Sự kết thúc của kỷ nguyên ‘Made in China’?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các chính sách độc tài, tàn bạo, tham lam để vơ vét và thống trị bằng mọi giá tài nguyên thế giới khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp ngày một e ngại Trung Quốc. Các nhà sản xuất toàn cầu không còn tìm được lợi nhuận khi các lợi thế kinh doanh tại Trung Quốc mất đi. Kỷ nguyên "Made in China" có thể kết thúc bất ngờ và Trung Quốc có thể phải đón nhận "một cuộc cách mạng mới" không mong muốn.

Kể từ năm 1979, các công ty nước ngoài đã mở dây chuyền sản xuất dọc bờ biển của Trung Quốc. Điều này dẫn đến sự tăng trưởng kinh tế chưa từng có cho nền kinh tế này. Nhưng sự tăng trưởng nhờ nguồn vốn FDI từ các nền kinh tế dân chủ này dường như đang dừng lại. Các công ty nước ngoài ngày càng gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc họ phải rời khỏi Trung Quốc. Lợi thế về chi phí khi đầu tư vào Trung Quốc đang giảm do những lo ngại như chuyển giao công nghệ, trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát chất lượng, gian lận tài chính, vi phạm hợp đồng, chi phí quản lý và hậu cần. Sự trừng phạt bằng công cụ thuế của Mỹ lên các hành vi này cũng như sự cảnh giác của EU đã khiến Trung Quốc ngày một mất đi lợi thế chi phí so với các nền kinh tế khác trong khu vực.

Nhân viên công ty nước ngoài lo lắng về sự đe dọa, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và mức độ ô nhiễm. Các chính phủ trên toàn thế giới lo ngại về sự phụ thuộc và gián đoạn chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Do sở hữu một hệ thống khép kín và không rõ ràng, các công ty không thể tiến hành thẩm định báo cáo tài chính hàng quý và hàng năm của các đối tác địa phương. Số liệu thống kê kinh tế của chính phủ và địa phương đôi khi là bịa đặt. Trung Quốc đang đánh mất lợi thế lao động giá rẻ do AI và tự động hóa. Các luật lệ về xã hội, không gian mạng và quản trị cũng như các hoạt động tuyển dụng không công bằng của các đối tác địa phương đang trở thành mối quan tâm rất lớn. Các nhà báo nước ngoài và gia đình của họ làm việc tại Trung Quốc cũng bị đe dọa và uy hiếp bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Và dưới đây là những gì mà các nhà đầu tư nước ngoài phải chịu đựng khi bỏ tiền vào Trung Quốc, đó là lý do kỷ nguyên "Made in China" sẽ kết thúc.

Pháp luật Trung Quốc chưa bao giờ bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài

Các công ty đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc đang gặp khó khăn với các đối tác địa phương, dẫn đến các tranh chấp và kiện tụng thương mại tốn kém. Các nguyên nhân bao gồm vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng, bất thường trong báo cáo kế toán, vi phạm nhãn hiệu và trộm cắp bằng sáng chế, gian lận thương mại và tài chính, nợ không được tiết lộ hoặc tranh giành quyền kiểm soát trong các liên doanh.

Không chỉ các công ty đầu tư trực tiếp tại Trung Quốc, các nhà đầu tư gián tiếp của Trung Quốc trên thị trường trái phiếu của nước này cũng nhận quả đắng vì các lời hứa suông và cuộc thanh trừng nội bộ của ĐCSTQ khiến 82 tỷ USD của các trái chủ nước ngoài có thể không nhận được chi trả từ Bắc Kinh như các cam kết "mạnh mẽ" khi phát hành trái phiếu USD ở nước ngoài.

Môi trường pháp lý và tuân thủ vẫn chưa rõ ràng. Các thẩm phán ở các tòa án cấp thấp hơn hoặc ở các vùng sâu, vùng xa có ít kinh nghiệm trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến các công ty nước ngoài. Các nhà làm luật quan liêu thực hiện các quy tắc theo lợi ích chính trị của họ. Nhiều công tố viên và nhân viên cảnh sát Trung Quốc không được đào tạo đầy đủ về luật pháp dẫn đến việc giảm hiệu quả của các vụ tố tụng thương mại.

Thiếu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là một vấn đề lớn khi đầu tư sản xuất ở Trung Quốc. Theo Phòng Thương mại Hoa Kỳ, 86% hàng giả trên thế giới đến từ Trung Quốc. Kết hợp với thực tiễn là việc sử dụng bất hợp pháp tên công ty, nhãn hiệu và bằng sáng chế thiết kế.

Hành vi trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ lên tới 600 tỷ USD mỗi năm, đây là một trong những vụ chuyển giao tài sản lớn nhất trong lịch sử. Con số này còn lớn hơn mức thặng dư thương mại kỷ lục của Trung Quốc vào Mỹ hàng năm, là khoảng 500 tỷ USD.

Các công ty Trung Quốc đã đánh cắp bí mật thương mại từ nhiều lĩnh vực như ô tô, hàng không, hóa chất, điện tử tiêu dùng, phần mềm, công nghệ sinh học và dược phẩm. Trung Quốc đã đánh cắp dữ liệu từ các dự án quốc phòng của Mỹ như F-35, Hệ thống chiến đấu Aegis, hệ thống tên lửa Patriot, các phương tiện không người lái dưới nước và camera ảnh nhiệt. Bắc Kinh thậm chí còn hậu thuẫn một chiến dịch do tin tặc nhằm đánh cắp IP để hỗ trợ sự phát triển của máy bay C919.

Chuyển giao công nghệ cưỡng bức trong khi hợp pháp hóa 'hàng nhái'

Chuyển giao công nghệ cưỡng bức là điều kiện để các nhà sản xuất nước ngoài được đầu tư và kinh doanh tại đây. Theo luật của Trung Quốc, các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho một đối tác địa phương. Sau khi có chuyên môn kỹ thuật và thành thạo về sản phẩm, đối tác địa phương thành lập công ty đối thủ và bán sản phẩm tương tự dưới nhãn hiệu mới và sự bảo hộ hợp pháp. Bây giờ công ty nước ngoài có đối tác cũ là đối thủ cạnh tranh. Trong khi các công ty nước ngoài chi hàng tỷ USD cho R&D thì các công ty Trung Quốc nhận được công nghệ miễn phí.

Lưu ý thêm rằng ở Trung Quốc, luật pháp quy định rằng nhãn hiệu mới đăng ký được bảo hộ và không được xem là hàng nhái nếu thiết kế công nghiệp, thiết kế thương hiệu có một điểm nhỏ khác với nhãn hiệu đã có trước đó. Vì thế người dân toàn cầu ngỡ ngàng trước thương hiệu iphone, coca-cola của Trung Quốc chỉ khác một dấu chấm, một nét gạch ngang so với chính hãng. Nét khác biệt giữa hàng nhái hợp pháp của Trung Quốc và hàng thật phải hết sức tinh mắt người tiêu dùng mới có thể nhận ra.

Chuyển giao công nghệ cưỡng bức trong khi tạo khung pháp lý hợp thức hóa việc nhái thương hiệu sản phẩm đích thị cùng nằm trong một chiến lược hợp pháp hóa hành vi trộm cắp tại thị trường lớn nhất thế giới này.

Việc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ đang dẫn đến sự cạnh tranh không cân xứng do các công ty Trung Quốc sản xuất hàng giả. Các đối thủ cạnh tranh trong nước đang bán sản phẩm với giá thấp hơn trên thị trường trong nước và nước ngoài dẫn đến các công ty nước ngoài bị thua lỗ. Các công ty Trung Quốc đang trở nên năng suất hơn và cạnh tranh hơn khiến các lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ gặp rủi ro. Các công ty nước ngoài hoạt động dựa trên giả định rằng những rủi ro này có thể được quản lý. Nhưng họ đang gây tổn hại cho các công ty nước ngoài khi các đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc phát triển mạnh hơn, cung cấp hàng hóa giá rẻ nhờ các công nghệ bị đánh cắp và không tốn xu nào cho chi phí R&D.

Bị đánh cắp thông tin và bị kiểm soát bắt buộc bởi người của ĐCSTQ

Chính phủ Trung Quốc đánh cắp công nghệ từ các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc phải tuân theo các quy tắc của ĐCSTQ bằng cách hoàn thành vai trò thu thập thông tin tình báo của nhà nước. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet địa phương hợp tác với chính phủ để giám sát email. Nhiều chủ sở hữu của các công ty địa phương là thành viên của ĐCSTQ. Thực hiện hoạt động gián điệp và chuyển giao dữ liệu cá nhân của các công ty Trung Quốc cho nhà nước được quy định trong các luật như Điều 27 của Luật An ninh mạng. Các quy định mới của ĐCSTQ kêu gọi thành lập các chi bộ đảng trong tất cả các công ty tư nhân. Có trường hợp như Công ty Walt Disney buộc phải chứa tới 300 thành viên ĐCSTQ tại công viên Thượng Hải.

Các chính phủ nước ngoài đã phát hiện ra các chiến dịch gián điệp tinh vi nhắm vào nhân viên trong các khách sạn trên khắp Trung Quốc. Theo cộng đồng tình báo Hoa Kỳ, thông tin đã được phân loại được thu thập từ các thiết bị di động sau khi nhân viên đã đăng nhập vào các kết nối không dây có vẻ riêng tư và an toàn. Cơ quan tình báo Trung Quốc có thể theo dõi vị trí và đánh chặn liên lạc trên điện thoại di động. Các công ty đã mất công nghệ phanh và pin ô tô, công nghệ đường sắt tốc độ cao, dữ liệu thử nghiệm hàng không và các công thức hóa học và dược phẩm có giá trị. Các công ty ngày càng lo ngại về môi trường giám sát phức tạp và phổ biến ở Trung Quốc.

Biểu tình gây tổn thất lớn trong sản xuất

Tăng trưởng chậm lại đang thúc đẩy sự bất mãn trong lao động ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Trong vài năm qua, các vụ biểu tình, đình công của lao động tại các trung tâm sản xuất như Thiên Tân, Thượng Hải, Quảng Đông và Giang Tô đã gia tăng đáng kể. Sự khác biệt lớn về kinh tế giữa các tỉnh nội địa và các tỉnh ven biển đã giúp thúc đẩy sự bất mãn. Công đoàn do nhà nước lãnh đạo và những hạn chế đối với sự di chuyển của người lao động cũng đang ảnh hưởng tiêu cực đến các công ty.

Các công ty đang trải qua các cuộc biểu tình, đình công và đóng cửa. Dự kiến ​​sẽ có nhiều biến động trên thị trường lao động khi Trung Quốc thực hiện tự động hóa để giảm chi phí. Theo Bản tin Lao động Trung Quốc, đã có 9.570 cuộc đình công ở Trung Quốc từ năm 2015 đến năm 2020. Xung đột giữa người lao động và quản lý địa phương báo hiệu sự kết thúc của kỷ nguyên sản xuất giá rẻ và bắt đầu một môi trường đầy thách thức cho các công ty FDI cũng như các doanh nghiệp trong nước.

Cho đến nay, sau hai lượt công ty Nhật Bản nộp đơn xin trợ cấp, số công ty có ý định rút khỏi Trung Quốc đã vượt quá 1.700. Các nhà phân tích cho rằng nhiều quốc gia, bao gồm cả Nhật Bản, đã nhận ra rằng họ không thể dựa vào sản xuất của Trung Quốc. (PHILIP FONG / AFP via Getty Images)
Theo Bản tin Lao động Trung Quốc, đã có 9.570 cuộc đình công ở Trung Quốc từ năm 2015 đến năm 2020. Xung đột giữa người lao động và quản lý địa phương báo hiệu sự kết thúc của kỷ nguyên sản xuất giá rẻ và bắt đầu một môi trường đầy thách thức cho các công ty FDI cũng như các doanh nghiệp trong nước. (PHILIP FONG / AFP via Getty Images)

'Tinh thần Đại Hán' mù quáng làm khiếp sợ doanh nghiệp FDI

Trung Quốc sử dụng người dân của mình như một vũ khí để từ chối các công ty tiếp cận thị trường nếu họ không tuân theo các đường lối của ĐCSTQ. Các công ty có thể bị cấm hoạt động ở Trung Quốc nếu nhân viên của họ đưa ra bình luận trên mạng xã hội mà Trung Quốc coi là bất lợi cho các chính sách độc tài của họ. Các công ty phải tuân thủ các chính sách của chính phủ, nếu không họ sẽ bị ném đá và trở thành mục tiêu của các chiến dịch bôi nhọ trên mạng xã hội.

Các cuộc biểu tình chống lại các công ty được cảnh sát xử lý và kiểm soát tùy thuộc vào yêu cầu của ĐCSTQ. Công dân Trung Quốc đã làm hư hại tài sản của Nhật Bản để phản đối yêu sách của Nhật Bản về quần đảo Senkaku. Trong tranh chấp với Hàn Quốc về việc triển khai tên lửa THAAD, công dân Trung Quốc đã tham gia biểu tình phản đối các công ty Hàn Quốc. Mạng xã hội Trung Quốc kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Hàn Quốc. Ngành công nghiệp giải trí của Hàn Quốc buộc phải hủy các show diễn tại Trung Quốc. Việc bán các sản phẩm làm đẹp và mỹ phẩm nổi tiếng của Hàn Quốc đã bị ảnh hưởng. Điều này khiến các khoản đầu tư của Hàn Quốc vào Trung Quốc giảm xuống.

Chi phí kinh doanh ở Trung Quốc cao ngang Mỹ nhưng năng suất thấp hơn

Chi phí lao động của Trung Quốc cao hơn hầu hết các nước ASEAN. Trung Quốc đã đạt đến mức độ dân số tới hạn vì mức sống của họ gần bằng mức sống của các nước phát triển. Đa số công nhân cổ xanh Trung Quốc sinh trong những năm 1980 và 1990 lo ngại về tiền lương, lợi ích tài chính, các vấn đề xã hội và quyền tại nơi làm việc. Chi phí kinh doanh đang tăng lên khi chính phủ ban hành luật mới yêu cầu các công ty tăng cường lương thưởng cho nhân viên và phúc lợi nhân sự. Chi phí vận hành một nhà máy ở Mỹ và Trung Quốc gần như tương đương trong khi công nhân Mỹ có năng suất cao hơn nhiều so với các đối tác Trung Quốc .

Sản xuất ở Trung Quốc không còn nhiều lợi thế khi đất đai, hậu cần, thuế hải quan, thuế quan thương mại, chiến tranh thương mại, chuyển giao công nghệ, trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ và chi phí nhân viên được xem xét. Ngày nay, các công ty đang đưa chuỗi cung ứng về nước trong khi các công ty Trung Quốc đã thành lập các nhà máy sản xuất tại các thị trường quốc tế nơi người tiêu dùng của họ cư trú.

'Thoái Trung' không phải là không thể

Khó khăn trong việc tách rời khỏi Trung Quốc đã là một chủ đề phổ biến trên các phương tiện truyền thông. Theo một số chuyên gia, thế giới đã quá phụ thuộc vào hệ thống sản xuất của Trung Quốc sau nhiều thập kỷ nước này là "công xưởng sản xuất toàn cầu". Chúng thúc đẩy toàn cầu hóa và sự di chuyển tự do của các ngành công nghiệp và hàng hóa. Nhưng trớ trêu thay, việc thúc đẩy toàn cầu hóa của họ lại mâu thuẫn với lập luận của họ cho rằng rất khó để tách khỏi Trung Quốc.

Toàn cầu hóa có nghĩa là các ngành công nghiệp không bị hạn chế bởi các chính sách cưỡng chế của chính phủ. Sản xuất ở Mỹ hoặc châu Âu sẽ không làm suy yếu các công ty và cổ đông. Chuyển giao công nghệ và trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ không phải là một phần trong sự phát triển của Đức và Nhật Bản. Những gã khổng lồ công nghiệp và công nghệ này được hưởng một môi trường tự do, pháp quyền và văn hóa kinh doanh cạnh tranh. Một số chuyên gia cho rằng Mỹ sẽ không để Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh. Nếu đúng như vậy thì Mỹ đã không cho phép các công ty châu Âu thách thức các công ty Mỹ. Airbus với tư cách là đối thủ cạnh tranh với Boeing sẽ không tồn tại.

Một số nhà phân tích thảo luận về khoảng cách kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Họ kết luận rằng các công ty nước ngoài không thể phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam do thiếu cơ sở hạ tầng. Nhưng trong những năm 1980, Mỹ là một nền kinh tế tiên tiến và đi trước nhiều năm về cơ sở hạ tầng khi Trung Quốc mở cửa cho đầu tư nước ngoài. Trung Quốc thiếu các cơ sở công nghiệp và lao động được đào tạo vì nước này đã bị tàn phá nặng nề sau cuộc cách mạng văn hóa đẫm máu và chiến tranh với Việt Nam. Nhưng vào năm 1980, các chuyên gia đã không cho rằng Trung Quốc là một nền kinh tế kém phát triển. Và về cơ sở hạ tầng, Việt Nam đương đại tốt hơn nhiều so với Trung Quốc vào năm 1980.

Các công ty đang đa dạng hóa tài sản để đảm bảo môi trường kinh doanh. Các thị trường mới nổi như Việt Nam và các thị trường chân trời như Campuchia và Lào là tương lai của ngành sản xuất. Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc có cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới. Khu vực APAC năm 2021 không phản ánh châu Âu đổ nát của năm 1945.

Trung Quốc đang tiến tới một nền kinh tế đóng cửa như Liên Xô

Rủi ro đối với các công ty nước ngoài đang tăng lên khi Trung Quốc trở nên độc tài hơn dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Cách tiếp cận theo chủ nghĩa can thiệp của Trung Quốc đang gây tổn hại cho các công ty. Các chính sách cưỡng chế của chính phủ, vi phạm các quy định của WTO, quyền lực tùy nghi của ĐCSTQ, quân đội thù địch và chính sách ngoại giao lôi kéo đều đang ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh. Các cuộc điều tra của Trung Quốc đối với các công ty, căng thẳng dai dẳng với các nước láng giềng và mức lương cao ngất ngưởng đã khiến các công ty phải rời khỏi Trung Quốc. Theo kết luận hợp lý của họ, các chính sách đầu tư của Trung Quốc sẽ dẫn đến một nền kinh tế đóng cửa như Liên Xô trước đây.

Trung Quốc đang thụt lùi về kỷ nguyên cách mạng văn hóa tập trung, nơi bộ phận tuyên truyền của chính phủ và các phe phái cứng rắn trong đảng ép buộc quần chúng phải tuân theo hệ tư tưởng của ĐCSTQ. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giúp tạo ra sự ổn định sau vụ thảm sát Thiên An Môn. Nhưng vốn FDI giảm sẽ làm chậm tiến bộ công nghệ và làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc . Điều này chắc chắn sẽ tạo ra thất nghiệp và có lẽ một ngày nào đó là một cuộc cách mạng mới.

Cạnh tranh bất cân xứng của các công ty Trung Quốc, trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ là những mối đe dọa hiển nhiên nhưng bị bỏ quên có tác động to lớn với hậu quả nghiêm trọng đối với các công ty nước ngoài. Mất thương mại và thị trường dẫn đến sự sụp đổ của các nền văn minh cổ đại. Môi trường đầu tư không thuận lợi có thể dẫn đến sự sụp đổ của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc kinh tế. Đây không phải là sự tạm dừng mà là sự kết thúc của kỷ nguyên “Made in China”.

Lê Minh

Theo Geopolitical Monitor



BÀI CHỌN LỌC

Sự kết thúc của kỷ nguyên ‘Made in China’?