Tại sao chi phí sinh hoạt ở Hà Nội lại đắt đỏ hơn Sài Gòn?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo Tổng cục Thống kê, trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hà Nội tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với mức giá đắt đỏ nhất cả nước. Cách đây mấy năm, vị trí này từng thuộc về TP. HCM, nhưng giờ giá cả hàng hóa ở Hà Nội đã nhanh chóng ‘vượt mặt’ Sài Gòn.

Trong những chuyến công tác ra thủ đô, chị Trần Kim Anh (quận 6, TP. HCM) cho hay, rất khó để kiếm được quán cơm bình dân với giá 30.000 đồng mỗi suất ở các quận trung tâm. Thông thường, giá một phần cơm dao động 30.000-60.000 đồng. Trong khi đó, theo lời chị, ở Sài Gòn, tìm được một suất cơm bình dân với giá 30.000 đồng ở quận trung tâm không khó.

Cũng từng là khách du lịch đến Hà Nội, anh N.Q.Duy (quận 3, TP. HCM) chia sẻ, gần đây anh ra thủ đô. Tô miến gà có giá 50.000 đồng, cánh gà 40.000 đồng, trà đá 5.000 đồng một cốc. Tuy nhiên, bữa ăn có chất lượng không đến mức phải "xuýt xoa". Theo đánh giá của du khách này, giá bán như vậy là quá cao so với chi phí nguyên liệu đầu vào.

Lý giải về sự chênh lệch giá của Sài Gòn và Hà Nội, ông Vũ Vĩnh Phú, Chủ tịch Hiệp hội các siêu thị ở Hà Nội cho biết, về khách quan, Hà Nội được biết đến là một đô thị rất lớn so với Sài Gòn. Hà Nội cũng hầu như không sản xuất hàng hóa. Hơn nữa, hàng hóa tại đây cũng thường ngon nhất, tốt nhất, sản vật khắp các tỉnh thành trong cả nước thường tập trung tại địa bàn này.

"Môi trường kinh doanh của Hà Nội chậm hơn, không nhanh nhạy trong buôn bán như Sài Gòn. Cách làm ăn còn chịu ảnh hưởng bởi bao cấp, nhiều loại hàng hóa không bán công khai giá, chỉ công khai ở siêu thị.... Ví dụ một lô hàng rau từ các tỉnh miền núi đổ về thủ đô phải qua rất nhiều trạm kiểm soát", ông nói.

Một số nhóm hàng của Sài Gòn có mức giá bình quân thấp hơn Hà Nội như: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống bằng 98,21%; đồ uống, thuốc lá bằng 97,33%; thiết bị và đồ dùng gia đình bằng 98,12%; thuốc và dịch vụ y tế bằng 97,43%; giao thông bằng 97,31%; bưu chính viễn thông bằng 96,23%; văn hóa, giải trí và du lịch bằng 97,63%; hàng hóa và dịch vụ khác 95,83%.

Một số nhóm hàng hàng của Sài Gòn có mức giá bình quân cao hơn Hà Nội như giáo dục, may mặc, nhà ở, điện nước,... Cụ thể: Giáo dục bằng 105,43% chủ yếu do học phí ở các trường dân lập và dạy nghề cao hơn Hà Nội; may mặc, mũ nón, giày dép bằng 101,26%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng bằng 102,03%.

Theo các chuyên gia, về cơ bản sự chênh lệch về giá cả hàng hóa giữa Hà Nội và Sài Gòn là do các nguyên nhân chính sau đây:

Hệ thống phân phối

Hệ thống phân phối ở Hà Nội phát triển còn ở trình độ thấp cả về số lượng và chất lượng. Ví dụ việc mở rộng hệ thống các siêu thị, năm 2019, nếu ở Hà Nội có chưa đến 90 siêu thị với khoảng trên 20 trung tâm thương mại và 400 chợ thì TP Hồ Chí Minh đã có 100 siêu thị, 100 trung tâm thương mại, 240 chợ…

Ngoài ra Sài Gòn có hệ thống chợ đầu mối nông sản thực phẩm được thiết lập rất bài bản, tạo ra nguồn cung hàng hóa dồi dào, có chất lượng cho khâu bán lẻ để phục vụ người tiêu dùng hàng ngày.

Nguồn sản xuất và chi phí vận tải

Về nguồn hàng phục vụ cho tiêu dùng hàng ngày tại Hà Nội như gạo, thịt, cá, rau quả, thủy hải sản... chủ yếu là vận chuyển từ các tỉnh phía Nam (khoảng cách xa, chi phí vận chuyển lớn). Hàng hóa đổ về Hà Nội từ các tỉnh phía Bắc (chi phí vận chuyển thấp hơn) chỉ chiếm khoảng 30%. Như vậy muốn tổ chức vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh phía Nam đưa ra các tỉnh phía Bắc với cự ly hàng nghìn km, rõ ràng chi phí vận chuyển sẽ tốn kém hơn từ 5% - 10% và theo đó giá thành hàng hóa khi bán lẻ cho người dân Hà Nội sẽ tăng hơn.

Thêm vào đó, vận chuyển bằng đường bộ trong nước có chi phí đắt đỏ. Một container vận chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn và ngược lại có chi phí bằng một container vận tải biển từ Việt Nam sang Mỹ. Các trạm BOT dày đặc đẩy chi phí vận tải lên cao, quá nhiều trung gian trong chuỗi cung ứng đã khiến giá cả của Hà Nội không thể cạnh tranh với bất kỳ tỉnh thành nào.

Các trạm BOT dày đặc đẩy chi phí vận tải lên cao, quá nhiều trung gian trong chuỗi cung ứng đã khiến giá cả của Hà Nội không thể cạnh tranh với bất kỳ tỉnh thành nào. (Ảnh: Kiwipedia)
Các trạm BOT dày đặc đẩy chi phí vận tải lên cao, quá nhiều trung gian trong chuỗi cung ứng đã khiến giá cả của Hà Nội không thể cạnh tranh với bất kỳ tỉnh thành nào. (Ảnh: Kiwipedia)

Chi phí trung gian

Tại Sài gòn, giá cả lương thực thực phẩm hợp lý ngoài việc nguồn cung gần thành phố, thì các khâu thương mại trung gian cũng ít hơn Hà Nội. Ví dụ, thương lái đầu Sài Gòn hoặc nông dân có thể trực tiếp mang sản phẩm ra chợ đầu mối hoặc cung cấp cho các siêu thị nhà hàng. Chỉ cần một đến hai trung gian thương mại (thương lái) mua từ đầu nguồn là đủ.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có chỉ số giá sinh hoạt thấp, nguyên nhân chính do đây là vùng có địa hình bằng phẳng, điều kiện khí hậu và thủy văn thuận lợi cho việc thâm canh tăng vụ trong việc sản xuất nông nghiệp nên các mặt hàng lương thực, thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình có mức giá thấp.

Khác với Sài Gòn, nguồn cung hàng hóa tiêu dùng 70% ở Hà Nội có chung nguồn cung với Sài Gòn, nhưng phải vận tải 2,000 km. Ngoài ra, 30% nguồn cung từ các vùng trung du và miền núi phía Bắc cũng không thuận lợi về vận tải, thu mua đầu vào do đặc điểm đường xá, địa lý. Điều này khiến giá cước vận tải tăng cao. Ngoài ra, hệ thống phân phối hàng hóa vùng này rất phân tán, chi phí duy trì hệ thống, lưu trữ hàng hóa kho bãi cao đã làm cho giá cả bị đẩy lên cao so với các vùng khác.

Với đặc trưng như vậy, hàng hóa đổ về Hà Nội, ngoài phụ thuộc vào thương lái thu mua từ đầu nguồn Sài Gòn, hoặc các tỉnh miền Bắc thì cần trung gian vận tải, trung gian phân phối lại ở đầu Hà Nội, sau đó nguồn hàng này mới vào siêu thị, nhà hàng. Như vậy, ít nhất khoảng 3 - 4 trung gian được thiết lập từ nguồn sản xuất tới người tiêu dùng cuối cùng.

Chi phí mặt bằng

Chi phí mặt bằng khu trung tâm của Hà Nội đắt đỏ và chênh lệch quá lớn so với các khu vực lân cận. Ở Sài Gòn, mức chênh lệch này ít hơn. Do vậy, người Sài Gòn không phải chịu sự chênh lệch quá lớn về giá hàng hóa, dịch vụ khu trung tâm với các khu vực lân cận như Hà Nội.

Rất nhiều khách hàng Hà Nội vào Sài Gòn công tác đồng tình rằng giá một số dịch vụ cùng loại ở các quận trung tâm TP. HCM rẻ hơn so với Hà Nội.

“Nếu cùng một phần mỳ Ý tại các quán ở quận 1 có giá 100.000 đồng thì ở các khu quận 4, quận 5 sẽ không tới 60.000 đồng, mặc dù độ ngon thật sự không hoàn toàn chênh lệch”, chị Nguyễn Thanh Phương Thy (nhân viên văn phòng, quận 1 TP HCM) chia sẻ.

Theo chị Thy, người TP HCM ngoài việc quan tâm đến giá cả, họ còn quan tâm đến điểm đến, lựa chọn những nơi có không gian đẹp, thuận tiện di chuyển, gặp mặt bạn bè và đặc biệt đồ ăn thức uống phải phù hợp với khẩu vị cũng như cung cách phục vụ của nhân viên.

"Bước chân vào một quán cà phê tại quận 1 với không gian sang trọng, thơm tho sẽ tự động thấy đồ uống ngon lành, dù một ly nước 60.000-70.000 đồng thì cũng thấy bình thường”, khách hàng này chia sẻ.

Anh Nghĩa (Cổ Nhuế, Hà Nội) cho hay, từng đi công tác nhiều ở TP HCM. Tại các quận trung tâm như 1, 3, anh vẫn có thể tìm được hàng cơm bình dân. Tuy nhiên, nếu có nhu cầu dùng sản phẩm cao cấp hơn, anh cũng sẵn sàng được đáp ứng.

Tuy nhiên, ở Hà Nội chênh lệch giá giữa khu vực trung tâm và vùng ven, có khi lên đến 2-3 lần.

Tỉnh nào dễ sống nhất?

Trong các tỉnh có chỉ số giá sinh hoạt rẻ nhất cả nước, thì Trà Vinh dẫn đầu (rẻ hơn Hà Nội 19,28%). Tại Trà Vinh, giá nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế thấp nhất, rẻ hơn Hà Nội tới 26,23%; ăn uống rẻ hơn 18,61%. Xếp sau Trà Vinh về giá rẻ là Thái Bình, Vĩnh Long…

Theo báo cáo Trà Vinh là tỉnh có mức phí sinh hoạt dịch vụ thấp nhất cả nước, ngoài các nhóm hàng thuốc, dịch vụ y tế,… thì giá cả sinh hoạt quán xá, tiêu dùng, hàng chợ cũng thấp.

Nông sản tại Trà Vinh có giá khá rẻ nhưng khi đến TP HCM lại đắt. Chẳng hạn, cà tím bán tại huyện Duyên Hải khoảng 3.000-4.000 đồng/kg tùy theo vụ nhưng khi vận chuyển lên TP HCM, nông sản này được bán với giá khoảng 8.000-10.000 đồng/kg.

Sản phẩm tại Trà Vinh có giá rẻ, theo phần lớn ý kiến, có thể do nông dân tự trồng trọt, sản xuất không phải mất phí vận chuyển, thuê nhân công. Ngoài ra, vị trí địa lý của Trà Vinh ven biển, giáp với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng đặc biệt là nằm gần hai trung tâm lớn là TP HCM và Cần Thơ nên rất thuận tiện trong việc giao thương, trao đổi hàng hóa.

Mộc Trà



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao chi phí sinh hoạt ở Hà Nội lại đắt đỏ hơn Sài Gòn?