Sự bí ẩn của giới siêu giàu Đức: Sống ‘ẩn thân’, không bao giờ phô trương tài sản và lặng lẽ đóng góp cho xã hội

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hầu như mọi người đều biết tỷ phú Bill Gate, Jeff Bezos bỏ vợ thế nào, Mark Zuckerberg lấy vợ Tàu ra sao, Bernard Arnault - người giàu nhất nước Pháp sống sang chảnh đến mức độ như thế nào...Người giàu ở nhiều quốc gia được mọi người trong nước và cả thế giới chú ý về ngoại hình, lối sống vì họ thường xuất hiện tại nhiều sự kiện truyền thông, thậm chí còn trở thành những nhà cố vấn, diễn giả để nói về kinh nghiệm thành công của mình. Nhiều bài phát biểu của họ thậm chí còn trở thành sản phẩm thương mại được săn đón trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, có một đất nước với nền kinh tế rất phát triển, nền công nghiệp sản xuất ở trình độ tiên tiến nhất và những công ty đình đám thế giới. Nhưng điều kỳ lạ là ít ai biết đến tên tuổi của những người giàu có của đất nước này. Đó chính là nước Đức.

Danh tính và cuộc sống của giới siêu giàu Đức luôn là ẩn số. Họ lựa chọn cuộc sống không phô trương và hầu như không bao giờ xuất hiện trước truyền thông, thậm chí từ chối tham dự các cuộc gặp mặt với bạn học cũ có nhiều mức sống khác nhau. Họ không thể hiện cuộc sống cá nhân ở nơi công cộng. Họ cố gắng giữ cuộc sống kín đáo hết mức có thể.

Người giàu có ở Đức rất thích ẩn danh

Nước Đức có 153 tỉ phú tính theo giá trị công ty và hồ sơ thuế còn không thể biết được tài sản thật là có bao nhiêu. Số tỉ phú Đức nhiều nhất châu Âu, gấp đôi Anh và Pháp, đứng thứ 3 thế giới và đứng số 1 nếu tính theo tỉ lệ dân số. Có rất nhiều công ty và gia tộc giàu có nhiều đời không niêm yết, không lên sàn chứng khoán và cho đến hôm nay vẫn quản lý công ty theo mô hình gia đình. Giới siêu giàu Đức khác với các quốc gia khác như Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc là họ rất thích ẩn danh.

Anh em nhà Aldi, nhà bán lẻ lớn nhất nước Đức, là gia đình giàu nhất nước Đức với khối tài sản chung trị giá tới 40 tỷ EUR. Nhưng cuộc sống của họ hoàn toàn không được tiết lộ. Họ luôn từ chối phỏng vấn và né tránh sự xuất hiện trước giới truyền thông, sự kiện công cộng. Đến nay, chỉ có vài bức ảnh được lưu truyền về những huyền thoại kinh doanh của nước Đức này.

Dieter Schwartz, người giàu thứ hai nước Đức và là một trong những người sáng lập ra cửa hàng bán lẻ Lied, với khối tài sản khoảng 17 tỷ euro. Người ta vẫn chỉ biết tên mà không bao giờ nhìn thấy ông một cách chính thức, như thể ông không tồn tại trên thế giới này. Vì thế, nếu ông có đi dạo ở công viên cũng không ai có thể biết rằng đây là người giàu có bậc nhất nước Đức.

Những ví dụ như trên về giới người giàu Đức còn rất nhiều.

Một tổ chức từng liên hệ với 400 triệu phú Đức nhưng chỉ chưa đầy 1% trong số đó sẵn sàng chấp nhận phỏng vấn. Thậm chí những người chấp nhận phỏng vấn cũng rất miễn cưỡng. Do vậy, hầu hết các báo cáo khảo sát về sự giàu có của người Đức đều dựa trên suy đoán từ số liệu và phân tích của các tổ chức liên quan, không có báo cáo nào là chính thức và được xác nhận bởi cơ quan có thẩm quyền.

Doanh Nhân, Thành Công, Cổ Phiếu Trao Đổi Con Số, Bóng
Ảnh: Pixabay

Họ lựa chọn một cuộc sống "vô hình", hòa lẫn với đám đông

Ông Dieter Schwart cũng không bao giờ nhận lời phỏng vấn của truyền thông. Thậm chí, ông còn từ chối nhận nhiều giải thưởng, huân chương danh dự do chính phủ trao tặng. Ông thường lái một chiếc xe bình thường, mặc quần áo cực kỳ bình thường, thích đi xem hòa nhạc cùng vợ…

Theo khảo sát của một công ty dịch vụ thiết kế nơi ở ở Munich cho thấy, những người giàu cũng sống trong những khu phố bình thường, những dãy nhà không có tường bao quanh, trước và sau nhà đều là nơi công cộng, mọi người tự do đi lại…Họ sở hữu các khu resort hoặc hòn đảo riêng ở một số quốc gia khác nơi không ai biết họ để về đó nghỉ. Các gia tộc này thường để tài sản ở nhiều nơi, tài khoản ngân hàng ở nhiều quốc gia, tuyệt đối không vào phòng VIP của ngân hàng địa phương.

Mặc dù biệt thự của những người giàu có tại Đức có diện tích lớn, nhưng hầu hết đều có thiết kế tương tự như những ngôi nhà khác trong khu vực. Mọi người xung quanh cũng không mấy chú ý đến thân thế của chủ nhân biệt thự. Bên cạnh chuông cửa ở lối vào có thể viết tới 5 cái tên khiến người ta có cảm giác có 5 gia đình chung sống tại biệt thự rộng lớn này. Trên thực tế, toàn bộ biệt thự chỉ thuộc sở hữu của một gia đình giàu có. Hơn nữa 5 cái tên đó đều là biệt hiệu, cũng không phải tên riêng của chủ nhân. Bí mật này chỉ có bưu điện địa phương mới hiểu được.

An ninh của biệt thự là điều tất nhiên được đảm bảo nghiêm ngặt với hệ thống chống trộm điện tử, có vệ sĩ túc trực suốt ngày đêm.

Người Đức cũng rất coi trọng quyền tư ẩn, luật pháp bảo vệ quyền riêng tư. Các tỷ phú triệu phú, quan chức chính phủ Đức có thể hòa mình vào trong đám đông và ít bị làm phiền như những nơi khác trên thế giới. Một ông già dắt chó đi dạo trên hè phố cũng có thể là một tỷ phú. Một cụ bà bình thường trong làng cũng có thể là một tài phiệt nằm trong danh sách những người giàu nhất hành tinh.

Khi một tờ báo nêu đích danh tỉ phú Heinz của gia tộc Dürr đã mua lại và tư nhân hóa công ty xe lửa nhà nước của cả Đông Đức và Tây Đức (Deutsche Bundesbahn và Deutsche Reichsbahn) rồi hợp nhất thành Deutsche Bahn AG của tư nhân. Tỷ phú Heinz Dürr đã gọi điện đến tòa soạn xin tổng biên tập xem xét đừng đăng vì vi phạm quyền tư ẩn.

Luôn tránh tiết lộ danh tính và tài sản của mình

Trong tầng hầm của ngôi biệt thự có thể có tới 5 chiếc xe ô tô cổ đắt giá. Nhưng khi ra ngoài, người giàu Đức luôn lái những chiếc xe thông thường của mình. Vì vậy không ai biết được danh tính của người giàu sống bên cạnh mình.

Người giàu ở Đức không bao giờ công bố tài sản thực sự của họ là bao nhiêu. Tất nhiên, đối với những công ty lớn, các cơ quan chức năng khảo sát mức độ giàu có bằng cách sử dụng dữ liệu về sự phát triển của công ty để dự đoán mức độ giàu có của chủ sở hữu. Tuy nhiên, người giàu có sở hữu các công ty lớn nhất của Đức đều "giấu mặt". Hầu hết đó là những công ty gia đình, được truyền từ đời này sang đời khác và không được liệt kê vào các danh sách trên truyền thông.

Cách dựa vào lối sống của người giàu thông thường để xác định tài sản của giới thượng lưu Đức cũng không hiệu quả. Bởi hầu hết họ không quan tâm đến những thứ phô trương như Rolls-Royce, Ferrari hay du thuyền…

Nếu bạn google tên tỷ phú Dieter Schwarz, sẽ không tìm kiếm được thông tin gì hết ngoài một trang giới thiệu trên Wikipedia, cánh truyền thông chưa bao giờ phỏng vấn được chứ đừng nói là lên truyền hình. Không có bài báo nào nói về ông, không tài khoản mạng xã hội, thậm chí không một bức ảnh nào về gia đình ông.

Nữ tỷ phú Susanne, con gái của gia tộc Quandt nổi tiếng, sở hữu tập đoàn BMW, khi mới tốt nghiệp đại học, vào làm cho công ty gia đình dưới một tên giả, làm từ vị trí nhân viên, cả tập đoàn không ai biết. Ngay cả người yêu và sau này là chồng cũng không biết thân phận thật của cô cho đến ngày cưới.

Theo một nghiên cứu của PWC, một trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất trên thế giới, các gia tộc siêu giàu của Đức có những “quốc pháp gia phong” (family code). Ví dụ như “Gia Luật” của gia tộc Reimanns, dòng họ quản lý tập đoàn Jab nắm giữ nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới, việc giữ bí mật gia đình là tối thượng. Tất cả các thành viên trong gia đình khi đủ 18 tuổi bắt buộc phải ký Điều lệ giữ bí mật, theo đó họ cam kết:
Tránh xa phương tiện truyền thông xã hội,
Tránh bị chụp ảnh trước công chúng và
Từ chối các cuộc phỏng vấn,
Không được để ảnh hưởng đến công việc hàng ngày của doanh nghiệp gia đình.

Đường Chân Trời, Doanh Nhân, Tòa Nhà Chọc Trời
Ảnh: Pixabay

Tại sao người Đức lại ‘lạ lùng’ như vậy?

Nguyên nhân lịch sử

Có thể lịch sử bi thương đã dạy cho họ nhiều bài học, từ chuyện chiến tranh tàn phá, tài sản bị quốc hữu hóa, sau chiến tranh có thể bị bên thắng cuộc đưa ra tòa vì tội đóng góp cho phe thua cuộc. Sự thực thì đã nằm trong một quốc gia tham chiến tránh sao được chuyện đó. Nếu họ hở ra là có thể bị đối thủ công kích rằng họ có dính dáng đến phát xít hoặc giới cần lao ở quê hương của cụ tổ cộng sản đấu tố là giai cấp bóc lột.

Chính vì vậy người Đức cho dù rất giàu nhưng họ thường cố gắng sống ẩn danh, sống “vô hình” không khoa trương, tránh lên truyền thông, không tham gia các chương trình truyền hình kiểu Shark. Người giàu có và quyền lực ở Đức cũng hiếm khi viết sách về bí quyết thành công, quy tắc quản lý của bản thân. Bởi họ hiểu rằng, triết lý kinh doanh, quy tắc thành công của riêng họ là duy nhất và khó để sao chép, chuyển giao cho người khác, ngành khác hiệu quả.

Dirk Rossmann, người sáng lập ra một chuỗi siêu thị kiêm hiệu thuốc mang tên ông, Rossmann, nói rằng những người giàu Đức rất e dè, cẩn trọng vì họ lo lắng sẽ có những phát biểu hoặc hành động sai lầm gây phản ứng tiêu cực với dân chúng, đặc biệt Đức là quê hương của chủ nghĩa xã hội. Các gia tộc siêu giàu cũng không muốn sống một cuộc đời khác thường, phải sống trong sợ hãi, luôn lo sợ với sự an toàn của bản thân và gia đình, có thể bị bắt cóc hoặc bị ám sát vì các lý do cướp của, tống tiền hoặc cực đoan chính trị. Cậu bé Jakob von Metzler, 11 tuổi, dòng dõi quý tộc, thành viên của một triều đại ngân hàng Đức bị bắt cóc và bị giết vào năm 2002.

Báo chí Đức tự do và có rất nhiều nhà báo Đức thiên tả và thể hiện thái độ thù địch theo bản năng đối với những người theo chủ nghĩa tư bản. Tạp chí Stern nổi tiếng đã từng giật tít trang bìa bài cover story nhan đề “Người giàu không biết xấu hổ”, các báo khác như Die Zeit, chạy các bài về “trách nhiệm của người giàu”, và đề nghị đánh thuế tài sản của người giầu cao hơn nữa. Ông Tobias Prestel của Prestel & Partner, nhà quản lý tài sản của các gia tộc siêu giàu cho biết “Ông chủ của một đế chế toàn cầu sẽ bị đập chết trên các phương tiện truyền thông Đức”.

Các gia tộc Quandts , Krupps , Porsches và nhiều gia tộc khác đã phải vật lộn với những di sản tiền nhân để lại bị kết tội thân phát xít. Vào năm 2000, 4.760 công ty của Đức bao gồm Siemens, Daimler, Deutsche Bank và Volkswagen, đã tạo ra một quỹ từ thiện quyên góp hơn 5 tỷ EUR để bồi thường cho những người sống sót vì hành động tàn bạo của chính quyền Đức quốc xã, còn họ chỉ là các công ty hoạt động vào thời Đức quốc xã cầm quyền.

Văn hóa Đức

Đức là quốc gia có trầm tích văn hóa sâu sắc. Những người giàu biết rằng, muốn được người khác tôn trọng thì chỉ có tiền thôi là chưa đủ. Họ phải có cả phẩm chất văn hóa và ý thức xã hội. Việc khoe của cải bị coi là thô tục, thiếu giáo dục và bị người khác coi thường. Vì vậy, không chỉ giới thượng lưu mà ngay cả những người có thu nhập cao như các giám đốc, trưởng phòng cũng không phô trương tiền bạc.

Đặc điểm này của giới thượng lưu Đức liên quan đến việc phần lớn họ làm giàu từ nền tảng lâu dài, không dễ dàng kiếm được tiền. Ngay cả thế hệ thứ 2, thứ 3 của người giàu Đức cũng hiểu sâu sắc rằng, đằng sau sự giàu có của gia đình họ là sự chăm chỉ, nỗ lực của nhiều thế hệ trong gia đình.

Trên thực tế, con cháu của những người giàu có ở Đức không ngừng học hỏi. Như người thừa kế của tập đoàn BMW Susan Covant từng bí mật làm việc tại công ty gia đình từ vị trí thấp nhất để học hỏi nhưng không ai biết.

Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, để tăng năng lực cạnh tranh, nhiều công ty Đức đã buộc phải công bố một số thông tin ra công chúng và trong kỷ nguyên Internet sẽ khó để sống cuộc sống “mai danh ẩn tích” như trước đây. Họ khó trốn tránh được sự theo dõi của công chúng nhưng các gia tộc siêu giầu Đức vẫn cố gắng duy trì và bắt buộc thế hệ kế tục phải làm theo.

Hầu hết những người giàu ở Đức có tinh thần trách nhiệm xã hội cao, họ tích cực tham gia vào các hoạt động phúc lợi công cộng và thích quyên góp "ẩn danh". Hàng năm, các tổ chức từ thiện ở Đức thường nhận được những khoản quyên góp khổng lồ từ những người giàu ẩn danh.

Trong những năm gần đây, giới siêu giàu ở Mỹ như Bill Gates, Warren Buffett đã khởi xướng việc quyên góp tài sản để làm từ thiện và được ca ngợi rộng rãi ở Mỹ cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, giới siêu giàu ở Đức thì từ chối cách làm đó. Với họ, việc làm từ thiện nên được tiến hành âm thầm, như vậy mới có ý nghĩa thực sự…

Ngọc Minh



BÀI CHỌN LỌC

Sự bí ẩn của giới siêu giàu Đức: Sống ‘ẩn thân’, không bao giờ phô trương tài sản và lặng lẽ đóng góp cho xã hội