Sữa có phải hàng thiết yếu? Xe đến cửa thành phố phải quay đầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc giao nhận sữa vẫn gặp rất nhiều khó khăn sau khi các tỉnh miền Tây Nam bộ đồng loạt thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Nhiều tỉnh miền Tây 'bật đèn đỏ' với sữa

Báo Thanh niên đưa tin, sáng 20/7 vừa qua, anh P.T.S, nhân viên giao hàng thuộc nhà phân phối sữa NutiFood tỉnh An Giang di chuyển bằng xe máy tới kho hàng tại huyện Tân Châu để chấm công và ứng hàng. Trên đường quay trở về shop tại huyện Phú Tân (cách kho hàng khoảng 28 km), anh S. bị công an huyện giữ lại kiểm tra tại chốt cách điểm bán khoảng 7 km. Tài xế dù có đầy đủ giấy xác nhận nhân viên từ công ty, giấy xác nhận tiêm vắc xin, kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 nhưng vẫn không thể di chuyển qua các chốt kiểm dịch mà yêu cầu phải có giấy thông hành, xác nhận từ chủ tịch UBND phường, xã.... Anh S. vẫn bị lập biên bản, giữ giấy chứng minh nhân dân và yêu cầu quay đầu xe trở về nhà.

Trong biên bản, Công an huyện Phú Tân ghi hành vi phạm của anh P.T.S là "không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ sở y tế (ra ngoài khi không cần thiết)".

"Các anh công an nói không phải việc cần thiết nên tốt nhất không đi ra đường. Mấy thùng sữa giờ đang ở nhà chờ, chưa giao được tới khách" - anh S. kể.

Ông Nguyễn Thành Nguyên, Giám đốc bán hàng khu vực Mê Kông của NutiFood xác nhận trường hợp nhân viên là anh P.T.S bị lập biên bản trong quá trình giao nhận hàng. Theo ông Nguyên, từ sau khi các tỉnh, thành miền Tây áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, việc vận chuyển sữa của công ty gần như phải ngưng toàn bộ.

"Các chốt kiểm dịch tại 7 tỉnh miền Tây hiện đều như vậy. Một số khu vực, lực lượng công an thậm chí không cần kiểm tra giấy tờ, không yêu cầu thêm thủ tục gì, cứ thấy xe hàng là không cho đi qua. Gần 100 nhân viên của chúng tôi hiện có đầy đủ thủ tục cũng không di chuyển được, hàng hóa nằm kho bất động" - vị này phản ánh.

"Việc vận chuyển sữa gần như bế tắc. Các nhà phân phối tại Đồng Tháp hiện đã đóng băng, tê liệt. Hôm qua, khu vực nhà phân phối của chúng tôi tại Sa Đéc phải thuê dịch vụ test nhanh tới tận nơi để xét nghiệm cho nhân viên nhưng quá trình di chuyển vẫn rất khó khăn. Tài xế bị yêu cầu phải lên huyện, quận xin giấy xác nhận thông hành mới được qua chốt, nếu không sẽ bị phạt", ông Phạm Quang Khải, Giám đốc bán hàng khu vực Mê Kông của NutiFood nói.

Sữa có phải hàng thiết yếu?

Hiện tại, đồ uống, sữa... không được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu nên không được chuyển đến đại lý, trong khi có thời hạn sử dụng ngắn. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, hàng hóa không được lưu thông sẽ hết hạn sử dụng, doanh nghiệp thiệt hại nặng.

Theo Tuổi trẻ, tại buổi làm việc trực tuyến giữa Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) với 11 hiệp hội các ngành hàng công nghiệp trong ngày 22/7 vừa qua, nhiều hiệp hội ngành hàng cho biết vấn đề này đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời điểm dịch COVID-19 rất căng thẳng hiện nay là sự thiếu đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương.

Đơn cử mặt hàng sữa được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu ở tỉnh này, nhưng không thuộc nhóm hàng hóa thiết yếu ở tỉnh khác nên các doanh nghiệp sữa cũng không thể giao hàng đến đại lý.

Với các doanh nghiệp xuất khẩu, các hiệp hội ngành hàng cho hay thủ tục khai báo hải quan và tình hình tắc nghẽn tại các cảng biển là những điểm nghẽn cần được giải quyết cả trong ngắn hạn và dài hạn. Một số doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải đưa hàng ra phao số không để đưa hàng lên tàu, thay vì tại cảng do không kịp tiến độ giao hàng.

Sự ngăn cách, kiểm soát chặt chẽ giữa các tỉnh, và những quy định không đồng nhất của cơ quan hải quan càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm đòi hỏi điều kiện bảo quản khắt khe, thời hạn sử dụng ngắn…

Bên cạnh đó, các hiệp hội ngành hàng đề nghị Bộ Công thương bổ sung các mặt hàng thực phẩm kể cả đồ uống, sữa… và các nguyên liệu, dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa…) phục vụ sản xuất kinh doanh trong ngành chế biến chế tạo là các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu phục vụ tiêu dùng, sản xuất nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và cho quá trình lưu thông hàng hóa. Đồng thời, áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh, cho phép doanh nghiệp có thể làm thêm nhiều hơn quy định trong tháng nhưng vẫn đảm bảo không quá tổng thời gian làm thêm trong cả năm cho kịp tiến độ giao hàng.

Đồng thời các địa phương nên trao đổi với các hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn và thống nhất các quy định giữa các địa phương nhằm tránh tình trạng "cát cứ", gây ách tắc lưu thông hàng hóa, gián đoạn chuỗi sản xuất.

Ngọc Minh



BÀI CHỌN LỌC

Sữa có phải hàng thiết yếu? Xe đến cửa thành phố phải quay đầu