là đến trụ sở chính phủ, bắt giữ hoặc giết những nhân vật ở đó, mở cửa nhà tù, và sau đó đến các căn cứ chính phủ và thu giữ vũ khí”.

Theo ước tính, có khoảng 1 triệu khẩu súng cá nhân cùng hàng tỷ viên đạn và 99% tổng số xe cơ giới, xe tăng - thiết giáp của quân đội Afghanistan do Mỹ và NATO hỗ trợ đã rơi vào tay Taliban.

Taliban cũng thu giữ khoảng 68 trực thăng tấn công hạng nhẹ MD 500 "Defender", 19 máy bay cường kích A-29, và 16 chiếc trực thăng quân sự đa dụng UH-60 Blackhawk từ không quân Afghanistan.

Như vậy, Taliban đã trở thành nhóm vũ trang hồi giáo có trang bị tốt nhất thế giới.

Nhóm này cũng nhận được nhiều vũ khí và trang thiết bị từ các nguồn ủng hộ khác nhau. Trước đó, vào năm 2018, Mỹ đã cáo buộc Nga hỗ trợ và cung cấp vũ khí cho Taliban. Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, tướng John Nicholson tuyên bố rằng súng đang được buôn lậu qua biên giới từ nước láng giềng Tajikistan. Nga và Taliban đều bác bỏ các tuyên bố của Mỹ.

Chi Anh

NGUỒN TIN THAM KHẢO

  1. https://www.rferl.org/a/exclusive-taliban-s-expanding-financial-power-could-make-it-impervious-to-pressure-secret-nato-report-warns/30842570.html
  2. https://www.independent.co.uk/asia/south-asia/taliban-funding-countries-arms-weapons-b1903302.html
  3. https://marketrealist.com/p/who-is-financing-the-taliban/

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Taliban giàu có và lớn mạnh nhờ đâu?