Tại sao luật lương tối thiểu 15 USD/giờ của chính quyền Biden sẽ là một chính sách kinh khủng?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Luật lương tối thiểu là một sự vi phạm rõ ràng quyền tự chủ và tự do tham gia lao động của một người. Nếu bên A đồng ý với bên B về một hợp đồng - và hợp đồng này không ảnh hưởng tiêu cực đến bất kỳ ai khác - thì có rất ít lý do để chính phủ can thiệp.

Có đến 2/3 người Mỹ ủng hộ việc tăng lương tối thiểu lên 15 USD/giờ, và Tổng thống Joe Biden đã có hành động ủng hộ điều này bằng cách cố gắng đưa mức lương tối thiểu 15 USD/giờ vào kế hoạch cứu trợ dịch viêm phổi Vũ Hán của mình. Hành động này sẽ đánh dấu lần tăng lương tối thiểu liên bang đầu tiên kể từ năm 2009.

Điều này chắc chắn sẽ được tôn vinh, nhưng nhiều người quên mất rằng điều quan trọng hơn bao giờ hết là phải xem xét cẩn thận mức lương tối thiểu như một chính sách, chứ không đơn thuần chỉ là một lời hùng biện.

Cần phải có một cuộc kiểm tra lý thuyết kinh tế cơ bản, để đánh giá sự phù hợp của nó với các nguyên tắc tự chủ của Mỹ, và sự thành công trên thực nghiệm (hoặc thiếu sót của nó).

Những nền kinh tế với mức lương tối thiểu

Khi thảo luận về tiền lương, chúng ta đang thực sự thảo luận về giá cả - vì tiền lương phản ánh giá cả của sức lao động. Trung tâm của một nền kinh tế thị trường là hệ thống giá cả, hệ thống này sử dụng cung và cầu để xác định giá cả.

Bởi vì chúng ta đang sống trong một thế giới được đặc trưng bởi sự khan hiếm, khả năng phân bổ các nguồn lực một cách hiệu quả là điều tối quan trọng. Tuy nhiên, có một số chủ trương can thiệp vào thị trường để điều chỉnh giá một cách giả tạo. Luật lương tối thiểu sẽ được coi là một trong những biện pháp can thiệp vào hệ thống giá cả này.

Hai cách chính mà các chính phủ có thể bóp méo giá là thông qua giá sàn và giá trần. Giá sàn quy định rằng giá cả không được thấp hơn một mức nhất định, và giá trần yêu cầu giá cả không được vượt quá một mức nhất định. Luật lương tối thiểu là một giá sàn của sức lao động.

Mặc dù điều này có vẻ như để đảm bảo rằng những người lao động có kỹ năng thấp được trả lương “công bằng”, hoặc rằng các doanh nghiệp không thể “đột ngột tăng giá”; nhưng những can thiệp này có thể mang đến những hậu quả.

Bằng cách thiết lập giá thấp một cách giả tạo thông qua giá trần, sự thiếu hụt sẽ được tạo ra. Bởi vì lượng cầu sẽ vượt quá lượng cung ở mức giá đó. Ngược lại, việc thiết lập giá cao một cách giả tạo thông qua giá sàn sẽ dẫn đến thặng dư, vì lượng cung vượt quá lượng cầu ở mức giá đó.

Trong trường hợp của luật lương tối thiểu, có hai điều xảy ra. Thứ nhất, lượng lao động cung ứng tăng lên do tiền lương cao hơn. Thứ hai, lượng cầu lao động giảm do chi phí tiền lương cao hơn. Do đó, điều này tạo ra thất nghiệp.

Edit Post ‹ NTD Việt Nam — WordPress
Người tìm việc xem qua các tờ rơi giới thiệu việc làm tại triển lãm WorkSource, một nỗ lực hợp tác của các cơ quan chính phủ để cung cấp việc làm và các nguồn đào tạo việc làm tại Triển lãm nghề nghiệp Los Angeles tại Trung tâm Hội nghị Pasadena vào ngày 14 tháng 5 năm 2009 tại Pasadena, California (Ảnh của David McNew / Getty Images)

Luật lương tối thiểu cũng “định giá” những người có kỹ năng thấp, khiến họ bị đẩy ra khỏi thị trường. Khi việc trả lương cho người lao động dưới mức lương hiện hành là bất hợp pháp, nó khiến những người lao động không có đủ kỹ năng rơi vào tình trạng thất nghiệp. Rốt cuộc, không có chủ doanh nghiệp có lý trí nào - trả cho một công nhân tạo ra giá trị kinh tế 5 USD/giờ - với mức lương 15 USD/giờ. Họ sẽ không trả gì cho anh ta và không thuê anh ta.

Mức lương tối thiểu và quyền tự chủ

Ở điểm mấu chốt cơ bản nhất, lời hứa của chính phủ về bảo vệ cuộc sống, quyền tự do và tài sản - thực sự là một lời hứa về quyền tự chủ.

Nhà kinh tế học, giáo sư Walter E. Williams mô tả điều này khi viết “Tôi là tài sản riêng của tôi, và bạn là tài sản của riêng bạn”. Ông Williams giải thích rằng bằng cách bắt đầu từ một tiền đề về quyền tự chủ, việc xác định chính sách trở nên khá dễ dàng. Nếu một chính sách vi phạm quyền tự chủ của một cá nhân, nó là trái đạo đức và không nên được thiết lập.

Luật lương tối thiểu là một sự vi phạm rõ ràng quyền tự chủ và tự do tham gia của một người. Công việc của chính phủ là đảm bảo các quyền đã có từ trước của chúng ta, chứ không phải là vi phạm chúng. Nếu bên A đồng ý với bên B về một hợp đồng - và hợp đồng này không ảnh hưởng tiêu cực đến bất kỳ ai khác - thì có rất ít lý do để chính phủ can thiệp.

Hơn nữa, đó là một hành động vô cùng ngạo mạn của chính phủ, là bên thứ ba trong giao dịch giữa bên A và bên B - khi cho rằng chính phủ biết nhiều hơn về lợi ích tốt nhất của các bên liên quan trong thỏa thuận - hơn là các bên tham gia thỏa thuận. Trên thực tế, những người đúng nhất để đưa ra quyết định về các thỏa thuận đồng thuận là những người trong các thỏa thuận này, vì họ thực sự đóng góp vào thành công của nó.

Bằng chứng thực nghiệm

Những người ủng hộ việc tăng lương tối thiểu cho rằng đây không chỉ là vấn đề của kinh tế mà còn liên quan đến tính nhân văn.

Bằng chứng thực nghiệm rõ ràng cho thấy rằng chính sách của chúng ta nên dựa trên quy tắc kinh tế - chứ không phải dựa vào việc cảm thấy tốt ở vẻ bề ngoài. Đó là cách tốt nhất để đảm bảo tính nhân văn đầy đủ nhất cho đồng bào của chúng ta.

Việc xem xét lại lịch sử của luật lương tối thiểu sẽ cho thấy lỗ hổng cơ bản của các chính sách như vậy: Chúng tạo ra tình trạng thất nghiệp ở những người có kỹ năng thấp. Ví dụ rõ ràng nhất về lao động tay nghề thấp là tầng lớp thanh thiếu niên.

Tháng 1/1948, tỷ lệ thất nghiệp ở những người từ 16-19 tuổi là 8,5%. Điều này không có gì là bất thường vì tỷ lệ thất nghiệp thấp ở thanh thiếu niên là thông thường vào thời điểm đó. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm chính phủ bắt đầu đưa ra các quy định khắc nghiệt về tiền lương.

Sau khi tăng lương tối thiểu trong cả hai năm 1950 và 1956; kể từ tháng 9/1956, tỷ lệ thất nghiệp của thanh thiếu niên đã tăng trên 10%. Ngay cả trong những năm tăng trưởng kinh tế kỷ lục vào những năm 1980, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh thiếu niên thường xuyên ở mức trên 17%.

Các hậu quả bất lợi của mức lương tối thiểu tác động đến các cộng đồng khác nhau ở các mức độ khác nhau

Ví dụ, nhóm thiểu số có thu nhập thấp bị tác hại một cách không cân đối bởi luật lương tối thiểu. Năm 1948, tỷ lệ thất nghiệp của thanh thiếu niên da đen thực sự thấp hơn tỷ lệ thất nghiệp của những người da trắng. Tuy nhiên, trong 7 thập kỷ sau đó, tỷ lệ thất nghiệp giữa người da trắng và người da đen đã có sự khác biệt rõ rệt. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở thanh thiếu niên tăng - và vẫn ở mức cao - ở cả người da đen và da trắng, tỷ lệ này liên tục cao hơn ở thanh thiếu niên da đen trong một thời gian dài.

Việc đặt ra mức lương tối thiểu đã gây ra tác hại to lớn, và tác hại đó đã trở nên trầm trọng hơn ở các thành phố trên toàn quốc - nơi đã tăng mức lương tối thiểu của họ.

Năm 2016, mức lương tối thiểu ở Seattle, Washington là 13 USD/giờ. Các nghiên cứu sau đó của Đại học Washington đã chứng minh tác động tiêu cực của nó. Trong khi những người lao động có mức lương thấp được hưởng ​​mức lương theo giờ tăng 3%, thì số giờ làm việc của họ lại bị giảm 9%. Điều này có nghĩa là đã có “sự cắt giảm hơn 100 triệu USD mỗi năm trong tổng số tiền lương cho các công việc có mức lương thấp”. Điều này dẫn đến việc mất khoảng 125 USD mỗi công việc mỗi tháng.

Hơn nữa, cũng có một "sự giảm đáng kể tỷ lệ gia nhập lực lượng lao động mới". Điều này có nghĩa là mặc dù mức tăng lương khiêm tốn, nó đã được “bù đắp” bằng số giờ làm việc giảm. Nó cũng ngăn cản những người lao động mới tham gia vào lực lượng lao động.

Khi xem xét những hậu quả tiêu cực đối với thanh thiếu niên có kỹ năng thấp, những người chỉ đơn giản là cố gắng nắm được nấc đầu tiên của nấc thang kinh tế, thì cần kết luận rằng luật lương tối thiểu đóng vai trò là rào cản đối với sự tiến bộ. Thay vì tạo cơ hội cho thanh thiếu niên bắt đầu sự phát triển của họ, luật lương tối thiểu đã phá vỡ các nấc đầu tiên của bậc thang, khiến chúng ta không thể leo lên được.

Tổng thống Donald Trump ký lệnh hành pháp để cố gắng mang lại việc làm cho người lao động Mỹ và cải tiến chương trình công nhân thị thực H-1B trong chuyến thăm đến trụ sở của nhà sản xuất công cụ Snap-On vào ngày 18 tháng 4 năm 2017 ở Kenosha, Wisconsin. (Ảnh của Scott Olson / Getty Images)
Tổng thống Donald Trump ký lệnh hành pháp để cố gắng mang lại việc làm cho người lao động Mỹ và cải tiến chương trình công nhân thị thực H-1B trong chuyến thăm đến trụ sở của nhà sản xuất công cụ Snap-On vào ngày 18 tháng 4 năm 2017 ở Kenosha, Wisconsin. (Ảnh của Scott Olson / Getty Images)

Điều này vẫn đúng trong đại dịch

Một số ý kiến ​​cho rằng trong thời kỳ kinh tế suy thoái - như chúng ta hiện nay - việc tăng lương tối thiểu là vì lợi ích tốt nhất - của cả cá nhân người lao động và nền kinh tế nói chung. Họ lý luận rằng vì suy thoái là hệ quả của việc giảm nhu cầu, việc tăng mức lương sẽ giúp người lao động có nhiều tiền để chi tiêu hơn - là một cách dễ dàng để kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên, đây là một lập luận mang tính suy đoán.

Đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã loại bỏ hơn 100.000 doanh nghiệp và cùng với đó là kế sinh nhai của rất nhiều người. Đối với những doanh nghiệp đã may mắn vượt qua được cơn bão cho đến thời điểm này, lợi nhuận họ kiếm được là rất nhỏ.

Vấn đề này nên trở thành trầm trọng: Việc tăng lương tối thiểu có ý nghĩa gì, khi mà hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang trên bờ vực “vĩnh viễn không tồn tại”. Nhận thức thông thường cho chúng ta biết rằng nó sẽ hút hết “chút không khí cuối cùng đó” ra khỏi vô số doanh nghiệp. Nếu những người nắm quyền thực sự quan tâm đến người lao động, thì họ sẽ thiết lập các chính sách cho phép người lao động tự do làm việc.

Do đó, chính sách tiền lương tối thiểu trong thời kỳ kinh tế suy thoái phải giống như khi không có suy thoái.

Kết luận

Ngay cả khi ngày càng nhiều người Mỹ chấp nhận mức lương tối thiểu 15 USD/giờ, điều quan trọng là phải dựa trên thực tế kinh tế và dữ liệu thực nghiệm. Không một lời nói khoa trương, tín hiệu đạo đức hay những tuyên bố sai lệch nào về bản chất giá cả có thể thay đổi được những điều đó.

Hy vọng tốt nhất của chúng ta để thoát khỏi đại dịch này, và đạt được sự thịnh vượng sau đó, là cho phép mọi người làm việc và kiếm sống. Việc tăng lương sẽ ngăn cản “những người không có đủ kỹ năng làm việc” có được một mức lương phù hợp với năng suất của họ; và đó là một chính sách tồi. Điều này cũng giống như việc không cho phép các chủ doanh nghiệp làm việc chăm chỉ để kiếm sống, do hậu quả của đại dịch.

Chính những người ủng hộ luật lương tối thiểu và việc đóng cửa nhà hàng đang không ngừng than vãn về “sự bất công”. Điều mà họ không nhận ra là “chính các chính sách của họ đang tạo ra sự bất bình đẳng lớn hơn điều họ than vãn”.

Cuối cùng, chúng ta nên đấu tranh cho khả năng làm việc, sự tự chủ và tự do của mọi người mà không bị chính phủ can thiệp quá mức.

Tác giả: Jack Elbaum là sinh viên Đại học George Washington. Bài viết của anh đã được đăng trên Wall Street Journal, Newsweek và Washington Examiner. Bạn có thể liên hệ với anh ấy tại [email protected] và theo dõi anh ấy trên Twitter @Jack_Elbaum.

Tâm Minh

Theo FEE



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao luật lương tối thiểu 15 USD/giờ của chính quyền Biden sẽ là một chính sách kinh khủng?