Sự thịnh vượng của Đài Loan cho thấy nghèo đói ở Cuba là kết quả của thể chế, không phải do cấm vận

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có một sự tương đồng rất lớn giữa nền kinh tế của Cuba và Đài Loan. Cả hai nền kinh tế đều bắt đầu từ những năm 70 với xuất phát điểm tương tự nhau, nhưng ngày nay GDP của hòn đảo Caribe này lại ít hơn Đài Loan đến năm lần. Và các câu chuyện về thiếu lương thực và nghèo đói không được báo cáo ở Đài Loan, trong khi ở Cuba lại khá thường xuyên.

Trong nhiều thập kỷ, chính quyền Cuba đã đổ lỗi cho Hoa Kỳ về sự khốn khó và nghèo đói của họ, ám chỉ đến “sự phong tỏa” mà Hoa Kỳ duy trì đối với Cuba. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa ấy trên thực tế là một lệnh cấm vận thương mại. Lệnh này chỉ khiến người dân và các công ty trong một số lĩnh vực nhất định ở Hoa Kỳ không thể hợp tác kinh doanh với Cuba, phần còn lại của thế giới vẫn có thể tự do buôn bán với hòn đảo này.

Thậm chí Hoa Kỳ hàng năm vẫn xuất khẩu khoảng 277 triệu USD hàng hóa sang Cuba bất chấp lệnh cấm vận thương mại, phần lớn trong số hàng xuất khẩu này là thực phẩm.

Ở Cuba, một chế độ chuyên chế đã cầm quyền hơn 60 năm mà không có bất kỳ hình thức luân phiên, bầu cử, hay các quyền tự do cơ bản nào; cả thế giới đều nhận thấy các nhà cầm quyền cộng sản ở Cuba có mặt trong tất cả các tổ chức quốc tế đa phương, và tổ chức chính là Liên hợp quốc.

Đài Loan có những đặc điểm rất giống với Cuba, vì nơi đây cũng là một hòn đảo gần với cường quốc thứ hai thế giới (về độ lớn) và là đối thủ chính trị lớn nhất của họ: Trung Quốc. Đài Loan cũng bị người khổng lồ châu Á phong tỏa hoàn toàn, từ kinh tế, chính trị đến ngoại giao kể từ khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo này.

Đài Loan chỉ được công nhận bởi một chục quốc gia trên thế giới, quốc đảo này cũng không có đại diện tại Liên hợp quốc và tên chính thức của nó thậm chí không thể được phát âm tại bất kỳ sự kiện quốc tế nào như tại Thế vận hội Olympic, Đại hội đồng Liên hợp quốc, hoặc thậm chí bởi các đại sứ quán của hầu hết các quốc gia trên thế giới — bao gồm cả Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, bất chấp tất cả những khó khăn đó, ngày nay nền kinh tế Đài Loan là một trong những nền kinh tế quan trọng nhất trên thế giới, với tỷ lệ nghèo đói là 0,7%, trái ngược với Cuba, một trong những nền kinh tế suy thoái nhất hành tinh và 90% dân số sống trong cảnh nghèo đói. Sự khác biệt giữa hai hòn đảo là gì? Chính là mô hình kinh tế và chính trị mà họ đã áp dụng ở quốc gia của họ.

Hai quần đảo có lịch sử và xuất phát điểm tương tự

Cuba và Đài Loan, mặc dù nằm ở hai cực khác nhau của trái đất, nhưng lại có những đặc điểm rất giống nhau, điểm giống nhất ở họ là chỉ cách 2 siêu cường của thế giới chưa đầy 200 km – lần lượt là Hoa Kỳ và Trung Quốc - và chịu các lệnh cấm vận thương mại hoặc phong tỏa chính trị của các siêu cường láng giềng; mặt khác, Cuba có hơn 11,3 triệu dân - vài triệu người khác đã bỏ trốn khỏi đất nước, trong khi Đài Loan có 23,5 triệu dân, không có báo cáo nào về việc người Đài Loan phải bỏ trốn khỏi đất nước của họ (thực tế, nhiều người Việt Nam đã bỏ trốn tới Đài Loan). Về diện tích, Cuba lớn hơn Đài Loan gấp 3 lần.

Tuy có những điểm tương đồng, cả hai quốc gia hiện đang có khoảng cách rất xa về sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và công nghệ, cũng như các quyền tự do và dân chủ cá nhân. Ngày nay, nền kinh tế Đài Loan lớn gấp 5 lần Cuba, nhưng 50 năm trước mọi thứ không quá khác biệt, vào những năm 1970, GDP của cả 2 nước tương đương nhau và ngành công nghiệp lớn nhất của cả 2 đều là nông nghiệp.

Đài Loan: Chủ nghĩa tư bản bảo vệ quyền tài sản, tự do; nền kinh tế vận hành trong sự tôn trọng quy luật thị trường

Cuộc cách mạng văn hóa ở Trung Quốc của Mao Trạch Đông đã gây ra cái chết cho ít nhất 30 triệu người vì nạn đói, đã 'soi sáng' con đường cho các chính phủ trong khu vực, những nước nhanh chóng hiểu rằng mô hình đặt Nhà nước thâu tóm tất cả của cải quốc gia, kiểm soát và điều tiết toàn bộ các phương tiện sản xuất là thất bại, sẽ làm cho tất cả dân chúng dễ bị tổn thương và khốn khổ hơn.

Thành phố Cao Hùng, Đài Loan. (Ảnh: Flickr)
Thành phố Cao Hùng, Đài Loan. (Ảnh: Flickr)

Sau đó, các nước láng giềng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bắt đầu một loạt các cải cách kinh tế và chính trị làm thay đổi mạnh mẽ chất lượng cuộc sống cư dân của họ; Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và tất nhiên, Đài Loan, đã bắt đầu mở cửa thị trường, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân và chuyển đổi chế độ độc tài của họ thành các quốc gia có thể chế dân chủ, và từng chút một, mặt trời bắt đầu chiếu sáng cho cái gọi là những con hổ châu Á .

Bất chấp những hạn chế về lãnh thổ và sự phong tỏa chính trị của Trung Quốc đối với hòn đảo này, thể chế có tính dung nạp và tôn trọng quy luật thị trường của Đài Loan đã mở đường cho sản xuất công nghệ nhằm cung cấp cho thị trường thế giới các sản phẩm đang thiếu hụt nghiêm trọng. Các doanh nhân Đài Loan bắt đầu tập trung sản xuất chất bán dẫn, loại vi mạch mà ngày nay chúng ta có thể tìm thấy trong tất cả các thiết bị điện trên thế giới, từ máy tính đến điện thoại thông minh và thậm chí cả ô tô. Từng chút một, hòn đảo nghèo trước đây trở thành một quốc gia giàu có và phát triển.

Hiện tại, Đài Loan có nền kinh tế tự do thứ 6 theo Chỉ số Tự do Kinh tế, Singapore là quốc gia đầu tiên trong lĩnh vực này, trong khi Malaysia đứng thứ 22 và Hàn Quốc đứng thứ 24.

Trong một bài báo được công bố bởi đại sứ quán Đài Loan tại Mexico, các nhà chức trách tuyên bố rằng: “Nhờ các chính sách của chính phủ, Đài Loan đã bắt đầu phát triển thương mại nhanh chóng và vượt trội, trở thành một nền kinh tế công nghiệp ổn định. Ngày nay nó là nền kinh tế lớn thứ 22 trên thế giới. Điều này cho phép nước này thiết lập quan hệ với các quốc gia đang tìm kiếm mối quan hệ thương mại tốt đẹp".

Trong cùng một đoạn thời gian ngắn, họ giải thích quá trình chuyển đổi xảy ra ở Đài Bắc:

“Mặc dù khởi đầu là một chế độ độc tài quân sự độc đảng, trong những năm 1990, nước này bắt đầu một quá trình dân chủ hóa mà ngày nay họ đã trở thành một trong những quốc gia tự do nhất trên thế giới, với tỷ lệ cao về tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, dịch vụ y tế, giáo dục công cộng, tự do kinh tế và phát triển con người. Đó là lý do tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) coi Đài Loan, và sự công nhận của quốc tế, là mối đe dọa hiện hữu. Sự tương phản là rõ rệt. Dân chủ không chỉ được chứng minh rằng nó có thể hoạt động mà còn mang lại sự thịnh vượng, sáng tạo, và tăng trưởng bền vững. Người Đài Loan có chất lượng cuộc sống và cơ hội phát triển bản thân tốt hơn so với người Trung Quốc ở đại lục. Và tất cả những điều trong khuôn khổ các quyền tự do này là không thể có ở Trung Quốc - một thể chế bị kiểm soát bởi ĐCSTQ hà khắc nhất hành tinh, nơi luôn kiểm soát và đàn áp dã man tự do tín ngưỡng cùng bất đồng chính kiến. ĐCSTQ ngày càng thắt chặt sự kiểm soát lên mọi mặt của đất nước”.

Cuba: chủ nghĩa xã hội, không có dân chủ, không có kinh tế thị trường, và chính quyền thâu tóm mọi của cải, tư tưởng, bóp nghẹt tự do

Phía bên kia địa cầu, ở Cuba, họ quyết định không nghe, không thấy, không nhìn vào kết quả của cuộc cách mạng văn hóa diễn ra ở Trung Quốc cũng như nguyên nhân dẫn đến sự thất bại kinh tế và sụp đổ của Liên Xô. Trong khi Đài Loan phát triển theo mô hình tư bản chủ nghĩa, Cuba vẫn bị neo trong những giáo điều cách mạng cũ của Fidel Castro, người không cố gắng thay đổi, ông ta đã tìm cách mở rộng chế độ nghèo khó của mình ở phần còn lại của lục địa, đạt được điều đó một cách khá thành công so với những nước như Venezuela và Nicaragua.

Hàng trăm người đã xuống đường biểu tình tại một số địa điểm ở Cuba hôm Chủ nhật 11/7 để yêu cầu chấm dứt chế độ độc tài khi hòn đảo này phải vật lộn với tình trạng thiếu lương thực và số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến. (Ảnh: Facebook)

Cách mạng Cuba giành chính quyền trên hòn đảo này vào năm 1959 là bằng vũ lực, và bởi thế vũ lực đã trở thành nền tảng để chính quyền duy trì quyền thống trị. Với những khẩu hiệu phổ biến như phân phối lại của cải, được cho là lấy của người giàu viện trợ cho người nghèo theo hình thức chủ nghĩa xã hội, Fidel Castro bắt đầu chiếm đoạt đất đai và các công ty tư nhân do nhà nước quản lý, và trong một thời gian ngắn, Cuba, từng là một trong những nước sản xuất và những nước xuất khẩu đường lớn nhất trên thế giới, nhận thấy rằng mình thậm chí không thể sản xuất đường cho tiêu dùng nội bộ và phải nhập khẩu.

Trong nhiều thập kỷ, cuộc cách mạng Cuba đã có thể nắm quyền lực nhờ vào nguồn tài chính do Liên Xô cung cấp với mục đích làm gia tăng các kẻ thù ý thức hệ ở sân sau của Hoa Kỳ. Sau khi Liên Xô sụp đổ, vào những năm 90, Cuba đã trải qua một trong những thập kỷ tồi tệ nhất trong lịch sử của mình. Mô hình chính trị của Fidel Castro đưa Hugo Chavez lên nắm quyền ở Venezuela, và kể từ đó Venezuela bắt đầu lụi tàn, dù đây là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất và thành công nhất về xuất khẩu dầu mỏ. Ngày nay, Venezuela đã bị huỷ hoại hoàn toàn, từ một quốc gia giàu có thứ 2 ở Mỹ La Tinh, người dân Venezuela hiện không đủ ăn, lạm phát hàng ngàn phần trăm, nền kinh tế thiếu thốn mọi thứ trừ bạo lực.

Cũng như thế với Cuba, đất nước này triền miên rơi vào các cuộc khủng hoảng lương thực, hàng triệu công nhân nghèo cùng cực. Cuộc nổi dậy chưa từng có của người người Cuba gần đây, như mọi khi, đã bị nhấn chìm trong vũ lực.

Khẩu hiệu bình đẳng và vì người nghèo luôn được các thể chế như Cuba, Venezuela, và Trung Quốc giương cao. Tuy nhiên, người nghèo càng nghèo hơn, cùng cực hơn khi họ thực thi chính sách xã hội chủ nghĩa ở những nơi này.

Cuba và Đài Loan bắt đầu thập kỷ 70 với nền kinh tế tương tự nhau, nhưng ngày nay GDP của hòn đảo Caribe thấp hơn Đài Loan 5 lần, và 90% dân số sống trong cảnh nghèo đói, trong khi chỉ 0,7% dân số ở quốc đảo châu Á bị đói nghèo.

Đây chắc chắn không phải là lỗi của cấm vận, mà là lỗi của hệ tư tưởng và thể chế cầm quyền.

Thuỷ Tiên

Theo Fee Organization



BÀI CHỌN LỌC

Sự thịnh vượng của Đài Loan cho thấy nghèo đói ở Cuba là kết quả của thể chế, không phải do cấm vận