Sự phục hồi của Trung Quốc sau dịch COVID-19: những mảng tối sáng đan xen

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những dự đoán về “Khoảnh khắc Chernobyl” đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐSCTQ) vào đầu năm 2020 đã được chứng minh là không chính xác. Nhìn chung, nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi tốt sau đại dịch COVID-19 và sự ổn định chính trị đã được duy trì. Tuy nhiên, các lĩnh vực mục tiêu chính của cải cách kinh tế, bao gồm tiêu dùng, chi tiêu xã hội, bất bình đẳng thu nhập và nợ công vẫn là những mối quan tâm hàng đầu khi nhắc đến quốc gia này, một số mục tiêu thậm chí đã bị thụt lùi trong năm 2020.

Tăng trưởng năng suất đặc biệt quan trọng đối với triển vọng kinh tế của Trung Quốc. Một số bước trong mục tiêu này có vẻ như đã hoàn thành xong . Nhưng để phát triển kinh tế bền vững lâu dài thì cần phải cải cách sâu hơn, mà điều này, hiện tại, dường như sẽ không xảy ra.

Trong 3 tháng đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, chính phủ Trung Quốc đã ngăn chặn toàn bộ thông tin và các cuộc thảo luận liên quan đến chủ đề này. Sau khi thừa nhận virus đã lây lan trên diện rộng vào cuối tháng 1 năm 2020, nước này đã áp dụng các biện pháp phong tỏa hà khắc, một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ có một 'thời khắc Chernobyl': Nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái lần đầu tiên kể từ năm cuối của Cách mạng Văn hóa năm 1976. Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất đối với chức vụ của ông này kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, gây nguy hiểm cho cả quyền lực và Tham vọng lãnh đạo toàn cầu của Trung Quốc. Tuy nhiên, phép loại suy Chernobyl đó đã tỏ ra không chính xác.

Sau quý đầu tiên nền kinh tế gần như đóng băng, Trung Quốc đã công bố rằng 3 quý còn lại tăng trưởng dương, nhờ đó nền kinh tế cuối cùng đã tăng trưởng ở mức 2,3% vào năm 2020, và là quốc gia lớn duy nhất tăng trưởng trong đại dịch. Nó cũng “sống sót” sau cuộc chiến thương mại với cựu Tổng thống Trump. ĐCSTQ đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các nước khác, chẳng hạn như Úc và Ấn Độ, cũng như các công dân của chính họ ở Hồng Kông và tỉnh Tân Cương. Bắc Kinh tuyên bố rằng họ là nhà lãnh đạo thế giới với việc cung cấp hàng hóa công toàn cầu, ví dụ như trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, y tế và bằng cách đối mặt với những thách thức quản trị toàn cầu. Ông Tập Cân Bình đã khẳng định vai trò của ĐCS không chỉ trong việc chinh phục đại dịch mà còn xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy tiến bộ công nghệ của Trung Quốc.

Đến cuối năm 2020, hiệp định thương mại Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực do Trung Quốc bảo trợ giữa 15 quốc gia Áo cuối cùng đã được ký kết. Hơn nữa, sau 7 năm đàm phán, Trung Quốc và EU đã ký Hiệp định Toàn diện về Đầu tư, đưa ra tuyên bố chính trị ngay cả khi hiệp ước tương đối nhẹ cân này không được phê chuẩn. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch vẫn đang hoành hành trên khắp thế giới và nền dân chủ Mỹ đang đấu tranh để lấy lại vị thế của mình, thì có thể hiểu được, Trung Quốc đang đòi được khẳng định vai trò của mình, và còn hơn thế nữa.

Tuy nhiên, các mảng đan xen sáng tối của câu chuyện này, mặc dù phù hợp với thông điệp của ĐCSTQ tới người dân và thế giới, thì người nghe vẫn nên xem xét một cách kỹ lưỡng. Vì thực sự cái mất vẫn nhiều hơn cái được trong bức tranh tổng thể.

Phục hồi kinh tế và sự mất cân bằng

GDP giảm 6,8% trong quý đầu tiên là điều thật sự tồi tệ, nhưng tệ hơn nữa là chỉ số này không ăn khớp với các thước đo khác, ví như sự sụt giảm hoạt động trên thực tế lớn hơn rất nhiều và tỷ lệ thất nghiệp có thể đã tăng lên 20% khi hàng chục triệu lao động nhập cư đã về nước và không thể trở lại làm việc. Theo một nghiên cứu gần đây sử dụng mô hình dựa trên các biện pháp giao thương, mức suy giảm hàng năm của GDP có thể lên tới 19%.

Dù sự thật là gì, thì Trung Quốc cũng đã thành công trong việc xoay chuyển nền kinh tế. Khi tỷ lệ lây nhiễm và tử vong giảm xuống, các biện pháp hạn chế được nới lỏng và mọi người bắt đầu tụ tập trở lại nơi công cộng. Sản xuất tăng trở lại, và dần dần, theo sau là dịch vụ khách sạn, giải trí, bán lẻ và vận tải cũng được cải thiện.

Các biện pháp hỗ trợ chính sách cũng phần nào có hiệu quả. Các cơ quan quản lý tiền tệ đã hỗ trợ thanh khoản đáng kể và cho phép tín dụng, đặc biệt là cho chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước, mở rộng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2017. Theo IMF, chính phủ đã cung cấp hỗ trợ tùy ý khoảng 4,7% GDP, ít hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển. Giống như các nước này, Trung Quốc tăng chi tiêu cho công tác phòng chống dịch bệnh, đưa ra một số chính sách cắt và giảm thuế, đồng thời khuyến khích công nghệ và số hóa các dịch vụ như dịch vụ bán lẻ và thực phẩm, giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, điểm khác là Trung Quốc hầu như ít cam kết hỗ trợ thu nhập và hỗ trợ người lao động, thay vào đó họ chọn cung cấp tài chính quy mô lớn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, và như thường lệ, cho đầu tư công và nhà ở dân cư.

Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã diễn ra theo hình chữ K, tức là một số lĩnh vực phục hồi nhanh hơn những lĩnh vực khác. Các lĩnh vực mà chính phủ đang cố gắng giảm ưu tiên, chẳng hạn như sản xuất, nhà ở và cơ sở hạ tầng, được mở rộng mạnh mẽ, nhưng những lĩnh vực mà chính phủ muốn nâng cấp, chẳng hạn như chi tiêu tiêu dùng và dịch vụ, lại bị tụt lại phía sau. Bằng chứng sơ bộ từ dữ liệu năm 2020 cho thấy tỷ trọng tiêu dùng trong GDP, vốn đã tăng nhẹ từ khoảng 38% một thập kỷ trước cho đến năm 2018, đã giảm trở lại như năm 2011.

Trong khi đó, tỷ trọng nợ phi tài chính trong GDP, mà chính phủ cũng muốn ổn định hoặc giảm bớt, đã tăng khoảng 27% điểm phần trăm lên 280% GDP. Theo đánh giá của tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp ngày càng tăng và các vấn đề nối tiếp ở nhiều ngân hàng quy mô vừa và nhỏ của Trung Quốc, các vấn đề nợ xấu và các khoản cho vay không hiệu quả hẳn đã trở nên tồi tệ hơn trong thời kỳ đại dịch và khó có thể được giải quyết trong tương lai gần.

Tuy nhiên, những thất vọng về tiêu dùng, chi tiêu xã hội, bất bình đẳng thu nhập, và nợ nần không nên được ghim vào lý do đại dịch. Nguyên nhân sâu xa có thể phức tạp hơn rất nhiều. Những vấn đề này có thể hạ nhiệt đôi chút trong những tháng đầu năm 2021 khi chu kỳ kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, nhưng điều quan trọng là phải đặt nó trong viễn cảnh. Tỷ trọng tiêu dùng chậm chạp trong GDP là do tỷ trọng tiền lương và tiền công trong GDP thấp hơn, hệ thống thuế lũy thoái, tỷ lệ thất nghiệp tiềm ẩn, bất bình đẳng thu nhập gia tăng, phân biệt đối xử với lao động nhập cư, tiết kiệm hộ gia đình cao và không có một chương trình chính sách mạnh mẽ để giải quyết những vấn đề này. Một thiếu sót rõ ràng khác trong chính sách là việc mở rộng hệ thống phúc lợi xã hội. 3,5% GDP chi cho y tế và phúc lợi có thể là quá khiêm tốn khi so sánh với mức trung bình 6% của các nền kinh tế mới nổi khác và ở các nền kinh tế thị trường phát triển khác thì tỷ lệ này còn cao hơn rất nhiều.

Hơn nữa, Trung Quốc đã ghi nhận thặng dư thương mại kỷ lục 535 tỷ USD vào năm 2020, tăng 27% so với năm 2019 và chiếm gần 4% GDP. Tuy nhiên, điều này cũng trái ngược với chiến lược của chính phủ bởi vì thặng dư thương mại tăng thực chất là do xuất khẩu tăng và nhập khẩu giảm, điều này chứng thực sự yếu kém của thu nhập và tiêu dùng của người lao động. Đến cuối năm 2020, nhập khẩu đã tăng trở lại và nếu điều này vẫn tiếp tục, Trung Quốc cuối cùng cũng có thể đóng góp một phần nào đó vào tăng trưởng toàn cầu.

Một trong những thiếu sót quan trọng nhất mà Trung Quốc cần lưu ý trong vài năm tới là sự đình trệ trong tăng trưởng năng suất. Năng suất của các yếu tố tổng hợp, thước đo chính của hiệu quả và tiến bộ kỹ thuật, hầu như không tăng kể từ năm 2010, sau khi tăng gần 3% mỗi năm trong thập kỷ rưỡi trước. Điều này là do các yếu tố trong nước và việc lựa chọn các chính sách kém phù hợp mang nặng tính quản trị độc tài và kiểm soát kể từ năm 2012.

Năm mới, sáng kiến ​​mới

Thách thức kinh tế trước mắt của ĐCSTQ là đảm bảo nền kinh tế ở trạng thái tốt nhất cho lễ kỷ niệm 100 năm vào tháng 7 tới, và sẽ là một cú sốc lớn nếu điều này không đạt được. Bất chấp các báo cáo về các đợt bùng phát COVID-19 mới ở tỉnh Hà Bắc, xung quanh Bắc Kinh và ở hai tỉnh phía đông bắc, nền kinh tế có vẻ sẽ chốt động lực vào cuối năm 2020, tận dụng các lợi thế so sánh và đăng ký tăng trưởng GDP khoảng 7% trong năm nay. Các cơ quan quản lý tiền tệ và tài khóa có thể sẽ kiềm chế một số biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ đã đưa ra vào năm ngoái khi có điều kiện.

Tuy nhiên, khi bước sang năm mới, đà tăng trưởng hàng quý có khả năng chậm lại khi một số yếu tố bất lợi có thể quay trở lại. Thậm chí, chúng có thể trở nên trầm trọng hơn do sự phát triển của khu vực nước ngoài, do xu hướng tách rời làm tăng chi phí kinh doanh và hạn chế khả năng tiếp cận các bộ phận và linh kiện chính có nguồn gốc từ nước ngoài.

Chính phủ đã quyết tâm giải quyết sự thay đổi lớn trong môi trường kinh doanh với bên ngoài bằng 'chiến lược lưu thông kép (DCS)', dự kiến ​​sẽ được nêu rõ trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-25), sắp được công bố vào mùa xuân năm 2021, cũng như trong các biện pháp chính sách khác. Được quảng bá như một giải pháp ứng phó với sự suy thoái mạnh mẽ trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc khi chúng ảnh hưởng đến thương mại, công nghệ và tài chính, DCS tìm cách phân biệt lưu thông trong nước với lưu thông quốc tế, nhằm tập trung vào kinh tế hướng nội, nhấn mạnh vào sản xuất và đổi mới trong nước; chuỗi cung ứng sản xuất, thực phẩm và dịch vụ; tiêu dùng; và khả năng tự cung cấp cao hơn về khoa học và công nghệ. Trên thực tế, nó là sự tách rời của Trung Quốc với thế giới, bao gồm cả việc thay thế nhập khẩu, bằng một cái tên khác.

DCS phần lớn vẫn mang tính chất lý thuyết, và còn phải xem các nhà chức trách có kế hoạch thực hiện như thế nào. Tuy nhiên, nó là sự lặp lại theo một hình thức mới của việc ‘tái cân bằng” cho một kỷ nguyên mới thù địch hơn với bên ngoài. Có điều, vấn đề là giống nhau, cụ thể là nó đòi hỏi một sự chuyển đổi về kinh tế, xã hội và chính trị và phân phối lại các nguồn lực lớn hơn mức mà đảng sẵn sàng thừa nhận hoặc nhượng bộ. Sự nhấn mạnh của đảng vào việc kiểm soát và duy trì sự ổn định ngăn cản phần lớn chương trình tái phân phối và cải cách. Chương trình này dự kiến ​​sẽ bao gồm các doanh nghiệp nhà nước các thể chế tài chính và chính quyền địa phương, bất bình đẳng về thu nhập và tài sản, an sinh xã hội, thị trường lao động và chuyển đổi trở lại trong các ưu đãi từ nhà nước đến doanh nghiệp tư nhân.

Kết luận

Điểm mấu chốt là thời hậu đại dịch, năng suất là khâu trung tâm và chìa khóa là cải cách. Trung Quốc đã hành động để giảm rủi ro hệ thống tài chính và cải thiện cách thức hoạt động của các ngân hàng và thị trường vốn địa phương, thu hút vốn nước ngoài, hạ thấp lằn đỏ kinh doanh và khuyến khích đổi mới. Tuy nhiên, như trên đã giải thích, có nhiều lĩnh vực cần thiết cho các mục tiêu của Trung Quốc, trong đó động lực cải cách thì lại không chỉ suy giảm mà còn bị thụt lùi.

Một hiện tượng quan trọng đáng được nhấn mạnh là sự căng thẳng giữa vai trò chính được chỉ định cho nhà nước, các thể chế nhà nước và khu vực tư nhân năng động, hiệu quả. Trong khi các hướng dẫn được đưa ra vào năm 2020 thừa nhận rằng “sự tồn tại và phát triển của khu vực tư nhân là lâu dài và không thể tránh khỏi”, họ cũng kêu gọi các doanh nhân Trung Quốc tham gia vào “mặt trận thống nhất” của đảng, ủng hộ và đồng nhất về mặt chính trị với kinh tế của đảng và các ưu tiên chính trị. Theo kinh nghiệm gần đây của Jack Ma, điều này ngụ ý rằng những người tuân thủ chính trị trong kinh doanh thì mới “được phép” phát đạt.

Trong bài phát biểu khiến ông Tập Cận Bình hủy bỏ IPO của Ant Financial, Jack Ma đã nói rõ ràng rằng “đổi mới mà không mạo hiểm là bóp nghẹt sự đổi mới”. Ông đã nói về các nền tảng fintech (công nghệ tài chính), nhưng cũng có thể đề cập đến sự đổi mới toàn diện, đặc biệt là trong các công nghệ nền tảng, vốn không phải là thế mạnh lớn nhất của Trung Quốc.

Điều này trở thành trọng tâm trong những thách thức mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt những năm tới. Đại dịch đã dạy cho chúng ta rằng khi một nhà nước độc tài và đảng kiểm soát thể hiện khả năng của mình trong việc quản lý tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, thì nó không quá phù hợp với nhiệm vụ lâu dài và phức tạp là phát triển kinh tế bền vững. Vì vậy, để thực hiện các mục tiêu tự cung tự cấp, cần phải có những cải cách sâu sắc đối với cả thể chế chính thức và phi chính thức (chính trị, luật pháp, học thuật, truyền thông, tài khóa, tài chính và xã hội) chi phối hành vi kinh tế và tài chính. Những điều này đều cần thiết, nhưng dường như không phải là trọng tâm mà ĐCSTQ hướng tới.

Tác giả George Magnus là Cộng tác viên Nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc, Đại học Oxford, Trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi, và là thành viên của Diễn đàn Tầm nhìn Trung Quốc. George là Nhà kinh tế trưởng, và sau đó là Cố vấn Kinh tế Cấp cao tại Ngân hàng Đầu tư UBS từ 1995-2016. Trước đó, ông đã từng làm Kinh tế trưởng tại SG Warburg (1987-1995), và trước đó tại Laurie Milbank / Chase Securities, Bank of America và Lloyds Bank.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của NTDVN.

Mộc Trà - Đức Duy

Theo China Dialogues

 

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Sự phục hồi của Trung Quốc sau dịch COVID-19: những mảng tối sáng đan xen