Sự tương đồng kinh ngạc giữa Huarong Trung Quốc và Lehman Brothers của Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có một sự tương đồng thú vị của hai định chế tài chính này: Thứ nhất, họ đều thiện nghệ trong việc đóng gói nợ xấu, nợ dưới chuẩn, khoác thêm áo mới rồi bán lại với giá hấp dẫn trên hệ thống tài chính. Thứ hai, cả hai định chế đều rất lớn và uy tín. Thứ ba, chẳng ai biết nhiều về sự mục ruỗng của các ông lớn này cho tới khi nó sụp đổ…

Câu hỏi thú vị giờ này là nếu sự sụp đổ của Lehman Brothers đã kích hoạt một cuộc khủng hoảng toàn cầu, thì hậu quả sự sụp đổ của Huarong Trung Quốc sẽ là gì?

Trong những ngày này, thị trường tài chính của Trung Quốc và thế giới nóng lên trước nghi ngờ và các nguồn tin nội bộ từ Trung Quốc về sự sụp đổ của công ty xử lý nợ quốc gia Trung Quốc China Huarong, một trong bốn công ty nhà nước xử lý nợ xấu lớn nhất Trung Quốc. Sự sụp đổ của China Huarong khiến các trái phiếu của công ty này (được đảm bảo bằng tài sản là nợ xấu mà nó ôm) trở thành trái phiếu rác (theo đánh giá của Bloomberg), hoảng sợ đã lan sang thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường nợ và vốn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các chuyên gia giàu kinh nghiệm đánh giá rằng sự sụp đổ và quy mô sụp đổ của China Huarong là lớn chưa từng có trên thị trường tài chính Châu Á. Điều này khiến giới tài chính liên tưởng tới vụ sụp đổ của Lehman Brother hồi tháng 10 năm 2008 tại Mỹ, vụ phá sản đã tạo ra cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất toàn cầu ngay sau đó.

Dù Huarong Trung Quốc có xuất phát điểm và hoạt động ở thể chế tài chính hoàn toàn khác với Lehman Brothers, nhưng lại có sự tương đồng đáng kinh ngạc trong hoạt động và cách thức mà nó sụp đổ.

Cả hai đều phù thuỷ phù phép nợ xấu, nợ dưới chuẩn thành sản phẩm tài chính đắt giá

Huarong China được Bắc Kinh thành lập năm 1999 để ôm lại khối nợ xấu do khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997. Cũng giống như Công ty quản lý nợ Việt Nam (VAMC) được ra đời sau cuộc khủng hoảng 2008/09 để mua lại nợ xấu đang dồn tích như cục máu đông tại các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước. Bản chất là Nhà nước bỏ tiền thu thuế của dân mua lại nợ xấu (còn gọi là tài sản xấu, mất khả năng thu hồi vốn) để tách khối nợ xấu khỏi bảng cân đối kế toán của các NHTM, công ty quản lý nợ sẽ ôm khối nợ xấu đó rồi loay hoay tìm cách thanh lý tài sản lấy lại tiền. Về cơ bản, China Huarong hay VAMC của Việt Nam đều ôm cây đợi thỏ, chờ cho giá tài sản đảm bảo tăng trở lại hoặc các con nợ có sức trả nợ trở lại thì bán tài sản, đòi nợ.

Sau 10 năm, VAMC của Việt Nam hiện vẫn ôm một khối nợ lớn không thể xử lý. Chủ yếu là các NHTM trích tiền từ quỹ trích lập dự phòng trả dần cho khoản nợ mà VAMC ‘ôm giúp họ’ trước đó. Bản thân VAMC nên được xem như một “ngân hàng xấu ở Việt Nam và China Huarong cũng như thế ở Trung Quốc".

China Huarong chỉ là một kho lưu trữ an toàn cho hàng tỷ USD nợ xấu của các ngân hàng, doanh nghiệp xấu của Trung Quốc mà thôi. Cùng với ba ngân hàng xấu khác của Trung Quốc, Huarong đã hoán đổi các khoản nợ quá hạn lấy cổ phần tại hàng trăm doanh nghiệp nhà nước và trong quá trình này, dòng tiền từ Huarong đã vực dậy các doanh nghiệp xác sống khổng lồ của Trung Quốc khi đó như Tập đoàn Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc.

Sau đó, China Huarong đóng gói tất cả các khoản nợ xấu, cổ phần của công ty xác sống Trung Quốc thành một khối tài sản thống nhất, cổ phần hoá khối tài sản này và bán nó ra cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Hồng Kông năm 2015. Lần IPO đầu tiên tại Hồng Kông, Huarong đã bán được 2,4 tỷ USD tài sản xấu này cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có các tên tuổi như Goldman Sach, Blackrock, Quỹ đầu tư nhà nước của Malaysia,... Cho đến nay, cổ phiếu của Huarong đã giảm 67% kể từ khi niêm yết (theo Bloomberg).

Không chỉ vài chục tỷ USD cổ phiếu sắp thành rác, cho tới nay Huarong đang nợ 23,2 tỷ USD trái phiếu trên khắp các thị trường chứng khoán Hồng Kông, New York đến London. Số phận của 23,2 tỷ USD trái phiếu này đang lơ lửng trên đầu các nhà đầu tư mạo hiểm, vì khả năng biến tiền chết (từ nợ xấu và cổ phần của doanh nghiệp xác sống) thành tiền sống để trả nợ là hết sức khó khăn, đặc biệt sau một thời gian dài dòng tiền đổ vào quá lớn trong khi thông tin không minh bạch khiến Huarong bị tham nhũng, đầu tư tài chính ngoài ngành ồ ạt… Tất cả các nhà đầu tư đều hy vọng chính quyền Trung Quốc sẽ ra tay bảo lãnh cho khoản nợ này. Nhưng nếu Bắc Kinh từ chối chi trả thay Huarong khoản nợ này, rất có thể Huarong sẽ là biểu tượng Lehman Brothers của Trung Quốc. Và chúng ta sẽ phải nhắc tới cái tên này rất nhiều năm sau đó, đưa nó vào sách giáo khoa giảng về nguồn cơn các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, giống như cách mà Lehman Brothers được nhắc tới hiện nay.

Cũng giống như China Huarong, Lehman Brothers là bậc thầy phù thuỷ phù phép các khoản nợ có đảm bảo nhà ở dưới chuẩn thành các sản phẩm tài chính có bề ngoài lộng lẫy và đắt giá, sau đó bán nó trên thị trường tài chính Mỹ và toàn cầu.

Cũng giống như Huarong China, Lehman Brothers là bậc thầy phù thuỷ phù phép các khoản nợ có đảm bảo nhà ở dưới chuẩn thành các sản phẩm tài chính có bề ngoài lộng lẫy và đắt giá, sau đó bán nó trên thị trường tài chính Mỹ và toàn cầu. (Ảnh: Kiwipedia)
Cũng giống như China Huarong, Lehman Brothers là bậc thầy phù thuỷ phù phép các khoản nợ có đảm bảo nhà ở dưới chuẩn thành các sản phẩm tài chính có bề ngoài lộng lẫy và đắt giá, sau đó bán nó trên thị trường tài chính Mỹ và toàn cầu.

Các khoản vay mua nhà dưới chuẩn của người Mỹ bùng phát mạnh do chính sách tiền tệ quá rẻ (lãi suất cực thấp) thổi bong bóng giá nhà đất ở Mỹ và chuẩn mực tín dụng dễ dãi bắt đầu để lại hậu quả. Khi người mua nhà không có khả năng trả nợ, xếp hạng tín nhiệm cho các khoản nợ này cực thấp. Tuy nhiên, Lehman Brothers đã trộn tất cả các khoản tín dụng này thành một khối, rồi chia nhỏ khối đó ra thành các chứng khoán hóa khoản vay có tài sản đảm bảo (gọi tắt là CDO). Lúc này, CDO với chiếc áo khoác mới, mất hẳn dấu tích ‘nợ dưới chuẩn’ tồi tệ, lại được xếp hạng lại lần nữa. Sự lừa đảo chính là ở đây, lần xếp hạng tín nhiệm này của CDO lại không dựa vào khả năng trả nợ của người đi vay, mà dựa vào uy tín của Lehman Brothers.

Cũng giống hệt như trường hợp của China Huarong, các nhà đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu của Huarong China cũng như CDO của Lehman Brothers hoàn toàn quên mất khả năng trả nợ của người vay, mà chỉ nhìn vào uy tín chính trị của China Huarong hay uy tín thị trường được xếp hạng không đáng tin cậy của Lehman Brothers, ngân hàng đã có lịch sử tồn tại hơn 150 năm trên thị trường tài chính khốc liệt nhất thế giới, New York.

Cứ như thế, nợ xấu của Lehman Brothers và của các ông lớn Phố Wall khác cũng bắt chước Lehman Brothers, bắt đầu đầu lan toả khắp mọi ngóc ngách của thị trường tài chính Mỹ và toàn cầu.

Và giờ thì khối nợ xấu của China Huarong cũng đã lan tỏa khắp thị trường tài chính Trung Quốc và toàn cầu, giống hệt như cách mà Lehman Brother đã gây ra, chỉ là bối cảnh khác đi và tên gọi của sản phẩm tài chính khác đi mà thôi.

Uy tín của China Huarong được đảm bảo bởi chính quyền ĐCSTQ còn của Lehman Brothers được đảm bảo bằng các ông lớn xếp hạng tín nhiệm Phố Wall

Chúng ta có thể đặt ra câu hỏi: Tại sao các nhà đầu tư lại ngốc nghếch đến mức bỏ tiền vào khối tài sản xấu, vốn không thể thu hồi nợ, rủi ro cao nhất thị trường tài chính với giá đắt đỏ như thế?

Các nhà đầu tư không ngốc, họ chỉ tham lam với hy vọng mình không phải là “kẻ đổ rác” cuối cùng trên thị trường mà thôi.

Thêm vào đó, China Huarong hay Lehman Brothers sẽ không thể bán các sản phẩm tài chính xấu như vậy trên thị trường dù tay nghề phù thuỷ của họ có giỏi cỡ nào nếu không có sự hậu thuẫn khổng lồ từ chính quyền chuyên chế tại Bắc Kinh (với trường hợp của Huarong) hay sự hậu thuẫn của ba hãng xếp hạng tín nhiệm độc quyền toàn cầu của Phố Wall (trường hợp của Lehman Brothers).

Trong trường hợp của China Huarong, hoạt động đầu tư, tham nhũng của công ty vô cùng tồi tệ nhưng các nhà đầu tư không nhìn vào đó, thứ họ tin tưởng là các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc sẽ được thanh toán bởi chính quyền Bắc Kinh đang dư giả tiền.

Các nhà đầu tư quên mất rằng trong một thể chế chuyên chế thì các cơ quan của thể chế đó cũng chuyên chế, tham nhũng và thiếu minh bạch như thế. Theo phóng sự của Bloomberg ngày 15/4 vừa qua, tất cả việc phê duyệt các khoản vay, đầu tư của China Huarong dưới thời cựu chủ tịch Lai Xiaomi (người đã bị xử tử 11 tuần trước) đều không qua giám sát của bất kỳ cái gì gọi là Hội đồng tín dụng, Uỷ ban quản lý rủi ro hay Hội đồng quản trị, mà tất cả hoạt động từ quyết định cá nhân của ông Lai.

Theo một giám đốc ngân hàng nhà nước Trung Quốc chia sẻ với Bloomberg, tiền của China Huarong, sau khi huy động được khoản quá lớn trên thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế, cũng chảy vào các dự án giả, được ngụy trang là xây dựng đường xá, bến tàu, cảng, sáng kiến Vành đai - Con đường, cuối cùng chui phần lớn vào túi của nhà độc tài tại Huarong. Theo cáo trạng của Toà án Trung Quốc vào tháng 1/2021, ông Lai đã nhận hối lộ 277,3 triệu USD Mỹ. Minh bạch thông tin và bảo vệ nhà đầu tư tại một nền kinh tế chuyên chế như Trung Quốc luôn rất xa xỉ.

Theo Bloomberg, cho đến nay, các nhà chức trách Trung Quốc chưa đưa ra bất kỳ một bình luận, một thông tin gì về sự sụp đổ và các đồn đãi quanh China Huarong, lại càng không đưa ra kế hoạch cụ thể gì về việc có bảo lãnh hay không cho khoản nợ 23,2 tỷ USD trái phiếu của Huarong trên thị trường tài chính quốc tế.

Ngạc nhiên là Lehman Brothers đổ vỡ giống hệt cách mà China Huarong đang gặp phải dù định chế khổng lồ này hoạt động trong một thể chế không chuyên chế, nơi minh bạch thông tin và bảo vệ người gửi tiền, nhà đầu tư tốt nhất toàn cầu. Câu hỏi là tại sao?

Câu trả lời là vì 03 hãng xếp hạng tín nhiệm của Mỹ (hậu thuẫn bởi các tỷ phú, gia tộc giàu có Phố Wall), kể từ năm 1975, đã được độc quyền xếp hạng tín nhiệm thị trường nợ tại Mỹ và toàn cầu. Không chỉ vậy, các hãng xếp hạng tín nhiệm còn nhận tiền của các định chế phát hành nợ (như Lehman Brothers) để xếp hạng cho nợ mà các định chế này sẽ bán ra trên thị trường. Để bảo vệ doanh thu và cạnh tranh giữa 03 ông lớn, các hãng xếp hạng tín nhiệm đã xếp hạng rất cao cho những kẻ trả nhiều tiền. Thêm vào đó, do quyền lực độc quyền và miễn trừ trách nhiệm được quy định bởi luật pháp, các hãng này cũng không lo lắng bị phá sản hay phải chịu bồi thường khi xếp hạng tín nhiệm phi đạo đức để kiếm tiền.

Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P đã xếp hạng tín nhiệm loại AAA (mức xếp hạng tín nhiệm tốt nhất hiện có) cho phần lớn các khoản vay rủi ro nhất trên thị trường nợ có thế chấp vào năm 2007.

Lehman Brothers đã được đảm bảo bởi các con sói Phố Wall, vốn là những những kẻ lũng đoạn thị trường nợ của Mỹ và toàn cầu, và tạo ra khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử. Cũng như vậy China Huarong đang được đảm bảo bởi chính quyền chuyên chế nhất, đáng ngờ nhất lịch sử loài người hiện đại. Liệu có vì vậy mà China Huarong sẽ lặp lại con đường mà Lehman Brothers đã đi?

Không ai biết gì về tình trạng mục ruỗng của các phù thuỷ nợ xấu này cho tới khi nó sụp đổ

Không ai biết gì về thực trạng của Lehman Brothers cho tới khi hãng này tuyên bố phá sản. Lúc này, truyền thông khắp nước Mỹ như thể bị bỏ bom trước sự kiện Lehman Brothers.

Cũng như vậy với China Huarong. Sức sống và các kế hoạch huy động vốn to lớn của nó trên thị trường chứng khoán là tất cả những gì mà các nhà phân tích và truyền thông đưa tin.

Điều này cũng dễ hiểu với China Huarong khi Trung Quốc là nơi nổi tiếng với kiểm duyệt thông tin, dù là thông tin gì. Một định chế tài chính lớn và quan trọng với hệ thống như China Huarong càng được truyền thông kiểm duyệt tịn kỹ càng. Nó có quyền lực của chính quyền Bắc Kinh trao cho (theo cách nào đó) với giới truyền thông.

Nhưng với Lehman Brothers thì sao? Tại sao các nhà phân tích tài chính, các nhà bình luận sắc sảo của Phố Wall lại không hề biết gì về hiện trạng hoặc có cảnh báo rủi ro cho nhà đầu tư vào các sản phẩm CDO đầy rủi ro?

Câu chuyện Gamestops gần đây cho thấy các con sói Phố Wall đã sở hữu toàn bộ truyền thông nước Mỹ. Với công cụ truyền thông, các con sói Phố Wall khi đã đặt cược vào sự đi xuống của một doanh nghiệp cụ thể, như trường hợp này là Gamestop, thì truyền thông sẽ được chỉ định để ra hàng loạt tin bài tiêu cực về Gamestop. Các nhà đầu tư nhỏ hoảng loạn bán tháo, giá cổ phiếu sẽ đi xuống và các kẻ bán khống - chính là ông lớn Phố Wall - sẽ kiếm bộn tiền bất chấp sự phá sản (có thể đã không xảy ra) tại một công ty như Gamestop.

Nhìn lại Gamestop có thể thấy nếu đằng sau các hãng xếp hạng tín nhiệm là ông lớn Phố Wall, kẻ cho vay, bán nợ xấu cũng là các con sói Phố Wall, thì tại sao truyền thông (được các con sói Phố Wall sở hữu và thao túng) lại dám báo cáo sự thật và dám đưa ra phân tích cảnh báo về sự liêm chính của người chơi và thị trường?

Hai nền kinh tế, hai thị trường tài chính, hai thể chế khác biệt và hai câu chuyện tương đồng. Nguyên nhân đến từ gốc rễ của xung đột lợi ích bị vi phạm trầm trọng, bị thâu tóm và bị lờ đi bởi các quyền lực khổng lồ; với China Huarong là chính quyền Bắc Kinh, với Lehman Brothers là các con sói Phố Wall.

Cả hai trường hợp, chỉ có các nhà đầu tư nhỏ là nạn nhân. Và tất cả chúng ta, những người bình thường, có thu nhập trung bình hoặc thấp, sẽ nghèo đi, sẽ thất nghiệp khi các cuộc khủng hoảng như vậy xảy ra.

Hữu Nguyên

NGUỒN TIN THAM KHẢO

  1. Kedia, Simi & Rajgopal, Shivaram & Zhou, Xing (Alex), 2017. "Large shareholders and credit ratings," Journal of Financial Economics, Elsevier, vol. 124(3), pages 632-653.
  2. "Thought Leadership – Overview – S&P Dow Jones Indices". us.spindices.com. Archived from the original on May 27, 2017. Retrieved May 29, 2017.
  3. "Thought Leadership – Overview – S&P Dow Jones Indices". us.spindices.com. Archived from the original on May 27, 2017. Retrieved May 29, 2017.
  4. https://www.ntdvn.net/cong-ty-xu-ly-no-xau-lon-nhat-do-vo-gay-hoang-loan-tren-thi-truong-tai-chinh-trung-quoc-167821.html



BÀI CHỌN LỌC

Sự tương đồng kinh ngạc giữa Huarong Trung Quốc và Lehman Brothers của Mỹ