S&P cảnh báo: Các ngân hàng Trung Quốc có thể phải đối diện với khoản nợ xấu tăng thêm là 1,1 nghìn tỷ đô la

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các định chế tài chính của Trung Quốc có thể đụng phải các khoản vay khó đòi gia tăng, lên tới 7,7 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,1 nghìn tỷ đô la) do virus Corona bùng phát đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế nước này, S&P Global Ratings cảnh báo.

Trong một báo cáo phát hành hôm thứ Năm (20/2) tại Hồng Kông của S&P, hãng này cảnh báo sự bùng phát Covid-19 đã khiến những mảng lớn trong nền kinh tế đang phát triển của Trung Quốc bị đình trệ, và sẽ làm cho một số cá nhân và công ty "gặp khó khăn trong việc trả nợ". Với kịch bản xấu nhất là sự bùng phát dịch bệnh sẽ không giảm cho đến tháng Tư, S&P dự báo rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ chỉ tăng trưởng GDP ở mức 4,4% vào năm 2020.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, điều đó đánh dấu mức tăng trưởng chậm lại đáng kể từ 6,1% trong năm 2019 và là tốc độ yếu nhất kể từ năm 1990. Với kịch bản ở mức trung bình của S&P, trong đó virus suy yếu vào tháng tới, thì mức tăng trưởng năm 2020 sẽ là 5%, cũng là mức thấp nhất trong ba thập kỷ. Ngay cả trong trường hợp lý tưởng nhất khi virus suy yếu vào tháng Hai, tăng trưởng GDP cũng chỉ được dự báo ở mức 5,5%. Trong một kịch bản xấu nhất của S&P, "cú sốc tăng trưởng" có thể gây tăng giá trị các khoản nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng của Trung Quốc từ 7,7 nghìn tỷ lên đến 10,1 nghìn tỷ nhân dân tệ. Trong trường hợp trung bình, con số sẽ tăng trong khoảng 5,4 nghìn tỷ đến 7,8 nghìn tỷ nhân dân tệ. Trong trường hợp tốt nhất, nợ xấu sẽ tăng trong khoảng 3,4 nghìn tỷ đến 5,8 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Tỷ lệ nợ xấu được S&P dự báo tăng từ 4,5% - 7,8% theo các kịch bản khác nhau của Covid-19

Tỷ lệ nợ xấu trên tổng các khoản vay có thể sẽ là 7,8%, 6% và 4,5% theo các kịch bản từ xấu nhất đến trung bình và tốt nhất. S&P cho biết họ cũng mong rằng các cơ quan quản lý Trung Quốc sẽ nới lỏng các quy tắc cho những khoản được coi là nợ xấu, và sẽ cung cấp một số khoản vay nào đó cho các cộng đồng bị ảnh hưởng và "xem xét đặc biệt" trong kinh doanh về cách các khoản vay này được hạch toán trên bảng cân đối ngân hàng.

Công ty xếp hạng S&P cho biết "có thể mất nhiều năm để các ngân hàng trong nước trở lại các tiêu chuẩn thông thường do khả năng thanh toán nợ của một số tổ chức bị ảnh hưởng từ hậu quả lâu dài của dịch bệnh". Trung Quốc đã bắt đầu hành động nhằm kích thích kinh tế và tạo điều kiện trong hệ thống tài chính của mình. Lãi suất cho vay cơ bản, một lãi suất cho vay chính, đã giảm vào thứ Năm (20/2) sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đầu tuần này đã giảm một lãi suất cho vay trung hạn quan trọng khác.

Sự bùng phát virus Corona sẽ tạo ra một sự sụt giảm lớn trong các số liệu quan trọng năm 2020 của các ngân hàng Trung Quốc

Các kịch bản cho năm 2020 Tốt Trung bình Xấu
Virus suy yếu Tháng 2 Tháng 3 Tháng 4
Tăng trưởng GDP năm 2020 (năm/năm, %) 5,5 5,0 4,4
Tổng nợ xấu suy yếu (%) 4,5 6,0 7,8
Nợ xấu (Tỷ nhân dân tệ) 5,8 7,8 10,1
Tăng nợ xấu (Tỷ nhân dân tệ) 3,4 5,4 7,7
Khả năng dự phòng (%) 77 58 44
Tác động của CAR nếu nợ xấu mới hoàn toàn được dự phòng (các điểm cơ bản) (220) (350) (510)

CAR – Tỷ lệ an toàn vốn. *Bao gồm nợ xấu gián tiếp, các khoản vay lưu ý đặc biệt và các khoản vay được đưa ra xem xét đặc biệt trước khi được chính phủ tài trợ và xóa sổ. Nguồn: S&P Global Ratings

Tuy nhiên, dựa trên số liệu do PBoC công bố, S&P dự báo tỷ lệ nợ xấu năm 2019 khoảng 1,8%. Đây không phải là con số thuyết phục đối với giới đầu tư và các chuyên gia tài chính toàn cầu.

Từ năm 2016, khi Trung Quốc báo cáo tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,6% thì Fitch Rating - một trong 4 hãng đánh giá tín nhiệm hàng đầu - đã dự báo tỷ lệ nợ xấu của Trung Quốc ở mức 21% theo chuẩn phân loại nợ xấu quốc tế. Lý do Fitch Rating đưa ra rất thuyết phục bởi cách phân loại nợ xấu của Trung Quốc quá “độc đáo”, khác xa với chuẩn mực tài chính thế giới.

Nợ xấu ước theo chuẩn quốc tế của Trung Quốc trước Covid-19 đã rất xấu, cao hơn 10 - 15 lần con số báo cáo

Năm 2016, HSBC đã công bố một báo cáo về cách Trung Quốc phân loại nợ xấu (nợ loại 3, 4 và 5 theo cách phân loại của Việt Nam). Nợ xấu được ghi nhận theo thông lệ nếu quá hạn trả nợ 90 ngày (đối với cả nợ lãi và/hoặc nợ gốc) và khi đó ngân hàng thương mại (NHTM) phải trích dự phòng rủi ro cho khoản vay khó thu hồi này. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, nợ quá hạn hơn 90 ngày được coi là “bình thường” và chưa được phân thành nợ xấu nếu ngân hàng thương mại (NHTM) tin tưởng rằng có thể thu hồi nợ. Nợ xấu chỉ được ghi nhận tại các NHTM ở Trung Quốc khi ngân hàng thấy rằng khách hàng không thể trả được nợ (thậm chí không hoàn trả được ngay cả sau khi đã xem xét tài sản đảm bảo cho khoản vay).

Trong báo cáo này, một ví dụ về phân loại nợ xấu của NHTM Trung Quốc được đưa ra như sau: Công ty TNHH Thương mại Shenzhen gặp khó khăn trong kinh doanh, đã quá thời hạn 90 ngày nhưng không thể trả khoản vay 100 triệu nhân dân tệ (CNY) tại NHTM của mình. Tuy nhiên, NHTM này lại đang nắm giữ cổ phần của Shenzhen; và ngân hàng này cho rằng tài sản đảm bảo của Shenzhen tại thời điểm đó có giá thị trường lớn hơn nhiều so với khoản vay. Do tự tin có thể thu hồi nợ, nên khoản vay quá hạn hơn 90 ngày của Shenzhen không được NHTM này phân loại thành nợ xấu.

Như vậy, mức nợ xấu vượt ngưỡng 20% tổng dư nợ mà các hãng xếp hạng tín nhiệm, Bloomberg hay các chuyên gia ước tính cho nền kinh tế Trung Quốc là hoàn toàn có cơ sở xác thực và đáng tin cậy.

Theo lẽ thường, các NHTM Trung Quốc thà tin tưởng sẽ thu hồi được nợ còn hơn phân loại thành nợ xấu và phải trích lập dự phòng rủi ro (DPRR). Theo quy định, trích lập DPRR tối thiểu là 150% tổng nợ xấu trên bảng cân đối và không thấp hơn 2,5% tổng dư nợ. Không chỉ vậy, tỷ lệ nợ xấu công bố chính thức của Trung Quốc thấp hơn so với thực tế còn do các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, các ngân hàng - đặc biệt nhóm NHTM nhà nước - cần tiếp tục mở rộng tín dụng đối với doanh nghiệp nhà nước (SOEs) và chính quyền địa phương để phục vụ mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ, nên các NHTM cần lờ đi các khoản nợ xấu đối với nhóm khách hàng này. Việc có thể “làm ngơ” không phân loại nợ xấu được bảo hộ bởi chính sách (như đã nêu). Nhiều doanh nghiệp SOEs ngành nhôm, thép, khai khoáng đã buộc phải đóng cửa bởi dư cung (chương trình tái cơ cấu tổng cung nền kinh tế của Trung Quốc bắt đầu từ năm 2015). Nhiều SOEs này không thể thanh toán nợ cho NHTM. Để tránh tình trạng nợ xấu, các SOEs không còn hoạt động, không thể thanh toán nợ xấu nhưng cũng không thể phá sản!...

Thứ hai, sự phụ thuộc sống còn của NHTM vào bất động sản (BĐS) trong hàng thập kỷ qua đã khiến cho chính NHTM và chính quyền địa phương không thể để thị trường BĐS đổ vỡ. Tài sản đảm bảo (TSĐB) cho các khoản nợ tại NHTM hầu hết là BĐS, việc đảm bảo giá của BĐS chính là đảm bảo việc NHTM có thể hạch toán nợ loại 1, không phải trích lập DPRR, không nằm trong danh sách NHTM phải bị theo dõi và thu hẹp hoạt động. Đây là lý do Trung Quốc không thể kiềm chế dòng vốn tín dụng, tiếp tục thổi giá BĐS của nước này. Có vô số bằng chứng về các công trình xây dựng bỏ hoang, các thành phố xây xong không người ở ngày một thêm nhiều tại quốc gia này.

Thứ ba, các NHTM có thể bán nợ xấu lại cho 4 ngân hàng quốc gia lớn hoặc cho các công ty xử lý nợ xấu (AMCs). Khi đó, nợ xấu tại bảng cân đối kế toán của các NHTM giảm xuống, nằm ngoài hệ thống dữ liệu của khu vực ngân hàng, nằm im tại các công ty xử lý nợ xấu dưới dạng tài sản hoặc tại các NHTM nhà nước lớn dưới dạng “chứng khoán đầu tư”. Bằng cách này, nợ xấu thực tế vẫn nằm trong hệ thống NHTM nhưng dưới một cái tên khác là “chứng khoán đầu tư”; không có khoản DPRR nào được trích lập để bù đắp vào tổn thất và rủi ro của các khoản nợ xấu đó.

Thứ tư, tổng dư nợ của toàn hệ thống không ngừng tăng với tốc độ cao để khuyến khích tăng trưởng; khi mẫu số tăng với tốc độ lớn, thì tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cũng có thể duy trì ở mức thấp.

Một cách logic, không khó để hình dung rủi ro đạo đức trong ngành ngân hàng của Trung Quốc là rất lớn. Trong hai cuộc khủng hoảng tài chính gần đây, đặc biệt là cuộc khủng hoảng 2007-2008, rủi ro đạo đức cao và tính liêm chính trong ngành ngân hàng bị xói mòn chính là một trong những nguyên nhân căn bản khiến khủng hoảng xảy ra trên diện rộng, quy mô tổn thất lớn và khó lường.

Chỉ riêng với nợ xấu giả định ở mức trên 20% trong hệ thống NHTM với cơ cấu như mô tả ở trên, chưa kể đến nợ công, nợ bảo lãnh của Chính phủ, nợ doanh nghiệp và nợ trong hệ thống ngân hàng ngầm... thì số phận của nền kinh tế Trung Quốc đã hết sức mong manh. Không khó hiểu khi Trung Quốc phải cắt giảm dự trữ bắt buộc 8 lần kể từ đầu năm 2018 cho đến nay để bơm tiền cho nền kinh tế. Nhưng theo cơ cấu tín dụng như trên, có thể dự đoán phần đa dòng tiền bơm ra nhằm hà hơi cho thị trường BĐS và các khu vực sản xuất kinh doanh suy yếu vì thương chiến và nay kiệt quệ vì Covid-19. Do vậy, khi một mắt xích của nền kinh tế không thể trụ nổi, chuỗi đổ vỡ domino là khó tránh. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là chủ nợ và con nợ lớn của thế giới, sự đổ vỡ của nền kinh tế này có thể là điểm bắt đầu của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tiếp theo.

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

S&P cảnh báo: Các ngân hàng Trung Quốc có thể phải đối diện với khoản nợ xấu tăng thêm là 1,1 nghìn tỷ đô la